[Kỹ năng sống] Giúp trẻ bơi lội vui khỏe, an toàn
Mùa hè và những ngày nắng nóng sắp đến gần, bơi lội luôn được xem là một hoạt động hè mà các em thiếu nhi thích nhất.
Được vẫy vùng trong dòng nước mát lạnh giữa trời hè oi bức, tạo cảm giác thật dễ chịu, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, đây là lúc phụ huynh cần tạo cho trẻ một môi trường bơi lội trong lành và an toàn.
Dạy bơi cho trẻ nhỏ tại quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Bơi là vận động có sẵn trong tiềm thức mỗi người. Khi còn trong bào thai, trẻ đã sống hoàn toàn trong môi trường lỏng. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy dạy cho trẻ biết bơi lội sớm, trẻ sẽ có một sức khỏe dẻo dai hơn những trẻ khác.
Khi ở trong nước, cơ thể gần như ở trạng thái không trọng lượng do tác động của lực đẩy Acsimet, nhờ đó áp lực tì nén lên các khớp xương giảm đến mức thấp nhất. Khác hẳn khi ở trên cạn, các khớp xương và cơ bắp luôn phải tiêu hao thêm một số năng lượng để chống lại tác động của trọng lực đè ép từ trên xuống. Với trẻ em, khi áp lực trên các sụn tiếp hợp giảm đi sẽ giúp kích thích sự tăng trưởng chiều dài của xương. Vì thế, nói đi bơi giúp tăng chiều cao là hoàn toàn chính xác.
Khi bơi lội, các sóng nước xung quanh sẽ tác động xoa bóp làn da và cơ bắp toàn cơ thể. Điều này sẽ kích thích tăng sự lưu thông máu, cung cấp thêm nhiều dinh dưỡng cho các tế bào, thải trừ các chất không cần thiết hay độc hại.
Vì vậy, người bơi cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn hẳn tập luyện các bộ môn khác. Điều này cũng lý giải tại sao nhiều trẻ rất thích bơi. Nhiều phụ huynh phải khó khăn lắm mới có thể kéo chúng lên bờ.
Các động tác bơi lội đều nhái theo động tác trong tự nhiên như bơi ếch, bơi sải, bơi bướm… Vì thế nó có được sự cân bằng giữa các bắp cơ. Gần như toàn bộ cơ thể đều tham gia vận động khi chúng ta bơi. Một số bộ môn khác chỉ tác động lên một nhóm cơ hay một phần cơ thể.
Bơi lội không những giúp trẻ khỏe mạnh hơn mà còn giúp trẻ phát triển tối ưu chiều cao khi trưởng thành, đặc biệt hơn bơi lội giỏi có thể giúp trẻ tránh được tình trạng đuối nước (hay chết đuối) là một trong những tai nạn sinh hoạt rất thường gặp ở trẻ em.
Việc lo lắng nước hồ bơi không sạch làm cho trẻ dễ mắc các bệnh ngoài da, hoặc dễ bị nhiễm các bệnh lý tai mũi là lo lắng chung của rất nhiều phụ huynh. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi tham gia bộ môn bơi lội, phụ huynh cần lưu ý những nguyên tắc sau đây:
Nên cho trẻ đi khám bác sĩ để quyết định trẻ có thể tham gia hoạt động bơi lội được không.
Nên chọn hồ bơi đạt tiêu chuẩn chất lượng và có uy tín để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và nguồn nước dùng.
Nên có huấn luyện viên hướng dẫn cho trẻ cách học bơi một cách bài bản nhằm giúp trẻ bơi đúng cách và mang lại hiệu quả cao cho sức khỏe của trẻ.
Không nên để trẻ ngâm nước quá lâu, tối đa chỉ kéo dài 30 phút đối với trẻ dưới 5 tuổi và khoảng 1 giờ đối với trẻ lớn, để phòng ngừa chứng cảm lạnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Video đang HOT
Tuổi có thể cho trẻ học bơi tốt nhất khi trẻ tròn 6 tuổi.
Cha mẹ phải luôn giám sát trong suốt thời gian trẻ ở dưới nước để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, nhất là những trẻ ở vùng nông thôn không có điều kiện đến các hồ bơi công cộng, trẻ thường phải ra sông, suối hoặc ao sâu quanh nhà để bơi lội, những nơi này thường rất nguy hiểm nếu không có sự chú ý của cha mẹ.
Lợi ích khi cho trẻ đi bơi
Theo chuyên gia, bơi lội mang đến rất nhiều lợi ích cho trẻ nhưng cha mẹ cần lưu ý một số yếu tố để đảm bảo an toàn.
Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), nhận định việc tập luyện bơi lội mang đến rất nhiều lợi ích, đặc biệt đối với trẻ em.
Tác dụng
Phòng tránh đuối nước
"Bơi lội là môn thể thao duy nhất có thể cứu sống con bạn, tránh những hậu quả đáng tiếc khi tai nạn xảy ra", bác sĩ Hướng khẳng định.
Hàng năm, đuối nước là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ em. Do đó, theo bác sĩ này, bơi lội là kỹ năng sống cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Phát triển sự tự tin
Bơi lội mang đến những thử thách và phần thưởng trong quá trình tập luyện, giúp trẻ tin tưởng vào khả năng của mình hơn.
"Một số trẻ sợ sệt khi xuống nước và e dè trước đám đông. Tuy nhiên, việc bé vượt qua được sự tự ti ban đầu đồng nghĩa trẻ đã chiến thắng chính mình", bác sĩ Hướng nhận định.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra bơi lội giúp ích rất nhiều trong việc điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ. Bộ môn thể thao này giúp trẻ có phản ứng tích cực khi tiếp xúc với môi trường. Sự kết hợp giữa bơi lội, đồ chơi, âm nhạc giúp trẻ tự kỷ có tương tác với những người xung quanh.
Bơi lội mang tới lợi ích cho trẻ về cả thể chất và tinh thần, đặc biệt là tăng sự tự tin. Ảnh: Scott Law Firm .
Cải thiện sự tập trung
Bơi cần rất nhiều sự phối hợp về cả thể chất và tinh thần như đạp chân, quạt cánh tay, kiểm soát hơi thở. Những động tác này không để lại nhiều không gian và thời gian cho trẻ chú ý tới những thứ khác. Kết quả là bé sẽ phải tập trung vào kỹ năng bơi lội của mình.
Phát triển trí não
Những vận động trong quá trình bơi lội giúp trẻ tăng tính kết nối giữa trí óc và cơ thể, qua đó cải thiện sự phát triển trí não cũng như trí thông minh. Bên cạnh đó, do sự kích thích giác quan khi bơi, trẻ cũng được phát triển về trí não và cảm xúc.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Vị chuyên gia này khẳng định bơi lội giúp tim và phổi của trẻ khỏe mạnh hơn trong môi trường áp lực nước. Ngoài ra, việc phải vận động trong môi trường này và yêu cầu đặc thù của bộ môn cũng giúp trẻ cải thiện sức mạnh, tính linh hoạt, sự cân bằng, tư thế.
Cải thiện sức bền
Khi bơi, trẻ phải sử dụng mọi nhóm cơ trên cơ thể, từ đó tăng sức bền và khả năng chịu đựng. Đây cũng là tiền đề cho việc đạt kết quả tốt ở những môn thể thao khác.
Giảm cân cho trẻ béo phì
"Bơi lội giúp trẻ tiêu hao nhiều năng lượng hơn các môn thể thao ngoài trời khác. Khả năng dẫn nhiệt của nước gấp 24 lần không khí. Trong khi đó, nhiệt độ của nước lại thấp hơn nhiệt độ không khí. Bởi vậy, bơi lội giúp cơ thể hạ nhiệt và đốt cháy chất béo nhanh chóng", bác sĩ Hướng giải thích.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho biết tốc độ trao đổi chất diễn ra nhanh hơn trong và sau thời gian bơi. Do đó, tổng lượng calo tiêu thụ sau 30 phút bơi lên tới khoảng 1.100 calo.
Lưu ý khi cho trẻ đi bơi ngày nắng nóng
Việc đi bơi trong ngày hè mang lại nhiều lợi ích, giúp trẻ làm mát cơ thể và rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa I Phùng Cao Cường, khoa Chấn thương chỉnh hình - Y học thể thao, Bệnh viện 119, nhận định bơi lội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt trong những ngày nóng đỉnh điểm
Bảo vệ da cho trẻ
Làn da của trẻ rất nhạy cảm. Do đó, bác sĩ Cường khẳng định điều quan trọng nhất là tránh chúng khỏi tia cực tím (UV) của mặt trời, từ đó giảm nguy cơ ung thư da cũng như các tổn thương.
Cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ trước khi cho trẻ ra hồ bơi. Ảnh: FVC .
Để làm điều này, cha mẹ nên mang đầy đủ dụng cụ chống nắng trước khi ra hồ bơi như mũ bơi, kính bơi, khăn bông, quần áo bơi, phao bơi, kem chống nắng phù hợp với trẻ...
Chọn bể bơi vệ sinh, an toàn
"Cha mẹ nên chọn bể bơi không quá đông, tuân thủ đúng tiêu chuẩn về chất lượng nguồn nước, vệ sinh, công tác khử trùng tốt, nước trong xanh nhưng không quá nặng mùi khử trùng", bác sĩ Cường khuyến cáo.
Ngoài ra, trong những ngày nhiệt độ tăng cao, vị chuyên gia này khuyên gia đình nên cho trẻ bơi ở những bể có mái che hoặc không bị hắt nắng, tránh nguy cơ cảm nắng.
Chọn giờ bơi hợp lý
Theo bác sĩ Cường, việc một số người chọn đi bơi giữa buổi trưa để làm mát cơ thể là sai lầm, gây hại cho sức khỏe và làn da.
"Thời điểm tốt nhất để bơi là sáng sớm và chiều mát với các khung giờ khoảng 5h30-8h, 6-9h hoặc sau 17h", vị chuyên gia này cho biết.
Bác sĩ Cường nhấn mạnh khoảng thời gian tuyệt đối không được đi bơi là 10-16h. Đây là lúc mặt trời chiếu mạnh nhất nên mang tới rất nhiều tia cực tím. Dù thoa kem chống nắng, các chất tẩy rửa ở bể bơi sẽ nhanh chóng gột rửa và làm da trẻ bị cháy, khô rát.
Cho trẻ khởi động
Theo chuyên gia, phụ huynh cần cho trẻ khởi động trước khi xuống bể bơi với các động tác đơn giản, làm nóng cơ thể, kéo giãn cơ bắp, thư giãn khớp để tránh uể oải, chuột rút...
Ngoài ra, khi bơi buổi sáng sớm, nước còn lạnh, trẻ cần khởi động kỹ hơn, thậm chí tham gia một số trò chơi trên bờ để làm nóng cơ thể trước khi xuống nước, tránh nhiễm lạnh.
Không ăn quá no
"Việc ăn quá no làm cho máu dồn nhiều về dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Lúc này, máu ở não và các cơ quan khác sẽ bị thiếu hụt, xuất hiện tình trạng choáng váng, mất ý thức, chuột rút...", bác sĩ Cường giải thích. Do đó, thời điểm tốt nhất để cho trẻ xuống hồ bơi là sau khi ăn khoảng một giờ.
Bổ sung nước đầy đủ
Khi bơi, trẻ vẫn toát mồ hôi như bình thường nhưng rất khó nhận biết. Do đó, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ đầy đủ nước trước, trong và sau khi bơi để bù lượng đã mất.
Thể dục thế nào tốt cho bệnh hen? Tập thể dục giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh hen về lâu dài, ngoài việc cải thiện sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, người ta vẫn lo ngại tập thể dục có thể dẫn đến khó thở, tức ngực hay các triệu chứng hen khác. Vậy loại hình tập luyện nào là phù hợp với bệnh hen? Trong bài viết này,...