Khối u nặng hơn 10 kg dính vào nội tạng người đàn ông
Các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) đã bóc tách khối u lớn nằm ở vị trí hiểm, dính vào các tạng và mạch máu bệnh nhân.
Bệnh nhân 46 tuổi, suốt 6 tháng đau bụng kéo dài, ăn uống khó tiêu, chủ quan không đi khám. Đến khi bệnh nhân vào Bệnh viện K Trung ương, bác sĩ phát hiện khối u kích thước 40×35x38 cm chiếm hoàn toàn nửa bụng bên trái và phần giữa ổ bụng. Bệnh nhân được chẩn đoán u mạc treo và cần mổ để loại bỏ khối u.
Các bác sĩ mổ bóc tách u an toàn cho bệnh nhân và bảo tồn được thận trái, lách, các mạch máu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 nhận định đây là ca mổ khó vì u rất to, lại ở vị trí hiểm hóc. Khối u đẩy toàn bộ các quai ruột sang phải và đẩy các tạng ổ bụng ra phía sau, đè đẩy vào động mạch chủ bụng, tĩnh mạch chủ dưới. U được cấp máu bởi động mạch tách ra từ động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng dưới, đè vào thận trái và lách. Khối u còn dính vào các tạng lân cận, các mạch máu lớn.
Theo bác sĩ, khả năng lấy bỏ được hết khối u là rất khó khăn, có thể phải cắt cả các tạng quan trọng, làm tổn thương những mạch máu lớn… Tuy nhiên nếu không mổ, sức khỏe bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Video đang HOT
Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ, với các bác sĩ đó thực sự là những phút cân não để chọn đường mổ an toàn cho bệnh nhân. Kết quả đã lấy được hết toàn bộ khối u nặng hơn 10 kg, đường kính hơn 40 cm. Ngoài ra, các bác sĩ phải cắt đoạn đại tràng trái và đại tràng sigma, cắt đoạn niệu quản trái sau đó nối lại.
Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định. Tiến sĩ Bình khuyến cáo người dân khi có biểu hiện đau bụng kéo dài, khó chịu, tức ngực, tức bụng, ăn uống đầy bụng, khó tiêu… nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Phương Trang
Theo vnexpress.net
Bác sĩ Việt thử nghiệm hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều trị ung thư
Dựa trên dữ liệu 200 ca ung thư, hệ thống trí tuệ nhân tạo đưa ra phác đồ tương đồng 90% so với phương án của bác sĩ.
Ảnh minh họa
Ngày 10/5, Bệnh viện K Trung ương báo cáo kết quả thử nghiệm hệ thống IBM Watson for Oncology (IBM WFO) trong hỗ trợ điều trị ung thư.
Khảo sát được thực hiện trong 3 tháng qua, trên 200 hồ sơ bệnh án; phần lớn là bệnh ung thư vú, phổi. Đây là những hồ sơ bệnh án đã được bác sĩ chẩn đoán. Kết quả tỷ lệ tương đồng 90% giữa phác đồ của bệnh viện và phác đồ của hệ thống.
Bác sĩ Đào Văn Tú cho biết, hiện phần mềm chỉ có vai trò hỗ trợ, cần người có chuyên môn nhập dữ liệu đầu vào thì kết quả mới chính xác. Với bệnh ung thư vú phát hiện giai đoạn sớm, tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của bác sĩ và hệ thống lên đến 97%. Điều đó cho thấy những phác đồ bác sĩ Việt Nam đang áp dụng so với các phác đồ trên thế giới tương đồng rất cao. 7 trường hợp cho kết quả không tương đồng trong thử nghiệm này là những ca khó, hoặc do loại thuốc thế giới có nhưng chưa được sử dụng tại nước ta...
"Hệ thống này chỉ là công cụ tham khảo; bệnh nhân, bác sĩ có thể xem nó là gợi ý. Việc đưa ra phác đồ nào phù hợp phải thông qua hội chẩn", bác sĩ Tú nói.
Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương khẳng định hệ thống này không thể thay thế bác sĩ trong việc khám, chẩn đoán và quyết định điều trị lâm sàng. Điều trị ung thư là cá thể hóa, việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân. Hệ thống chỉ là phương tiện gợi ý, giúp bác sĩ có thêm sự lựa chọn, tham khảo trong quá trình điều trị.
Ngoài ra, với bệnh ung thư, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng chiếm đến 70-80% hiệu quả điều trị. Tuy nhiên phần mềm này mới chỉ đưa ra phác đồ điều trị hóa chất, với điều kiện ung thư phát hiện giai đoạn sớm. Những trường hợp ung thư giai đoạn muộn, tái phát... thì ứng dụng phần mềm còn hạn chế.
Theo tiến sĩ Quảng, y học dựa trên bằng chứng là cách tiếp cận phổ biến hiện nay, hệ thống IBM WFO giúp bác sĩ cập nhật nhanh chóng các phác đồ, thuốc mới trong điều trị ung thư để đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp cho từng bệnh nhân. Hệ thống hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ trẻ và nhất là tại tuyến tỉnh.
IBM Watson for Oncology là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng. Nó được xây dựng dựa trên việc tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn liên quan tới điều trị ung thư.
Hệ thống hỗ trợ các thông tin liên quan tới 13 loại ung thư, đã triển khai ở hơn 80 bệnh viện và cơ sở y tế tại 13 quốc gia.
Trên thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 tài liệu nghiên cứu về ung thư được xuất bản. Tới năm 2020, dự báo cứ sau 73 ngày thì lượng thông tin y tế sẽ tăng gấp đôi, khiến con người khó có thể cập nhật kịp với khối lượng kiến thức mới về y khoa. Vì thế, công nghệ điện toán biết nhận thức hỗ trợ điều trị ung thư được kỳ vọng như giải pháp nhằm giúp bác sĩ dễ dàng cập nhật và tra cứu tài liệu về ung thư.
Nam Phương
Theo vnexpress.net
PGĐ Bệnh viện K nêu 9 dấu hiệu của các loại ung thư, nếu có nên đi khám càng sớm càng tốt Ung thư đang trở thành gánh nặng của toàn cầu khi số người mắc mới và số người tử vong ngày càng tăng lên. Trong khi đó bệnh nhân đều phát hiện khi bệnh đã muộn. Giáo sư Trần Văn Thuấn. 94 nghìn người Việt chết vì ung thư mỗi năm Mới đây, tại "Diễn đàn chuyên gia ung thư các nước Đông...