Khi bố mẹ làm thay việc của trẻ
Nhiều công việc hàng ngày phù hợp với độ tuổi, trẻ có thể tự làm và rất thích thú nhưng có em lại không có cơ hội để tự lập khi bị người lớn giành làm. Yêu thương con quá đà, không đúng cách lại thành ra… hại con.
Người lớn làm… cho nhanh
Mỗi lần chị Yến (ngụ ở P.4, Q. Tân Bình, TPHCM) chuẩn bị cho cậu con 5 tuổi đi học là thì y như rằng mẹ con “khục khặc”. Những việc chị vẫn thường làm như lấy kem đánh răng, quần áo, soạn ba lô, đi giày dép cho con… đều bị cháu giằng lấy đòi tự làm.
Học trò trường mầm non Tuổi Thơ 7 (Q.3, TPHCM) được hướng dẫn cách xếp hàng và bỏ rác vào thùng.
Có lần, chị để con tự làm nhưng thấy cháu bày bừa, lại chậm giờ đi học nên chị cấm tiệt, tự mình làm hết cho con dù cháu đã nói: “Cô dặn con những việc này về nhà phải tự làm mới thành người lớn được”. Thế mà chị vẫn quát con vì “đòi hỏi” đó của cháu.
Chị Yến ở nhà nội trợ, có nhiều thời gian nên mọi việc chị muốn được tự tay làm hết cho cháu. Hơn nữa, quan điểm của chị, cháu còn nhỏ, làm gì cũng không đến nơi nên chị làm cho nhanh gọn hơn chứ để con mày mò chị không yên tâm.
Trường hợp bố mẹ thay con làm hết mọi thứ như chị Yến không phải là cá biệt. Không ít giáo viên (GV) mầm non than thở rằng, theo cách giáo dục đổi mới, trẻ được khuyến khích tự làm những việc chăm sóc cá nhân như tự rửa tay, lấy cơm, tự xúc ăn, mang giày dép, lấy quần áo… rèn tính tự lập chứ không để cô làm thay như trước.
Thế nhưng, khi đến đón con, không ít phụ huynh (PH) “xông” vào tận lớp để lấy ba lô, giày dép… rồi ẵm lấy trẻ. Nhiều trẻ khóc lóc đòi xuống được tự đi trong sân trường, bố mẹ cũng không cho vì sợ con ngã, sợ bẩn quần áo. Khi các em vui chơi các trò vận động đơn giản, nhiều PH cũng dè chừng vì tâm lý sợ con bị làm sao.
Trẻ thích thú khi được tự tay lấy cơm cho mình.
Bên cạnh đó, vẫn còn số ít GV ngại để trẻ tự làm những việc nhỏ như chăm sóc cá nhân, làm đồ chơi vì sợ các em làm lâu, hoặc làm không đẹp, hỏng… nên các cô lại chịu khó làm thay.
Video đang HOT
Không chỉ ở trẻ nhỏ, nhiều học trò ở phổ thông, đặc biệt ở những thành phố lớn, gia đình có điều kiện, nhiều em cũng được bố mẹ lo cho từ A đến Z vì nghĩ con mình chỉ cần tập trung cho việc học. Thậm chí, nhiều em dù đã lớn nhưng vẫn được bố mẹ chải tóc, lấy quần áo, lấy giày dép…phục vụ tận nơi vì bố mẹ quen cưng chiều con và trẻ cũng đã phụ thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ từ nhỏ.
Không chỉ thế, nhiều PH còn sẵn sàng “thế thân” cho con trong những tình huống rất khó chấp nhận. Như con đi lao động, trực nhật… có bố mẹ đến làm thay. Có lớp học, PH còn đồng tình đóng tiền để thuê người đến làm trực nhật thay con với lý do để con tập trung học. Trong khi mỗi buổi trực nhật chỉ một vài phút với những công việc đơn giản như quét lớp, giặt khăn tay, lay bảng…
Thương con thành hại con
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục Q.3, TPHCM cho hay, chương trình đổi mới giáo dục mầm non mới là trẻ được tạo cơ hội để tự chăm sóc bản thân cũng như tìm tòi, khám phá qua những việc hàng ngày như được chọn món ăn, xếp quần áo, mang giày dép, làm đồ chơi…. Hầu hết trẻ rất thích thú với công việc này nên làm gì các em các em cũng rất hăng say.
Thế nhưng, nhiều PH lại tước đi của trẻ cơ hội này và không để ý cảm xúc của của con khi “ôm” hết việc vào mình. Bà Nguyệt nói: “Chúng tôi cũng nhắc nhở với PH nên khuyến khích cho trẻ tự làm những việc phù hợp với độ tuổi. Để trẻ tự lập hơn cũng như hình thành cho các em những kỹ năng sống cơ bản”.
Những hoạt động vui chơi, chăm sóc bản thân sẽ giúp trẻ vững vàng hơn trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ ở độ tuổi lên 3 có biến chuyển rất lớn trong sự hình thành giữa nhu cầu và năng lực với những kỹ năng cơ bản về ngôn ngữ, hành động nên muốn khám phá những công việc của người lớn. Tuy nhiên với khả năng có hạn của mình, trẻ chưa làm được và việc bị bố mẹ ngăn cản càng làm cho trẻ bị ức chế.
Nhiều PH không biết rằng, chính những việc trong khả năng của trẻ như đi tự đi giày dép, mặc quần áo, tự đút cơm… không chỉ giải tỏa ức chế cho trẻ mà qua đó, trẻ có cơ hội để khám phá cuộc sống cũng như rèn luyện tính tự lập.
Hơn nữa, trẻ được bố mẹ bao bọc, cưng chiều quá dễ sống ích kỷ, chỉ biết đến mình khi quen đòi hỏi người khác đáp ứng nhu cầu của mình nên khó hòa đồng, hay bị người xung quanh xa lánh.
Bà Vũ Cẩm Vân, chuyên viên tư vấn tâm lý Hội quán các bà mẹ, cho hay nhiều bố mẹ quá bao bọc con, làm thay con quá nhiều nên trẻ trở nên thụ động, dựa dẫm… Do thiếu tự lập nên khi vào đời trẻ sẽ rất khó khăn để thích nghi với môi trường mới hoặc sẽ khó đương đầu khi gặp thất bại trong cuộc sống.
Bà Vân đã gặp nhiều trường hợp các em đi du học nhưng bị trầm cảm vì không có bố mẹ bên cạnh,không ai chăm sóc nên buộc phải về nước. Cũng chỉ vì từ nhỏ, các em đã được bố mẹ làm thay hết mọi thứ mà không được rèn thói quen tự chăm sóc mình.
“Rất thương các em vì đến tô mỳ không biết pha, quần áo không biết giặt, sách vở không biết xếp… thì sống một mình sao được? Đây là thiệt thòi cho các em. Tình thương của nhiều ông bố bà mẹ nhưng thái quá, thương không đúng cách lại thành hại con”, bà Cẩm Vân xót xa.
Hoài Nam
Theo dân trí
Nghị lực vượt khó học giỏi của 4 chị em nghèo
Thiếu tình thương của mẹ từ khi còn nhỏ tuổi, bốn chị em ở cùng với bố. Gia đình vốn đã khó khăn, khi 4 chị em vào tuổi ăn, tuổi học lại càng thiếu thốn. Nhưng bằng nghị lực vượt khó, năm nào các em cũng đạt học sinh giỏi.
Nhắc tới bốn chị em Bùi Thị Lệ, Bùi Thị Linh, Bùi Thị Minh và Bùi Thị Châu ở thôn 2, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa),người trong xã không ai là không biết. Bởi hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nghị lực vượt khó, vươn lên, bốn chị em ai cũng đạt được thành tích cao trong học tập.
Hiện cô em út Bùi Thị Châu đang là học sinh lớp 11B1, Trường THPT Đặng Thai Mai, em liên tục nhiều năm đạt học sinh giỏi và mới đây em vinh dự được nhận học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly trao tặng. Còn hai chị đầu là Bùi Thị Lệ và Bùi Thị Linh đang là sinh viên năm thứ 2 và thứ 3 của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.
Bốn chị em Châu là con của vợ chồng anh Bùi Bá Hợi và chị Nguyễn Thị Thủy. Cuộc sống gia đình đang hạnh phúc, bỗng một ngày chị Thủy bỏ năm bố con anh Hợi về quê ngoại lập hạnh phúc mới. Ngày người mẹ ra đi bỏ lại bốn người con còn thơ dại vốn đã thiếu thốn về vật chất nay lại thiếu cả tình thương mẫu tử.
Thấy cháu mình đã chịu nhiều thiệt thòi cả vật chất lẫn tinh thần, ông Dậu - ông nội của bốn người cháu đã đứng ra lo toàn bộ việc học hành để cho các cháu tới trường. Gia đình làm nông nghiệp, đang phải lo từng bữa ăn, nay lại lo cả tiền học phí, tiền sách vở... cho bốn người cháu khiến ông Dậu gặp không ít khó khăn. Để có tiền đóng góp các khoản học phí cho các cháu, ngoài tiền lương hưu ít ỏi của mình, ông phải chạy vạy vay mượn để có tiền cho các cháu đóng góp học hành.
Sau mỗi giờ học về nhà, Châu chăm chỉ làm những việc trong gia đình phụ giúp bố.
Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, không làm phụ lòng mong đợi của ông bà nội, bốn chị em Châu không ai bảo ai, đều có ý thức vươn lên trong học tập. Để giúp đỡ phần nào những khó khăn của ông bà, sau các buổi học bốn chị em lại tranh thủ làm thêm từ công việc dọn dẹp nhà cửa đến công việc đồng áng. Do hoàn cảnh khó khăn không có tiền học thêm, các em tự chỉ bảo cho nhau học hành.
Khi các em lên cấp 3, biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình các em, nên nhà trường đã miễn giảm học phí và các khoản đóng góp. Riêng em Bùi Thị Châu đang học tại Trường THPT Đặng Thai Mai được miễn hoàn toàn các khoản đóng góp và nhận học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly tặng cùng khoản trợ cấp gia đình có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường.
Không làm ông nội phải thất vọng, từng người cháu ai cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến rồi học sinh khá, giỏi. Vào cấp 3, bốn chị em ai cũng đậu vào tốp trường đứng đầu của huyện như: trường Quảng Xương 1, trường Đặng Thai Mai.
Ngày còn học phổ thông, em Bùi Thị Minh là một học sinh giỏi, nhưng điều đáng tiếc là trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, em thi chưa đạt được kết quả tốt. Nhưng Minh quyết tâm không thua kém các chị, giờ đây, hàng ngày vừa đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp ông bà và bố, đồng thời ôn tập để kỳ thi tới tiếp tục theo đuổi ước mơ vào đại học.
Ông Dậu tâm sự: "Tôi thấy tự hào với bốn đứa cháu, đứa nào cũng học giỏi, từ cấp I đến cấp III cháu nào cũng được giấy khen. Hiện giờ, hai cháu Lệ và cháu Linh đang học tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhưng rõ khổ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thi thoảng mới gửi cho các cháu được ít gạo, còn tiền ăn học, chi tiêu hàng ngày thì hai cháu phải tự đi làm thêm lấy tiền trang trải. Giờ có cháu Châu đang học ở Trường THPT Đặng Thai Mai luôn đạt học sinh giỏi, lại được học bổng nữa, tôi thấy tự hào lắm".
Không có nhiều điều kiện học thêm nên Châu chăm chỉ học bài ở nhà.
Như tiếp nối nghị lực từ những người chị, Châu rất chăm học và lực học em luôn đạt loại khá, giỏi của trường. Cô Vũ Thị Trọng, giáo viên chủ nhiệm em Châu, cho biết: "Trong lớp em là học sinh ngoan, chuyên cần, có ý thức học tập. Trong năm vừa qua em đạt học sinh giỏi toàn diện, bây giờ em được chọn vào danh sách thi học sinh giỏi của trường".
Là một học sinh giỏi nhưng Châu không hài lòng với những gì mình đã đạt được, ngoài giờ học ở trường về nhà em luôn chăm chỉ học bài cũ, tìm hiểu bài mới trước khi tới trường.
Khi được hỏi về bí quyết giúp em đạt được kết quả cao trong học tập, em chỉ trả lời ngắn gọn: "Em không cố thì các bạn trong lớp sẽ "vượt" mình. Do vậy, em phải tự cố gắng, ngoài giờ học trên lớp về nhà em học bài cũ, tìm hiểu bài mới trước khi lên lớp".
Hoàng Văn - Duy Tuyên
Theo dân trí
Nản với "con vua" ở trường học Quá cưng chiều con, ai chạm đến con mình y như rằng phụ huynh "bật lò xo" phản ứng lại ngay không cần biết đúng sai. Không riêng gì giáo viên mà nhiều học sinh cũng dễ bị "vạ lây" khi... có bạn trong lớp là "thành phần" quá được nuông chiều ở nhà. "Vua" ở lớp học Trong khi trẻ mầm non...