Không học tiền tiểu học, học sinh “chật vật” với chương trình lớp 1 mới
Bộ GD-ĐT đã cấm dạy trước chương trình lớp 1. Nhưng các phụ huynh cho con đi học tiền tiểu học đều thấy con “đỡ vất” hơn khi học chương trình mới và SGK lớp 1 mới.
Chương trình phổ thông 2018, với sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới đã được đưa vào dạy và học từ năm học 2020-2021. Sau 1 tháng trải nghiệm, SGK lớp 1 nhận được nhiều phản hồi từ giáo viên và các bậc phụ huynh là chương trình nặng, khó để trẻ “đang học vỡ lòng” theo kịp, nhất là môn Tiếng Việt.
Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng môn Tiếng Việt trong chương trình phổ thông mới rất nặng với trẻ vỡ lòng.
Một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm của con đã lưu ý hai môn Tiếng Việt và Tập viết của năm nay rất nặng. Theo tìm hiểu vị phụ huynh này, trường của con chị sử dụng cuốn Cùng học Phát triển Năng lực trong chương trình phổ thông mới và một tháng học cùng con chị cùng nhiều bậc phụ huynh khác cùng chung nhận định rằng “học như vậy là quá nặng” với trẻ vỡ lòng.
“Bài học tuần 4 của môn Tiếng Việt năm nay bằng bài học tuần thứ 25 của chương trình cũ. Còn môn Tập viết, những năm trước, các con có 1 tuần để tập viết các nét trước khi viết chữ, thì năm nay các con chỉ có 1 buổi (6 hay 7 nét). Nếu các con không học chữ trước, thì không thể nhớ hết các nét để viết chữ”, vị phụ huynh này chia sẻ sau khi tìm hiểu chương trình học của con.
Cũng theo vị phụ huynh này, nhờ đi học trước khi vào lớp 1 nên khi chính thức vào năm học cậu con trai của chị “đỡ vất” hơn so với những bạn không đi học. Tuy nhiên, con vẫn không khỏi “đánh vật” vì viết chữ khó nên viết chậm, trong khi bài tập lại nhiều.
Cùng chung những băn khoăn và lo lắng này khi con vào lớp 1, chị Nguyễn Hân (Hà Đông) đã dành thời gian học lại cùng con theo chương trình và SGK mới. Theo chị Hân, SGK lớp 1 năm nay, đặc biệt là môn Tiếng Việt tương đối nặng đối với học sinh, nhất là với những bạn không học trước. Học sinh không được làm quen với các nét, các chữ cái cơ bản mà đã học ngay vào ghép vần, thậm chí là tập đọc luôn ngay từ bài đầu tiên. Với những bạn không học tiền tiểu học sẽ rất khó để bắt kịp.
“Như cháu nhà tôi không học tiền tiểu học nên rất vất vả để theo kịp các bạn ở lớp. Các chữ, các số, con chưa kịp nhớ, chưa kịp viết cho đúng chứ đừng nói là đẹp, đã lại học sang bài khác. Cô giáo cũng dặn phụ huynh luyện thêm cho các con. Vì lo con không theo kịp nên ngày nào hai mẹ con cũng phải học cùng nhau hàng tiếng đồng hồ mà có khi còn chưa xong bài, vì con cứ nhớ trước quên sau. Các con đang ở tuổi chỉ biết ăn biết chơi, nay lại phải học hàng tiếng đồng hồ mỗi tối thế này, tôi thấy tội con, nhưng cũng không biết phải làm thế nào”, chị Hân nói.
Nhiều phụ huynh không cho con học tiền tiểu học như chị Hân khá căng thẳng khi kèm con học. Không phụ huynh nào áp dụng được những bài học vỡ lòng ngày xưa của mình để dạy con trẻ ngày nay. Nhìn con mỗi tối khóc lóc, đánh vật với những nét chữ đầu tiên thì phụ huynh nào cũng phải bức xúc. Tuy nhiên, việc cho con đi học trước khi vào lớp một không phải phụ huynh nào cũng đồng tình. Thực tế, từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nghiêm cấm tổ chức dạy trước chương trình lớp 1.
Nhưng với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè, các gia đình vẫn cho con đi học tiền tiểu học. “Tôi nghĩ con làm quen trước với con chữ, tập viết, tập tính và làm quen với cách dạy học ở lớp 1 thì cũng không có gì hại cả”, một phụ huynh cho biết.
Video đang HOT
Câu chuyện giáo dục, chương trình học, phương thức thi… chưa bao giờ hết nóng và hết tranh luận trong xã hội. Chương trình phổ thông mới và SGK lớp 1 mới cho năm học 2020-2021 đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực phân tích thiệt hơn của báo chí và chắc chắn còn là chủ đề nóng tranh luận trên các diễn đàn khi bắt đầu được triển khai thực tế.
Không như ở mẫu giáo, các bé vào lớp 1 sẽ bắt đầu học thực sự.
Sau khi có phản hồi của các giáo viên và phụ huynh về chương trình mới còn gặp khó khăn trong dạy và học, ngày 5/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có công văn gửi Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố, yêu cầu các nhà trường thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành bài học ngay tại lớp, không giao thêm bài về nhà.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở tăng cường việc nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên để trao đổi, cung cấp thông tin và giải đáp kịp thời, đồng thời các tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình để cùng thực hiện hiệu quả.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài, trong chương trình mới, môn Tiếng Việt lớp 1, về mặt kiến thức không cao hơn so với chương trình hiện hành. Song thời lượng được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết, dù lượng kiến thức đã có phần tinh giản hơn so với chương trình trước đây. Nhưng vậy, số tiết Tiếng Việt trong một tuần của học sinh học theo chương trình phổ thông mới chắc chắn sẽ nhiều hơn so với khi học chương trình trước đây.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, trong quá trình triển khai, Bộ tiếp tục lắng nghe phản biện, những vấn đề phát sinh trong thực tế./.
Chương trình lớp 1 mới: Giáo viên mệt nhoài dạy học và... nghe điện thoại phụ huynh
Học sinh nông thôn không đi học trước cũng không được bố mẹ hướng dẫn nên đi học vài tuần vẫn viết ngược số, ngược chữ cái mà chương trình thì vẫn cứ chạy rất nhanh và nhiều.
(Ảnh minh hoạ)
Là giáo viên dạy lớp 1, khi thấy những than phiền trên mạng xã hội của phụ huynh có con đi học cho rằng chương trình môn Tiếng Việt quá nặng so với năm trước, tôi rất chia sẻ với tâm lý này.
Cũng có ý kiến cho rằng, chương trình không nặng như ý kiến các phụ huynh đã nêu, lỗi là ở giáo viên chưa biết điều tiết chương trình, ép học sinh học nhiều... Lại có ý kiến cho rằng còn quá sớm để đánh giá chương trình có nặng hay không, thậm chí có ý kiến lại đổ lỗi cho bố mẹ học sinh tạo áp lực lên con quá...
Dường như mọi ý kiến đều có căn cứ xác đáng nhưng với tư cách là một giáo viên đang dạy lớp 1 ở một vùng nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc tôi chỉ xin nêu những vấn đề, những công việc mà bản thân những giáo viên đứng lớp như chúng tôi đang ngày ngày đối diện.
Năm học này, tôi được giao nhận lớp 1 với sĩ số 35 học sinh. Bộ sách được nhà trường lựa chọn dạy được đánh giá là nhẹ nhất trong số 5 bộ sách được áp dụng trong năm học này.
Tuần đầu tiên tôi kiểm tra bảng chữ cái nhưng chỉ có 15/ 35 học sinh nhận diện được tất cả các chữ cái, các học sinh còn lại chưa nhận biết được. Đầu vào học sinh như thế đã là một "lực cản" lớn đối với tôi.
Hết tuần đầu tiên có học sinh chưa viết đúng nét ngang và nét sổ thẳng chứ chưa nói đến các nét khó.
Theo kế hoạch 5 tiết làm quen với các nét cơ bản, các chữ số, bảng chữ cái, dấu thanh, yêu cầu học sinh biết đọc hết các chữ cái, nhận biết số và dấu thanh khiến cho cả giáo viên và học sinh khổ sở vật lộn với tuần đầu tiên khi các em chưa được học trước chữ (theo đúng quy định của Bộ không dạy trước lớp 1).
Nhiều học sinh vào tuần 1 giáo viên không cầm tay không viết nổi hình chữ cái. Ấy thế mà, sách giáo khoa từ bài chữ "B b" tiết 3,4 tuần 2 học sinh đã phải viết được từ 1 tiếng, từ 2 tiếng. Chương trình Tiếng Việt nặng, học nhanh khiến nhiều học sinh kĩ năng đọc, viết chậm càng thêm chậm.
Mặc dù Bộ giải thích giáo viên được chủ động trong việc dạy nhưng khung chương trình quy định cứng môn Tiếng Việt học 12 tiết/tuần. Hiện tại học 2 âm/1 bài ở 2 tiết, 1 tuần học sinh học từ 6- 10 âm mới. Những học sinh chưa đi học chữ trước thực sự gặp khó khăn để các em đọc, viết.
Chương trình yêu cầu hết kì 1 học sinh học hết các vần, dựa theo phân phối chương trình 12 tiết Tiếng Việt/ tuần thì hợp lí, tuy nhiên thực tế năng lực học sinh lại thì có lẽ chưa phù hợp, ở tuần 8 (cuối tháng 10) đã có bài 4 vần trong 1 bài 2 tiết.
Với tốc độ 1 tuần các con phải học từ 13 đến 15 vần mới, các con liệu có ghi nhớ được hết các âm, vần mới hay không và liệu chương trình mới đang giảm tải hay tăng tải?
Đặc biệt, trong sách Tiếng Việt dành cho buổi 2 có dạng bài tập nối hình với chữ cái hay dấu thanh ở tuần 1.
Tuy nhiên học sinh lớp 1 nhiều em chưa có khả tự năng phân tích tiếng để biết trong tiếng đó có âm hay dấu thanh đó hay không. Chẳng hạn có học sinh đánh vần tiếng "cà": cờ - a -ca- huyền - bà.
Vậy thay vì cho hình không thì có thể cho thêm chữ để học sinh nhận biết chữ cái và dấu thanh.
Học sinh nông thôn không đi học trước cũng không được bố mẹ hướng dẫn nên đi học vài tuần vẫn viết ngược số, ngược chữ cái mà chương trình thì vẫn cứ chạy rất nhanh và nhiều.
Không chỉ dừng lại ở một môn Tiếng Việt với chương trình học nặng, khi đặt môn Tiếng Việt trong mối liên kết với môn học khác cũng chưa có sự thống nhất.
Theo đó, khi Tiếng Việt tuần 3 học sinh chưa học âm "nh" và các vần thì Vở bài tập Toán đã yêu cầu học sinh điền từ "nhiều hơn" hoặc "ít hơn" vào chỗ chấm.
Thực tế việc nhìn chép kí tự của học sinh đầu lớp 1 chưa tốt, khả năng viết lại tên của bản thân còn kém vậy yêu cầu học sinh viết lại từ "nhiều hơn" và "ít hơn" vào chỗ chấm khá khó cho học sinh ở tuần 3.
Vậy là, giáo viên chúng tôi cả buổi đứng dạy, đến giờ ra chơi thì lại ngồi lại lớp viết mẫu hướng dẫn các em chưa biết viết số, chữ cái.
Còn trong giờ học thì tôi khô cổ, rát họng, quên thời gian đi uống nước, đi vệ sinh để hướng dẫn các em. Bởi vì học sinh lớp một lại ở vùng quê, các em vẫn quen với nếp sinh hoạt tự do, chưa tập trung học.
Thường thì trong những tiết học đầu năm, ngoài chuyện dạy các em học thì tôi còn phải hướng dẫn nhiều vấn đề khác, uốn nắn tác phong, rèn kỷ luật lớp học. Ví dụ, đang giờ học, các con thưa gửi các chuyện xích mích với nhau, hoặc chốc chốc lại có bạn xin đi vệ sinh... Mặc dù ngay từ đầu, tôi đã dặn các em không đi vệ sinh trong giờ học nhưng các em vẫn chưa quen. Thậm chí, có em đi vệ sinh mãi không thấy trở lại khiến tôi lại phải đi tìm. Hoá ra trên đường đi,en ấy tranh thủ ngó nghiêng các lớp khác mà chậm chễ quay lại lớp học.
Giáo viên lớp một luôn vất vả hơn các khối lớp khác ở bậc tiểu học, nay lại thêm chương trình nặng khiến ngày nào chúng tôi cũng mệt nhoài.
Hết giờ dạy về nhà tưởng được nghỉ lại là thời gian nghe điện thoại, trao đổi với phụ huynh. Người thì trăm sự nhờ cô, người khác lại lo sốt vó khi con chậm biết đọc, biết viết, lại có người dằn hắt sao cô bắt con học nhiều thế... Có những tối tôi chỉ nghe điện thoại thôi cũng đã thấy mệt rồi chứ đừng nói còn phải trả lời, phải giải thích. Có ai thấu hiểu cho chúng tôi?
Cô trò lớp 1 chật vật với chương trình mới, vì đâu? Tròn 1 tháng dạy học chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới, Bộ GD-ĐT đã phải ra văn bản 'tăng cường chỉ đạo'. Giáo viên và học sinh lớp 1 đã trải qua 1 tháng học theo chương trình mới - NGỌC DƯƠNG Các giáo viên và cán bộ quản lý địa phương cũng đưa ra những nguyên nhân khiến chương trình...