Khi kháng sinh trở nên… vô dụng
Kháng sinh được xem là phương thuốc đặc hiệu để điều trị các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nhưng hiện nay rất nhiều loại kháng sinh đang trở nên… vô dụng do tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, thiếu kiểm soát, dẫn tới vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng, gây ra những hậu quả nguy hại.
Mua bán thuốc không có đơn của bác sĩ, dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nhiều
Chữa mãi không khỏi
Gần nửa tháng chăm sóc đứa con 5 tuổi đang điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Lê Thị Thúy (30 tuổi, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) mệt mỏi chia sẻ: “Lúc đầu thấy cháu ho ít, sốt nhẹ nên tôi ra hiệu thuốc ở phố mua ít thuốc hạ sốt và kháng sinh cho cháu uống. Tuy nhiên, dùng cả tuần hết 2 vỉ kháng sinh mà cháu vẫn không khỏi còn sốt cao, khò khè khó thở. Lo quá, gia đình đưa cháu tới bệnh viện và các bác sĩ cho biết cháu bị biến chứng viêm phổi do dùng thuốc không đúng”. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương, vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp nhưng biến chứng viêm phổi nguy hiểm do trước đó cha mẹ đã tự ý cho trẻ sử dụng nhiều loại kháng sinh, dẫn tới vi khuẩn kháng thuốc.
Trong khi đó, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, gần như ngày nào ở đây cũng tiếp nhận điều trị 4 – 5 trường hợp bị sốc nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn kháng thuốc gây ra. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, nhận xét phần lớn các ca bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc thường rất nặng, nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều bệnh nhân phải thở máy kéo dài nhưng vẫn sốt cao liên tục, thể trạng suy kiệt vì vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có, nên nhiều lúc bác sĩ chỉ biết trông chờ vào hệ miễn dịch của chính người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo, kháng kháng sinh là tình trạng nguy hiểm, bởi khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại và sử dụng liều cao để điều trị nhưng khả năng thành công thấp, trong khi tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài. Với những bệnh nhân mắc các bệnh lý do vi khuẩn kháng kháng sinh, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều bệnh nhân bình thường từ 30% – 90%. Đặc biệt, với những bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc thì tỷ lệ tử vong lên tới 99%, thậm chí hết thuốc chữa.
Kháng sinh thế hệ mới cũng bị kháng
Theo nhiều chuyên gia y tế, kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… kháng lại thuốc kháng sinh. Hay nói cách khác, các thuốc kháng sinh dùng chữa bệnh không còn tác dụng trên lâm sàng, không thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, ngay cả khi sử dụng với nồng độ cao. Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng, trong đó nguyên nhân chính là việc sử dụng kháng sinh tràn lan, kéo dài và thói quen mua thuốc không cần đơn kê toa của bác sĩ. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 70% bác sĩ kê đơn kháng sinh không phù hợp, còn phía người sử dụng có trên 80% mua và sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ. Hậu quả là vi khuẩn quen dần với kháng sinh, làm vi khuẩn có sức đề kháng với kháng sinh. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do sự tiếp xúc giữa người bị nhiễm trùng – nhiễm trùng chéo, dẫn đến tình trạng bị đề kháng với những kháng sinh mà mình chưa dùng bao giờ, hay còn gọi là đề kháng chéo.
Trước thực trạng trên, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Về phía Bộ Y tế cũng không ít lần cảnh báo về việc nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả, thì tại Việt Nam đã phải sử dụng tới các loại kháng sinh thế hệ 3 và 4, thậm chí ở nước ta đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. TS Đoàn Mai Phương, nguyên Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Việt Nam đã ghi nhận vi khuẩn đa kháng – kháng 2 nhóm kháng sinh trở lên; kháng mở rộng – kháng với toàn bộ kháng sinh thông dụng mà bác sĩ hay sử dụng trong phác đồ điều trị; toàn kháng là kháng tất cả loại kháng sinh cuối cùng để điều trị vi khuẩn này. Trong số này thì vi khuẩn E.coli kháng kháng sinh Carbapenem – loại kháng sinh được coi là “vũ khí” cuối cùng trong điều trị.
Để ngăn ngừa nguy cơ không còn thuốc chữa, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng. Về phía bác sĩ cũng cần thay đổi việc kê đơn tràn lan nhiều loại kháng sinh không phù hợp với người bệnh. Việc khám và kê đơn thuốc cho người bệnh phải tuân thủ nguyên tắc có nhiễm khuẩn mới dùng kháng sinh.
Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn
Sở Y tế TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn và bán lẻ thuốc, trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn và bán thuốc kê đơn mà trọng tâm là kháng sinh; đồng thời giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, ngành y tế TPHCM sẽ rà soát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và kinh doanh dược trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện ngoài công lập và đạt 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập khác trên địa bàn. Lộ trình thực hiện từ tháng 4 đến 10-2019 tại quận Phú Nhuận và từ tháng 11-2019 đến 12-2020 trên toàn TPHCM.(THÀNH AN)
PGS-TS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Thứ trưởng Bộ Y tế: Chấn chỉnh quản lý nhà thuốc và phòng khám tư nhân
Video đang HOT
Hiện nay khó nhất là việc quản lý mua bán, sử dụng kháng sinh tại các nhà thuốc và phòng khám tư nhân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn và 87% người dân tự ý đến nhà thuốc mua kháng sinh, vẫn chưa quản lý được. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng cao ở Việt Nam. Trong khi đó, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.
PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế: Kháng sinh có trong thức ăn gia súc, gia cầm
PGS-TS Lương Ngọc Khuê
Nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc diễn ra ngày càng trầm trọng, phần lớn xuất phát từ việc chưa quản lý được việc mua – bán kháng sinh tự do hiện nay. Người dân có thói quen tự mua thuốc về nhà điều trị và các cửa hàng thuốc tây thì bán kháng sinh một cách tràn lan. Amoxicilin, Cephalexin, Azithromycin là 3 loại kháng sinh phổ biến trên thị trường được bán mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Bên cạnh đó là việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc.
TS-BS DIỆP BẢO TUẤN
Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Sử dụng kháng sinh hợp lý, trúng chỉ định
Phải kiểm soát chặt chẽ sử dụng kháng sinh một cách hợp lý để hạn chế tối đa tình trạng kháng kháng sinh, nếu không trong thời gian tới sẽ không còn thuốc để trị vi khuẩn. Quản lý kháng sinh hiện nay khó nhất vẫn là thay đổi việc kê đơn, chỉ định kháng sinh, bởi đã trở thành thói quen của các bác sĩ. Nếu chúng ta không kiểm soát, để việc chỉ định một cách vô tội vạ sẽ khiến tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng. Tại bệnh viện, chúng tôi luôn quán triệt đội ngũ y, bác sĩ sử dụng kháng sinh một cách hợp lý, trúng chỉ định. Khi người bệnh được sử dụng kháng sinh đúng ngay từ đầu, đồng thời được đánh giá lâm sàng với chỉ định lên thang, xuống thang về việc sử dụng thuốc hợp lý sẽ giúp giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị và giảm cả tỷ lệ tử vong do bệnh nhiễm khuẩn.
MINH KHANG
Theo SGGP
Phải làm gì khi bị sốt?
Nếu hạ sốt không đúng hoặc xử lý sai cách còn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường đối với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng đó.
Sốt xảy ra khi nào?
Sốt là một dấu hiệu y khoa thông thường, đặc trưng bởi sự gia tăng nhiệt độ cơ thể cao hơn khoảng dao động bình thường của nhiệt độ cơ thể người (nhiệt độ bình thường là 36,5 - 37,5 độ C).
Sốt thường là đáp ứng của cơ thể với một bệnh nhiễm trùng, thường kéo dài 2 đến 3 ngày. Ngoài ra, sốt còn có thể xảy ra do những bệnh không nhiễm trùng khác, do tiếp xúc với nước nóng, tập thể dục, sau chích ngừa...
Cụ thể, sốt có thể là triệu chứng của một số bệnh như:
- Các bệnh truyền nhiễm: cúm, sốt rét, HIV...
- Các loại viêm khác: mụn, nhọt, trứng cá, áp xe...
- Mắc các bệnh tự miễn như: lupus đỏ, Sarcoidosisban, sarcoidosis...
- Cơ thể phản ứng với sự bất tương hợp giữa các nhóm máu.
- Bị ung thư.
- Các bệnh rối loạn tiêu hóa như: gút, porphyria...
- Truyền protein lạ vào cơ thể.
- Tiêm muối dưới da hay tiêm bắp gây ưu trương dẫn đến hủy hoại tổ chức và gây sốt.
- Mỡ dư thừa chèn vào trung khu thần kinh não bộ cũng có thể gây ra sốt.
Phải làm gì khi bị sốt?
Khi bắt đầu có biểu hiện sốt, cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân ngay để xử lý đúng cách:
- Để bệnh nhân ở nơi thoáng mát, có nhiệt độ phòng từ khoảng 25 đến 28 độ, mặc quần áo thoáng, liên tục thấm mồ hôi, chườm mát, uống nhiều nước.
- Sử dụng thuốc hạ sốt khi người bệnh sốt từ 39 độ trở lên. Việc mua và sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
- Cho bệnh nhân ăn uống bằng các loại thức ăn lỏng như cháo, súp, uống các loại nước hoa quả như cam, chanh.
- Cần đưa đến bệnh viện ngay trong các trường hợp sau:
Sốt trên 39 độ mà các biện pháp hạ sốt không có tác dụng.
Sốt rất cao, trên 41 độ C.
Sốt liên tục trên 2 ngày.
Sốt rét mà không được xử lý đúng cách sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như nhiễm trùng, tổn thương não, động kinh, suy tạng như suy gan, suy thận, suy tim... Vì thế, hãy biết cách xử lý đúng cách để tránh các hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn tham khảo (source): Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn).
Thiếu các công trình nước đẩy hàng triệu người trên toàn cầu vào nguy hiểm "Hơn 2 tỷ người phải đối mặt với rủi ro sức khỏe nghiêm trọng vì các công trình nước cơ bản không có sẵn ở một trong bốn trung tâm y tế trên toàn cầu", Liên Hợp Quốc cho biết và kêu gọi các nước làm nhiều hơn để ngăn chặn sự lây truyền các bệnh nhiễm trùng có thể gây tử vong....