Kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức quốc tế: “Chìa khóa” hội nhập
ĐH Đà Nẵng có 24 chương trình đào tạo kiểm định đạt chuẩn quốc tế và khu vực. Kiểm định CTĐT bởi các tổ chức quốc tế nằm trong lộ trình để ĐH Đà Nẵng xếp hạng trong nhóm 50 ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên và đoàn đánh giá ngoài lần thứ 162 của AUN – QA tiến hành kiểm định 5 CTĐT của ĐH Đà Nẵng.
Xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng
Trong 5 năm, từ 2016 – 2020, ĐH Đà Nẵng có 24 chương trình đào tạo (CTĐT) kiểm định đạt chuẩn quốc tế và khu vực, xếp thứ 3 trong cả nước. Đại hội Đảng bộ ĐH Đà Nẵng vào năm 2015 đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về việc phải kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học thành viên và các CTĐT để đảm bảo uy tín, chất lượng và học hiệu.
Trong chiến lược phát triển của mình, ĐH Đà Nẵng đã đặt ra tầm nhìn sẽ là một trong ba trung tâm ĐH lớn nhất của cả nước; một trong ba ĐH trọng điểm quốc gia; trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia; ngang tầm khu vực và quốc tế; được xếp hạng trong nhóm 50 ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á với nhiều ngành mũi nhọn trong các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, y học; là trung tâm hợp tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng mang tầm vóc quốc gia và quốc tế.
Để đạt được tầm nhìn đó, nhiều CTĐT của ĐH Đà Nẵng tương ứng phải được công nhận có uy tín và chất lượng ở khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Đến nay ĐH Đà Nẵng cũng đã có tên trong top 450 trường đại học tốt nhất Châu Á theo bảng xếp hạng quốc tế QS.
Video đang HOT
Bế mạc đánh giá ngoài 4 CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA tại trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng qua zoom do ảnh hưởng bởi dịch Coivd – 19
PGS.TS Đinh Thành Việt – Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “ĐH Đà Nẵng đã không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, không ngừng cải tiến nội dung đào tạo lẫn các điều kiện học tập cho sinh viên.
Các CTĐT được định kỳ rà soát hằng năm, liên tục cập nhật những nội dung, yêu cầu mới mà doanh nghiệp và nhà tuyển dụng lao động cần đáp ứng, thực hiện đúng nguyên tắc là đào tạo theo những gì xã hội cần. ĐH Đà Nẵng cũng đã tổ chức bồi dưỡng tập huấn kỹ lưỡng về nghiệp vụ đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cho nhiều cán bộ giảng viên nên đã xây dựng được một đội ngũ gồm nhiều cán bộ am hiểu về lĩnh vực này”.
Trường ĐH Bách khoa là cơ sở giáo dục đại học thành viên đầu tiên của ĐH Đà Nẵng thực hiện kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực. Để chuẩn bị cho công tác kiểm định CTĐT, Nhà trường đã xây dựng lộ trình tiếp cận với các tiêu chuẩn tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như ABET, AUN – QA… với những bước đi khả thi nhất. Khi nhận thấy hội đủ các điều kiện về tài chính và chất lượng, nhà trường mới bắt đầu mời chuyên gia đánh giá.
PGS.TS Phạm Văn Tuấn – Trưởng phòng Khảo thi và Đảm bảo chất lượng giáo dục, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Nhà trường đẩy mạnh việc bồi dưỡng chuyên môn công tác đảm bảo chất lượng như cử CBQL và giảng viên ra nước ngoài tham gia tập huấn AUN-QA, CDIO, đổi mới chính sách…; tham gia các Dự án quốc tế trong nước như Dự án Chương trình tiên tiến, PFIEV của Bộ GD&ĐT; Dự án HEEAP, VULII, BUILD-IT của ASU và USAID… Nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn nội bộ tại Trường về kỹ năng Tự đánh giá cách cải tiến và công tác tổ chức Đánh giá ngoài”.
Cơ hội thu hút hợp tác quốc tế
PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Khi tham gia kiểm định bởi tổ chức quốc tế thì các trường dễ dàng công nhận CTĐT lẫn nhau, có niềm tin trong hợp tác, cùng coi trọng các giá trị của nhau. Tuy nhiên, đây chỉ là niềm tin ban đầu thôi, trong quá trình hợp tác, các bên phải tích cực và nỗ lực thì mới có thể duy trì và phát triển được”.
Ngoài rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, để đảm bảo các tiêu chí trong kiểm định, ĐH Đà Nẵng liên tục nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, cải thiện các điều kiện học tập của SV.
Việc đạt được tiêu chuẩn chất lượng trong mỗi đợt đánh giá chỉ là bước khởi đầu, không phải là đích đến cuối cùng vì hoạt động đảm bảo chất lượng là một quá trình cải tiến liên tục. Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã thiết kế lại chương trình dạy học cũng như tổ chức lại các hoạt động dạy học.
Với chương trình dạy học phải có tính tích hợp, đáp ứng Tiêu chuẩn 3 CDIO, trong đó các học phần có sự hỗ trợ lẫn nhau, với một kế hoạch rõ ràng để kết hợp việc học kiến thức và đồng thời rèn luyện các kỹ năng, thái độ cho SV. Chương trình dạy học có học phần Nhập môn ngành kỹ thuật (đáp ứng Tiêu chuẩn 4 CDIO); Khung chương trình dạy học được đối sánh với tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (Tiêu chuẩn 5 ABET) và các CTĐT quốc tế tiên tiến. Các chuẩn đầu ra của CTĐT được chuyển tải một cách có hệ thống thành các chuẩn đầu ra trong từng học phần (course), từng hoạt động học tập (learing activity) để đảm bảo SV khi tốt nghiệp đạt được các chuẩn đầu ra của cả CTĐT.
Với hoạt động dạy – học, nhà trường triển khai các mô hình học tập dựa trên dự án thông qua: các dự án liên môn (PBL) tại mỗi học kỳ, bắt đầu từ học kỳ 3 đến học kỳ 7. Riêng với thực tập Tốt nghiệp, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức khóa luận tốt nghiệp qua mô hình Capstone Project. Khuyến khích áp dụng các mô hình dự án liên ngành, phục vụ cộng đồng như EPICS, WEPICS, eProjects, … cho Đồ án tốt nghiệp.
Kết quả kiểm định khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường không chỉ trong nước mà trên quốc tế. Qua đó thu hút nhiều hơn nữa các hợp tác quốc tế về đào tạo và NCKH với các đại học đối tác. Đó là lợi ích cho trường, cho sinh viên và cho cả ngành giáo dục. CTĐT nào đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp quốc tế hoặc khu vực thì có thêm sự công nhận về chất lượng ở tầm quốc tế hoặc khu vực. Việc trao đổi SV trong đào tạo vì vậy sẽ rất thuận lợi.
3.200 tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) khai giảng năm học mới
Sáng nay, (27/10), trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 và chào đón gần 3200 tân SV khóa 2020.
Đại diện các doanh nghiệp trao học bổng cho SV xuất sắc của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng
Năm học 2020 - 2021, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đón 3197 tân sinh viên ĐH chính quy, 43 SV liên thông, 107 học viên cao học và 2 nghiên cứu sinh.
Từ khoá tuyển sinh 2020, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng áp dụng mô hình đào tạo tích hợp Cử nhân - Kỹ sư. SV hoàn thành chương trình đại học (khối lượng 130 tín chỉ), thời gian khoá đào tạo từ 3,5-4,0 năm được cấp bằng tốt nghiệp Đại học (Cử nhân) hoặc hoàn thành chương trình đào tạo Kỹ sư (khối lượng 180 tín chỉ), thời gian khoá đào tạo 5,0-5,5 năm được cấp đồng thời bằng tốt nghiệp Đại học (Cử nhân) và bằng tốt nghiệp Kỹ sư.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trao học bổng cho thủ khoa đầu vào khóa tuyển sinh 2020 của trường.
Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã triển khai một cách có hệ thống phương pháp giảng dạy học theo dự án. Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng nhà trường, thời lượng giảng dạy lý thuyết sẽ được giảm rõ rệt. "Trong từng học kỳ, SV sẽ nhận một dự án liên môn. Các em sẽ tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên, trợ giảng để hoàn thành các dự án này. Điều này giúp cho các em nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng giải quyết các vấn đề tổng thể, tư duy phản biện, óc sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp của các em khi ra trường, những kỹ năng hết sức cần thiết cho lực lượng lao động của thời kỳ Công nghiệp 4.0" - PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết.
Năm học 2020 - 2021 là năm học thứ ba Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng áp dụng phương pháp giảng dạy học theo dự án. Nhà trường sẽ tập trung đổi mới và thực hiện mô hình quản trị tiên tiến, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng môi trường và văn hóa học đường nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động.
Đến nay, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có 9 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định AUN-QA và 3 chương trình đào tạo theo CTI.
Trình độ, việc làm của sinh viên - thước đo thương hiệu của mỗi trường Tỉ lệ SV có việc làm là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục ĐH để phục vụ cho việc đánh giá ngoài. Theo đó, để xác định tỉ lệ này, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập sẽ khảo sát trực tiếp và ngẫu nhiên vài trăm người trong danh sách SV của nhà trường...