Khoe bảng điểm con: phụ huynh cũng là nạn nhân của xã hội trọng bằng cấp
Việc phụ huynh công khai thành tích của con em họ lên mạng xã hội chỉ là để ganh đua ngầm với những phụ huynh khác….
Cứ đến hẹn lại lên, mỗi khi kỳ thi học kỳ kết thúc là nhiều phụ huynh lại đưa những thành tích nổi bật của con họ lên mạng xã hội.
Nhiều người cho rằng, với những bạn học sinh có thành tích cao thì việc làm này nhằm nêu gương cho các học sinh khác theo đó mà phấn đấu.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc phụ huynh khoe bảng điểm của con lên mạng xã hội đã vô tình phạm luật.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Lường Tú Tuấn, cựu giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Bình Long (Bình Phước) cho rằng việc phụ huynh khoe bảng điểm của con lên mạng xã hội sẽ dẫn đến hai hệ lụy:
“Ở những nước có nền giáo dục tiến bộ thì thành tích học tập của học sinh là bí mật cho nên nhà trường và gia đình không được phép công khai thành tích học tập của con em mình. Ở Việt Nam, việc phụ huynh hoặc nhà trường chia sẻ thành tích của học sinh sẽ dẫn đến hai hệ lụy.
Hệ lụy thứ nhất là nếu công khai thành tích học tập của con em mình thì sẽ vi phạm quyền riêng tư cá nhân.
Hệ lụy thứ hai là đối với những em học sinh chỉ giỏi các môn năng khiếu mà không giỏi các môn văn hóa thì việc công khai này sẽ vô tình ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Nó khiến các em cảm thấy tự ti với chính bản thân mình, các em sẽ cho rằng những năng khiếu về bơi lội, về bóng đá, về mỹ thuật của mình chẳng là gì cả.
Từ đó học sinh sẽ có xu hướng chạy theo những chuẩn mực của người lớn mà bỏ mặc những năng khiếu của bản thân mình vì nếu không các em sẽ không được thừa nhận”.
Theo thầy Tuấn, việc coi trọng thành tích là nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh khoe điểm của con em mình lên mạng xã hội.
“Việc phụ huynh công khai thành tích của con em họ lên mạng xã hội chỉ là để ganh đua ngầm với những phụ huynh khác. Trong cuộc ganh đua này thì học sinh chỉ là công cụ để người lớn thỏa mãn cảm xúc cá nhân.
Nguyên nhân của việc ganh đua này bắt nguồn từ giáo dục chỉ coi trọng thành tích, coi trọng điểm số các môn văn hóa mà quên mất việc phát triển những phẩm chất và năng lực sẵn có của học sinh.
Video đang HOT
Điều đó dẫn đến là nhà trường vẫn công khai điểm số của học sinh, thậm trí sẵn sàng phê bình những học sinh có điểm kém trước lớp hoặc trước toàn trường”.
Thầy Tuấn cho biết, để khắc phục tình trạng này thì ngành giáo dục cần phải thay đổi cách đánh giá.
“Ở Việt Nam, chúng ta vẫn chỉ dựa vào thành tích của các cuộc thi, các kỳ kiểm tra để đánh giá.
Chính vì vậy mà nhà trường và gia đình buộc phải chạy theo các thành tích này để đánh giá học sinh. Từ đó dẫn đến hệ quả là nhà trường công khai điểm số của học sinh, phụ huynh công khai điểm số của con em mình bởi vì chỉ có công khai mới có thể đánh giá được học sinh này với học sinh kia.
Nếu bây giờ ngành giáo dục không lấy thành tích làm mục tiêu theo đuổi nữa thì nhà trường cũng sẽ không còn nặng nề với học sinh về chuyện thành tích nữa, phụ huynh cũng sẽ không còn nặng nề với con em mình về chuyện thành tích nữa”, thầy Tuấn nhấn mạnh.
Thầy Tuấn cho rằng, “chính phụ huynh cũng đã từng đi học trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Đã có nhiều cuộc cải cách nhưng chúng ta đều thấy rằng, giáo dục vẫn lấy thành tích, lấy các con số làm thước đo chất lượng.
Rõ ràng nhận thức của phụ huynh được mang tới bởi môi trường giáo dục cho nên cách hành xử của họ như hiện nay cũng không có gì khó hiểu cả. Nói cách khác, trong vấn đề này thì phụ huynh cũng chỉ là nạn nhân của một xã hội trọng bằng cấp, thành tích, điểm số vẫn là thước đo chính”.
Khoe bảng điểm của con trên mạng xã hội, lợi ít hại nhiều!
Những phụ huynh khác có con học cùng lớp bị điểm kém thấy được bài đăng dễ nảy sinh tâm lý ganh tị. Cuối cùng lại đặt gánh nặng học hành lên con cái.
Việc các phụ huynh thi nhau đưa bảng điểm, thành tích sáng giá của con mình lên tung hô trên các trang mạng xã hội vào sau mỗi đợt thi học kỳ nhộn nhịp đến mức nhiều người ví von đó như những phiên chợ, cứ đến hẹn lại lên.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa lường hết những mặt trái có thể mang lại từ những hành động tưởng chừng là vô thưởng vô phạt này.
Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng:
"Việc bố mẹ đưa thành tích học tập của con cái mình lên mạng xã hội cho nhiều người biết đó cũng là một dạng tâm lý rất bình thường.
Bởi lẽ, cha mẹ luôn cảm thấy tự hào về con cái khi chúng đạt được những thành tích tốt trong học tập.
Tuy nhiên, cha mẹ nên biết rằng việc khoe kết quả học tập của con lên mạng xã hội sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi cho trẻ.
Đưa thành tích học tập của con lên mạng ngoài việc thể hiện về sự tự hào về con cái thì nó cũng góp phần động viên con trẻ tích cực học tập hơn nữa tuy nhiên điều này chủ yếu xảy ra ở cấp tiểu học.
Còn ở những bậc học cao hơn các em thường không muốn phụ huynh đưa thành tích học tập của mình lên.
Vì chúng không muốn kết quả học tập của chúng trở thành chủ đề thảo luận với những ý kiến trái chiều nhau trên mạng xã hội".
Tiến sĩ xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức - Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Dũng còn khẳng định, nhiều trẻ hiện nay nhận thức được vấn đề rất sớm, khi biết bố mẹ và mọi người khen ngợi thành tích học tập của mình thì rất dễ dẫn đến tâm lý thỏa mãn và có tư tưởng mình đã giỏi rồi, được mọi người công nhận rồi thì mình không cần học nữa, không cần phấn đấu nữa.
Mặt khác, nếu xét về khía cạnh luật pháp thì việc đưa kết quả học tập của con lên mạng xã hội nếu không được sự đồng ý của con là vi phạm quyền riêng tư, vi phạm Luật trẻ em và có thể gây ra những hệ lụy xấu thậm chí ảnh hưởng đến sự an toàn và tính mạng của trẻ em nếu kẻ gian nắm bắt được những thông tin cụ thể về trường lớp của con trẻ.
Có thực trạng đang rất phổ biến đó là, khi những phụ huynh có con đạt thành tích cao mang bảng điểm ra khoe, nếu những phụ huynh khác có con học cùng lớp bị điểm kém thấy được rất dễ nảy sinh tâm lý ganh tị.
Cuối cùng họ lại đặt gánh nặng học hành lên con cái, rồi bắt con ôn luyện, bắt con học thêm, vừa tốn kém tiền của công sức, lại vừa tạo áp lực học hành lên con trẻ chỉ để mong được bằng bạn bằng bè và thỏa mãn sự đố kỵ trong lòng các phụ huynh.
Như vậy, trong chuyện khoe mẽ này của bố mẹ, bọn trẻ vô tình trở thành nạn nhân.
Không những thế, tâm lý chung của các bậc phụ huynh người Việt từ trước tới nay là hay so sánh con nhà mình với con nhà người ta khác nhau ra sao để dạy dỗ, giáo dục con mình mà không quan tâm đến việc mỗi đứa trẻ sẽ có những năng lực, sở trường khác nhau.
Chính vì vậy, khi thấy con không đạt được thành tích như các bạn bè khác, nhiều người tìm cách để nâng thành tích lên, ngoài việc bắt ôn luyện đơn thuần, thậm chí còn nảy sinh ra chuyện chạy điểm, mua điểm gây bất công trong xã hội.
Không chỉ riêng về khía cạnh đố kỵ giữa các phụ huynh với nhau mà thực trạng bệnh thành tích trong ngành giáo dục không chỉ tạo ra những áp lực học tập rất lớn đến con cái mà còn tạo ra áp lực đến cả các bậc phụ huynh đặc biệt là những phụ huynh thích thành tích, thích "sống ảo".
Về các ảnh hưởng đối với tâm lý các học sinh nếu cha mẹ cố chạy theo bảng điểm để có cái đăng lên mạng xã hội, Tiến sĩ Dũng cho rằng: "Thực tế cho thấy những trường hợp học sinh chịu áp lực học tập quá lớn, khiến các em phải vùi đầu vào học tập làm nhiều trẻ bị khiếm khuyết đi các mặt khác, trong đó có những yếu tố bắt buộc phải có để phát triển song hành với chuyện kiến thức học hành.
Một điều lớn nhất dễ nhận thấy ở các em bị gánh nặng học hành đó là việc thiếu đi rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống, chúng có nhiều kiến thức dạng sách vở nhưng khi ra xã hội chúng chỉ là những chú "gà công nghiệp" mà thôi.
Theo quan điểm của riêng tôi, trong việc học hành đồng ý là phụ huynh cần sâu sát việc học của con theo những chương trình bắt buộc trong quá trình học tập, nhưng đừng bao giờ quá đặt nặng vấn đề thành tích với con cái của mình.
Ngoài việc hướng dẫn, giúp đỡ các em học kiến thức phụ huynh nên tăng cường giáo dục những kỹ năng sống cơ bản, tạo điều kiện thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, các môn năng khiếu và giao tiếp ứng xử giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.
Điều dễ nhận thấy là nếu phụ huynh nào đặt áp lực cho con cái thì chúng sẽ dễ mất đi tuổi thơ và đáng ra chúng phải được tận hưởng.
Vì thế, phụ huynh cũng nên có những cách khác để con cái vẫn cảm nhận được rằng bố mẹ vẫn đang quan tâm đến kết quả học tập của chúng mà không cần phải đưa những thành tích ấy lên mạng xã hội.
Đó có thể là động viên con bằng những cách cụ thể khác như: Tặng cho con những món quà liên quan đến việc học tập, những kỳ nghỉ bổ ích hoặc cho con những điều ước mang tính động lực để khiến các con biết rằng để có được những điều ước ấy thì bản thân chúng phải tự phấn đấu.
Ngược lại, với những bậc phụ huynh có con có thành tích học tập kém chúng ta cũng không nên áp đặt hay bắt chúng phải thực hiện những kỳ vọng của chính mình.
Chẳng hạn như: Ngày xưa mình vốn học kém giờ con mình cũng học kém lại thấy cay cú so với bạn bè đồng lứa là không nên.
Rồi bắt con mình bằng mọi giá phải đạt được thành tích này, thành tích kia làm ảnh hưởng đến tuổi thơ của chúng.
Bên cạnh đó, cũng phải định hướng cho chúng trong tương lai nếu chúng muốn có được những điều mình muốn thì ngay từ ban đầu chúng cần tự giác học tập, tu dưỡng bản thân, chính chúng mới tự đổi thay được cuộc đời chúng chứ không ai làm thay được điều đó cho chúng cả".
Khoe bảng điểm "khủng" của con: Cha mẹ "sống ảo", con gánh áp lực Hết học kỳ, trào lưu cha mẹ đăng kết quả học tập của con với dụng ý khen hoặc chê xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Điều này vô tình vi phạm pháp luật mà còn có thể gây áp lực cho chính học sinh. Nhiều phụ huynh vô tình gây áp lực cho con khi khoe thành tích học tập lên...