Kịp thời cứu sống bé sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp
5 giờ đồng hồ sau khi chào đời, bé Trần Thị B. (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) được cấp tốc chuyển đến Trung tâm Tim mạch Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương do mắc bệnh lý tim mạch đặc biệt phức tạp.
Nhờ chẩn đoán trước sinh và sự phối hợp điều trị bằng các phương pháp kỹ thuật cao, các bác sĩ đã kịp thời cứu tính mạng của trẻ.
Theo các bác sĩ, trước đó, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bé Trần Thị B. được xác định mắc bệnh lý tim mạch phức tạp. Khi hội chẩn liên viện giữa Bệnh viện Nhi Trung Ương và Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, các bác sĩ đã có kế hoạch chuẩn bị cho sự chào đời của trẻ và lên kế hoạch chuyển viện sau sinh.
TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cùng đồng nghiệp trong ca phẫu thuật tim.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ đồng hồ sau khi chào đời, trẻ có biểu hiện suy hô hấp, phải thở máy. Các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã cho bệnh nhi sử dụng thuốc Prostaglandin E1 để duy trì ống động mạch rồi sau đó nhanh chóng chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngày 6/5, 5 giờ sau sinh, trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch: Thở máy, da tái, SpO2 95%, huyết áp 66/49 mmHg. Sau khi siêu âm tim, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch trẻ em chẩn đoán trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh: Chuyển gốc động mạch, vách liên thất nguyên vẹn, lỗ bầu dục kích thước hạn chế, ống động mạch lớn.
Mặc dù đã được tiến hành hồi sức tích cực nhưng tình trạng cháu bé diễn biến xấu nhanh: Da tím tái, chi lạnh, huyết áp tụt, nhịp tim xu hướng chậm dần, SpO2 giảm nhanh, tình trạng nội môi có toan chuyển hóa.
Video đang HOT
2 giờ sáng ngày 7/5, bác sĩ trực của khoa Hồi sức Tim mạch đã hội chẩn cùng TS Cao Việt Tùng – Trưởng khoa Điều trị tích cực Tim mạch ngoại khoa. Các bác sĩ nhận định, đây là trường hợp chuyển gốc động mạch đặc biệt hơn so với thông thường. Bệnh nhân có kèm theo ống động mạch lớn, lỗ bầu dục hạn chế nên có tình trạng tăng áp phổi nặng, sớm.
Ngay sau khi hội chẩn, TS Cao Việt Tùng quyết định phá vách liên nhĩ cấp cứu để mở rộng lỗ bầu dục. Sau khi can thiệp, bệnh nhân tiếp tục phải thở máy với oxy nồng độ cao, dùng thêm 2 loại thuốc vận mạch nhưng tình trạng tuần hoàn và hô hấp không đảm bảo do tình trạng chảy máu phổi nặng.
Ban lãnh đạo Trung tâm đã hội chẩn cấp cứu và quyết định sử dụng phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) nhằm hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn cho bệnh nhân.
Kịp thời cứu sống bé sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp.
Sau 25 giờ chạy ECMO kết hợp với các thuốc vận mạch và điều chỉnh nội môi, tình trạng hô hấp, tuần hoàn và toan chuyển hóa của bênh nhân đã được cải thiện. Nhận định đây là thời điểm tốt để can thiệp, sửa chữa bệnh lý tim bẩm sinh của trẻ, Trung tâm Tim mạch đã hội chẩn với Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương, do PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện chủ trì và đi đến quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi.
Ngày 8/5, ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng hồ do TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim Mạch Trẻ em là phẫu thuật viên chính đã diễn ra suôn sẻ. Toàn bộ các thương tổn của quả tim được sửa chữa. Chức năng tim phổi của trẻ ổn định ngay sau phẫu thuật, các bác sĩ có thể rút máy ECMO ngay tại phòng mổ.
Qua 1 tuần được chăm sóc hồi sức, cách ly hoàn toàn người nhà, bệnh nhi đã ổn định, được về phòng điều trị cùng mẹ. Hiện tại, sau 19 ngày phẫu thuật, trẻ bú mẹ tốt, tăng cân, tình trạng tim mạch và hô hấp ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 700 em bé mắc chuyển gốc động mạch được cứu sống tại Trung tâm Tim mạch trẻ em – Bệnh viện Nhi trung ương. Tỉ lệ phẫu thuật thành công chung ở nhóm bệnh này là 95,7% và trong những năm gần đây là trên 97%, tương đương với tỷ lệ thành công tại những trung tâm tim mạch lớn trên thế giới.
“Số lượng bệnh nhân được phẫu thuật chuyển gốc động mạch tại Trung tâm cũng đưa Bệnh viện Nhi Trung ương trở thành một trong những đơn vị có số lượng bệnh nhân chuyển gốc động mạch lớn trên thế giới chỉ trong một thời gian ngắn. Hầu hết các bệnh nhi sau phẫu thuật đều có cuộc sống và sinh hoạt tương tự như những em bé bình thường khác” – TS Trường chia sẻ.
Cha mẹ cần biết về bệnh tim bẩm sinh ở trẻ
Mỗi năm ở Việt Nam có 3.000 trẻ sơ sinh chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, trong đó có khoảng 20% tỉ lệ trẻ sơ sinh xuất viện bị bỏ sót không phát hiện được tim bẩm sinh.
Tim bẩm sinh là bệnh lý thường gặp nhất trong tất cả các dị tật bẩm sinh. Theo nghiên cứu trung bình cứ 1.000 trẻ ra đời thì có 6-13 bé bị tim bẩm sinh, trong đó có 3-4 bé bị dị tật tim nặng.Tim bẩm sinh nặng có nguy cơ tử vong cao nếu chậm trễ trong chẩn đoán và chuyển trẻ đến các trung tâm tim mạch có kinh nghiệm để điều trị. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong giai đoạn chu sinh và nhũ nhi so với các dị tật bẩm sinh khác.
Vì vậy, đối với bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh cần phải được tầm soát sớm sau sinh vì phần lớn những tật tim bẩm sinh có triệu chứng trong thời kỳ sơ sinh thường điều trị khó khăn.
Ngày nay với sự phát triển khoa học và chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, các dị tật bẩm sinh có thể được tầm soát sớm ngay trong bào thai và sau sinh.
Do đó cần thiết siêu âm tim tầm soát trong giai đoạn bào thai từ tuần thứ 14 hoặc sớm ngay sau sinh. Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hữu ích và không gây ảnh hưởng hay tác dụng phụ gì lên bào thai và trẻ sơ sinh.
Siêu âm tim tầm soát trong giai đoạn bào thai từ tuần thứ 14 hoặc sớm ngay sau sinh.
Nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân nhưng theo các nghiên cứu thì những bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể làm ảnh hưởng đến sự hình thành cũng như phân chia các buồng tim. Biến đổi gen càng sớm thì dị tật càng nặng.
Nguyên nhân tiếp theo là các yếu tố môi trường như: Người mẹ khi mang thai nhiễm virus cúm, herpes, rubella, cytomegalo,... Người mẹ khi mang thai uống thuốc kháng viêm, sử dụng chất kích thích (bia, rượu,..) hay tiếp xúc nhiều với hóa chất.
Cách nhận biết
Khi trẻ bị tim bẩm sinh, hoạt động bình thường của tim bị thay đổi dẫn đến các biểu hiện bệnh.
Biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh nặng ở trẻ sơ sinh gồm các triệu chứng sốc, tím tái, thở nhanh. Cách đơn giản nhất để phát hiện tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là bắt mạch tay, chân và đo độ bão hòa oxy máu ở tay, chân. Khi mạch tay hoặc chân yếu hơn hoặc sự chênh lệch độ bão hòa oxy máu ở tay, chân chênh nhau 3% là dấu hiệu gợi ý bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là sự phối hợp giữa vấn đề siêu âm chẩn đoán tiền sản và siêu âm sau sinh. Sự phối hợp giữa sản phụ, gia đình và đội ngũ y bác sĩ.
Do đó, sản phụ cần theo dõi và khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn đầy đủ. Nếu siêu âm tiền sản phát hiện tim bẩm sinh, thai phụ nên chuyển dạ sinh tại các cơ sở y tế sản có đầy đủ dụng cụ hồi sức sau sinh và cần siêu âm tim đánh giá lại ngay sau sinh.
Các dị tật bẩm sinh có thể được tầm soát sớm ngay trong bào thai và sau sinh. Đối với tầm soát tim bẩm sinh thì việc cần thiết siêu âm tim tầm soát trong giai đoạn bào thai từ tuần thứ 14 hoặc sớm ngay sau sinh. Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hữu ích và không gây ảnh hưởng hay tác dụng phụ gì lên bào thai và trẻ sơ sinh.
Bác sĩ đứng ngược chiều sửa trái tim bên phải của em bé Bé gái 2 tuổi ở Tuyên Quang bị tim bẩm sinh phức tạp, nội tạng đảo ngược, tim nằm bên phải. Khi mổ, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phải đứng bên trái bé, ngược với bình thường. Bé sinh ra đã phát hiện tim bẩm sinh, bất tương hợp nhĩ - thất, hẹp động mạch phổi, bất thường động mạch...