Hy Lạp thắt chặt an ninh biên giới do lo sợ làn sóng di cư từ Syria
Lực lượng biên phòng Hy Lạp sẽ được điều động đến khu vực đông bắc Evros, nơi có đường biên giới chung trải dài 212 km trên đất liền với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hy Lạp đã quyết định triển khai thêm 2.000 lính biên phòng bổ sung cho khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại sẽ có một làn sóng di cư ồ ạt của người tị nạn Syria chạy trốn một cuộc xung đột đang leo thang ở đất nước này.
Lực lượng biên phòng tăng viện sẽ được điều động đến khu vực đông bắc Evros, nơi có đường biên giới chung trải dài 212 km trên đất liền với Thổ Nhĩ Kỳ. Hy Lạp hiện có khoảng 600 lính biên phòng biên giới trong khu vực này.
Ngoài ra, sẽ có 26 rào cản nổi sẽ được Hy Lạp đặt dọc theo sông Evros – nơi được coi là cửa ngõ chính mà những người nhập cư bất hợp pháp cố gắng để vào Liên minh châu Âu.
“Chúng tôi muốn “niêm phong” con sông này để Hy Lạp không còn được sử dụng như một “cửa ngõ” cho những người di cư bất hợp pháp, Bộ trưởng Bộ Trật tự công Hy Lạp, Nikos Dendias ngày 30/7 cho biết.
Người tị nạn Syria (Ảnh: Reuters)
Theo thống kê của EU, hơn 80% người nhập cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu thông qua biên giới “mềm” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Khoảng 100.000 người nhập cư đã bị bắt giữ trong khi cố gắng vượt qua biên giới giữa hai nước trong năm 2011.
Video đang HOT
Trong một nỗ lực để giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, Hy Lạp đã bắt đầu xây dựng 12 km (8 dặm) hàng rào dọc theo một phần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Các hàng rào được trang bị dây thép gai cao 13 foot dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 10/2012 với chi phí khoảng 3.900.000 USD.
Cuộc xung đột tại Syria đã khiến khoảng 19.000 người thiệt mạng kể từ khi bắt đầu vào tháng 3/2011 (theo số liệu của Liên Hợp Quốc dựa trên số liệu cung cấp bởi các nhà hoạt động xã hội). Khoảng 200.000 người Syria đã chạy sang các nước láng giềng, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 88.000 người tị nạn Syria tính đến nay./.
Theo VOV
Đề xuất viện phí cao: Vẫn bất an chất lượng khám chữa bệnh
Khi tăng giá viện phí và giá thuốc, người nghèo và người cận nghèo được Bộ Y tế cam kết "không ảnh hưởng", nhưng đại đa số người dân với mức sống trung bình có thể "sống dở chết dở".
Đó là nhận định của bác sĩ Hoàng Xuân Đại - nguyên chuyên viên Bộ Y tế khi trao đổi với phóng viên NTNN.
Bắc Ninh đã tăng viện phí được hơn 1 tháng, mở đầu cho việc tăng giá của tất cả các cơ sở y tế. Ông nhận định như thế nào về tình cảnh của người bệnh trong thời gian tới?
- Đương nhiên là khổ rồi. Trong khi giá điện, giá nước, giá tất cả các mặt hàng đều tăng thì viện phí tăng, giá thuốc tăng, coi như là cú đấm thêm cú đạp. Người giàu, người có quyền lực thì cái gì tăng cũng chẳng ngại, người nghèo được trợ giúp phần nào, còn người ở mức sống trung bình (đại đa số dân số) thì sẽ càng khổ, trên vai đủ các gánh nặng.
Theo ông Đại, viện phí tăng không phải là biện pháp làm giảm quá tải bệnh viện.
Nhiều tỉnh đã đề xuất mức viện phí mới ở mức 80-90 mức giá khung của liên Bộ Y tế - Tài chính. Theo ông, mức đề xuất này có hợp lý không?
- Hợp lý hay không phải đo ở chất lượng điều trị, trang thiết bị y tế đồng bộ có đạt được mức 100% như ở các bệnh viện T.Ư hay không. Nếu trang thiết bị mà từ thời "Napoleon làm tiểu đội trưởng", chất lượng điều trị "nửa đời nửa đoạn" mà cũng đòi "chạm trần" thì không thể được. Việc các tỉnh cứ "xướng" mức viện phí lên mức 90-100% như một động thái "tát nước theo mưa" nhằm làm lợi riêng cho mình chứ chẳng vì người dân.
Có ý kiến rằng viện phí tăng là một biện pháp để làm giảm quá tải bệnh viện?
-Nói như vậy là ngụy biện. Chừng nào người bệnh chưa hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới thì vẫn còn có chuyện vượt tuyến khiến cho bệnh viện tuyến trên quá tải, cho dù viện phí có đắt cỡ nào. Nếu bệnh trọng, đang cần cấp cứu mà cứ chần chừ ở tuyến dưới để chờ họ xem xét, họ ký duyệt chuyển viện cho thì có khi chưa đi đã chết.
Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị thực hiện Đề án Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Vì thế, việc tăng viện phí cũng được coi là cách "động viên" người dân tham gia BHYT để đỡ tiền túi. Ông có cho là như vậy?
- BHYT là muốn thu gom tiền của người khỏe để chữa cho người ốm với ý nghĩa hết sức nhân văn "mọi người vì một người". Nếu kêu gọi người dân mua bảo hiểm để khi bị ốm đỡ tiền túi thì không những làm mất đi tính nhân văn của BHYT mà còn làm vỡ quỹ bảo hiểm nếu "người người đều đi khám bệnh để hưởng lợi".
Hơn nữa, viện phí tăng thì tới đây, phí BHYT chắc chắn cũng tìm cách tăng. Trong khi đó, các danh mục thuốc BHYT hạn chế, thuốc điều trị thông thường thì đáp ứng khá tốt, nhưng thuốc đặc trị lại quá ít. Vì vậy, khi tăng viện phí, tăng phí BHYT thì Bộ Y tế cần xem xét để bổ sung thêm danh mục thuốc thiết yếu, thuốc đặc trị, để người dân cảm thấy thỏa đáng hơn.
Khi tăng viện phí, Bộ Y tế đã cam kết sẽ không thu thêm bất kỳ một khoản phụ phí nào, đặc biệt là triệt tiêu nạn phong bì. Ông có tin tưởng rằng người bệnh sẽ đỡ gánh nặng hơn?
- Sẽ lấy ai là người kiểm tra việc đó. Bộ Y tế không thể kiểm soát từng ngày từng giờ tại các bệnh viện, mà "phép vua thua lệ làng". Cái "lệ" phong bì thì càng khó khăn hơn vì nó diễn ra khuất tất, lén lút, thậm chí theo kiểu "thuận mua vừa bán" giữa bác sĩ và bệnh nhân, khó mà quy kết tội hay bắt quả tang được. Nếu bệnh viện quy định tiền phong bì bệnh nhân cảm ơn sẽ sung vào quỹ chung và chia đều cho cán bộ, công nhân viên, thì có lẽ nạn phong bì mới giảm bớt.
Còn về chất lượng khám chữa bệnh, ông có tin là sẽ tỷ lệ thuận với tăng giá viện phí?
-Ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã khẳng định rồi. Viện phí tăng chỉ tính 3 trong 7 yếu tố chi phí của viện phí nên "đừng mơ" cải thiện rõ rệt chất lượng khám chữa bệnh. Nhưng gánh nặng của người dân thì hiện hữu mà chất lượng khám chữa bệnh lại không khả quan thì người dân khó mà thấy thỏa đáng.
Hơn nữa, cơ sở vật chất, trang thiết bị thì có thể được cải thiện phần nào nhưng trình độ chuyên môn thì cần phải có thời gian, được đào tạo, được luyện tập, đặc biệt y đức bác sĩ lại càng cần "đầu tư" chiều sâu, khó lòng mà một lúc "thay máu" được. Cho nên viện phí tăng nhưng sự bất an của người bệnh thì chưa thể cải thiện.
Xin cảm ơn ông.
Theo vietbao