Khai giảng cận kề, Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng
Chỉ còn vài ngày nữa là khai giảng năm học mới, thế nhưng thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng như đã hứa.
Hà Nội nhiều lần khẳng định sẽ giải quyết xong chuyện giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới
Chỉ còn khoảng hơn 1 tuần nữa là khai giảng năm học mới, số giáo viên hợp đồng trên địa bàn Hà Nội vẫn đang rơi vào tình trạng hoang mang và lo lắng.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã nhiều lần khẳng định chắc như đinh đóng cột: Sẽ giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới.
Xin được nhắc lại, ngày 31/7/2019 trong báo cáo của Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa cho biết:Tuy nhiên đến ngày hôm nay vẫn chưa có một động thái quyết liệt nào từ Thành phố cho thấy sẽ giải quyết xong vấn đề của hơn 2000 giáo viên hợp đồng toàn Hà Nội.
Thời gian tới Sở sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ thành phố giao về tuyển dụng giáo viên làm việc tại các trường công lập khối Quận, huyện.
Theo đề nghị của các quận, huyện, thị xã, chỉ tiêu đăng ký tuyển dụng giáo viên là 11.182 chỉ tiêu.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện rà soát để đảm bảo tuyển dụng đúng quy định của pháp luật.
Qua rà soát, hiện có khoảng 2.923 giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở của 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, số hợp đồng trên 5 năm khoảng gần 800 người.
Thực hiện Quyết định số 3455/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố, các Quận, huyện đã rà soát và đăng ký hình thức tuyển dụng.
Trong đó, 21 quận, huyện đăng ký hình thức thi tuyển, 9 quận, huyện đăng ký xét tuyển theo Nghị định 161/NĐ-CP của Chính phủ.
Về việc này, Sở sẽ có báo cáo tổng thể xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố đảm bảo việc tuyển dụng được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, kịp thời bố trí giáo viên đứng lớp trong năm học mới 2019 – 2020.
Ông Nguyễn Đình Hoa thông tin: Sẽ có khoảng 800 giáo viên hợp đồng được xét tuyển (Ảnh:anninhthudo.vn)
Trước đó Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cũng đã khẳng định:
“Tôi báo cáo để Hội đồng nhân dân Thành phố cũng thực hiện giám sát.
Tới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ thành lập hội đồng xét tuyển. Sau khi xét tuyển hết thì sẽ thi tuyển với số còn lại”.
Với những lời hứa chắc như đinh đóng cột, hơn 2000 giáo viên hợp đồng vẫn mong đợi một quyết định nhân văn của thành phố, giải quyết dứt điểm nỗi bức xúc và mong mỏi của họ.
Tuy nhiên đến thời điểm này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết nguyện vọng của số giáo viên này mặc dù đã có Quyết định 3455 – QĐ/UBND.
Video đang HOT
Việc giải quyết chuyện giáo viên hợp đồng lâu năm trước thềm năm học mới là mong mỏi chung của nhiều người.
Giáo viên hợp đồng Hà Nội mong mỏi thành phố sớm có phương án giải quyết để ổn định công việc (Ảnh:V.N)
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây cho bày tỏ:
“Cả nước đều biết thành phố Hà Nội và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới.
Ấy vậy mà cho đến nay vẫn chưa có quyết định hay có thể nói là bặt vô âm tín làm cho số giáo viên hợp đồng toàn thành phố rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng.
Trong khi đó các huyện lại có những cách ứng xử với giáo viên hợp đồng khác nhau.
Nhiều nơi liên tục chấm dứt hợp đồng không thương tiếc như tại thị xã Sơn Tây chúng tôi”.
Câu chuyện giáo viên hợp đồng lâu năm thành phố Hà Nội những tưởng sẽ được giải quyết xong trước thềm năm học mới.
Nhưng sự im lặng của thành phố đã đẩy nhiều giáo viên vào tình trạng bị cắt hợp đồng trong khi đó đáng lẽ họ phải được hưởng quyền lợi là xét tuyển 2 vòng hoặc xét đặc cách.
Thành phố cần sớm giải quyết để ổn định tâm lý giáo viên
Việc chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng đẩy số giáo viên này vào tình trạng hoang mang, lo lắng.
Bên cạnh đó điều này cũng gây khó khăn cho các nhà trường trong thời điểm sắp bước vào năm học mới.
Tuy nhiên theo phản ánh của thầy Viết Tiến, do thiếu giáo viên giảng dạy, Huyện lại tiếp tục gọi số giáo viên này về thỉnh giảng hoặc làm hợp đồng thời vụ.Lấy ví dụ, tại thị xã Sơn Tây, Ủy ban Nhân dân Huyện đã thông báo cắt hợp đồng của một số giáo viên.
Số giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức bị ép ký cam kết hợp đồng 3 tháng và tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội.
Điều này đã được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh. Tuy nhiên tình trạng trên không có gì biến chuyển sau phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Chủ tịch Thành phố cho biết: “Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy, qua hơn 20 năm, Thành phố có gần 3.000 trường hợp giáo viên hợp đồng.
Trong thời gian tới cần giải quyết dứt điểm. Có những trường hợp còn đang vướng mắc vì không được đóng bảo hiểm xã hội.
Chúng tôi đang làm việc với bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội để giải quyết dứt điểm cho những trường hợp này”.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới (Ảnh:anninhthudo.vn)
Tình trạng trên bảo dưới không nghe khiến nhiều giáo viên hợp đồng cảm thấy ngán ngẩm dù cho có thời điểm họ đã rất tin tưởng vào những quyết định nhân văn của thành phố.
Cô Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn tâm sự:
“Tôi nghĩ năm học mới sắp đến mà vẫn chưa có quyết định nhân văn đối với giáo viên hợp đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Thứ Nhất: Đó là ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của chúng tôi. Chúng tôi chào đón năm học mới với tâm trạng lo âu, hoang mang.
Thú thực điều này khiến cho giáo viên không thể nào toàn tâm toàn ý giảng dạy được. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến học sinh. Chúng tôi rất buồn vì điều này.
Thứ Hai: Sự việc không được giải quyết trước khai giảng mà để vào năm học mới giải quyết sẽ ảnh hưởng đến cả giáo viên và học sinh vì lúc đó quỹ đạo đang ổn định lại thay đổi.
Thứ Ba: Mặc dù thành phố đã hứa hẹn nhiều lần nhưng không giải quyết. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy nghi ngờ Thành phố có thực sự nhân văn, có thực sự giải quyết như đã hứa hay không?”.
Hà Nội chậm trễ giải quyết đang làm khó giáo viên hợp đồng và các trường (Ảnh:V.N)
Cũng theo cô Thơm, trong thời gian này số giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn phải chuyển sang hợp đồng thời vụ.
Thời gian hợp đồng: Từ 1/9/2019 cho đến khi có quyết định tuyển dụng viên chức của thành phố năm 2019.
Như vậy các Quận, huyện cũng đang chờ đợi chỉ đạo từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Vì vậy kính mong Thành phố Hà Nội sớm có phương án giải quyết dứt điểm chuyện giáo viên hợp đồng lâu năm để ổn định tâm lý thầy và trò trong năm học mới.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Chất lượng nhà vệ sinh là tiêu chí đánh giá thi đua trường học
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đã đưa yếu tố cơ sở vật chất và nhà vệ sinh trường học vào tiêu chí đánh giá thi đua các cơ sở giáo dục.
Trao đổi với báo chí ngày 28/8 về công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật Chất, Bộ GD&ĐT - cho hay Thủ tướng đã có hai nghị quyết yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo nhà vệ sinh trường học, chú trọng trong năm học mới cần làm quyết liệt và mạnh hơn vấn đề này.
- Vấn đề nhà vệ sinh trường học nhiều lần được đưa ra trong hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới. Hiện tại, nhà vệ sinh trường học đang được triển khai thế nào thưa ông?
- Theo thống kê, trong năm học vừa qua, cả nước bổ sung 60.000 công trình vệ sinh trường học các loại. Trong đó, khâu tổ chức quản lý, sử dụng, làm vệ sinh khi sử dụng là điều quan trọng. Các vấn đề đang tồn tại như kinh phí thuê người dọn dẹp, thiếu nguồn nước và hóa chất.
Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật Chất, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Đ.L.
Để đảm bảo nhà vệ sinh, một số thành phố lớn như Hà Đông (Hà Nội) sử dụng kinh phí của quận để thuê dịch vụ riêng quản lý, khai thác nên nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ. Nhà trường có thể ký hợp đồng với bảo vệ, giao luôn nhiệm vụ dọn dẹp nhà vệ sinh. Trường cũng tổ chức phong trào, giáo viên ý thức trong việc sử dụng nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh trường học mang tính đặc thù vì tần suất học sinh sử dụng rơi vào một thời điểm. Nếu một trường học có 1.500 em cùng nghỉ giải lao, số học sinh vào nhà vệ sinh rất lớn, nếu ý thức không tốt sẽ làm ảnh hưởng bạn bè. Bộ GD&ĐT đang phát động phong trào đảm bảo nhà vệ sinh trong học sinh và giáo viên bằng việc nâng cao ý thức của các em.
Đặc biệt, trong việc đánh giá thi đua của các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đưa cơ sở vật chất và nhà vệ sinh trường học vào tiêu chí thi đua. Như vậy, kể cả những trường được đầu tư nhưng không được sử dụng tốt, sẽ không được ghi nhận. Đồng thời, người đứng đầu sẽ có trách nhiệm trong nhà vệ sinh.
Theo Thông tư số 13 về quy định công tác y tế trong trường học, trung bình cả nước có số nhà vệ sinh kiên cố hóa là 80%, đạt chuẩn là 60%.
- Thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã cận kề. Bộ GD&ĐT tính toán trường lớp ra sao cho việc này để giải quyết câu chuyện học hai buổi mỗi ngày?
- Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đón đầu cho việc triển khai chương trình phổ thông mới cho lớp 1 và chương trình phổ thông mới nói chung. Hiện nay, chúng ta còn khoảng 25% trường học bán kiên cố, phòng học tạm và một số phòng học mượn.
Để chuẩn bị cho việc học 2 buổi/ngày, trước hết phải khắc phục được 25% phòng học tạm tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bộ GD&ĐT khẳng định từ năm 2020, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được cuốn chiếu, các trường dành phòng học cho học sinh lớp 1. Các em từ lớp 2 đến lớp 5 chỉ học một buổi mỗi ngày.
Sau năm 2020, các lớp học khác sẽ thực hiện học hai buổi mỗi ngày nên thiếu phòng học. Địa phương còn 2 năm nữa để chuẩn bị lộ trình này. Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị quyết liệt và phê duyệt nhiều đề án liên quan.
Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La... áp dụng nguyên tắc "3 cứng". Họ đầu tư xây dựng từ 30-40 triệu đồng để xây những phòng học kiên cố gồm nền cứng, mái cứng, tường cứng và huy động xã hội hóa để thi công.
- Tình trạng quá tải sĩ số học sinh đang diễn ra khá phổ biến ở thành phố lớn, nơi có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội. Các địa phương cần giải quyết bài toán này ra sao?
- Ở thành phố lớn tập trung mật độ dân số đông sẽ dẫn tới việc các cơ sở thiếu quỹ đất, thừa sĩ số. Giải pháp đầu tiên và lâu dài là các thành phố, quận huyện phải làm tốt câu chuyện quy hoạch, dự báo, ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục.
Hiện, quỹ đất chủ yếu phát triển dân cư, nhà máy còn đất dành cho giáo dục chưa đươc quan tâm. Một trong 9 nhiệm vụ Bộ GD&ĐT chỉ đạo là rà soát quy hoạch trường lớp, trong đó ưu tiên phát triển trường học.
Hà Nội đang làm khá tốt việc khuyến khích phát triển trường ngoài công lập để đáp ứng yêu cầu của người dân nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển của dân số.
Một số giải pháp tình thế có tác dụng như Bộ GD&ĐT yêu cầu thành phố lớn có lớp học diện tích nhỏ hơn khu vực đồng bằng, một số cơ sở có đủ điều kiện nền móng được nâng tầng, rà soát, sắp xếp lại phòng học và phòng chức năng sao cho hợp lý.
Theo Zing
Kiên quyết chống lạm thu Chỉ còn ít ngày nữa, Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 sẽ bắt đầu. Nỗi lo muôn thuở của phụ huynh học sinh chính là các khoản sắm sửa cho con cái, cùng các khoản đóng góp mỗi đầu năm học. Ảnh minh họa Về vấn đề này, trước thềm năm học mới 2019-2020, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương...