Kinh tế toàn cầu trụ vững trong ‘bão’ địa chính trị
Thế giới năm 2024 tiếp tục chứng kiến nhiều biến động, rủi ro địa chính trị tăng cao, thiên tai và hàng loạt cuộc xung đột tại nhiều điểm nóng trở thành rào cản đối với tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các số liệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu về tổng thể đã thể hiện khả năng phục hồi ấn tượng và có nhiều tín hiệu lạc quan.
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Có thể thấy kinh tế thế giới 2024 đã hứng chịu không ít rủi ro do các cuộc xung đột địa chính trị kéo dài ở Ukraine, Trung Đông…; bất ổn chính trị ở hàng loạt nền kinh tế lớn như Đức, Pháp, Hàn Quốc…; phe cánh hữu và dân túy trỗi dậy sau các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu và một số nước ở “Lục địa già”; sự trở lại của tỷ phú Donald Trump và chính sách “Nước Mỹ trước tiên” sau vòng đua giành ghế chủ nhân Nhà Trắng ở Mỹ, kéo theo nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại mới… Đó còn là xu hướng phân mảnh thị trường và công nghệ thế giới ngày càng rõ rệt, thể hiện qua sự mở rộng của khối BRICS và các biện pháp trừng phạt của Mỹ, làm suy yếu hợp tác quốc tế cũng như hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu. Những diễn biến này đặt ra thách thức mới cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế thế giới.
Báo cáo thường kỳ tháng 12 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt tốc độ 3,1%, thấp hơn một chút so với năm ngoái.
Video đang HOT
Theo báo cáo này, tỷ lệ lạm phát tiếp tục duy trì đà sụt giảm, xuống còn 4,6% và sẽ về mức 3,5% vào năm 2025. Ngoài Mỹ, cuộc chiến chống lạm phát đã không còn quá “nóng” tại một nửa các nền kinh tế phát triển và gần 60% các nền kinh tế thị trường mới nổi. Theo giới phân tích, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, nguồn cung hàng hóa khả quan hơn so với giai đoạn hậu đại dịch và giá năng lượng thấp hơn đang giúp nhiều nước thành công trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Thị trường lao động dù chưa chứng kiến các làn sóng tuyển dụng lớn, song tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng chấp nhận được. Năm 2024, nguồn cung lao động tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi cải thiện đáng kể, dù tình trạng thiếu hụt vẫn ảnh hưởng đến nhiều khu vực của nền kinh tế, đặc biệt là y tế, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin. Tăng trưởng tiền lương ổn định và lạm phát hạ nhiệt ngày càng củng cố thu nhập của các hộ gia đình. Dù vậy, OECD lưu ý tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại nhiều quốc gia vẫn thấp, phản ánh niềm tin của người tiêu dùng còn yếu. Nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách theo chu kỳ vẫn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nước trong năm 2024 vì tình trạng này khiến chi tiêu chính phủ khó khăn hơn, kéo giảm nguồn đầu tư công cho các chương trình an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, khí hậu và phát triển. Căng thẳng địa chính trị gia tăng đe dọa an ninh lương thực và năng lượng, qua đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kinh tế thế giới năm 2024 cũng chứng kiến triển vọng tăng trưởng khá chênh lệch giữa các khu vực và các nền kinh tế. Tăng trưởng GDP của Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, dự báo đạt 2,8%. Tại Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone), sự phục hồi của thu nhập hộ gia đình, thị trường lao động ổn định và chính sách nới lỏng tiền tệ sau đại dịch COVID-19 là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng GDP tại Eurozone dự báo đạt 1,3% năm nay và 1,5% năm 2025. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại và chỉ đạt 4,7% trong năm nay. Bù lại, nền kinh tế Ấn Độ lại có được đà tăng trưởng mạnh mẽ (ước đạt 5,4% – 5,8%), cùng với đó là các khu vực như Mỹ Latinh và Bắc Phi.
Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á công bố trung tuần tháng 12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng mức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á năm nay lên 4,7%, từ dự báo trước đó là 4,5%, nhờ xuất khẩu hàng chế tạo và chi tiêu đầu tư công mạnh hơn. ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 là 6,4%, cao hơn mức 6,0% trước đó. Những con số này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, được thúc đẩy bởi các yếu tố chính như hoạt động thương mại mạnh mẽ khi xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng mạnh, ADB nhận định Việt Nam đang cho thấy khả năng thích ứng tốt với những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đánh giá: “Kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng, lạm phát tại nhiều nước giảm gần về ngưỡng mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Tăng trưởng kinh tế nhìn chung sáng sủa. Tuy nhiên, thế giới còn đối mặt nhiều thách thức, căng thẳng địa chính trị gây ra nhiều rủi ro về ngắn hạn, tỷ lệ nợ công cao và triển vọng tăng trưởng trung hạn khá yếu”. Theo ông, cần bảo vệ sự ổn định kinh tế vĩ mô thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát và tái xây dựng các chính sách tài khóa hướng tới tương lai. Để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng, các nền kinh tế cũng cần phải tăng cường phát triển kỹ năng, “cởi trói” cho môi trường đầu tư kinh doanh khỏi những quy định quá nghiêm ngặt và giải quyết thành công bài toán thiếu lao động. Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Alvaro Pereira cho rằng “cải cách cơ cấu là điều cần thiết để đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ hơn. Tình trạng thiếu lao động, dân số già hóa đã và đang là thách thức tại nhiều nền kinh tế. Các chính sách vĩ mô cần tính tới yếu tố này để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn”.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế đang dần thu hẹp so với thời điểm đầu năm 2024 và hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,2%. Tương tự, Liên hợp quốc (LHQ), ADB, Fitch Ratings…cũng đều đưa ra các con số lạc quan.
Một điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2024 là hoạt động giao dịch thương mại quốc tế hồi sinh mạnh mẽ. Theo dự báo của Bloomberg, thương mại toàn cầu sẽ cán mốc kỷ lục 33.000 tỷ USD trong năm 2024, tăng 1.000 tỷ USD (tương đương 4,3%) so với năm trước và là mức cao nhất mọi thời đại. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu hơn 3% chủ yếu nhờ khối lượng giao dịch thương mại tăng tới hơn 7%. Trung Quốc và một số nền kinh tế năng động ở châu Á giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm công nghệ. Dòng chảy thương mại châu Âu tiếp tục giảm ở cả lĩnh vực xuất khẩu lẫn nhập khẩu, song xuất khẩu từ các nền kinh tế châu Á và nhập khẩu của các nước Bắc Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong năm nay, qua đó giúp thương mại toàn cầu trở thành điểm sáng của kinh tế thế giới.
Về tổng thể, kinh tế thế giới năm 2024 đã thể hiện khả năng phục hồi ấn tượng và cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan về ngắn hạn. Môi trường thương mại toàn cầu có thể sẽ còn biến động, thậm chí là nguy cơ chiến tranh thương mại cận kề khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhận nhiệm sở tháng 1 tới, cùng với đó là các rủi ro từ căng thẳng địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, lạm phát hạ nhiệt và dự báo tăng trưởng toàn cầu ổn định sẽ mang lại cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển. Đầu tư chiến lược vào các ngành công nghiệp mới nổi, như trí tuệ nhân tạo, kết hợp với cải cách chính sách để thúc đẩy đổi mới và bền vững, có thể giúp các nền kinh tế giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tăng trưởng bền vững trong một thế giới dự báo nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2025. Việc tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy thương mại tự do và đa phương hóa, cùng với những chính sách kinh tế linh hoạt và thích ứng, được coi là chìa khóa để vượt qua những thách thức và hướng tới một tương lai kinh tế ổn định và bền vững hơn.
Trung Quốc phản ứng trước lời đe dọa áp thuế của ông Trump đối với BRICS
Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định khối BRICS là nền tảng hợp tác quan trọng giữa các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng chung.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tại Bắc Kinh. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia BRICS nếu khối này tạo ra hoặc ủng hộ một loại tiền tệ thay thế đồng USD.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh BRICS hoạt động dựa trên nguyên tắc cởi mở, toàn diện và hợp tác cùng có lợi, không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào. Ông Lâm Kiếm khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất với các thành viên BRICS để thúc đẩy tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.
Lời đe dọa của ông Trump được đưa ra trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, yêu cầu các nước BRICS cam kết không tạo ra hoặc ủng hộ một loại tiền tệ cạnh tranh với đồng USD. Tuy nhiên, một số quốc gia trong khối, bao gồm Nam Phi đã bác bỏ kế hoạch tạo ra đồng tiền chung, đồng thời nhấn mạnh rằng BRICS cần thêm thời gian để phát triển và hội nhập sâu hơn.
BRICS hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, với các thành viên mới như Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được kết nạp vào đầu năm 2024. Khoảng 30 quốc gia khác đã bày tỏ mong muốn gia nhập khối này, phản ánh sức hấp dẫn của một liên minh kinh tế đa cực.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có mục đích sử dụng kép sang Mỹ, bao gồm vật liệu siêu cứng và các sản phẩm công nghệ cao nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Động thái này được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Biden áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc, làm sâu sắc thêm tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù ý tưởng tạo ra một loại tiền tệ giao dịch chung trong BRICS đã nhận được sự ủng hộ từ một số thành viên như Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết khối này vẫn cần thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng và hội nhập kinh tế trước khi thực hiện kế hoạch này.
Trước áp lực từ Mỹ, Trung Quốc tái khẳng định cam kết hợp tác với các thành viên BRICS để xây dựng một trật tự kinh tế toàn diện và đa cực, đồng thời đóng góp vào sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Chỉ số Dax của Đức lần đầu tiên vượt mốc 20.000 điểm Ngày 3/12, đánh dấu một cột mốc lịch sử cho thị trường chứng khoán Đức khi chỉ số DAX, biểu tượng kinh tế hàng đầu châu Âu, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 20.000 điểm. DAX chạm đỉnh kỷ lục 20.038,01 điểm, tăng 0,5% trong phiên giao dịch. Sự kiện này diễn ra chỉ chưa đầy ba tháng sau khi DAX cán mốc...