Khuyến cáo sử dụng thuốc an toàn cho bệnh nhi
‘Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại’ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn là chủ đề của Ngày An toàn người bệnh (17.9) năm nay.
Nguy cơ khi sử dụng thuốc không đúng cách
Theo WHO, mỗi người trên thế giới vào một thời điểm nào đó trong đời sẽ phải dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tật. Tuy nhiên, thuốc đôi khi gây ra tổn hại nghiêm trọng nếu việc bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng không đúng cách hoặc không được theo dõi đầy đủ.
Sự cố về sử dụng thuốc xảy ra khi hệ thống quản lý chất lượng yếu kém; các yếu tố chủ quan như nhân viên y tế mệt mỏi, điều kiện môi trường làm việc kém hay thiếu nhân lực, đều ảnh hưởng tới an toàn sử dụng thuốc. Việc này có thể dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ bệnh nhi cần tuân thủ việc dùng thuốc theo đơn. Ảnh NHẬT THỊNH
WHO cho biết mục tiêu của Ngày An toàn người bệnh năm nay là nâng cao nhận thức toàn cầu về gánh nặng của các tổn hại liên quan đến sự cố trong sử dụng thuốc hoặc các hành vi sử dụng thuốc không an toàn, đồng thời ủng hộ hành động khẩn cấp để cải thiện an toàn sử dụng thuốc; tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan nhằm ngăn ngừa sự cố trong sử dụng thuốc và giảm tổn hại liên quan đến thuốc; hướng dẫn người bệnh và gia đình tham gia trong việc sử dụng thuốc an toàn.
Cha mẹ không tự ý sử dụng đơn thuốc cũ
Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) cho biết mỗi ngày tiếp nhận hơn 5.000 bệnh nhi đến khám ngoại trú và gần 2.000 bệnh nhi điều trị nội trú với nhiều bệnh phức tạp. Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đảm bảo an toàn cho người bệnh. Theo đó, trong mọi hoàn cảnh, đảm bảo an toàn cho người bệnh là một yêu cầu quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống, từ cơ sở hạ tầng an toàn, tuân thủ phác đồ, quy trình, sử dụng công nghệ và thiết bị y tế an toàn, quản lý và sử dụng thuốc đúng chất lượng, người bệnh được thông tin rõ ràng…
Bệnh viện tổ chức bình bệnh án, bình đơn thuốc, tư vấn thuốc cho các cha mẹ của bệnh nhi và luôn khuyến cáo tuân thủ đầy đủ việc dùng thuốc theo đơn. Các bác sĩ đặc biệt lưu ý cha mẹ không tự ý sử dụng đơn thuốc cũ do bác sĩ kê cho con trong lần khám trước vì có thể các triệu chứng ban đầu tương tự nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Đặc biệt, việc tự ý cho con dùng kháng sinh sẽ gây kháng thuốc, khiến việc điều trị khó hơn, kéo dài ngày điều trị, thậm chí tăng nguy cơ tử vong.
Video đang HOT
PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết các buổi bình đơn thuốc có sự tham gia của lãnh đạo các Khoa/Phòng/Trung tâm, đặc biệt là các bác sĩ đang làm việc và học tập tại bệnh viện. Trước mỗi buổi bình đơn thuốc, Phòng Kế hoạch tổng hợp chọn ngẫu nhiên và chuẩn bị thông tin của một số đơn thuốc và bệnh án đã được các bác sĩ kê trong tuần trước đấy. Các đơn thuốc và bệnh án được phân tích mức độ hoàn thiện về mặt hành chính và sự tuân thủ về mặt chuyên môn. Hoạt động bình đơn thuốc này có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người bệnh.
Ngoài ra, thủ tục hành chính của đơn thuốc cũng được rà soát để đảm bảo tính chính xác cao nhất tại các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh. Các thông tin bắt buộc liên quan đến người bệnh như tên, địa chỉ, những vấn đề sức khỏe liên quan như đặc điểm, hoàn cảnh của người bệnh, ngày tháng vào viện được yêu cầu ghi đầy đủ, rõ ràng. Qua bình đơn sẽ kịp thời động viên, khích lệ những điểm làm tốt, chỉ ra những điểm chưa tốt, cùng nhau rút kinh nghiệm. Các buổi bình đơn thuốc luôn thu hút nhiều bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện tham gia, cùng nhau phân tích, đánh giá tính hợp lý trong đơn thuốc, sự tương tác giữa các thuốc, để kịp thời điều chỉnh, tránh biến chứng rủi ro cho bệnh nhi. Đồng thời cập nhật một số lưu ý trong chỉ định, chống chỉ định của thuốc, hạn chế việc lạm dụng thuốc, nhằm nâng cao chất lượng điều trị.
Việc bình đơn thuốc là hoạt động được chú trọng thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, nhằm giám sát chặt chẽ việc kê đơn, ngăn ngừa tối đa các sự cố xảy ra, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhi.
Những loại thuốc không được dùng cho trẻ nhỏ
Hiện nhiều phụ huynh cẩn trọng hơn trong việc dùng thuốc cho trẻ, nhưng vẫn còn không ít ca bệnh nhi phải đi cấp cứu do ngộ độc thuốc.
Khi sử dụng thuốc ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu không đúng sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe. Lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc không đủ liều, đặc biệt là đối với các thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus... sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc.
Với trẻ em, do các chức năng của các cơ quan chưa hoàn chỉnh, nếu sử dụng thuốc bừa bãi sẽ nguy hiểm hơn ở người lớn rất nhiều.
Ở giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ, các chức năng của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh, do đó ảnh hưởng nhiều tới việc dùng thuốc.
Cơ thể người trưởng thành có khoảng 60-70% là nước nhưng ở trẻ em nước chiếm tới 80%. Do nhiều nước và cơ bắp của trẻ chưa phát triển, nên việc sử dụng thuốc khác hoàn toàn ở người lớn. Ví dụ các thuốc tan trong nước có thể tích phân bố rất rộng, bởi vậy, rất nhiều thuốc ở trẻ em phải dùng liều cao hơn người lớn. Cũng do cơ bắp chưa phát triển, nên trẻ sơ sinh nếu phải dùng thuốc dạng tiêm, chỉ được tiêm tĩnh mạch mà không tiêm bắp.
Da của trẻ em cũng mỏng manh, hàng rào biểu mô chưa trưởng thành, khả năng hấp thu thuốc qua da rất lớn, đặc biệt ở vùng bẹn, đùi hoặc da mặt. Do đó khi sử dụng thuốc bôi ngoài da, trẻ dễ bị kích ứng. Thậm chí nếu bôi thuốc ngoài da trên diện rộng còn có thể tác dụng toàn thân gây độc. Trường hợp bôi thuốc mà băng kín lại (như bôi thuốc chữa hăm có chứa corticoid xong mặc bỉm cho trẻ) sẽ làm tăng hấp thu thuốc, nguy cơ tác dụng phụ toàn thân là rất lớn.
Các cơ quan chuyển hóa và thải trừ thuốc như gan và thận của trẻ cũng chưa phát triển hoàn chỉnh, nên việc chuyển hóa và thải trừ thuốc kém hơn người lớn. Do vậy nguy cơ thuốc bị tích lũy trong cơ thể dẫn đến gây ngộ độc thuốc cũng cao hơn.
Khả năng hấp thu ở đường tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng bởi sự bài tiết acid dạ dày, sự hình thành muối mật, thời gian rỗng dạ dày, chiều dài ruột và bề mặt hấp thụ hiệu quả cũng như chuyển động ruột, hệ vi sinh vật đường ruột... Tất cả các yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng hoặc giảm hấp thu thuốc trên đường tiêu hóa của trẻ.
Một số thuốc không dùng cho trẻ
Kháng sinh:
- Nhóm aminoglycosid (streptomycin, neomycin, kanamycin, amikacin, gentamycin, tobramycin) là nhóm kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng nghiêm trọng. Thuốc có cơ chế tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ngăn chặn quá trình sản xuất protein cần thiết cho sự sống của vi khuẩn.
Tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ gây độc lên thận và thính giác. Tác dụng phụ trên thính giác gây điếc vĩnh viễn, hậu quả là nếu trẻ sơ sinh sử dụng thuốc có thể dẫn đến câm do điếc. Vì thế, thuốc không được sử dụng cho trẻ sơ sinh.
- Nhóm phenicol (thiamphenicol, cloramphenicol) là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, trên rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Nhưng thuốc có độc tính nghiêm trọng gây ức chế tủy xương, ảnh hưởng quá trình tạo máu dẫn đến thiếu máu; gây viêm thần kinh thị giác và nguy hiểm hơn là hội chứng xám gây tím tái, trụy mạch... Do vậy thuốc hiện nay chỉ sử dụng khi không có lựa chọn khác và tuyệt đối không dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng.
- Nhóm lincosamid (lincomycin, clindamycin) có tác dụng tốt trên một số chủng vi khuẩn kỵ khí. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là gây tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc có thể tử vong, viêm gan, giảm bạch cầu đa nhân trung tính. Thuốc không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Nhóm tetracyclin (doxycyclin, minocyclin, tetracyclin) là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng và thực tế lâm sàng thì nhóm này thường bị sử dụng bừa bãi nhất. Hậu quả là rất dễ gây kháng thuốc. Đối với trẻ em, thuốc gây biến màu răng vĩnh viễn, loạn sản men răng, ức chế sự phát triển của xương. Do vậy trẻ em dưới 8 tuổi không được dùng thuốc này.
- Nhóm quinolon (ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin...) có tác dụng phụ tác động lên sự phát triển sụn tiếp hợp, hậu quả dẫn đến trẻ bị lùn. Hơn nữa, thuốc còn gây viêm đứt gân, đứt gân achilles, do đó không được dùng cho trẻ dưới 16 tuổi.
- Nhóm sulfamid (sulfaguanidin, sulfadiazin, sulfasalazin, sulfamethoxazol) có tác dụng phụ gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn hệ thống tạo máu, dị ứng, nguy cơ gây sỏi. Ngoài ra còn gây tiểu đường ở trẻ. Vì thế không được dùng nhóm này cho trẻ sơ sinh.
Giảm đau, hạ sốt:
- Các loại thuốc á phiện như morphine và dẫn xuất (ví dụ như paracetamol phối hợp codein) dễ gây ức chế hô hấp vì vậy không được dùng cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
- Các thuốc giảm đau hạ sốt không steroid nếu dùng cho trẻ phải có sự hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ.
- Aspirin gây hội chứng Reye - một biến chứng nguy hiểm có thể tử vong, nên không được dùng cho trẻ.
Thuốc rối loạn tâm thần:
Thuốc phenothiazine gây các dấu hiệu thần kinh ngoại tháp, không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi.
Thuốc nhỏ mũi:
Một số thuốc nhỏ mũi co mạch tại chỗ (xylometazolin, oxymetazolin, naphazolin hay kết hợp oxymetazolin với dexamethason)... khi sử dụng không đúng có thể gây hiệu ứng ngược, gây hại cho trẻ, vì thế không sử dụng khi chưa có chỉ định.
Một số thuốc khác
Corticoid uống hoặc ngoài da gây ảnh hưởng chiều cao của trẻ phải có chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ. Tinh dầu (chàm) có thể gây co thắt đường thở, không thoa cho trẻ dưới 2 tuổi, không thoa ở vị trí gần mũi...
Hải Dương: Bé gái 11 tuổi mắc Covid-19 tử vong Bé gái 11 tuổi mắc Covid-19 tử vong là bệnh nhân mã số 11404979. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, đã được tiêm 2 mũi vắc xin. Ngày 29.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND H.Bình Giang (tỉnh Hải Dương), xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một trường hợp bị tử vong do...