Khép lại Tư vấn mùa thi, mở ra tương lai
Kéo dài hơn 2 tháng, đi khắp 17 tỉnh thành, qua nhiều kênh chuyển tải khác nhau, chương trình Tư vấn mùa thi 2014 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện đã kết thúc vào chiều qua, 23.3 tại Bạc Liêu với nhiều cảm xúc.
Định hướng chọn ngành nghề phù hợp
Toàn cảnh buổi Tư vấn mùa thi 2014 tại Bạc Liêu vào hôm qua. Đây là tỉnh cuối cùng trong hành trình tư vấn năm nay của Báo Thanh Niên – Ảnh: Khả Hòa
Qua nhiều năm tham gia tư vấn, đến nay những giảng viên làm công tác tuyển sinh ở các trường đã trở thành những chuyên gia tư vấn dày dạn kinh nghiệm. Khi thí sinh đặt câu hỏi về bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào, bao giờ ban tư vấn cũng tìm cách giải đáp thỏa đáng.
Năm nay, những loại câu hỏi học sinh đặt ra nhiều nhất ở các tỉnh thành là nghề nào ra trường dễ kiếm việc làm? Chọn học ngành nào ra trường khỏi thất nghiệp? Học khối ngành kinh tế có thất nghiệp không khi kinh tế đang khó khăn?…
Với mong muốn giúp học sinh định hướng, lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, các chuyên gia đã tận tình giải đáp, cho lời khuyên để học sinh yên tâm chọn nghề.
Video đang HOT
Điểm đặc biệt trong năm nay là Ban tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để thông tin chi tiết về nhu cầu nhân lực địa phương.
Đi đến cùng mong muốn của học sinh
Một trong những điểm nổi bật của chương trình Tư vấn mùa thi là hình thức tư vấn lớp. Năm nay, chương trình thực hiện các buổi tư vấn lớp ở nhiều trường THPT vùng sâu, vùng xa hơn. Ở một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai…, ban tổ chức dành nguyên một ngày để đến tư vấn trực tiếp với học sinh các trường THPT ở xã, huyện xa xôi. Tuy di chuyển liên tục nhưng các chuyên gia tư vấn rất vui vì mang được thông tin đến nhiều học sinh hơn. Phần đông học sinh ở những nơi này xa lạ với việc theo dõi thông tin tuyển sinh trên báo chí, internet… Ở rất nhiều trường, dù đã hết thời gian tư vấn, học sinh vẫn ngồi yên mong ngóng các chuyên gia tiếp tục tư vấn.
Hành trình của những cảm xúc
Mấy tháng trời ròng rã, từ buổi khai mạc tại TP.HCM, chúng tôi đã xuyên qua hàng chục tỉnh thành với những con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên; những đoạn đường đầy nắng và gió ở miền Trung, vượt cầu qua sông để đến với học vùng Tây Nam bộ… Mỗi nơi đi qua là một kỷ niệm, một cảm xúc không hòa lẫn.
Lần diễn ra ở Quảng Nam, dù chương trình kết thúc nhưng vẫn còn rất đông học sinh đặt tiếp câu hỏi khiến chúng tôi rất xúc động vì biết rằng chương trình đã đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của học sinh.
Năm nay, tham gia chương trình còn có các bậc phụ huynh. Chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh một người cha ở Ninh Thuận quần áo bạc màu, nước da đen, đôi mắt quầng sâu cứ dõi mắt theo diễn biến chương trình. Đôi tay chai sần không quen với việc cầm viết nhưng ông vẫn cố gắng ghi chép thông tin từ các chuyên gia đang tư vấn để mang về cho con.
Chương trình Tư vấn mùa thi khép lại nhưng lại mở ra những cánh cửa tương lai của học sinh. Để thực hiện được điều này, ban tổ chức cảm ơn các thầy cô đại diện cho gần 50 trường ĐH, CĐ, TCCN đã nhiệt tình tham gia chương trình hơn 2 tháng qua.
Theo TNO
15 năm Tư vấn mùa thi: Giải đáp băn khoăn về chọn nghề
Ngày 9.3, trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức với Bộ GD-ĐT diễn ra tại Quảng Ngãi, các chuyên gia đã giải đáp rất cặn kẽ những thắc mắc của học sinh về ngành nghề.
Phụ huynh cũng đến tham gia và đặt câu hỏi với ban tư vấn trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học nông nghiệp chỉ làm việc ở nông thôn ?
Nguyễn Hồng Anh, lớp 12A3, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, nêu một câu hỏi rất thú vị: "Cho em hỏi học ngành nào ra trường kiếm tiền nhanh nhất?". Giải đáp băn khoăn này, tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, tư vấn: "Đầu tiên, cần phải nói rõ là trong nước và cả thế giới không ai quy định ngành nào kiếm tiền nhiều và nhanh nhất. Tôi chỉ có thể khuyên các em nên chọn ngành theo năng lực bản thân và cần có niềm đam mê với ngành học đó (đam mê cả cuộc đời chứ không phải là nhất thời) và xem xét hoàn cảnh kinh tế gia đình để chọn ngành. Thứ hai, không có ngành nghề nào làm ra nhiều tiền nhanh. Chỉ có lao động cộng thêm sáng tạo sẽ cho cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không có khát vọng lớn thì sẽ không có sự nghiệp lớn. Các em hãy cứ khát vọng để chọn nghề phù hợp cho mình".
Đặt câu hỏi qua đường dây nóng, một học sinh tỉnh Quảng Nam thắc mắc: "Học nông - lâm nghiệp có nhất thiết phải làm việc ở nông thôn, phải chân lấm tay bùn hay không? Em cũng sợ học khối ngành này ra trường lương ít hơn các ngành kinh tế". Thạc sĩ Vũ Thu Hương, Giám đốc Trường ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), tư vấn: "Học khối ngành nông - lâm nghiệp trong thời điểm hiện nay không nhất thiết phải làm việc tại nông thôn mà vẫn có thể làm việc ở các thành thị. Chẳng hạn, ngành công nghệ chế biến lâm sản có thể làm tại các nhà máy liên quan đến gỗ ở thành phố, học lâm sinh làm tại công ty cây xanh, vườn quốc gia... Lương các ngành này cũng không ít. Sinh viên của trường đi làm lương khởi đầu cũng khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng".
Tư vấn cho học sinh về một số ngành có thể học xong quay trở về phục vụ địa phương, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết tại Quảng Ngãi có Khu công nghiệp Dung Quất, trong đó có Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Để làm việc ở đây, cần nhân sự 2 lĩnh vực vận tải, dầu khí. Khai thác sản xuất dầu khí có các trường đào tạo như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Dầu khí (Vũng Tàu), ĐH Bách khoa Đà Nẵng... Ở lĩnh vực vận tải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo thuyền viên tàu, trong đó tàu dầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nhu cầu nhân lực hiện nay rất cao.
Hài hòa giữa nguyện vọng của ba mẹ và đam mê của bản thân
Một học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn nhờ tư vấn: "Gia đình muốn em học ngành kế toán nhưng em lại đam mê học kiến trúc. Vậy em nên nghe lời bố mẹ hay theo đam mê của em?". Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán, cho biết: "Giữa nguyện vọng gia đình và đam mê cá nhân rất nhiều lúc không hài hòa. Em nên cân nhắc dựa trên một số căn cứ. Một là định hướng của gia đình, kế đến là sở thích bản thân, điều kiện gia đình có đủ tài trợ trong 4 năm học không?... Vì vậy, bản thân em và gia đình nên trao đổi bình đẳng, chia sẻ thông tin, mạnh dạn đối thoại cùng bố mẹ để tìm ra phương án hài hòa và tốt nhất".
Nguyễn Hồng Ngọc, học sinh Trường THPT Trần Phú, hỏi: "Năm nay em thi khối D và muốn học du lịch. Nhưng em nghe nói làm ngành du lịch đi rất nhiều nên có thể ế chồng". Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, tư vấn: "Đây là ngành đang phát triển, nhu cầu cao. Hướng dẫn viên du lịch là người phải đi theo hướng dẫn cho đoàn khách du lịch nên ngoài đam mê còn phải có sức khỏe để phù hợp các chuyến đi. Nhưng du lịch còn có nhiều công việc khác có thể làm ở văn phòng".
Đỗ Hồng Quang, lớp 12A1, Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho biết bị loạn thị nhưng muốn thi khối quân sự thì được không? Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết theo thông báo, năm nay các trường quân sự có nới rộng điều kiện sơ tuyển liên quan đến thị lực. Tuy nhiên, để biết cụ thể, cần liên hệ Ban chỉ huy quân sự quận, huyện để biết thêm thông tin cũng như cách cam kết dự thi như thế nào.
Chương trình Tư vấn mùa thi sẽ tiếp tục diễn ra tại Bình Định vào ngày 11 và 12.3.
Theo TNO
15 năm Tư vấn mùa thi: Chọn hướng đi vừa sức Ngành học nào dễ đậu, ra trường có cơ hội việc làm cao vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của thí sinh và phụ huynh trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại TP.Kon Tum ngày hôm qua. Học sinh Trường PT dân tộc nội trú Kon Tum đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: Nguyễn Tập...