Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số – Kỳ 1: Căn bệnh hiếm khiến khuôn mặt mọi người trở nên giống nhau
Tạo hóa nhiều khi trớ trêu khi có những đứa trẻ bất hạnh sinh ra đã trong mình bệnh tật. Thay vì ngậm ngùi chấp nhận sự sắp đặt của số phận, ngày nay mọi người đã có thể khắc phục bằng tầm soát trước sinh, sơ sinh để những đứa con sinh ra khoẻ mạnh.
Người bệnh phải chung sống, điều trị suốt đời
Tôi đã có dịp chứng kiến, trò chuyện với những người làm công tác tầm soát, sàng lọc trước sinh, sơ sinh; những tư vấn viên tuyên truyền tới cộng đồng và hiểu hơn những giá trị, ý nghĩa nhân văn của chương trình này.
Đến khoa Tan máu bẩm sinh (Thalasemia), Viện Huyết học- truyền máu Trung ương, những hình ảnh đầu tiên ập vào giác quan của tôi chính là hình ảnh những bệnh nhi hồn nhiên, vui vẻ với ống kim, dây truyền, dịch truyền gắn xung quanh người. Với những đứa trẻ này, kim tiêm không phải là điều kinh khủng, đáng sợ của sự đau đớn mà lại chính là thứ truyền mạch sống cho các cháu. Sau mỗi lần được chạm vào kim tiêm để truyền máu/thải sắt là sự sống của các cháu lại được hồi sinh, sức khỏe được cải thiện rất nhiều…
Và điều khiến tôi bất ngờ xen lẫn ngạc nhiên là khi vào các phòng bệnh đều thấy những người bệnh có khuôn mặt hao hao giống nhau, dù nhiều người không cùng huyết thống. Lý giải điều này, TS-Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, GĐ Trung tâm Thalassemia cho biết: Người bệnh thalasemia có triệu chứng ban đầu là vàng da, vàng mắt, chậm phát triển. Nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến biến dạng xương dẹt trán dô, mũi tẹt, bướu đính, vẩu, ngực dô…
Đối với bệnh Thalasemia, bệnh nhân không được điều trị sẽ dẫn đến ứ đọng sắt khiến lách to, gan xơ sỏi mật; khi biến chứng dẫn suy tim, suy gan và tử vong. Hiện nay, phương pháp điều trị chính để duy trì cuộc sống cho người bệnh là thiếu máu thì truyền máu, thừa sắt thì thải sắt, người bệnh phải điều trị bệnh suốt đời.
Chị Bùi Thị Thi ở Nam Trực, Nam Định đã cùng con gái nhỏ gắn bó với khoa Tan máu bẩm sinh suốt gần 5 năm chia sẻ: Con gái chị sinh ra bụ bẫm, khỏe mạnh với cân nặng 3,5kg. Trong quá trình nuôi con chị theo dõi thấy con có màu da xanh nên cho đi khám ở trạm xá thì được bác sỹ bảo cháu chỉ bị bệnh da sinh lý trẻ em. Đến khi con 4 tháng chị vẫn thấy da con xanh nên cho lên BV Nhi Trung ương khám, xét nghiệm thì bác sỹ kết luận cháu bị tan máu bẩm sinh.
“Từ đó đến nay đều đặn cứ gần 1 tháng cháu lại lên viện truyền máu. Cháu vẫn đến trường nhưng số buổi học mỗi tháng tháng chỉ tính được trên đầu ngón tay. Gần đây, cháu bị to lách phải cắt bỏ… nhìn con đau đớn, thương con mà không biết phải làm sao. Cả gia đình chỉ có bố cháu là lao động chính, chị lớn của cháu đã lấy chồng; anh trai cháu thấy bố mẹ chữa trị cho em vất vả nên đã xin nghỉ học giữa chừng để đi làm phụ bố mẹ thêm tiền thuốc thang chữa bệnh cho em”, nói đến đây chị Thi nghẹn ngào.
Những bệnh nhi có khuôn mặt hao hao giống nhau vì mắc cùng căn bệnh mang tên tan máu bẩm sinh. ẢNH:T.A
Video đang HOT
Liên tiếp sinh con mang bệnh mà không biết
Với những gia đình có 1 trẻ bị mắc thalasemia đã là nỗi đau, nỗi bất hạnh lớn do người bệnh phải chung sống suốt đời, sức khỏe ảnh hưởng, chi phí điều trị tốn kém. Vậy mà, do không có kiến thức, không được sàng lọc nên có nhiều cặp vợ chồng liên tiếp sinh ra những đứa con mắc cùng một bệnh.
Bác sỹ Hà cho biết, ở Trung tâm Thalassemia hiện có tới hơn 50 cặp anh-chị-em ruột trong một gia đình cùng mắc bệnh hiếm này. Có tới 3 cặp anh em cùng có tên “Việt, Nam” đến điều trị tại đây. Điểm đặc biệt của cặp anh em “Việt, Nam” này là bố mẹ chỉ mang gen bệnh chứ không phải là người mắc bệnh nên sau khi sinh con đầu lòng là Việt mắc bệnh họ vẫn không biết để đi tầm soát, sàng lọc. Vì thế, 8 năm sau họ lại tiếp tục sinh ra Nam cũng mắc bệnh thalassemia.
Chăm cháu tại BV, bà Liểu Thị Hiền ở Yên Thế, Bắc Giang chia sẻ: 2 cháu nội bà là Tô Minh Nguyễn 8 tuổi và Tô Thị Thanh Hương 10 tuổi là những “bệnh nhân thân thiết” của khoa. Khi Nguyễn 6 tháng tuổi đã được phát hiện bệnh và điều trị tại Viện Huyết học từ đó đến giờ. Còn chị gái của cháu được phát hiện bệnh khi đang học lớp 1. “Thấy cháu nhợt nhạt, yếu, sốt và đầu to tôi thắc mắc sao không phát triển người mà lại phát triển đầu nên bảo bố mẹ cháu cho đi khám thì phát hiện bệnh giống em. Thời gian đi viện của hai đứa nhiều hơn thời gian ở nhà, đi học”.
Điều vô cùng may mắn là ở lần sinh tiếp theo, bố mẹ của 2 cháu đã được các bác sỹ tư vấn rất kỹ trước và xét nghiệm, sàng lọc khi mang thai. Hạnh phúc đã mỉm cười với bố mẹ cháu sinh ra đứa con hoàn toàn khỏe mạnh, phát triển bình thường. Đó cùng là điều an ủi lớn-bà Hiền tâm sự.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, để phòng bệnh thalassemia tại cộng đồng được là điều tốt nhất. Đối tượng chính phải thực hiện phòng bệnh là bố mẹ của bệnh nhân. Nếu đã có một con bị bệnh thì không nên sinh con nữa hoặc phải có biện pháp sàng lọc trước sinh; những bệnh nhân nào đã bị bệnh thì cũng phải tư vấn kỹ để sinh con chỉ mang gen bệnh chứ không bị bệnh. Những gia đình nào mà có con bị bệnh hoặc khi mang thai mà bị phù thai thì nên đi tầm soát kỹ để lựa chọn phôi không bị bệnh. Đặc biệt, đối tượng tiền hôn nhân nên tầm soát sớm để tránh sinh con mang bệnh.
(Còn nữa)
Thịnh An
Theo phapluatxahoi
Những em bé bị tan máu bẩm sinh cả đời gắn với bệnh viện
Ba bố con anh Nguyễn Tiến Đông hàng tháng từ Tuyên Quang về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) truyền máu cho bé Phương và Phòng.
Bé chị 10 tuổi, bé trai 8 tuổi, cả hai chỉ nặng 19 kg, đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia. Anh Đông kể, bé Phương chào đời năm 2009, không có biểu hiện gì bất thường. 4 tháng tuổi, da bé ngày xanh xao, vàng vọt, gia đình đưa đến một bệnh viện ở tỉnh khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị thiếu máu, phải truyền máu nhưng không rõ bệnh gì.
Gần một năm sau bé Phương được chuyển đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, xác định mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), một bệnh nan y phải điều trị suốt đời. Bác sĩ khuyên hai vợ chồng nếu sinh bé khác thì phải xét nghiệm sàng lọc bệnh. Tuy nhiên, khi ấy mọi chuyện đã không thể thay đổi, bởi bé thứ hai tên Phòng đã được 4 tháng tuổi.
Tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền phổ biến hơn cả bệnh Down. Hai chị em Phương và Phòng đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: N.P.
Do gene di truyền, số phận an bài hai chị em đều cùng mắc bệnh tan máu, phải điều trị thải sắt và truyền máu định kỳ hàng tháng. 5 tuổi, bé Phòng phải cắt lá lách vì phát triển to, một biến chứng của bệnh. Đó cũng là viễn cảnh không xa của Phương. Thấp còi, trán dô, mũi tẹt, lách to, xơ gan, đái tháo đường, tuổi thọ thấp... là biến chứng của bệnh tan máu bẩm sinh quái ác.
Biện pháp điều trị chủ yếu của bệnh này là truyền máu (truyền khối hồng cầu) và thải sắt. Là người dân tộc, hai bé được bảo hiểm 100%, tuy nhiên chi phí ăn uống, đi lại, tiền mua thuốc là khoản lớn với hai vợ chồng chỉ làm ruộng. Mỗi đơn thuốc mua bên ngoài chi phí khoảng một triệu đồng, gồm thuốc bổ, thuốc điều trị khi men gan tăng... Các loại thuốc này bảo hiểm y tế không chi trả.
"Gia đình cố gắng lắm cũng không đủ tiền mua thuốc cho cả hai con. Vì thế, chúng tôi đành giấu bác sĩ chỉ mua một đơn thuốc chia đôi cho hai chị em, hoặc ưu tiên đứa đang bệnh nặng hơn", anh Đông buồn bã nói.
Cách đây hai tháng, men gan của bé Phòng tăng lên rất cao. Không còn cách nào khác, người bố đành chỉ mua thuốc cho con trai, còn con gái thì đành "thôi không cần uống". Chưa kể, bố mẹ phải tính toán, dành dụm để tháng sau còn có tiền tiếp tục cho con về Hà Nội tiếp máu.
Cũng có hai con cùng mắc bệnh tan máu bẩm sinh như anh Đông, giờ đây chị Bùi Thị Tuyết 31 tuổi ở Phú Thọ, phải một mình gánh vác việc chăm con hai bệnh nặng. Chồng chị mất cách đây 3 năm do suy tim.
Hai anh em Việt và Nam tháng nào cũng phải vào viện điều trị một đợt. Ảnh: N.P.
Chị lấy chồng từ năm 18 tuổi, cuối năm thì sinh cậu con trai đầu lòng đặt tên là Việt. Tuổi thơ của bé bình lặng trôi qua cho đến năm 4 tuổi. Da lúc nào cũng xanh xao, mệt mỏi, Việt được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) chẩn đoán thiếu máu do bị tan máu bẩm sinh. Lúc đó, chị Tuyết mang thai bé Nam đã được 8 tháng.
Khi Nam được 4 tháng tuổi, chị Tuyết đưa con về Hà Nội xét nghiệm. Kết quả cậu bé cũng mắc bệnh giống anh trai, từ 6 tháng đã phải truyền máu. Bé Việt nay đã được 12 tuổi nhưng chỉ nặng 22 kg; Nam 8 tuổi và chỉ nặng 16 kg.
Mỗi đợt hai bé đi viện điều trị cũng mất 8-10 ngày. Tháng nào chị Tuyết cũng phải xin nghỉ việc làm công nhân may bằng đấy ngày. Nghỉ nhiều nên công ty không ký hợp đồng với chị mà coi như làm tự do.
Tan máu bẩm sinh là bệnh máu di truyền có ở cả nam và nữ, hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi. Gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn. Ước tính cả nước có trên 20.000 bệnh nhân, 44% trẻ dưới 15 tuổi, hằng ngày đều có trẻ bị bệnh ra đời. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi năm cần có trên 2.000 tỷ đồng để tất cả bệnh nhân có thể được điều trị và khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.
Việt Nam có khoảng trên 12 triệu người mang gene bệnh thalassemia. Nhiều người mang gene di truyền bệnh này mà không biết bởi không có biểu hiện đặc biệt hoặc chỉ thiếu máu nhẹ.
Đây là bệnh di truyền cho thế hệ sau. Theo bác sĩ, gia đình có người mắc bệnh thì các anh chị em đều phải sàng lọc bệnh. Hai người cùng mang gene bệnh thì không nên kết hôn với nhau; nếu kết hôn cần phải chẩn đoán trước sinh. Hai người mang gene bệnh lấy nhau thì 50% con sinh ra mang gene này; 25% trẻ bị bệnh ở mức độ nặng, phải truyền máu và điều trị bằng thuốc cả đời; chỉ có 25% trẻ chào đời khỏe mạnh.
Thalassemia là vấn đề của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống và tương lai của giống nòi. Phòng bệnh là biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất thông qua xét nghiệm sàng lọc, phát hiện gene bệnh trong giai đoạn tiền hôn nhân và tiền thai sản.
Do đó nếu biết bản thân mang gene bệnh, các cặp vợ chồng nên kiểm tra và nhờ bác sĩ tư vấn, theo dõi để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Nam Phương
Theo vnexpress.net
Máu ở viện huyết học Hà Nội chỉ đủ điều trị 3 ngày nữa Ngày 17/2, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học chỉ còn hơn 2.700 đơn vị, trong khi trung bình mỗi ngày Viện cần khoảng 1.500 đơn vị. Ông Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết lượng máu dự trữ của Viện dự kiến chỉ đủ cung cấp trong 3 ngày tới. Tình trạng khan...