Khủng hoảng nợ toàn cầu: Cần một giải pháp toàn diện
“Nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 307.000 tỷ USD trong nửa đầu năm nay…”, trích thông báo của Viện Tài chính quốc tế (IIF) công bố hôm 20/9/2023.
Đây là lần thứ ba trong năm nay, IIF đưa ra thông báo về thống kê nợ toàn cầu, sau khi đã liên tiếp cảnh báo về chiều hướng tăng nợ do những khoản vay chính phủ gia tăng bất thường.
Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, khoản nợ tăng thêm 8.300 tỷ USD của toàn thế giới cũng đã là mức kỷ lục từng được ghi nhận trong 1 quý. Cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đã đến mức độ báo động, đòi hỏi thế giới hành động quyết liệt hơn để tìm giải pháp chung.
Chất chồng những bế tắc
Lãi suất tăng và chính sách thúc đẩy nền kinh tế bằng đòn bẩy tài chính là lý do chủ yếu khiến cho tổng nợ cao kỷ lục. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc là hai ví dụ tiêu biểu nhất cho hai xu hướng này.
Chỉ trong vòng 14 tháng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện 10 lần tăng lãi suất liên tục từ mức 0,25% vào tháng 4/2022 lên mức 5,25% vào tháng 6/2023. Đây là nỗ lực của FED nhằm chống lại lạm phát phi mã, gây xói mòn nền kinh tế. Tuy nhiên khi lãi suất tăng, chi phí đi vay của Chính phủ Mỹ cũng tăng dẫn đến hậu quả là Chính phủ Mỹ suýt phải đóng cửa vào cuối tháng 9/2023.
Gánh nặng nợ đang đè nặng khả năng tăng trưởng.
Ở thái cực khác, việc duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế và gia tăng các khoản đầu tư đã kéo tỷ lệ nợ trên GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc tăng đáng kể lên 282% trong quý 1/2023, từ mức 273% vào cuối năm 2022, theo dữ liệu của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD) có trụ sở tại Bắc Kinh.
Không chỉ gia tăng nợ chính phủ, nợ hộ gia đình của Mỹ – thị trường tài chính lớn nhất thế giới – cũng gia tăng bất thường. Theo dữ liệu công bố của FED, dư nợ của các hộ gia đình Mỹ ghi nhận mức kỷ lục mới 17.050 tỷ USD trong quý 1/2023, tăng 148 tỷ USD, tương đương mức tăng 0,9% so với cuối năm 2022. So với thời điểm cuối năm 2019, con số này đã tăng thêm 2.900 tỷ USD.
Video đang HOT
Trong quý 1/2023, nợ hộ gia đình Mỹ tăng ở hầu hết các hạng mục, với mức tăng mạnh, thậm chí lập kỷ lục ở hạng mục vay thế chấp mua nhà, mua ô tô, mua sắm và các khoản vay tiêu dùng khác. Đáng chú ý, dư nợ thẻ tín dụng không biến động, duy trì ở mức 986 tỷ USD trong quý 1. Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm không có sự suy giảm ở hạng mục này. Thông thường, trong ba tháng đầu năm, dư nợ thẻ tín dụng thường giảm bởi đây là thời điểm sau kỳ nghỉ lễ. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và trả bớt nợ thẻ tín dụng ở khoảng thời gian này. Nhưng điều này lại không xảy ra trong năm nay.
Trên quy mô toàn cầu, nợ công cũng đã tăng lên mức kỷ lục 92.000 tỷ USD vào cuối năm 2022, và “sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới”, theo nhận định của ông Vitor Gaspar, Giám đốc phụ trách vấn đề tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngay trước thềm Hội nghị Mùa Thu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) được tổ chức tại thành phố Marrakech, Maroc, giữa tháng 10/2023.
Ở một góc nhìn rộng hơn, kể từ năm 2000, nợ công thế giới đã tăng hơn 5 lần, cao hơn mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu – chỉ tăng gấp 3 lần trong cùng kỳ. Trong đó, gần 30% tổng nợ toàn cầu là của các nước đang phát triển. Theo các tổ chức tài chính quốc tế, thời gian gần đây, các khoản nợ gia tăng mạng ở những nước giàu như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật và Trung Quốc do những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, gia tăng chi tiêu chính phủ. Nhưng, áp lực trả nợ tại các nước nghèo vẫn lớn hơn rất nhiều do chi phí đi vay lớn và động lực tăng trưởng thấp. Theo Liên hợp quốc (LHQ), chi phí đi vay của các nước châu Phi trung bình cao gấp 4 lần so với Mỹ và gấp 8 lần các quốc gia giàu có ở châu Âu. Đây chính là nghịch lý lớn của sự phát triển.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ở Hội nghị G20 tại Ấn Độ giữa tháng 7 vừa qua đã phải cảnh báo: “Một nửa thế giới đang chìm trong thảm họa phát triển, được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng”. Theo đó, khoảng 3,3 tỷ người, tương đương gần một nửa dân số thế giới, sống ở các quốc gia đang chi nhiều cho các khoản thanh toán lãi suất nợ hơn là cho giáo dục hoặc y tế. Báo cáo của LHQ chỉ rõ: 25 trên 52 quốc gia kém phát triển đang được theo dõi hiện phải dùng đến 20% thu nhập chỉ để chi trả các khoản nợ. Tất cả các quốc gia này đều “đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, hoặc rất gần với nguy cơ vỡ nợ”.
Xảy ra tại bất cứ quốc gia nào, tình trạng vỡ nợ cũng có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền. Có tới 60% các chủ nợ là tư nhân rất khó kiểm soát, nên nếu họ tăng cường đòi nợ hoặc ngừng các khoản vay mới để bảo vệ đồng tiền của mình, đó sẽ là thảm họa cho toàn bộ nền kinh tế thế giới. Bất chấp “vỡ nợ” là một khái niệm vô cùng nhạy cảm, mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng phải cảnh báo “đã xuất hiện tình trạng vỡ nợ trái phiếu ở một số quốc gia châu Á”.
Hội nghị Mùa Thu không thể đưa ra tuyên bố chung.
Chung tay tìm giải pháp
“Thế giới nợ nần” mà chúng ta đang chứng kiến là hệ quả của những chính sách tài khóa rộng rãi của các chính phủ trong thời gian dài. Đại dịch COVID-19, những cuộc xung đột, lạm phát và một nền kinh tế trì trệ chưa thể lấy lại đà tăng trưởng đã làm trầm trọng thêm tình trạng hiện tại. Khi gánh nặng nợ của một đất nước gia tăng, nước này sẽ không thể đầu tư để đạt được các mục tiêu phát triển, rơi vào vòng luẩn quẩn, càng khó trả nợ hơn. Bởi vậy, thế giới cần các giải pháp đa phương để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, đặc biệt là của các nước nghèo.
Tại Hội nghị thường niên mùa Thu vừa qua, cả IMF và WB đều tập trung bàn thảo về nguy cơ vỡ nợ của các quốc gia nghèo. Điều này làm chúng ta nhớ lại thành công của hai tổ chức này trước đây khi đưa ra Sáng kiến giúp các nước nghèo mắc nợ nặng (HIPC) vào năm 1996. Theo đó trong vòng 20 năm, HIPC đã giúp 37 quốc gia tham gia giải quyết khoản nợ hơn 100 tỷ USD.
Thế nhưng bối cảnh năm 1996 với năm 2023 là hoàn toàn khác biệt. Dù cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đang ở một tầm mức mới nhưng việc nền kinh tế thế giới nói chung đang ở trạng thái “ốm yếu” đã khiến cho những cuộc thảo luận trở nên bế tắc. Bản thân các tổ chức quốc tế như IMF, WB hay thậm chí là LHQ cũng đang gặp khó khăn với các khoản đóng góp đã được hứa hẹn. Theo thông báo từ LHQ, tính đến cuối quý III/2023, tổ chức này mới chỉ nhận được 64% trong tổng số tiền cần thiết để duy trì hoạt động trong năm nay, thấp hơn các mức 71,9% và 82,7% lần lượt trong cùng kỳ năm 2022 và 2021.
Sau gần một tuần họp bàn từ 9-15/10/2023, Hội nghị mùa Thu đã kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung cụ thể nào. Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể hy vọng vào một lộ trình mới được vẽ ra. Theo đó, IMF thông báo các quốc gia thành viên đã nhất trí tăng mức đóng góp cho tổ chức này, đồng thời trao cho khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi chiếc ghế thứ 3 trong ban điều hành của IMF. Động thái này phản ánh nỗ lực của IMF trong việc thay đổi cơ cấu quản lý để nâng cao tiếng nói và quyền lợi chính đáng của các nền kinh tế nghèo và đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia ở khu vực đang đối mặt với khó khăn ở châu Phi.
WB cũng đưa ra những kế hoạch mới trong thông báo 3 điểm của mình. Theo đó, WB hứa sẽ mở rộng năng lực tài chính, tham gia mạnh mẽ hơn với khu vực tư nhân và tăng hiệu quả của quy trình cho vay. Tổ chức tài chính lớn nhất thế giới cũng xem xét cấp thêm các khoản vay lên tới 157 tỷ USD trong thập kỷ tới cho các nước nghèo ở châu Phi, đồng thời nghiên cứu các khoản vay có thời hạn từ 35-40 năm để giúp các quốc gia này điều hướng tốt hơn các kế hoạch dài hạn.
Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với thế giới, ở thời điểm mà những bất đồng và chia rẽ đang ngăn trở chúng ta chung tay cho những mục tiêu phát triển bền vững.
Các nước đang phát triển đối mặt khủng hoảng nợ
Lãi suất cao, tâm lý lo ngại rủi ro của nhà đầu tư cùng chi phí đi vay leo thang trong những năm gần đây đã khiến một số quốc gia đang phát triển rơi vào tình trạng nợ nần.
Hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng nợ sẽ là ưu tiên thảo luận tại cuộc họp thường niên do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức tại thành phố Marrakech, Maroc vào tuần tới.
Quang cảnh tại một con phố mua bán tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Ukraine đã dừng việc thanh toán các khoản nợ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Đầu năm tới, nhiều khả năng nước này sẽ cố gắng gia hạn thỏa thuận kể trên hoặc tìm kiếm giải pháp thay thế. Các tổ chức hàng đầu thế giới ước tính chi phí tái thiết Ukraine hậu xung đột là ít nhất 1.000 tỷ euro (1.050 tỷ USD), trong đó IMF nhận định Ukraine cần khoảng 3-4 tỷ USD mỗi tháng để duy trì hoạt động. Thời gian qua, kinh tế nước này đã có dấu hiệu phục hồi, lạm phát chậm lại và tâm lý kinh doanh dần cải thiện.
Tại Trung Đông, Liban đã vỡ nợ lần đầu tiên vào năm 2020 và có rất ít dấu hiệu cho thấy kinh tế nước này đang hồi phục. Hồi tháng 9 vừa qua, IMF hoan nghênh những thay đổi của ngân hàng trung ương Liban, song cho rằng nước này cần cải cách sâu rộng trong bối cảnh triển vọng kinh tế "khó khăn và bất định." IMF cảnh báo khó khăn tiếp diễn có thể đẩy nợ công Liban lên mức 547% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027.
Trong khi đó, Pakistan cần tới 22 tỷ USD để trả nợ nước ngoài và thanh toán các hóa đơn cho năm tài chính 2024 trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ở mức cao kỷ lục đi kèm những thiệt hại nặng nề sau trận lũ lụt lịch sử năm 2022. Tháng 6 vừa qua, IMF đã thông qua gói cứu trợ 3 tỷ USD cho Pakistan, theo sau là khoản 3 tỷ USD tiền mặt hỗ trợ của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, giới quan sát tiếp tục hoài nghi về sức chống chịu của nền kinh tế Pakistan nếu thiếu đi các khoản hỗ trợ lớn.
Tại Nam Á, Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng 5/2022. Nguyên nhân do đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch khiến chính phủ nước này cạn kiệt nguồn tiền để nhập khẩu thực phẩm, xăng dầu và thuốc men. Cuối tháng 6, Sri Lanka đã công bố kế hoạch xử lý nợ và đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều khả năng IMF sẽ trì hoãn gói cứu trợ 2,9 tỷ USD tiếp theo cho Sri Lanka trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thu ngân sách.
Còn tại Bắc Phi, các cú sốc liên tiếp kể từ năm 2011 đã đẩy kinh tế Tunisia rơi vào khủng hoảng toàn diện. Các tổ chức xếp hạng tín dụng nhận định Tunisia có thể vỡ nợ trong bối cảnh lô trái phiếu châu Âu trị giá 500 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng này. Việc Saudi Arabia hỗ trợ 500 triệu USD cùng nguồn thu từ du lịch đã thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, song người dân nước này tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men
Trong khi đó, Ai Cập cần trả khoản nợ gần 100 tỷ USD bằng đồng tiền mạnh (hard-currency) trong vòng 5 năm tới. Chính quyền Cairo hiện dành hơn 40% nguồn thu ngân sách để trả lãi trong bối cảnh nhu cầu năm tài chính 2023/2024 ở mức 24 tỷ USD. Đồng nội tệ nước này cũng mất hơn 50% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 2/2022. Ai Cập hiện được IMF hỗ trợ khoản vay trị giá 3 tỷ USD.
Còn tại Ethiopia, bất ổn chính trị và đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước. Đầu năm 2021, chính quyền Ethiopia đã đề xuất tái cơ cấu theo Khuôn khổ chung về Xử lý Nợ bên ngoài Sáng kiến Hoãn Thanh toán Nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tổ chức xếp hạng Moody's đã nâng triển vọng của Ethiopia từ tiêu cực lên ổn định trước những kỳ vọng kinh tế nước này sẽ nhanh chóng cải thiện trong Khuôn khổ Chung.
Ghana đã vỡ nợ hầu hết các khoản nợ nước ngoài vào tháng 12/2022 và trở thành quốc gia thứ 4 tìm cách tái cơ cấu kinh tế theo Khuôn khổ Chung của G20. Nước này đã tiếp nhận gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD của IMF tháng 5 vừa qua, đồng thời cho biết tiến trình tái cơ cấu 30 tỷ USD nợ nước ngoài cùng các khoản nợ trong nước diễn ra khá nhanh chóng. Bộ trưởng Tài chính Ghana kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận với các trái chủ quốc tế vào cuối năm nay.
Nợ công tại Kenya đã chạm mức 67,4% GDP vào cuối năm 2022, khiến nước này có nguy cơ cao rơi vào khủng hoảng nợ. Chính quyền Tổng thống William Ruto đã điều tiết chi tiêu và đề xuất nhiều đợt tăng thuế nhằm ổn định kinh tế đất nước. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao đã thúc đẩy lạm phát, khiến đồng nội tệ mất giá hơn 16% so với đồng USD. Quốc gia này đang đàm phán với Ngân hàng phát triển châu Phi và WB để được hỗ trợ ngân sách trong bối cảnh sẽ phải hoàn trả lô trái phiếu châu Âu trị giá 2 tỷ USD vào năm tới.
Zambia là quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Tháng 6 vừa qua, Zambia đã đạt được thỏa thuận gia hạn khoản nợ 6,3 tỷ USD với Trung Quốc và các nước chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris. Dự kiến nước này sẽ hoàn tất bản ghi nhớ nợ vào cuối năm nay.
Nhọc nhằn tái định hình con đường phát triển Hội nghị mùa Xuân thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ từ ngày 10 - 16/4 với chương trình nghị sự tập trung vào những vấn đề kinh tế hóc búa đang cần giải pháp. Sự kiện quy tụ các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân...