Khoái khẩu, bánh ướt tôm chua
Bánh ướt tôm chua là món ăn khoái khẩu của người Huế. Điều đặc biệt nằm ở đôi tay kỳ diệu, biến những nguyên liệu đơn giản thành thức ngon cầu kỳ.
Bánh ướt trong mịn, dai thơm với bột gạo, bột lọc pha chung. Lá bánh mướt, mỏng tang, dịu dàng. Tôm chua xứ Huế chỉ cần nhắc đến thì dạ dày đã nhảy nhót.
Hương vị phân lớp, hòa quyện khiến món bánh ướt tôm chua càng thêm khoái khẩu
Tôm đất là nguyên liệu “vip” để làm món tôm chua. Những con tôm đầm phá nhỏ nhưng chất lượng, vị thịt ngọt thơm, đậm đà (có lẽ mùi bùn, mùi nắng gió, mùi của con nước đã tạo ra hương vị riêng ấy). Tôm đất sơ chế kỹ, trộn chung với măng vòi, tỏi, củ riềng, ớt tươi, muối, ớt bột. Nhắc đến măng vòi mới thấy thật thú vị.
Video đang HOT
Thím của tôi, một người làm tôm chua lâu năm lúc nào cũng sai cậu con út đi tìm măng vòi. Làng tôi tre không hiếm, nhưng để đáp ứng hàng chục thẩu tôm chua mỗi ngày là điều quá khó. Măng to không thiếu, cái thiếu là sự tươi non, mềm mọng của chụt măng vòi chỉ bằng ngón tay. Nhiều hôm chui bụi lủi bờ, áo bị gai tre cào rách, thành quả của cậu em chỉ là một mớ măng vòi lộn xộn. Gắp miếng măng là gắp luôn những trưa không ngủ, những giọt mồ hôi chưa kịp ráo lã chã rơi.
Mùa này là mùa rau muống ngọn, đọt nào đọt ấy vút cong, mỡ màng. Lựa rau cọng non, tỉa lá. Khoai lang chín xắt dạng sợi, thêm chút bún, rau thơm, xà lách là đủ nguyên liệu để cuốn bánh ướt. Đặt tất cả nguyên liệu lên lá bánh, đều tay cuốn thật chặt, cẩn thận. Cắt ra từng lát, màu xanh tươi non của cọng rau, màu vàng ươm bùi bùi của khoai, màu trắng của bún quyện hòa thật tươi tắn, ngon mắt.
Nước lèo đặc quện là thức kết nối tất cả nguyên liệu của bánh ướt tôm chua. Khoai lang được hấp cho thật chín (nếu siêng thì dùng khoai nướng, mùi thơm sẽ dậy hơn), đánh cho tơi. Phi thơm dầu, cho ruốc (lại thêm hương vị đặc sệt chất Huế), gia vị, tỏi, khoai lang vào. Muốn vị nước lèo này đặc biệt hơn thì có thể tận dụng nước luộc thịt heo. Hỗn hợp sẽ vừa sệt, vừa béo thơm, ngon ngọt.
Gắp cuốn bánh, gom miếng thịt ba chỉ mỏng tang, ăn kèm với tôm chua và nước lèo sẽ thấy tất cả vị ngon ngọt, béo cay nơi đầu lưỡi. Bánh ướt mát rượi, vị thịt heo béo, tôm chua cay cay, chua dịu, lại nước lèo đậm đà, bùi bùi, ngậy ngậy. Tất cả hương vị phân lớp mà hòa quyện. Vị mặn mòi của biển, vị tươi ngon của núi rừng, vị đậm đà của đầm phá, chiều sâu của những hương vị ấy đánh thức tất cả mọi giác quan.
Có người cho rằng, tinh túy của món bánh ướt tôm chua nằm ở sự cầu kỳ, độ tươi ngon của bánh ướt, rau, của tôm chua, của thịt. Đối với tôi, món ăn này còn ngon bởi cái hồn của con người đặt trong từng thành phần nho nhỏ. Đó là đôi tay khéo léo, rón rén cuốn bánh ướt. Đó là giọt mồ hôi của cậu nhóc đi kiếm măng vòi. Là nụ cười của ngư dân làng chài khi cất vó bắt tôm…
Và còn gì nữa nhỉ? À, đó còn là sự trân trọng của người ăn, cái hít hà, xuýt xoa, cái gật gù cũng là món quà quý giá. Nó là tín hiệu hồi đáp chân thật, giản dị của người thưởng thức.
Theo Báo Thừa Thiên Huế
Bún bò- món ngon xứ Huế níu chân du khách
Cố đô Huế được biết đến không chỉ bởi nét đẹp cổ kính, không gian thơ mộng trữ tình, với những điện đài sơn son thiếp vàng mà còn nổi tiếng với nghệ thuật ẩm thực cầu kỳ, tinh tế và đặc sắc.
Đầu bếp Anthony Bourdain của kênh truyền hình CNN đã từng đến Huế và có nhận xét "Nếu du khách đã từng đến Huế, miền Trung Việt Nam mà không ghé vào chợ Đông Ba để thưởng thức bún bò Huế thì quả thật là một sự đáng tiếc. Một món ăn ngon với thịt lợn và xương bò. Đây là món súp ngon nhất thế giới mà tôi từng thưởng thức".
Ở Huế, món ăn này được gọi đơn giản là "bún bò", trong khi ở các địa phương khác gọi là "bún bò Huế" để chỉ xuất xứ của món ăn.
Bún bò Huế có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, chả (thịt bò quết nhuyễn), tiết luộc cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Thành phần tuy đơn giản là thế nhưng dưới cách chế biến tài tình, tinh tế đến mức cầu kỳ của người Huế thì bún bò đã trở thành một thương hiệu riêng của đất cố đô, chính điều đó đã tạo cho món ăn sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Cũng như nhiều món ăn đặc trưng của Huế, cách chế biến bún bò rất cầu kỳ. Đầu tiên, được coi là "linh hồn" của món bún bò chính là nước lèo, nước được hầm từ xương bò với một vài loại củ, nước lèo ngon thì phải trong và khi nếm chỉ thấy vị ngọt của nước xương thịt hầm - đạt được hai yêu cầu đó đã là khó, lại thêm để cho thực khách gật gù với món ăn mình đang thưởng thức thì người nấu phải có một bí quyết nêm gia vị, mà cụ thể là nghệ thuật nêm mắm ruốc đúng liều lượng để tạo mùi thơm phảng phất và vị ngọt đậm đà cho món ăn. Tinh dầu của sả có mùi thơm nồng, đủ mạnh để trung hòa mùi mắm ruốc và giúp cho mùi giò heo luộc vừa chín tới, mùi thịt bò trộn cùng mùi mắm ruốc, tiêu, hành, nước mắm trở nên dịu và ngạt ngào thơm. Tuy nhiên, không phải "một ngày như mọi ngày", với một nồi bún Huế, người nấu phải ý tứ theo mùa. Mùa hè thì vị muối nhạt hơn, còn mùa đông Huế đặc biệt với mưa dầm dề, lạnh cắt thịt da, người nấu bún phải chú ý nêm vị đậm hơn, bên cạnh đó, mùi thơm của sả cũng làm ấm lòng thực khách dù ngoài trời mưa tầm tã.
Bún thì nơi nào cũng có chứ không riêng gì Huế. Thế nhưng, Con bún (sợi bún) Huế được người làm nhào, nặn, quết, vắt bằng tay nên có hình dạng to hơn bún Bắc và bún Nam. Bún ngon phải là bún được làm bằng bột gạo pha chút bột lọc với tỷ lệ vừa phải để cho con bún ướt, ngon và dai hơn. Ngoài ra, phụ liệu không thể thiếu cho món ăn này là rau sống. Rau sống để ăn kèm với bún bò bao gồm hoa chuối thái mỏng ngâm nước có pha nước chanh để được trắng, rau muống cọng chẻ nhỏ, rau quế, tía tô, húng lủi, giá đỗ, chanh. Đặc biệt, khi ăn bún bò Huế, không thể thiếu chút ớt chưng cay nồng rất đậm chất Huế.
Là một trong những món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất cố đô, bún bò Huế càng được biết đến sau khi được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận đây là món ăn đạt kỷ lục châu Á theo bộ tiêu chí "Giá trị ẩm thực châu Á" năm 2012. Ngày nay, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất hình chữ S này du khách cũng có thể có cơ hội thưởng thức một bát bún bò Huế. Tuy nhiên, được thưởng thức món ăn này tại chính quê hương sinh ra nó mới có thể cảm nhận được hết sự cầu kỳ, tỉ mẫn của con người cũng như nét tinh túy của ẩm thực vùng đất kinh kỳ.
Theo TCDL
Bánh ép - món ăn vặt bên dòng sông Hương Bánh ép làm từ bột lọc và nhiều loại nhân khác nhau như bò khô, thịt, trứng... là món ăn chiều phổ biến ở cố đô Huế. Không ai biết bánh ép có xuất xứ từ đâu nhưng vài năm trở lại đây khi đến Huế, du khách dễ dàng bắt gặp các quán bán món này. Đây là thức quà thích hợp...