Iraq giải phóng thành trì IS
Quân đội Iraq tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát thành phố quan trọng Ramadi từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cờ của chính phủ Iraq đã xuất hiện ở nhiều nơi tại Ramadi – Ảnh: Reuters
Reuters đưa tin quân đội Iraq ngày 28.12 đã giải phóng thành phố Ramadi thuộc tỉnh Anbar sau hơn nửa năm rơi vào tay IS.
Sau nhiều tuần bao vây Ramadi, quân đội Iraq mở chiến dịch đánh chiếm thành phố ở miền trung Iraq hồi tuần trước và giành quyền kiểm soát khu nhà chính quyền ở trung tâm vào ngày 27.12. “Ramadi đã được giải phóng và lực lượng chống khủng bố đã treo cờ trên nóc khu nhà chính quyền”, Yahya Rasool, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy tác chiến liên hợp Iraq, tuyên bố trên truyền hình.
Ông Sabah al-Numani, phát ngôn viên của lực lượng tham chiến tại thành phố, cho biết thêm: “Kiểm soát được khu nhà chính quyền là xem như chúng tôi đã đánh bại IS tại Ramadi. Bước tiếp theo là xóa sạch một vài nhóm nhỏ lẻ có thể còn ở đâu đó trong thành phố”.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy từng tốp lính Iraq trên xe công vụ, xe tăng thẳng tiến vào trung tâm thành phố. Giới chức Iraq không tiết lộ số thương vong trong chiến dịch giành lại Ramadi, vốn rơi vào tay IS hồi tháng 5, song theo AFP dẫn nguồn tin riêng, gần 100 lính chính phủ bị thương đã được đưa tới các bệnh viện tại thủ đô Baghdad chỉ trong ngày 27.12.
Nhà chức trách địa phương khẳng định hầu hết dân thường đều được sơ tán trước khi chính phủ mở chiến dịch đánh chiếm Ramadi. Ước tính vào thời điểm đầu của chiến dịch, có khoảng 400 tay súng IS trấn giữ Ramadi và hàng chục trong số này đã bị tiêu diệt.
Thành viên hội đồng tỉnh Anbar Falih al-Essawi đã kêu gọi chính phủ sớm khôi phục các dịch vụ quan trọng tại Ramadi và khẩn trương xây dựng lại thành phố để người dân sơ tán trở về. “Khó mà thuyết phục các gia đình quay về thành phố khi mà không đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của con người”, theo Reuters dẫn lời ông al-Essawi.
Ramadi là thành phố quan trọng thứ hai được quân chính phủ giành lại từ IS theo sau thắng lợi tại thành phố Tikrit hồi tháng 4. Tái chiếm Ramadi là một trong những chiến thắng có ý nghĩa của quân chính phủ Iraq, kể từ khi IS chiếm 1/3 lãnh thổ nước này hồi năm 2014.
Chính phủ của Thủ tướng Haider al-Abadi khẳng định Ramadi sẽ được bàn giao cho cảnh sát địa phương và lực lượng bản địa người Sunni từng đứng ra bảo vệ thành phố. Trước chiến thắng của quân chính phủ tại Ramadi, hàng ngàn người dân Iraq tại Baghdad, Karbala và nhiều thành phố khác đã đổ ra đường ăn mừng thâu đêm.
Video đang HOT
Chính phủ Iraq nhấn mạnh mục tiêu tiếp theo sẽ là thành phố Mosul ở miền bắc, hiện vẫn nằm trong tay của IS. “Chiến thắng ngoạn mục ở Ramadi sẽ là tin vui cho người dân ở Mosul”, phát ngôn viên Sabah al-Numani nói. Đánh đuổi IS khỏi Mosul sẽ giúp xóa bỏ cơ cấu nhà nước tự xưng của tổ chức này tại Iraq, đồng thời tước bỏ nguồn cung cấp tài chính lớn của IS, vốn đến từ khai thác dầu mỏ cũng như tiền thuế của người dân địa phương.
Danh Toại
Theo Thanhnien
Người khiến IS hứng chịu thảm bại ở Ramadi
Vai trò và uy tín của tỉnh trưởng al-Rawi đã thống nhất được các lực lượng an ninh, thu phục lòng dân Ramadi, tạo điều kiện giải phóng thành phố nhanh chóng.
Các lực lượng an ninh Iraq tiến vào trung tâm thành phố Ramadi. Ảnh: Reuters
Ngày 27/12, xe tăng, xe bọc thép của các lực lượng an ninh Iraq đã tiến vào khu vực trung tâm thành phố chiến lược Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, đánh bật hàng trăm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) cố thủ nhiều tuần lễ qua khỏi khu trung tâm hành chính thành phố, Reuters cho hay.
Đây được coi là thất bại nặng nề nhất của IS trong năm qua, và cũng là chiến thắng vang dội rất được trông đợi của các lực lượng an ninh Iraq, gồm quân đội, cảnh sát và lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Sunni, sau một thời gian dài tấn công, vây hãm. Hình ảnh trên hoàn toàn trái ngược với sự lúng túng, bị động của quân đội và cảnh sát Iraq kể từ khi chiến dịch giải phóng Ramadi được bắt đầu cách đây vài tháng.
Theo chuyên gia phân tích tình hình Trung Đông Ayub Nuri của trangRudaw, quân đội và cảnh sát Iraq giành được thắng lợi quan trọng nhờ công rất lớn của lực lượng dân quân các bộ tộc người Sunni, dưới sự lãnh đạo của một người đàn ông có vai trò và tiếng nói rất lớn, đó là Suhaib al-Rawi, tỉnh trưởng tỉnh Anbar.
Sau khi để mất Ramadi một cách chóng vánh vào tay IS hồi tháng 5, quân đội Iraq đã quyết tâm tái chiếm thành phố và tập trung một lực lượng lớn vây quanh thành phố với đa số dân chúng là người Hồi giáo dòng Sunni. Thế nhưng họ chỉ quẩn quanh ở đó mà không tiến thêm được một bước nào.
Nguyên nhân chính là do trong hàng ngũ của họ có rất nhiều dân quân người Shiite, với những khẩu hiệu và biểu ngữ chống người Sunni treo đầy trên các chiến lũy và xe quân sự. Vì vậy, dù có nhiều người dân ở Ramadi phản đối IS, họ lo sợ rằng một khi dân quân người Shiite tràn được vào thành phố, số phận của họ có thể còn bi thảm hơn. Lo lắng này được chứng minh qua những vụ giết chóc, đốt phá trả thù mà dân quân người Shiite gây ra ở Tikrit và Baiji cách đây không lâu.
Lực lượng tiên phong trong chiến dịch giải phóng Ramadi chính là đội dân quân 30.000 người được huy động từ các bộ tộc người Sunni ở tỉnh Anbar, có tên gọi Hashid al-Ashairi. Dù luôn bám trụ quanh Ramadi, lực lượng này không hề muốn giải phóng thành phố khỏi tay IS, vì họ không muốn trao số phận người dân của mình cho chính phủ gồm toàn người Shiite ở Baghdad.
Họ đã từng bị phản bội trong giai đoạn 2006-2008. Dân quân người Sunni dưới phong trào "Thức tỉnh" do Mỹ khởi xướng đã đứng lên đấu tranh và quét sạch phiến quân al-Qaeda khỏi lãnh thổ của mình. Nhưng ngay sau đó, quân đội của cựu thủ tướng Nouri al-Maliki thay đổi, coi họ là những kẻ khủng bố và tống họ vào tù, đàn áp các cuộc biểu tình của họ. Những người đại diện mà họ bầu ra ở chính phủ và quốc hội đều bị truy tố, khám xét ở thủ đô Baghdad. Bởi vậy, khi IS tràn vào Ramadi và Fallujah, các chiến binh bộ tộc này đã án binh bất động, dù họ không ưa gì cách cai trị tàn bạo của phiến quân.
Theo ông Nuri, trong thực tế, họ coi IS như một con bài mặc cả với chính quyền trung ương và người Mỹ. Theo đó, họ sẽ ra tay tiêu diệt IS nếu được đảm bảo rằng Ramadi sẽ được giải phóng và điều hành bởi người Sunni, dân quân người Shiite không được phép tham gia bất cứ giai đoạn nào.
Quân đội Iraq đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này của dân quân Hashid al-Ashairi, nhưng người Mỹ, trước sự bế tắc của chiến dịch tấn công IS, đã lắng nghe họ. Kết quả là dân quân người Shiite đã bị gạt ra trong chiến dịch giải phóng Ramadi, và nhiều nguồn tin cho hay Mỹ thậm chí còn cung cấp vũ khí cho lực lượng Hashid al-Ashairi.
Dân quân người Sunni đóng vai trò rất lớn trong chiến dịch giải phóng Ramadi. Ảnh:GMIPost
Thủ lĩnh được lòng tất cả
Dân quân Hashid al-Ashairi là tập hợp của nhiều bộc tộc người Sunni trên địa bàn tỉnh Anbar, tỉnh lớn nhất Iraq. Trong nội bộ các bộ tộc này luôn tồn tại các mâu thuẫn, xích mích và ganh đua. Hôm nay họ có thể sát cánh chiến đấu, nhưng ngày mai có thể quay súng bắn nhau khi xuất hiện bất đồng, còn các lãnh đạo bộ tộc luôn đấu đá nhau vì ảnh hưởng và quyền lực.
Trong bối cảnh đó, tỉnh trưởng al-Rawi nổi lên như một thủ lĩnh có thể thống nhất, đoàn kết tất cả các bộ tộc người Sunni trong tỉnh dưới một lá cờ duy nhất để chống lại phiến quân IS. Al-Rawi mới được bầu làm tỉnh trưởng chỉ vài tháng trước khi IS chiếm Ramadi. Ông nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân trong tỉnh, và đảng Hồi giáo Iraq của ông có địa vị hợp pháp, có văn phòng và thành viên khắp cả nước, đặc biệt là các vùng đông người Sunni sinh sống.
Tại Ramadi, ông al-Rawi đặc biệt được yêu mến, vì ông là một người mới và vẫn thể hiện lập trường trung lập giữa các bộ tộc và chính phủ, không tham gia vào các cuộc tranh đoạt quyền lực mà chỉ tập trung vào công việc điều hành của mình. Ông al-Rawi không giống với nhiều chính trị gia khác, những người dễ dàng bỏ qua nhu cầu của người dân địa phương để nhượng bộ lợi ích của chính quyền trung ương.
Là người được cả chính quyền trung ương lẫn người dân địa phương tôn trọng, ông al-Rawi đã trở thành cầu nối giữa quân đội, cảnh sát Iraq với lực lượng dân quân người Sunni để phối hợp tác chiến, đồng thời vận động người dân ở Ramadi ủng hộ lực lượng giải phóng. Bản thân ông al-Rawi là người trực tiếp đứng ra giám sát chiến dịch giải phóng Ramadi.
Việc người dân Ramadi đặt niềm tin vào vị tỉnh trưởng này được cho là chất xúc tác quan trọng để các lực lượng an ninh Iraq có thể đẩy nhanh chiến dịch tấn công và tung đòn quyết định vào phiến quân IS ở thành phố chiến lược trên.
Ông al-Rawi, tỉnh trưởng tỉnh Anbar. Ảnh: Aljazeera
Cuối cùng, ngày 27/12, phiến quân IS đã hứng chịu thất bại nặng nề nhất từ trước tới nay. Chỉ trong 24 giờ qua, IS đã mất quyền kiểm soát thành phố chiến lược Ramadi cùng nhiều khu vực quan trọng khác ở gần thành phố Mosul ở phía bắc, Diyala ở phía đông.
Ngày 28/12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố sẽ bàn giao lại thành phố Ramadi cho cảnh sát địa phương và các bộ tộc người Sunni sau khi quét sạch các phần tử IS, một biện pháp nhằm trấn an người dân và đảm bảo rằng sẽ không có bất cứ cuộc thanh trừng phe phái, sắc tộc nào diễn ra sau giải phóng.
"Chúng tôi đã huấn luyện hàng trăm chiến binh bộ tộc, vai trò của họ sẽ là bảo vệ thành phố. Khi chứng kiến người của mình chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, người dân địa phương sẽ an tâm hơn nhiều và kéo những người tháo chạy trở về thành phố", thiếu tướng Yahya Rasool, người phát ngôn bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Ramadi cho hay.
Chiến thắng của các lực lượng an ninh Iraq ở Ramadi có vai trò rất quan trọng, bởi nó có thể là mô hình hiệu quả để họ tiếp tục đà tấn công, tiêu diệt phiến quân ở thành phố Mosul. Một khi Mosul được giải phóng, IS sẽ đánh mất gần như toàn bộ lãnh thổ ở Iraq, và sẽ phải co cụm trên chiến trường ở Syria, nơi chúng phải đối mặt với lực lượng quốc tế hùng hậu với sự tham gia của Mỹ, Nga, Anh, Pháp.
Các quan chức Mỹ từng hy vọng Iraq sẽ phát động chiến dịch tấn công Mosul vào năm 2015, nhưng chiến dịch này bị hoãn lại vô thời hạn sau khi IS tràn vào Ramadi.
"Chiến dịch giải phóng thuận lợi ở Ramadi sẽ là một tin vui đối với người dân ở Mosul, thành phố đông dân nhất nằm dưới quyền kiểm soát của IS ở cả Iraq và Syria", tướng Rasool nói.
Trí Dũng
Theo VNE
Quân đội Iraq tiến sâu vào thành trì cuối cùng của IS ở Ramadi Việc giành lại Ramadi, vốn bị rơi vào tay IS hồi tháng 5/2015, sẽ trở thành một trong những chiến thắng quan trọng nhất của các lực lượng vũ trang Iraq kể từ khi nhóm phiến quân này chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq trong năm 2014. Quân đội Iraq trên đường tiền vào giải phóng thành phố Ramadi. Theo Reuters, ngày 26/12, người...