Indonesia: Chuẩn bị chiến lược ứng phó khủng hoảng lương thực, năng lượng
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị một “chiến lược đặc biệt” nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng trong năm 2023.
Người dân mua thực phẩm tại chợ ở Jakarta, Indonesia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại Phủ Tổng thống ở Jakarta, ông Airlangga cho hay: “Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã yêu cầu chúng tôi chuẩn bị một chiến lược để ứng phó với tình trạng khan hiếm lương thực và năng lượng toàn cầu”.
Trong ngày 18/7, Bộ trưởng Airlangga đã tham dự hai cuộc họp nội các quy mô hẹp với Tổng thống Jokowi về việc quản lý các sản phẩm từ dầu cọ và đánh giá tình hình triển khai lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM). Theo ông Airlangga, các nền tảng kinh tế của Indonesia hiện tương đối mạnh với tốc độ tăng trưởng đạt 5%. Lạm phát ở mức 4,2%, thấp hiện nhiều so với mức trung bình 8% ở châu Âu và 9% ở Mỹ. Huy động vốn ngân hàng tăng hơn 10%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt trên 9%. Ông Airlangga cho biết thêm rằng chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Indonesia đã tăng lên mức 128 điểm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức 50,2 điểm do xuất khẩu dầu cọ thô vẫn còn nhiều trở ngại song đã bắt đầu hoạt động trở lại. Indonesia cũng ghi nhận thặng dư thương mại tháng thứ 26 liên tiếp.
Bộ trưởng cấp cao này cũng thông báo rằng kho dự trữ lương thực quốc gia – đặc biệt là gạo – sẽ an toàn đến cuối năm 2022 và có đủ nguồn cung. Theo ông Airlangga, sự suy yếu gần đây của đồng nội tện rupiah của Indonesia so với đồng USD “không phải là vấn đề” vào thời điểm này.
Theo Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), cán cân thương mại của Indonesia đã thặng dư 5,09 tỷ USD trong tháng 6/2022 với việc xuất khẩu đạt 26,09 tỷ USD trong khi nhập khẩu chỉ ở mức 21 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại của Indonesia đã thặng dư 24,89 tỷ USD.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, dựa vào đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang ở trong tình trạng tốt dựa vào một số khía cạnh như hiệu quả kinh tế, tốc độ tăng trưởng, cán cân thanh toán và tỷ lệ lạm phát.
LHQ kêu gọi châu Phi tận dụng công nghệ để đa dạng hóa nguồn thu nhập
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 14/7, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi các chính phủ châu Phi tận dụng công nghệ để đa dạng hóa nền kinh tế, giảm nguy cơ tổn thương trước các cú sốc về lương thực, năng lượng và tài chính do xung đột tại Ukraine gây ra.
Người dân xếp hàng nhận thức ăn cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi ngày 5/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Một báo cáo mới nhất của LHQ về châu Phi cho biết châu Phi và đặc biệt là khu vực cận Sahara hiện là một trong những khu vực trên thế giới chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Tổng thư ký của Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), bà Rebeca Grynspan cho biết: "Một nửa dân số châu Phi (tức hơn 600 triệu người) dễ bị tổn thương nghiêm trọng trước các cú sốc về lương thực, năng lượng và tài chính".
Vì vậy, báo cáo trên khuyến nghị cần đa dạng hóa các nguồn thu nhập ở các quốc gia vẫn còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô (dầu, khí đốt, vàng, bông...) và các ngành dịch vụ truyền thống như vận tải, vì lợi ích của các lĩnh vực sử dụng nhiều kiến thức.
Về phần mình, Giám đốc UNCTAD Paul Akiwumi cho biết: "Chúng tôi luôn nói về đa dạng hóa và cách châu Phi có thể đa dạng hóa nền kinh tế của mình, và thực tế là chúng tôi đã nhìn nhận từ góc độ đa dạng hóa trong lĩnh vực hàng hóa". Theo ông, giờ là thời điểm thuận lợi để các nước châu Phi tiếp cận công nghệ với sự xuất hiện ngày càng nhiều của fintech, healthtech, agritech hay di động ở các quốc gia này. Châu Phi có bộ phận dân số trung lưu có trình độ học vấn ngày càng tăng và họ cần những công việc như thế này.
Ông Akiwumi khuyến khích các chính phủ châu Phi cung cấp cho các doanh nhân các khuôn khổ pháp lý cần thiết, cũng như các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực. Ông cũng ủng hộ việc thực hiện Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA), vốn có hiệu lực từ năm ngoái, nhằm thúc đẩy sự hội nhập và phát triển của các nền kinh tế châu Phi.
G7 đối mặt thách thức trên nhiều 'mặt trận' Các nhà lãnh đạo G7 đã và đang phải đối mặt với một loạt các thách thức như xung đột ở Ukraine, biến đổi khí hậu, lạm phát, lương thực và năng lượng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói chuyện với người đồng cấp Canada Justin Trudeau tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Politico.eu Biến đổi khí hậu, vốn đang làm các...