Hy hữu cứu sống bệnh nhân được gia đình xin cho về nhà lo hậu sự
Trưa 27-4, BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ – cho biết bệnh viện vừa cứu sống 1 bệnh nhân viêm phổi- suy hô hấp cấp rất nặng, tưởng chừng không thể qua khỏi.
Theo đó, bệnh nhân nam tên P.H.H.D (23 tuổi; ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng bị tai nạn giao thông, đau và chảy rất nhiều máu dưới chân. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán gãy xương cẳng chân, sau đó bệnh nhân đột ngột có triệu chứng sốt cao 380C và suy hô hấp rất nặng kèm theo ho ra máu, tiên lượng rất nặng nên được chuyển đến các khoa chuyên sâu để điều trị.
X Quang tổn thương thâm nhiễm 2 bên phổi khi bệnh nhân mới vào bệnh viện
Kết quả chụp X quang và làm các xét nghiệm chuyên môn, cho thấy phổi thâm nhiễm 2 bên. Chụp cắt lớp vi tính ngực loại trừ thuyên tắc phổi ghi nhận viêm phổi mô kẻ diễn tiến nhanh, do tình trạng suy hô hấp diễn tiến rất nhanh nên bệnh nhân được xét nghiệm Covid 19, kết quả âm tính. Bệnh nhân được can thiệp đặt nội khí quản và thở máy với chiến lược huy động phế nang và bảo vệ phổi, kết hợp điều trị kháng sinh phổ rộng theo kinh nghiệm, cân bằng nước điện giải kiềm toan, an thần, giãn cơ, dinh dưỡng….
X quang tim phổi thẳng, hết thâm nhiễm sau điều trị ổn định
Trong suốt 10 ngày tiếp theo được điều trị tích cực, nhưng tình trạng bệnh nhân không mấy cải thiện, vẫn còn sốt cao, gia đình quyết định xin ngừng điều trị, đưa bệnh nhân về. Tuy nhiên, các bác sĩ đã động viên gia đình tiếp tục điều trị tới cùng với tinh thần “còn nước còn tát”.
Bệnh nhân D. đang được các bác sĩ chăm sóc sau thời gian điều trị thành công
Sau 2 tuần tiếp tục được điều trị, các bác sĩ cùng gia đình đã vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi kết quả bất ngờ vì phổi bắt đầu bớt thâm nhiễm, sốt bắt đầu giảm nhiều và nhận thấy sức khỏe của bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, thở đều không khí phòng, hết sốt và chờ ngày xuất viện.
BS.CK2 Phạm Thanh Phong, cho biết với sự năng động, nhiệt huyết và hết lòng vì người bệnh, những bác sĩ và điều dưỡng của các chuyên khoa của bệnh viện âm thầm làm việc và đã cống hiến từng ngày, từng giờ. Cho thấy tinh thần kiên cường, không bỏ cuộc của các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ quyết tâm cứu sống bệnh nhân nặng, nguy kịch đã làm cho việc điều trị của bác sĩ hiệu quả hơn.
Trường Huy
Cứu sống bệnh nhân phải mổ thay van tim lần 2 vì tự ý ngưng thuốc
Sau phẫu thuật thay van tim cách đây 10 năm, bệnh nhân chỉ tái khám 1 lần, rồi bỏ thuốc vì không kham nổi chi phí. Hậu quả là bệnh tim tái phát, trở nặng khiến chị nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Ê kíp của BS.CK2 Lâm Việt Triều đang phẫu thuật thay van tim cho bệnh nhân - ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Sáng 24.4, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ (BS) Khoa Phẫu thuật Tim của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một trường hợp tái hẹp van tim nhân tạo sinh học rất nặng, phải phẫu thuật tim lần 2 trong tình trạng nguy kịch.
Cứu sống người phụ nữ nguy kịch phải mổ thay van tim lần 2
Bệnh nhân là chị N.T.B (37 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt, khó thở, phù toàn thân, ho khạc đàm hồng.
Qua khai thác tiền sử bệnh nhân, các BS ghi nhận, cách đây 10 năm, bệnh nhân bị hẹp khít van hai lá và được phẫu thuật tim thay van hai lá sinh học kèm sửa van ba lá bằng nẹp màng tim tại một bệnh viện ở TP.HCM. Tuy nhiên, do hoàn cảnh quá khó khăn không kham nổi chi phí nên sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ đi tái khám định kỳ 1 lần, rồi tự ý ngưng uống thuốc.
Khoảng 6 tháng gần đây, bệnh nhân thấy mệt, khó thở khi làm việc nhẹ, ho khạc ít đàm hồng, ho nhiều về đêm kèm nặng ngực trái nhưng không đi khám bệnh. Bệnh càng ngày càng nặng cho đến khi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Kết quả siêu âm tim cho thấy, bệnh nhân bị giãn tất cả các buồng tim; van hai lá nhân tạo sinh học hẹp rất khít kèm hở nặng; các lá van vôi hóa nặng và hạn chế cử động, chuyển động xoáy trong nhĩ trái; van ba lá hở nặng do giãn vòng van; tăng áp lực động mạch phổi mức độ nặng; tràn dịch màng phổi hai bên.
Sau khi được hồi sức nội, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật tim lần 2 với cơ hội cứu sống khá mong manh.
Ê kíp phẫu thuật do BS.CK2 Lâm Việt Triều, Trưởng khoa Phẫu thuật tim; thạc sĩ - BS (Ths.BS) Nguyễn Công Cửu; Ths.BS Trần Thị Kim Luyến; BS.CK2 Nguyễn Khắc Minh Trường đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
"Quá trình phẫu thuật khá khó khăn vì tim dính nhiều vào mặt sau xương ức, ê kíp đã tiến hành thay van nhân tạo sinh học bị hư hỏng bằng van nhân tạo cơ học, sửa van ba lá Devega, cắt giảm và tạo hình lại 2 tâm nhĩ.
Đặc biệt trong quá trình hậu phẫu, bệnh nhân xuất hiện biến chứng viêm phổi và suy đa cơ quan phải hồi sức tích cực và chỉ định lọc máu liên tục. Rất may ê kíp đã tiên lượng trước", BS Triều nói và cho biết, hiện tại, sau ca phẫu thuật tim lần 2 đầy khó khăn, rủi ro, bệnh nhân đã phục hồi tốt, tỉnh táo, đi lại được, ăn uống bình thường.
Siêu âm tim và xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy chức năng tim và các cơ quan nội tạng trở về chỉ số bình thường.
Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong, quá trình thoái hóa hư hỏng van sinh học phụ thuộc nhiều yếu tố như giới tính; tuổi tác; tình trạng miễn dịch; tình trạng rối loạn chuyển hóa lipide máu... Do đó bệnh nhân cần tái khám và điều trị chuyên khoa thường xuyên để hạn chế và phát hiện kịp thời các biến chứng thoái hóa van sinh học cũng như duy trì, kéo dài tuổi thọ của van sinh học.
Cũng theo BS Phong, do hoàn cảnh bệnh nhân rất khó khăn, không có việc làm ổn định, chồng phải đi mò ốc nuôi gia đình nên bệnh viện đang tìm nguồn hỗ trợ bớt gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Đình Tuyển
4 giờ căng thẳng giành lấy sự sống cho bệnh nhân tưởng chừng như tử vong Ngày 22-4, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị đa túi phình mạch máu não bị vỡ, có nguy cơ tử vong rất cao. Theo đó, bệnh nhân nam tên B.V.B (SN 1963; ngụ Trà Ôn, tỉnh...