Kiểm định chất lượng giáo dục: Phổ thông phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã tới kiểm tra công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại tỉnh Hòa Bình.
Tại đây, Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao nhận thức về kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường thực hiện hoạt động này, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng giáo dục đào tạo.
Kiểm định chất lượng để nâng cao chất lượng giáo dục
Báo cáo đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Hường cho biết, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được xác định là một khâu then chốt để nâng cao chất lượng của mỗi nhà trường, mở rộng ra là chất lượng của toàn ngành giáo dục địa phương.
Trong tổng số 520 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến phổ thông của Hòa Bình, hiện 100% đã hoàn thành tự đánh giá; 132 cơ sở đã đánh giá ngoài, trong đó 107 trường đạt tiêu chuẩn đánh giá mức độ 2; 25 trường đạt mức độ 3. Tính đến tháng 12-2020, có 107 trường mầm non và phổ thông của Hòa Bình được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 25 trường đạt mức độ 2.
“Quá trình thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã giúp các nhà trường xác định rõ được điểm mạnh, điểm yếu trong công tác giáo dục đào tạo, từ đó có giải pháp, kế hoạch phù hợp để nâng cao chất lượng. Thực tế, chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường nói riêng và ngành giáo dục Hòa Bình nói chung khi triển khai các hoạt động này đã có sự cải tiến rõ rệt”, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho hay.
Báo cáo với đoàn công tác Bộ GD&ĐT, lãnh đạo 2 trường tiểu học và THCS mà đoàn tới thăm ( trường THCS thị trấn Cao Phong – huyện Cao Phong, trường tiểu học Lê Văn Tám – TP Hòa Bình), cũng khẳng định: Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất… Người hưởng lợi lớn nhất từ các hoạt động này chính là học sinh.
“Công tác kiểm định chất lượng đã làm thay đổi, nâng cao nhận thức trong toàn ngành, từ đội ngũ cán bộ quản lý đến giáo viên; từ Phòng GD&ĐT đến các đơn vị trường học. Nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng thay đổi, từ đó quan tâm đầu tư hơn cho giáo dục được tốt thêm. Các trường được đánh giá ngoài, công nhận đạt chuẩn cũng thực hiện xã hội hóa tốt hơn, nhận được sự ghi nhận, đồng thuận, ủng hộ cao từ phía phụ huynh học sinh, xã hội”, Trưởng phòng Giáo dục TP Hòa Bình – Lê Văn Công nói.
Video đang HOT
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra cơ sở vật chất tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, tỉnh Hòa Bình. – Ảnh: moet.gov.vn
Tăng cường đánh giá ngoài
Qua thực tế kiểm tra tại một số cơ sở giáo dục và nghe báo cáo của tổng quan của Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh đánh giá cao công tác triển khai kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của địa phương này.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng đề nghị các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT của Hòa Bình tiếp tục tăng cường tự đánh giá và đánh giá ngoài để đạt được mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, sau khi được đánh giá ngoài và công nhận chất lượng, nhà trường cần chú trọng duy trì và cải tiến chất lượng. Việc thực hiện kế hoạch cải tiến sau khi đánh giá ngoài phải có sự giám sát nghiêm túc, chặt chẽ. “Kiểm định không phải là trả bài mà quan trọng hơn là để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trong các năm tiếp theo”, Cục trưởng Mai Văn Trinh nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích thiết thực mà công tác kiểm định giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mang lại cho mỗi nhà trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu ngành giáo dục Hòa Bình nói chung và từng cơ sở giáo dục, từng cán bộ, giáo viên nói riêng tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức triển khai thực hiện các hoạt động này.
Theo đó, mỗi nhà trường cần xây dựng tầm nhìn phát triển và kế hoạch đạt chuẩn kiểm định với chiến lược dài hơn; từ đó xác định lộ trình và giải pháp thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Từ kế hoạch chung của nhà trường, căn cứ vào vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên xây dựng kế hoạch riêng và chung tay thực hiện mục tiêu mà cơ sở giáo dục đã đề ra.
“Kiểm định chất lượng phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mong muốn và cho rằng, các trường học cần hướng tới việc xây dựng và hình thành văn hóa chất lượng. Theo đó, mỗi cá nhân trong nhà trường, từ bác bảo vệ, cô lao công đến mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh khi thực hiện công việc đều phải hướng tới việc đảm bảo chất lượng. Giáo dục như thế mới hiệu quả, phát triển.
Trong kiểm định chất lượng, Thứ trưởng lưu ý địa phương chú trọng việc đánh giá ngoài để đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch, tạo niềm tin trong Nhân dân. Các nhà trường cũng cần nâng cao năng lực tự đánh giá; tăng số lượng trường đánh giá ngoài. Việc này đòi hỏi sự nhận thức đầy đủ và đầu tư nguồn lực xứng đáng.
Gỡ khó cho trường chuẩn quốc gia
Một trong những nhiệm vụ ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đặt ra trong năm học 2020-2021 là tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Đến nay, mục tiêu này đang đứng trước nhiều thử thách, đòi hỏi sự chủ động vào cuộc, tích cực phối hợp của nhiều tổ chức, đoàn thể xã hội.
Áp lực quá lớn về sĩ số
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2020-2021, bậc học có tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cao nhất là bậc tiểu học (TH) với 71/500 trường (tỷ lệ 14,20%). Kế đến là bậc mầm non với 169/1.346 trường (12,56%), hai bậc THCS và THPT có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tương ứng là 28/280 trường (10%) và 4/199 trường (2,01%). Toàn thành phố mới có 16 trường mầm non, 13 trường TH, 10 trường THCS và 3 trường THPT đạt chuẩn tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Học sinh tham gia CLB ngoại khóa tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 - đơn vị thực hiện mô hình tiên tiến hiện đại.
Có thể thấy kết quả này còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra của ngành giáo dục là đến cuối năm 2020, thành phố có 25% trường mầm non và TH, 15% trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia, mỗi quận, huyện có ít nhất 2 trường học đạt chuẩn tiên tiến, hiện đại ở mỗi bậc học.
Lý giải thực tế này, một cán bộ Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, địa phương gặp khó trong việc duy trì sĩ số học sinh/lớp, đặc biệt tại khu vực đông người dân nhập cư. Mới đây, hàng loạt trường mầm non và TH phải duy trì sĩ số "khủng" từ 48 - 50 học sinh/lớp để giải quyết chỗ học cho hơn 1.000 học sinh không có hộ khẩu thường trú. Không riêng gì quận 12, nhiều trường mầm non và TH ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 5, Bình Thạnh cũng "phá chuẩn" sĩ số để đáp ứng chỗ học cho người dân.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, hiệu trưởng một trường TH ở quận 11 cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Sau 5 năm, các trường phải tự đánh giá, làm hồ sơ trình các cấp để được kiểm tra, công nhận lại danh hiệu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng trường nộp hồ sơ công nhận lại danh hiệu chuẩn quốc gia ở các quận, huyện chỉ... đếm trên đầu ngón tay. Có trường hợp mới vừa được công nhận chuẩn quốc gia năm học này thì năm học sau đó đã chấp nhận phá chuẩn (35 học sinh/lớp) vì áp lực sĩ số.
"Nếu xét riêng hai tiêu chí là hiệu suất đào tạo và trình độ giáo viên thì các trường đều đáp ứng, thậm chí vượt chuẩn quy định. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều vướng quy định về diện tích sân chơi, tổng số lớp học và sĩ số học sinh/lớp. Vì vậy, thay vì đặt mục tiêu phấn đấu trường chuẩn quốc gia, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp tình hình thực tế tại các đơn vị", trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm thành phố bày tỏ.
Tại huyện Củ Chi, các trường học đều được quan tâm sửa chữa hàng năm để tránh xuống cấp, huy động sự giúp đỡ từ các nguồn lực xã hội như tổ chức, đoàn thể tại địa phương nhằm bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Sau gần 5 năm thực hiện (2015-2020), các tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân đã hỗ trợ 992 triệu đồng để cải tạo cơ sở vật chất, trang bị đồ chơi, góp phần rất lớn vào việc hoàn thiện môi trường giáo dục theo chuẩn quy định.
Tăng cường nguồn lực xã hội hóa
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn quốc gia, cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (quận Gò Vấp) cho biết, xuất phát điểm là một ngôi trường xây dựng vào năm 1975, đưa vào sử dụng từ năm học 1978-1979 với nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và trình độ giáo viên. Sau hơn 40 năm nỗ lực, đơn vị đã từng bước "thay áo mới", nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và hiện đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ bày tỏ, đơn vị chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương nhắc nhở các hộ dân xung quanh trường kiểm tra, tháo các bạt treo, dẹp bỏ nhiều vật dụng trên mái nhà, kiểm tra mái tôn nhằm đảm bảo an toàn sân chơi cho trẻ. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động tham mưu Phòng GD-ĐT quận "ứng trước" kinh phí sửa chữa của năm học kế tiếp để khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất, kịp thời đón học sinh đầu năm học mới.
Với cách làm khác, cô Ngô Thị Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Anh (quận Tân Phú) - đơn vị vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 5-2020, cho biết, trước hàng loạt khó khăn, nhà trường đã mạnh dạn giới thiệu cho cha mẹ học sinh có con trong độ tuổi lớp mầm (3 tuổi) và chồi (4 tuổi) đến học tại các lớp mẫu giáo độc lập, tư thục trên địa bàn phường, đồng thời vận dụng các biện pháp "dân vận" như kêu gọi mạnh thường quân chung tay hỗ trợ nhà trường một số hiện vật như chậu hoa, cây xanh, tranh vẽ, sơn nước, thiết bị thang leo, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, giúp cha mẹ hoc sinh ngày càng tham gia tích cực hơn vào các hoạt động, phong trào của nhà trường.
Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục THPT: Kinh nghiệm thực hiện hiệu quả Việc quản lý và triển khai thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục THPT là một trong những nội dung và yêu cầu có tính chất bắt buộc được quy định tại Luật Giáo dục và Điều lệ trường. Xuất phát thực tiễn công tác với mong muốn nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xin nêu lên một vài...