Jordan trong thế cân bằng tinh tế giữa cuộc chiến Israel – Hamas ở Gaza
Jordan đang nỗ lưc cân bằng giữa việc duy trì các liên minh bên ngoài và xoa dịu người dân liên quan đến cuộc xung đột Israel- Hamas ở Gaza.
Cảnh sát chặn một con đường trong nỗ lực ngăn người biểu tình tiếp cận khu vực biên giới với Bờ Tây do Israel chiếm đóng ở Amman, Jordan. Ảnh: Thenationalnews.com
Doanh nhân người Jordan Marwan Al Amjad đã phải hủy bữa trưa vào tuần trước với các khách hàng tiềm năng tại một trang trại nghỉ dưỡng mà ông sở hữu gần biên giới với Israel.
Lực lượng an ninh đã dựng lên các chốt chặn trong khu vực để ngăn chặn người dân biểu tình sau buổi cầu nguyện cuối tuần chống lại cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Những chiếc ô tô đi từ Amman đến đó đã buộc phải quay trở lại.
“Họ sẽ cho tôi qua vì họ biết tôi. Nhưng tôi không chắc chắn về các vị khách của mình”, ông Al Amjad nói. Tài sản của ông Al Amjad nằm ở Thung lũng Jordan, một phần của biên giới dài gần 500 km giữa Jordan và Israel.
Với đường biên giới dài, tác động của cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza đối với Jordan được theo dõi chặt chẽ ở Israel và ở Mỹ, nơi cuộc chiến đã thúc đẩy mối quan tâm đến việc khôi phục các cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước cho cuộc đấu tranh giữa người Palestine và Israel kéo dài hàng thập kỷ.
Các tuyên bố chính thức ở Jordan đã thể hiện sự tức giận của người dân đối với cuộc xung đột, vốn được thúc đẩy bởi cuộc tấn công vào ngày 7/10 năm ngoái của Hamas vào miền Nam Israel.
Các nhà chức trách ở Jordan cũng đã cho phép quyên góp viện trợ chuyển tới Gaza do Hamas cai trị từ năm 2007. Một số cuộc biểu tình đã được cho phép, nhưng không được gần các căn cứ của Mỹ hoặc gần biên giới.
Đây là sự tiếp nối của hành động cân bằng của Jordan giữa việc duy trì các liên minh bên ngoài và xoa dịu người dân liên quan đến cuộc xung đột Israel-Hamas.
Video đang HOT
Cách tiếp cận thực dụng
Một tỷ lệ lớn dân số của Jordan là người gốc Palestine, thế hệ sau của những người tị nạn từ các làn sóng di dời vào năm 1948 và 1967. Tuy nhiên, sự tức giận trước thương vong ở Gaza lại được chia sẻ rộng rãi với phần còn lại của dân chúng.
Một cuộc biểu tình đáng chú ý diễn ra vào cuối tuần trước được kêu gọi bởi Tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức chính trị-tôn giáo toàn Arab đã sinh ra Hamas vào những năm 1980. Không giống như hầu hết các quốc gia Arab khác, Tổ chức Anh em Hồi giáo được hoạt động ở Jordan.
Truyền thông chính thức đã miêu tả Hamas là một phong trào kháng chiến hợp pháp, mặc dù chính quyền coi tổ chức này là mối đe dọa an ninh vào năm 1999 và trục xuất họ sang Syria, nhưng vẫn duy trì các kênh liên lạc với các nhân vật cấp cao trong nhóm.
Về quan hệ với Israel, hai nước đã ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Israel cung cấp khí đốt và một lượng lớn nước cho Jordan. Vương quốc này cũng phụ thuộc vào Mỹ về viện trợ và an ninh. Để tìm kiếm tiếng nói trong bất kỳ trật tự mới nào ở Trung Đông thời hậu chiến, Quốc vương Jordan Abdullah đã đến thăm Mỹ gần đây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Quốc vương Jordan Abdullah II bắt tay trong cuộc họp báo sau cuộc gặp tại Nhà Trắng ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: EPA
Ông Abdullah đã gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, bất chấp việc Washington tập trung vào những bên có mối quan hệ tốt hơn với Hamas, chủ yếu là Qatar và Ai Cập, nhằm theo đuổi lệnh ngừng bắn và thả các con tin bị nhóm này bắt giữ hôm 7/10.
Nhà phân tích an ninh khu vực Saud Sharafat, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa và Khủng bố Shorufat ở Amman, cho biết mặc dù Jordan không thể đóng góp vào các mục tiêu trước mắt của Washington nhưng vị thế chiến lược của Vương quốc này có thể đã được nâng cao nhờ các sự kiện diễn ra trong những tuần gần đây.
Vào ngày 28/1, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà Washington đổ lỗi cho lực lượng dân quân Iraq thân Iran đã giết chết ba binh sĩ Mỹ ở Jordan, giáp biên giới Iraq và Syria. Ông Sharafat cho rằng sau cuộc tấn công vào Jordan, Mỹ có thể đáp ứng dễ dàng hơn các yêu cầu của Vương quốc này về tăng cường khả năng phòng thủ.
Theo ông Sharafat, ngoài quốc phòng, Jordan tìm cách hưởng lợi từ bất kỳ thỏa thuận kinh tế nào mà Washington và các đồng minh có thể đưa ra như một phần của giải pháp lâu dài sau xung đột ở Gaza.
Cùng với đó, Jordan có thể bị ảnh hưởng nếu Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (Unwra), không chịu nổi áp lực của Israel và đóng cửa các cơ quan trong khu vực. Unwra là tổ chức chính cung cấp viện trợ cho người tị nạn Palestine ở Levant.
Sau Mỹ, Quốc vương Abdullah đã gặp các nhà lãnh đạo Canada và Anh ở Ottawa và London. Cả hai quốc gia đều là nhà tài trợ chính cho Unwra, sau Mỹ, cùng với Đức, nơi ông Abdullah tới tham dự Hội nghị An ninh Munich.
Thủ tướng Israel trình bày kế hoạch hậu xung đột Gaza và phản ứng của Palestine
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đề xuất một kế hoạch cho Gaza thời hậu chiến, tuy nhiên Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lập tức bác bỏ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trình bày kế hoạch hậu chiến với Hamas cho nội các. Ảnh: MW
Truyền thông Israel đưa tin ngày 23/2 cho biết Israel muốn duy trì quyền kiểm soát an ninh với tất cả vùng đất phía Tây Jordan, bao gồm Bờ Tây và Dải Gaza.
Trong các mục tiêu dài hạn được liệt kê, Thủ tướng Netanyahu bác bỏ việc "đơn phương công nhận" nhà nước Palestine.
Ông nhấn mạnh, một thỏa thuận với người Palestine sẽ chỉ đạt được thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên.
Tại Gaza, Thủ tướng Netanyahu coi phi quân sự hóa và phi cực đoan hóa là những mục tiêu cần đạt được trong trung hạn.
Ông không nói rõ thời điểm bắt đầu kế hoạch trung hạn và kéo dài bao lâu nhưng đặt điều kiện cho việc khôi phục Dải Gaza dựa trên việc phi quân sự hóa hoàn toàn.
Israel sẽ hợp tác với Ai Cập và Mỹ để ngăn chặn hành vi buôn lậu trong khu vực, bao gồm tại cửa khẩu Rafah của Gaza.
Tờ Times of Israel đã trích dẫn các yếu tố chính trong kế hoạch của ông Netanyahu cho biết hiện tại Gaza đang nằm dưới sự kiểm soát của Hamas, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, ông Netanyahu gợi ý các vấn đề dân sự của Gaza sẽ được điều hành bởi các quan chức địa phương có kinh nghiệm hành chính và những người không liên quan đến các quốc gia hoặc tổ chức hỗ trợ khủng bố.
Theo kế hoạch, ngay cả sau chiến tranh, quân đội Israel sẽ có "quyền tự do vô thời hạn" để hoạt động trên khắp Gaza nhằm ngăn chặn bất kỳ hoạt động khủng bố nào tái diễn.
Một yếu tố quan trọng của kế hoạch này là việc giải tán cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) và thay thế cơ quan này bằng các nhóm viện trợ quốc tế khác.
Những biện pháp đó bao gồm việc giải tán Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine, đồng thời đảm bảo thả tất cả các con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza.
Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh, khẳng định với báo giới rằng đề xuất nêu trên của Thủ tướng Netanyahu "chắc chắn sẽ thất bại", tương tự mọi kế hoạch của Israel nhằm thay đổi thực tế địa lý và nhân khẩu học ở Gaza.
"Nếu thực sự quan tâm đến thiết lập an ninh và ổn định trong khu vực, thế giới phải chấm dứt việc Israel chiếm đóng đất của người Palestine và công nhận một nhà nước Palestine độc lập với Jerusalem là thủ đô" - ông Rudeineh nhấn mạnh.
Ai Cập đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhiều mặt Xung đột ở Gaza, căng thẳng với Ethiopia và sự mất giá của đồng nội tệ sắp xảy ra: tất cả những yếu tố này có thể gây ra "một cơn bão" lớn với Ai Cập năm 2024. Thách thức kinh tế hiện tại của Ai Cập còn cho thấy một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn đang rình rập nước...