Kiến nghị chưa giảm thuế nhập khẩu ‘cứu’ chăn nuôi gia cầm
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam vừa kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng NN&PTNT, Công Thương, Tài Chính xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm để “cứu” chăn nuôi gia cầm trong nước, do lượng thịt gà nhập khẩu tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam và các chuyên gia sự gia tăng sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ là một trong những nguyên nhân tạo ra cú sốc về giảm giá thịt gà trong nước mức thấp nhất trong10 năm qua.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, những năm qua, người sản xuất gia cầm trong nước đã và đang phải gồng mình chống đỡ với với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Mỹ, Brazile, Hàn Quốc và một số nước EU.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm cho biết, chỉ 9 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu gần 216 ngàn tấn thịt gà các loại, kim ngạch nhập khẩu 186 triệu USD (bình quân 0,862 USD/kg, tương đương 20 ngàn đồng/kg). Trong đó sản phẩm đùi gà chiếm 71,5%, cánh gà 5,8%, chân gà 8,7%, gà nguyên con 8,2%.
Ước tính sản lượng thịt gà nhập khẩu cả năm 2019 khoảng 250-260 ngàn tấn, tăng hơn 50% so với năm 2018. Dù chưa giảm thuế nhập khẩu thịt gà mà đã có sự gia tăng đột biến về số lượng thịt nhập khẩu như trên, là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự gia tăng sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ là một trong các nguyên nhân tạo ra cú sốc về giảm giá thịt gà trong nước xuống mức thấp nhất trong10 năm qua.
Nếu 3 tháng đầu năm, giá thịt gà hơi dao động từ 29.000 -35.000 đồng/kg thì đến quý III năm 2019, có những thời điểm giá gà thịt sản xuất trong nước xuống chỉ còn 15.000- 16.000 đồng/kg, bằng một nửa giá thành sản xuất. Trong khi đó giá trứng gà suốt cả năm 2019 cũng đứng ở mức rất thấp, bình quân chỉ 1.600 đồng/quả.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ngành gia cầm của Việt Nam là ngành hàng chịu nhiều tác động bất lợi và chịu rủi ro cao, đặc biệt là các hộ nông dân. Do đó, trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhóm mặt hàng thịt gia cầm được thực hiện bảo hộ cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc cắt giảm sẽ thực hiện vào giai đoạn cuối cùng thực hiện cam kết.
Video đang HOT
Trước tình hình trên, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam kiến nghị cân nhắc xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm trong giai đoạn 2020-2025, mà vẫn giữ nguyên thuế suất nhập khẩu sản phẩm gia cầm 20% từ nay đến năm 2025.
Trong trường hợp phải hài hòa quan hệ thương mại với một số đối tác chiến lược, buộc phải cắt giảm thuế nhập khẩu thịt gà, Hiệp hội kiến nghị chỉ nên giảm thuế nhập khẩu đối với một số ít sản phẩm. Cụ thể chỉ giảm 1- 2% thuế nhập khẩu thịt ức gà. Đối với gà chặt rời đầu; đùi; cổ cánh và chân gà không nên giảm thuế nhập khẩu trong 5 năm tới.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cũng lưu ý, để tránh tỉnh tràng nhập khẩu các sản phẩm gia cầm ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, đề nghị các bộ, ngành cần sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18%.
Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định CPTPP. Về phương án này, nếu lấy theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) năm 2018, thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 3 triệu USD, tương đương 69 tỷ đồng/năm.
Theo tiền phong
Thị trường thịt tết: Tăng gia cầm bù heo dịch
Lượng heo giảm do dịch thời gian qua làm mất cân đối cung cầu, nên đẩy mạnh lượng gia cầm là giải pháp tốt hiện nay, khi tết đã khá gần.
Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác vừa đến thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm kiểm tra đánh giá thực trạng về dịch tả heo Châu Phi, đồng thời rà soát các nguồn cung thực phẩm cho các tháng cuối năm và dịp tết Nguyên Đán...
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đến khảo sát thực tế trại gà Tân Hiệp Phát, Khu Quảng Ngãi, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành (Đồng Nai).
Theo Cục chăn nuôi, thịt heo hiện diện khoảng 80% trong bữa cơm hàng ngày, nhưng trong bối cảnh dịch tả heo Châu Phi lan rộng vừa qua, số lượng đàn heo trong nước sụt giảm, nên giá thịt heo tăng cao. Trước thực tế này, ngành chăn nuôi đang hướng tới tăng đàn gia cầm, gia súc khác để bù phần nào cho đàn heo, trong lúc dịch chưa có vacxin điều trị.
Năm 2018, tổng đàn heo cả nước có trên 28 triệu con, riêng đàn heo nái gần 4 triệu con, sản lượng 3,82 triệu tấn thịt. Do tình hình dịch tả heo Châu Phi diễn biến rất phức tạp thời gian qua, đàn heo đã giảm 5,5 triệu con, gây mất cân đối cung cầu. Hiện ngành chăn nuôi đang tái cơ cấu, theo hướng chuyển dịch phát triển đàn gia cầm để tăng nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Từ đầu năm 2019 đến nay, chăn nuôi gia cầm tăng trưởng 10%, dự kiến những tháng cuối năm tăng trưởng được 13%. Tổng sản lượng thịt gia cầm chiếm 17 - 19% so với tổng sản lượng thịt các loại, tăng trưởng bình quân qua 3 năm đạt 6,83%.
Để ổn định nguồn cung thịt lợn trong dịp tết, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: "Kế hoạch sản xuất thịt heo của năm 2019 khoảng 6 triệu con (chiếm 9 - 10% thị phần trong nước), mỗi ngày xuất ra khoảng 16 - 17 ngàn con heo, nhằm ổn định giá thị trường trong cả nước. Đồng thời, từ nay đến Tết Nguyên đán, C.P muốn giữ ổn định thị trường thịt heo với giá 69,5 nghìn đồng/kg; đồng thời triển khai 1.700 điểm bán thực phẩm bình ổn giá trên toàn quốc, đảm bảo nguồn thịt heo chất lượng đến tận tay người tiêu dùng".
Theo ông Huy, năm 2020, kế hoạch của C.P sẽ tăng lượng gia cầm lên khoảng 10% và thực hiện các biện pháp kỹ thuật nuôi an toàn sinh học. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng cần kiểm soát lợn xuất khẩu sang Trung Quốc; đồng thời nên khuyến cáo người chăn nuôi kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất.
Đàn gà của Công ty C.P Việt Nam chuẩn bị xuất chuồng.
Ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai cho rằng, "Đồng Nai cung cấp trên 50% sản phẩm chăn nuôi để phục vụ cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận, cho nên việc tái đàn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận , đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán là nhu cầu cấp bách".
Theo ông Quang, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương bên cạnh việc tổ chức chống dịch nhanh chóng kịp thời thì phải bàn các giải pháp tái đàn để kịp phục vụ cho thị trường tiêu dùng. Quan điểm của tỉnh là tái đàn của các doanh nghiệp vì doanh nghiệp có điều kiện về giống, kỹ thuật và cơ sở vật chất có thể thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Hiện nay, tổng đàn nái sau dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn khoảng 200 ngàn con, đây là cơ sở để phục vụ cho tái đàn, các doanh nghiệp chính là chủ lực tái đàn phục vụ cho thị trường tiêu dùng trong thời gian sắp tới. Còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu có đủ các điều kiện thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì cho phép tái đàn heo.
Đối với đàn gà của tỉnh Đồng Nai, trước dịch khoảng 21 triệu con, theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT phát triển chăn nuôi khác để bù đặp sự thiếu hụt heo bị dịch bệnh thì đàn gà của tỉnh hiện đã tăng lên tới 24 triệu con, so với trước dịch đã tăng 3 triệu con, tăng gần 18% so với tổng đàn. Đây chính là nguồn để đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong thời gian tới, đặc biệt là thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Qua khảo sát tại trại chăn nuôi của Công ty C.P cho thấy, nguồn cung về gia cầm rất phong phú, cả về trứng và thịt gia cầm, thủy cầm đều sẵn sàng phục vụ thị trường tết và sau tết. Nguồn thịt heo được dự báo có thể thiếu cục bộ trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, cho nên các địa phương đã đẩy mạnh sản xuất các loại vật nuôi, nhất là gia cầm, gia súc ăn cỏ và thủy sản... Chính vì thế đã tạo ra nguồn cung thực phẩm tương đối dồi dào bù lại cho nguồn thịt heo thiếu hụt.
Ngành chăn nuôi heo hiện chuyển sang mô hình nuôi trang trại, liên kết để tạo chuỗi khép kín là xu hướng tất yếu. Hiện nay, chăn nuôi heo an toàn sinh học được thực hiện theo chuỗi liên kết gồm doanh nghiệp - trại chăn nuôi gia công, hoặc doanh nghiệp - hợp tác xã - nông hộ.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: "Vấn đề an toàn sinh học đã được Bộ NN-PTNT đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật từ năm 2015, khi còn chưa có dịch. Đến thời điểm này dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra thì việc áp dụng các giải pháp an toàn sinh học cũng như sử dụng các chế phẩm sinh học là ưu tiên hàng đầu".
Theo bà Hạnh, hiện nay không chỉ trại chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn mà với chăn nuôi gia cầm thì các hộ chăn nuôi cũng làm tốt về an toàn sinh học, vì người dân đã nhận thức được an toàn sinh học là vấn đề quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, mang lại hiệu quả chăn nuôi bền vững. Ngoài ra, với đàn heo cũng cần phải làm an toàn sinh học, không chỉ ở miền Nam mà phía Bắc, chương trình làm ATSH cũng đang được triển khai rộng rãi nhằm tăng sản lượng đàn gia cầm và giảm áp lực cho đàn heo. Các giống vật nuôi bản địa, gà bản địa được đưa vào các nông hộ rất nhiều để cung cấp cho thị trường tại chỗ các tỉnh trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Trao đổi với NNVN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Cần tích cực đẩy mạnh cho tái cơ cấu chăn nuôi gia súc, phát triển chăn nuôi gia cầm, tăng cường nuôi trồng thủy sản, đồng thời làm tốt công tác an toàn sinh học, dùng chế phẩm nâng cao sức đề kháng để các trang trại, gia trại, đủ điều kiện nuôi an toàn sinh học tái đàn. Như vậy việc cung cấp thực phẩm cho những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán cũng như đầu năm 2020 sẽ không gặp nhiều khó khăn"
Theo Thứ trưởng Tiến, để cung cấp thịt heo cho dịp Tết Nguyên Đán, ngay từ khi có dịch tả heo Châu Phi xảy ra, Bộ NN-PTNT đã tổ chức và chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tặng thức ăn, con giống và đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Đến nay, sản lượng gia cầm đã vượt so với năm 2018 khoảng 150 ngàn tấn; đồng thời thịt bò, dê cừu tăng 11 ngàn tấn; thủy sản cũng tăng 130 ngàn tấn... giúp cho một phần tăng trưởng, một phần bù đắp cho thiếu hụt thịt heo.
"Việc tái đàn heo là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình. Vấn đề dịch tả lợn châu Phi phải xác định lâu dài vì chưa có thuốc chữa nhưng nếu có lựa chọn đúng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái cơ cấu ngành hợp lý thì hoàn toàn có thể khắc phục và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra", Thứ trưởng Tiến khẳng định.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Giá gà tăng vọt Hai tháng trước giá gà lông trắng ở mức 13.000 - 15.000 đồng một kg thì nay tăng lên 42.000 đồng. Ông Phong, chủ trang trại gà Đồng Nai cho biết, mấy ngày nay giá gà ông bán ra liên tục tăng. Cách đây 5 ngày ông bán 1.000 con với giá 36.000 đồng một kg thì nay đã lên 42.000 đồng. "Mặc...