Khen thưởng rất quan trọng, nhưng khen sao cho đúng
Việc khen thưởng được xem như là một hợp phần quan trọng trong cả quá trình dạy và học của cả học sinh và nhà trường.
Không chỉ đơn giản là một tấm giấy khen trao cho học sinh là xong. Quan trọng hơn, cần biến những tờ giấy khen đó thành những nguồn động viên khích lệ đầy ý nghĩa để giúp học sinh phấn đấu nhiều hơn trong học tập và hoạt động.
Từ tấm ảnh nhận giấy khen gây bão mạng xã hội
Cứ mỗi khi mùa hè đến, bên cạnh sắc phượng đỏ thắm sân trường, những tấm ảnh kỷ yếu lung linh mang đậm dấu ấn của tuổi học trò tràn ngập trên các trang Facebook cá nhân của các bạn trẻ, thì người ta cũng dễ dàng bắt gặp khắp nơi hình ảnh những tờ giấy khen của học sinh được các bậc phụ huynh háo hức hồ hởi đăng lên các trang mạng xã hội để rồi được nhận lại vô số những lời khen tặng của bạn bè người quen.
Nhưng nếu để ý một chút thì có thể dễ dàng nhận ra, hầu như bố mẹ nào cũng có giấy khen của con mình để “khoe” lên mạng xã hội cả: từ giấy khen của các em bé “đại học chữ to” đang ngày ngày được cô bón cho ăn trong trường mẫu giáo, cho đến các cô cậu học sinh cấp 2, cấp 3.
Nói chung thì ai cũng vui cả: cô giáo vui, nhà trường vui, phụ huynh vui, cả xã hội cũng vui. Vui quá đi chứ. Được khen mà!
Nhưng, hãy bình tâm lại một chút. Có đúng đây là niềm vui thật sự hay không khi ai cũng như ai, học sinh nào cũng mang về nhà một tấm giấy khen giống y như nhau, được “nhân bản” ra từ đúng một khuôn mẫu, chỉ có thay một vài chi tiết nhỏ như tên, lớp,…
Bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội.
Và sau khi các bậc phụ huynh đáng kính đã vơi bớt niềm vui khoe giấy khen của con mình lên mạng xã hội thì có hỏi con, chủ nhân của những tấm giấy khen kia, về cảm xúc, suy nghĩ của con như thế nào sau một năm học dài?
Và thêm một câu hỏi nữa, mà chắc chắn ít được ai nêu ra, đó là số ít, rất ít các em học sinh không nhận được giấy khen vào cuối mỗi năm học thì sẽ cảm thấy như thế nào, có buồn không, và cần phải làm thế nào để có thể học tốt hơn cho năm học tiếp theo,…
Hình như niềm vui của việc được nhận giấy khen không thuộc về trẻ em, những chủ thể của thành tích cá nhân, mà lại thuộc về người lớn – mà đáng lẽ ra chỉ nên đóng vai trò là những mắc xích trong chuỗi hệ thống hỗ trợ sự phát triển của trẻ theo phương pháp tiếp cận “Lấy trẻ em làm trung tâm” vốn được xem là “kim chỉ nam” trong phương pháp giáo dục trẻ.
Nếu tò mò, bạn chỉ cần gõ từ khóa “giấy khen” lên công cụ tìm kiếm Google thì chỉ trong tích tắc chưa tới một giây đồng hồ, cỗ máy tìm kiếm này đã trả lại cho bạn hơn 32,700,000 kết quả.
Điều này phần nào phản ánh một thực trạng có thật trong xã hội Việt Nam về vấn đề “bệnh ngụy thành tích” trong môi trường giáo dục vốn trầm kha từ lâu nay.
Và chỉ mới mấy hôm gần đây thôi, trên cả mạng xã hội lẫn ngoài đời thực, mọi người đang không ngừng xôn xao bàn tán về một tấm ảnh “độc” mô tả quang cảnh một lớp học đặc trưng ở Việt Nam, nhưng đặc biệt ở chỗ, 99% các em học sinh trong lớp đều có trong tay một tờ giấy khen để đưa lên chụp ảnh, và lọt thỏm trong đó, chỉ có một, vâng chỉ duy nhất một em học sinh không có giấy khen đang buồn rầu ngồi nhìn các bạn khác.
Nếu tinh ý, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự buồn bã, thất vọng, và lẻ loi đến tối nghiệp của em bé trong dáng ngồi, và cả ánh mắt của em.
Phản ứng của mọi người đối với tấm ảnh này rất đa dạng: đồng tình với người chụp và đăng tấm ảnh này cũng có, lên án chỉ trích người đăng tấm ảnh cũng có, thậm chí nhiều người còn cười cợt chế diễu em bé khi không thể “sắm” cho mình một tờ giấy khen trong khi ai cũng có cả…
Cũng may là nhiều chuyên gia đã kịp thời lên tiếng phân tích các khía cạnh liên quan đến bệnh thành tích trong giáo dục đối với tình trạng lạm phát giấy khen, đến sự tổn thương về tinh thần của em bé trong bức ảnh khi bị công khai phát tán lên mạng xã hội, và cả những hệ lụy lâu dài mà cả xã hội phải gánh chịu khi những giá trị thực tế không được đề cao trong khi những hư danh, phù phiếm thì lại được tôn vinh và cổ vũ.
Ở đây, người viết không muốn phân tích thêm về những điều mà nhiều người đã thảo luận như đã đề cập ở trên, chỉ xin kể câu chuyện có liên quan mà chính bản thân người viết đã được trải nghiệm, xem như góp thêm một góc nhìn nhỏ vào chủ đề vốn gây nhiều tranh cãi ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô này ở Việt Nam.
Đến những tấm giấy khen trong lớp học phương Tây
Nhân cơ hội nhận được học bổng tu nghiệp tại Australia trong 02 năm, người viết đã quyết định mang theo cậu con trai lúc ấy đang học lớp 5 ở Việt Nam đi cùng chỉ với suy nghĩ rất đơn giản rằng, cho con có được cơ hội trải nghiệm môi trường giáo dục phổ thông ở một đất nước tiên tiến.
Video đang HOT
Suy nghĩ thì dễ dàng vậy thôi, nhưng khi sang Australia thì ngay từ ban đầu, mọi việc không hề đơn giản như hình dung.
Mặc dù khi ở Việt Nam, con tôi là một học sinh giỏi môn tiếng Anh thế nhưng cú sốc đầu tiên khi đặt chân vào một trường tiểu học ở Australia lại chính là rào cản ngôn ngữ.
Những ngày đầu tiên, cậu bé không thể hiểu được thầy cô dạy gì, bạn bè nói gì… Và những chuỗi ngày tiếp theo là những nặng nề, căng thẳng, và cả cô độc lạc lõng.
Một cuộc gặp giữa giáo viên phụ trách lớp và phụ huynh đã diễn ra và cùng thống nhất là sẽ chuyển cho cậu bé sang lớp thấp hơn với trọng tâm tập trung vào củng cố ngôn ngữ.
Thầy giáo còn tiết lộ rằng, đã bắt gặp nhiều lần cậu bé lang thang một mình ở góc sân trong giờ giải lao, và không hề muốn tham gia các hoạt động cùng các bạn trong lớp.
Tuy nhiên, thầy có khẳng định đó là điều hết sức bình thường mà bất cứ học sinh quốc tế nào cũng có thể gặp, và rằng, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Thú thật là ngay lúc đấy, bản thân tôi cũng đã có lúc mất niềm tin vào con, và thậm chí còn tự trách bản thân vì đã đưa con từ môi trường quen thuộc, an toàn sang một môi trường quá mới và nhiều thách thức như thế này.
Thế nhưng tôi đã nhầm. Chỉ trong 03 tháng tiếp theo, sức học của cậu bé dần cải thiện, và sau 6 tháng, con tôi đã hoàn thành chương trình học ở lớp tăng cường tiếng Anh và được chuyển lên lớp trên đúng theo độ tuổi.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là, trái ngược với sự thất vọng của bản thân mình về con thì nhà trường lại nhìn thấy ở con tôi những điểm mạnh, những điểm tích cực riêng, và họ sử dụng hệ thống khen thưởng rất hiệu quả để thúc đẩy những điểm mạnh đó của từng học sinh.
Giấy khen lên lớp được thiết kế một cách vui mắt với những lời ghi nhận rất chân thật. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Chẳng hạn như: mặc dù con tôi không thể giỏi sử dụng tiếng Anh trong học tập bằng các bạn người bản xứ nhưng lại luôn sẵng sàng giúp đỡ bạn môn Toán, vốn là thế mạnh của cậu bé khi học ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cậu bé thường hay ở lại lớp sau giờ học để giúp thầy giáo sắp xếp lại bàn ghế, lau chùi dụng cụ học tập.
Và đến một hôm, con tôi về nhà với vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc chìa cho bố mẹ tấm giấy khen đầu tiên mà cậu có được.
Đó là một mảnh giấy nhỏ, thiết kế đơn giản với dòng chữ viết tay: “Phần thưởng vì đã quan tâm giúp đỡ những bạn khác trong lớp”, kèm theo chữ ký của cả thầy hiệu trưởng lẫn giáo viên chủ nhiệm.
Một lần khác, con tôi lại được nhận giấy khen có ngôi sao thật to với dòng khen tặng vì đã tích cực tham gia các hoạt động chung trong lớp.
Giấy khen cuối năm học cũng được thiết kế đơn giản, và đặc biệt là rất vui mắt, thân thiện với trẻ em.
Giấy khen lên lớp được thiết kế một cách vui mắt với những lời ghi nhận rất chân thật. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Có thể thấy, việc tặng giấy khen thì ở môi trường giáo dục ở đất nước nào cũng có cả.
Tuy nhiên, cách thức tặng giấy khen thì lại có nhiều khác biệt giữa Việt Nam và một số nước tiên tiến trên thế giới.
Đầu tiên, việc khen thưởng được xem như là một hợp phần quan trọng trong cả quá trình dạy và học của cả học sinh và nhà trường.
Ở một số nước phát triển, như Anh, Mỹ, Úc chẳng hạn, thì mục tiêu cao nhất của việc khen thưởng là nhằm động viên và khích lệ học sinh phát huy những điều tích cực trong học tập và tham gia các hoạt động trong môi trường học đường (Hoffman, Huff, Patterson & Nietfield, 2009).
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý, đó là việc khen thưởng thường chú trọng vào yếu tố “cá nhân hóa”, tức là nắm bắt, thấu hiểu, và tìm cách khơi gợi khuyến khích điểm mạnh của từng em học sinh chứ không khen thưởng đại trà.
Như với trường hợp của con tôi ở trên, thầy giáo đã biết cách khen thưởng kịp thời, và đã giúp biến con tôi từ một cậu bé tự ti, nhút nhát trở thành một học sinh tự tin vào bản thân và có trách nhiệm với mọi người xung quanh.
Được khen vì chăm giúp đỡ bạn bè trong lớp. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Không có học sinh kém, chỉ là giáo viên chưa hiểu hết tiềm năng và thế mạnh của từng em mà thôi.
Vì vậy, việc khen thưởng cho học sinh ở các trường công lập ở Việt Nam cũng cần được xem xét và cải thiện.
Và thay vì ào ạt tặng giấy khen cho tất cả học sinh vào cuối mỗi năm học, xem như đó là thành tích trong dạy học của giáo viên, của nhà trường, của ngành giáo dục thì hãy khen tặng học sinh ngay khi các em làm được điều tốt nào đó trong lớp học, trong cộng đồng (như trường hợp một em học sinh cấp 2 ở Đồng Nai đã có hành động đẹp khi nhặt rác che lấp miệng cống gần đây).
Hãy để những tờ giấy khen trở thành nơi chứa đựng những ý nghĩa nhân văn, cao đẹp, và là bằng chứng cho sự nỗ lực của học sinh hơn là biến những tờ giấy khen thành những bản sao hàng loạt, vô hồn, và là gánh nặng tinh thần cho những thiểu số học sinh không được khen thưởng.
'Cả lớp được giấy khen vô tình làm tổn thương đứa trẻ'
Chị Minh Nguyệt - giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội - cho rằng việc chụp ảnh khoe thành tích cả lớp diễn ra phổ biến, vô tình làm tổn thương đứa trẻ không nhận được giấy khen.
Nhìn bức ảnh "cả lớp nhận giấy khen, chỉ mình em lẻ loi", tôi thoáng nghĩ, đó không còn là chuyện hiếm.
Đối với chị Minh Nguyệt, học tập không chỉ trong nhà trường mà còn bên ngoài cuộc sống. Ảnh: N.M.
Phát giấy khen thành phong trào
Tôi không phủ nhận hoàn toàn tác dụng việc khen thưởng ở trường. Bởi, giấy khen là công cụ khích lệ, từ đó tạo động lực cho con tiến bộ.
Sẽ tuyệt hơn nếu thầy cô thấy được sự nỗ lực mọi mặt của đứa trẻ để khen, chứ không chỉ dừng ở điểm số. Thầy cô có thể khen con hay giúp đỡ bạn, chăm đọc sách... Tuy nhiên, chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo vì muốn làm được như vậy không dễ, phụ thuộc trình độ nhận thức, sự tận tụy của giáo viên.
Nhìn vào thực tế, điều này khó thực hiện ở hệ thống giáo dục công lập nước ta vì giáo viên thông thường phải quản lý nhiều học sinh và công việc hành chính khác.
Vậy nhà trường nên trao giấy khen thế nào cho hợp lý? Với lứa tuổi nhỏ như cấp 1, giấy khen, bằng khen, khi in nhiều, sẽ thành lãng phí, nặng thành tích. Giấy khen có thể thay thế bằng các phần thưởng nhỏ mang tính giáo dục như sách truyện, đồ chơi.
Giấy khen có thể phân theo điểm mạnh của từng cá nhân. Có bạn đạt thành tích học tập nhưng có người thêm giải thưởng thể thao, âm nhạc hay đơn giản là thể hiện lòng tốt. Điều này có thể ghi nhận trong học bạ song song điểm số các con đạt được.
Với các cấp lớn hơn, nhà trường có thể duy trì hình thức giấy khen vì các con cần sự ghi nhận. Còn ở cấp bậc mầm non, tôi cho rằng không cần thiết trao giấy khen. Bản thân các con chưa biết chữ, mang giấy khen về cũng không làm gì cả, lại lãng phí, trở thành phong trào.
Điều này làm giấy khen mất giá trị. Thế hệ chúng tôi, mỗi lớp chỉ có 8-10 bạn đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt điểm 8 trong lớp không hề dễ. Ngày ấy, sự phân hóa về học lực của học sinh rõ rệt, không phải phần lớn đều giỏi và xuất sắc như bây giờ.
Chị Minh Nguyệt nhắn nhủ đừng để giấy khen gây áp lực lên con trẻ. Ảnh: N.Y.
Trẻ em cần có tuổi thơ hạnh phúc
Tôi không coi trọng thành tích, giấy khen mà gây áp lực lên con. Tôi để con hiểu học tập ở trường là nhiệm vụ quan trọng nhưng thành tích tốt, dẫn đầu lớp không phải mục tiêu cuối cùng cần đạt được.
Tôi cũng chẳng quan tâm con đứng thứ mấy trong lớp, mà chỉ hỏi con đi học có vui không? Tôi quan tâm việc học của con theo cách khác, con tự giác học thế nào, giải quyết chuyện trên lớp ra sao.
Tôi không can thiệp, không nhắc việc con hoàn thành bài tập hàng ngày, bản thân con tự ý thức việc đó.
Đi họp phụ huynh, thấy con không nằm trong top đầu, tôi không lo lắng. Điều quan trọng con cần hiểu yếu điểm của chính mình là gì, cải thiện như thế nào?
Tôi không hướng con đến việc phải đứng trong top của lớp. Nếu con đạt được, đó là vinh dự nhưng không phải mục tiêu cuối cùng.
Nếu con không nhận được giấy khen, tôi tìm hiểu nguyên nhân, sau đó giải quyết tâm lý để con không bị tự ti, mặc cảm. Tôi muốn con hiểu mỗi người là một cá thể đặc biệt.
Nhiều cha mẹ hiện nay đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái, âu cũng là vì lo lắng cho tương lai của trẻ. Tôi cũng mong con cái sống hài hòa, vui vẻ, phát huy được thế mạnh, cân bằng với cuộc sống.
Tôi từng lo lắng, thử nghiệm nhiều nhưng sau đó lại nghĩ mình không thể kiểm soát được mọi thứ trong tương lai, vậy làm sao phải đảm bảo con nhất định thành đạt, thành công?
Trẻ em cần có một tuổi thơ hạnh phúc. Con được dạy, cảm nhận và quý trọng các giá trị như yêu thương gia đình, sống hài hòa với thiên nhiên. Con cần có cuộc sống cân bằng, khỏe mạnh về trí lực, lành mạnh về lối sống.
Ví dụ, bạn út nhà tôi tên Gấu, 8 tuổi, tập bóng bàn mệt, bảo "Con chán rồi". Nhưng, cháu vẫn cố gắng vượt qua, tiếp tục tập luyện, như vậy là đáng khen. Hay khi chép chính tả thơ Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, bạn ấy mắc 8, hôm sau còn 1 lỗi. Như vậy, con đã đáng được ghi nhận và khen rồi.
Con gái 11 tuổi của tôi vừa kết thúc lớp 6. Cháu học yếu môn Toán trong học kỳ I nhưng có tiến bộ rõ rệt ở kỳ II. Song song việc học trên lớp, con theo chương trình online phổ thông của Mỹ vào buổi tối. Ngoài ra, cháu tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, học hỏi kỹ năng như thuyết trình, quay dựng phim, học làm slide...
Quan điểm giáo dục của tôi thiên về trải nghiệm. Kết thúc năm học, phần thưởng gia đình dành cho các con là chuyến trekking 10 km tại Rừng quốc gia Cát Bà. Các con mất 5 giờ để đi xuyên rừng nguyên sinh, leo 4 ngọn núi, trải nghiệm hành trình kéo dài 6 giờ. Đây là hành trình rất đáng động viên.
Con học tiếng Anh cũng vậy, tôi không ép vội phải thi chứng chỉ, bằng cấp quốc tế, mà giúp con biến tiếng Anh thành công cụ trong đời sống. Hai con hoàn toàn có thể đọc truyện, xem phim tiếng Anh và giao tiếp với người nước ngoài.
Tôi luôn quan tâm sự tiến bộ và nỗ lực của bản thân con trẻ, chứ không so sánh thành tích với các bạn xung quanh vì mỗi bạn có một năng lực khác nhau. Tôi không bắt con phải có năng khiếu như bạn. Tại sao con mình không phải là thiên tài mà bắt con phải làm được như vậy?
Vì vậy, tôi cho rằng giấy khen chỉ như công cụ để khích lệ học sinh, bên cạnh đó có rất nhiều công cụ khác.
Đề xuất xóa bỏ hình thức giấy khen cần tìm hiểu kỹ. Bởi, việc động viên học sinh vẫn rất cần thiết, ghi nhận nỗ lực của trẻ là vô cùng quan trọng. Điều chúng ta cần làm là tìm được công cụ nào không mang tính thành tích.
Bài viết của chị Minh Nguyệt (giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) thể hiện góc nhìn và quan điểm riêng của một phụ huynh sau những tranh luận trên mạng xã hội về bức ảnh trong lớp chỉ một học sinh không nhận giấy khen.
Bạn có ý kiến gì về chủ đề "ai cũng được giấy khen" mỗi khi kết thúc năm học? Hãy chia sẻ quan điểm của mình bằng cách gửi bài viết về địa chỉ toasoan@zing.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến "tác dụng ngược" Các địa phương cần chú ý đến việc khen thưởng HS cuối năm học, việc đánh giá phải đảm bảo thực chất, vì sự tiến bộ của HS, tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến "tác dụng ngược" trong việc khen thưởng. Về việc giấy khen kết thúc năm học gây xôn xao dư luận vừa qua, tại Hội nghị Giám đốc sở...