Hướng nghiệp trải nghiệm lối đi mới cho người trẻ chọn nghề
Nhằm giúp các bạn trẻ có được định hướng nghề nghiệp, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM là Nguyễn Thị Việt Hà và Đàm Thượng Hải là thủ lĩnh đã cho ra đời dự án hướng nghiệp trải nghiệm JOBEX.
Thành viên nhóm tác giả của dự án hướng nghiệp trải nghiệm.
Hướng nghiệp kiểu trải nghiệm
Jobex Network là mô hình hướng nghiệp toàn diện kết hợp khoa học tâm lý và trải nghiệm. Nó tác động toàn diện vào các yếu tố ảnh hưởng lên người học như xã hội, nhà trường, gia đình.
Theo nhóm, với tốc độ biến đổi và phát triển của thị trường nghề nghiệp khiến phụ huynh và học sinh khó khăn khi quyết định trước quá nhiều loại hình công việc. Tại Việt Nam, bên cạnh sự tham gia của gia đình, những mô hình hướng nghiệp như: Tham vấn, tư vấn nghề nghiệp trực tiếp hay cung cấp thông tin về đặc thù công việc tại các trường học và trung tâm khá phổ biến.
Tuy nhiên, những hình thức này vẫn chưa chú trọng vào nhu cầu của học sinh và thiếu cơ hội cho người trẻ được chủ động tham gia vào công tác có liên quan trực tiếp đến tương lai của họ.
Hướng nghiệp là chủ đề không quá xa lạ. Nhưng chúng ta chỉ đang tổ chức những chương trình mang tính bề nổi như tư vấn tuyển sinh đại học, tham quan cơ sở doanh nghiệp… mà quên mất giải quyết 3 nhóm năng lực cốt lõi quyết định trực tiếp đến kết quả hướng nghiệp là: Nhận thức bản thân, nhận thức về nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch nghề nghiệp.
“Nhóm đã trăn trở rất nhiều để tìm ra một giải pháp mới, một phương pháp hướng nghiệp có thể tăng mức độ chủ động của người được hướng nghiệp để từ đó đem lại hiệu quả tối đa cho quá trình hướng nghiệp.
Sau khi nghiên cứu, Jobex lựa chọn kết hợp giữa “Hướng nghiệp” và “Học tập trải nghiệm”, một phương pháp giáo dục còn khá mới lạ tại Việt Nam nhưng đã thể hiện được hiệu quả tại nhiều nước giúp học sinh trở nên chủ động hơn trong học tập” – Nguyễn Thị Việt Hà cho biết.
Theo đó, nhóm đã thiết kế các khóa học và chương trình trải nghiệm hướng nghiệp bao gồm 3 hoạt động cốt lõi là Tư vấn hướng nghiệp; Trải nghiệm dự án; Kết nối cố vấn trong doanh nghiệp.
Sự kết hợp giữa Hướng nghiệp và Trải nghiệm nhằm mục đích nâng cao sự tự tin vào khả năng bản thân, thực hiện hoặc trải nghiệm một công việc cụ thể sẽ giúp tăng cảm giác tự tin vào khả năng của người đó khi phải thực hiện công việc đó một lần nữa.
Video đang HOT
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả chia sẻ, khảo sát tại các trường THPT, công tác hướng nghiệp chủ yếu thông qua các môn học, hoạt động lao động sản xuất, giới thiệu các ngành nghề hoặc hoạt động ngoại khoá… Quá trình vận dụng các biện pháp lập kế hoạch hoạt động còn mang nặng tính chủ quan, hình thức, đối phó.
Chưa kể đến việc vận dụng một cách dập khuôn, máy móc, chưa thực sự được đầu tư triệt để, khoa học,và chưa xem xét đến yếu tố có phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi trường hay không.
Đội ngũ JOBEX cũng nhận thấy, một số trường phổ thông hiện nay không có biên chế chính thức làm công tác tư vấn hướng nghiệp nên học sinh và giáo viên không có được sự trợ giúp cần thiết về chuyên môn.
Hơn nữa, việc thiếu phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn cho học sinh.
Hình thức tư vấn chủ yếu được thực hiện theo nhóm rất lớn nên gần như không có tương tác để giải đáp các thắc mắc cho nhiều học sinh.
Ngoài ra, số lượng ngành nghề đề cập trong nội dung giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế, những ngành nghề về nghệ thuật, nghề truyền thống chưa được quan tâm… Vì thế, học sinh không hào hứng với hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Từ đó nhóm đặt ra vấn đề, công tác hướng nghiệp tại trường hiện nay có thực sự đáp ứng đủ nhu cầu mà học sinh vẫn thường mong đợi? Nhất là hoạt động “trải nghiệm” nghề nghiệp trong giáo dục hướng nghiệp tại trường học?
Thay đổi tư duy nhận thức về hướng nghiệp
Tác giả Đàm Thượng Hải chia sẻ kết quả khảo sát bằng hình thức phỏng vấn sâu của dự án JOBEX với 132 phụ huynh có con là học sinh THPT tại nhiều vùng miền. Trong khi các phụ huynh đồng tình về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp dựa trên năng lực, sở thích, nguyện vọng của con. Nhưng, họ cũng thừa nhận tình trạng không có nhiều thời gian nói chuyện để hiểu rõ tâm tư của con.
Thậm chí, nhiều phụ huynh cho rằng, hướng nghiệp ở lớp 10 vẫn còn quá sớm. Đáng lo ngại hơn, một số cha mẹ còn không nắm rõ việc trường học có tổ chức các buổi sinh hoạt với mục đích giáo dục nghề nghiệp dành cho con.
Hơn nữa, các quan điểm mâu thuẫn, trái chiều và khoảng cách thế hệ đã làm gia tăng căng thẳng giữa phụ huynh và học sinh trong hướng nghiệp. Từ đó, nhiều cha mẹ có những kỳ vọng nhất định, ràng buộc về con đường nghề nghiệp tương lai của con, mà bỏ qua các yếu tố cốt lõi về năng lực, kiến thức, phẩm chất, hay các giá trị tự thân của con.
Quan trọng nhất, học sinh vẫn thiếu động lực tìm hiểu nghề nghiệp thật sự phù hợp với các giá trị bản thân, giá trị công việc mà bản thân kỳ vọng trong tương lai, nên các em dễ bị ảnh hưởng bởi các quyết định của nhà trường, gia đình, bạn bè.
Qua đó, các thành viên của nhóm đều thống nhất chung nhận định, đối tượng cần “tác động” chính là bản thân học sinh.
Dự án này sẽ giúp các em “giải mã” được câu hỏi “Tôi là ai, sứ mệnh của tôi là gì? Hướng tới trang bị cho các em kỹ năng tự nhận thức bản thân, hình thành tư duy tìm kiếm và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn quan trọng trong đời.
JOBEX hướng tới trở thành người bạn đồng hành trọn đời trên hành trình nghề nghiệp của các bạn học sinh với triết lý “Nghề nghiệp phù hợp thực sự không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn là công việc mình sống đúng với sứ mệnh và cảm thấy hạnh phúc”.
Nhóm kỳ vọng dự án ra đời sẽ là một cơ hội giúp các bạn học sinh trước hết là thay đổi tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của việc hướng nghiệp. Sau đó, sẽ có những trải nghiệm thực tế để “cảm được” và “thấm được” về “ thế giới bên ngoài” thực sự là như thế nào.
Dự án này đã đạt giải Nhì chung cuộc tại cuộc thi sinh viên sư phạm với ý tưởng khởi nghiệp lần 2.
Chọn ngành chọn nghề, chọn chương trình, không chọn được học phí?
Năm học 2021-2022, các trường ĐH tiếp tục tăng học phí theo lộ trình. Trong đó, nhiều trường bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ tài chính sẽ có mức thu học phí tăng vọt so với năm học trước.
Về cơ bản, các thắc mắc, quan tâm của người học và phụ huynh tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh đều liên quan đến ngành, nghề, đầu ra. Rất ít ý kiến quan tâm đến học phí tăng theo mức bao nhiêu hàng năm, phải chăng, đó là vấn đề đương nhiên?
Học phí theo chương trình
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố học phí năm 2021 - 2022. Chương trình đào tạo chuẩn từ 22 - 28 triệu đồng/năm. Chương trình đào tạo EliTECH: khoảng 40 - 45 triệu đồng/năm. Chương trình đào tạo quốc tế 55 - 60 triệu đồng/năm, riêng chương trình TROY khoảng 80 triệu đồng/năm (3 học kỳ/năm). Chương trình khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10), logistic và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14): 50 - 60 triệu đồng/năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường đã có lộ trình tăng học phí từ nay đến năm 2025: Đề án học phí của trường đã được duyệt, bám theo cơ chế giá, căn cứ vào chi phí đào tạo. Với một chương trình riêng lẻ học phí tăng không quá 10% một năm so với chương trình hiện hành. Đảm bảo mức tăng trung bình với tất cả chương trình đào tạo không vượt quá 8%/năm.
Trường ĐH Ngoại thương năm 2021 dự kiến mức học phí cho chương trình tiêu chuẩn là 20 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao: 40 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến: 60 triệu đồng/năm. Riêng chương trình chất lượng cao ngành quản trị khách sạn do có đầu tư rất lớn nên học phí lên tới 60 triệu đồng/năm.
ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2021-2022 theo ngành học cho khóa 63 (tuyển sinh năm 2021) từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá trần theo Nghị định số 86/2015?NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ.
Về cơ bản, học phí của các trường đều điểu chỉnh ở mức: Nếu có tăng không quá 10%/năm. Nhưng các chương trình khác nhau là một mức học phí khác nhau, nên người học cần quan tâm để tránh việc chuẩn bị khả năng tài chính không sát thực tế.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên đối với phụ huynh và học sinh: ngoài chọn ngành chọn trường, còn nên cân đối về mức học phí để đảm bảo khả năng theo học (Ảnh: Khánh Huy)
Học phí theo nhóm trường
Tất nhiên, học phí nhóm trường công khác nhóm trường tư, học phí nhóm trường công bình thường cũng khác trường tự chủ tài chính.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết trường hiện đã không còn được Nhà nước cấp ngân sách nên với mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ.
Khối giáo dục ngoài công lập cũng cam kết không tăng quá 10%, nhưng mức học phí khối trường này bản thân đã cao, nên cộng thêm mức tăng theo năm sẽ là con số không nhỏ. Ví dụ tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, các ngành có học phí từ 50 - 55 triệu đồng/năm. Riêng ngành y và răng hàm mặt có học phí 182 triệu đồng/năm với chương trình tiếng Việt và 220 triệu đồng/năm với chương trình dạy bằng tiếng Anh.
Học phí Trường ĐH Văn Lang năm học này dao động từ 40 - 54 triệu đồng/năm tùy ngành. Riêng ngành răng hàm mặt có học phí dự kiến từ 160 - 180 triệu đồng/năm.
Không nên chỉ chọn ngành mà bỏ qua học phí
GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng: Học phí của các trường năm học 2020 - 2021 đa số tăng. Riêng chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế... cao gấp 2 - 3 lần chương trình đại trà. Dự báo học phí ĐH trong thời gian tới có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 so với hiện nay, và đó là xu hướng chung nhưng cần tính đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Có nhiều câu hỏi đặt ra rằng, học phí tăng đã bù đắp được bằng chất lượng đào tạo tương đương. Ông Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang cho biết: Hằng năm các ngành đào tạo sẽ cung cấp thêm các khóa đào tạo kỹ năng, trang bị thêm trang thiết bị, bổ sung các dịch vụ tiện ích... nhằm bảo đảm giá trị tăng thêm cho sinh viên.
Có một thực tế là trong các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, phụ huynh, học sinh đa phần quan tâm đến chọn ngành, chọn nghề, điểm chuẩn... rất ít ý kiến quan tâm về học phí. Vì thế, các chuyên gia tư vấn luôn nhắc học sinh, phụ huynh cần lưu ý đến vấn đề này.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội, khuyên thí sinh nên đọc kỹ đề án tuyển sinh để nắm được học phí trong suốt 4 năm ĐH, tránh trường hợp trúng tuyển nhưng học phí quá cao không theo học được.
"Sống hết mình với ước mơ nhưng đừng quên trở thành người tử tế" Giáo sư Nguyễn Lân Dũng căn dặn các em học sinh cố gắng học tập để trở thành công dân toàn cầu, nỗ lực hết mình vì ước mơ và phải sống làm người tử tế. Ngày 13/4/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 3 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) tổ...