Huawei đổ lỗi cho Mỹ về cuộc khủng hoảng chip toàn cầu
Huawei Technologies hôm 12.4 nói lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc đã đẩy hoạt động mua bán chip trên thế giới vào trạng thái hoảng loạn, theo Nikkei.
Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu nói lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc đã tạo ra một cuộc đổ xô tích trữ chip và các linh kiện khác
“Chúng tôi đã chứng kiến cơn hoảng loạn dự trữ từ các công ty toàn cầu, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, do tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei. Trước đây, các công ty hầu như không tích trữ linh kiện, nhưng giờ họ đang trữ hàng tồn kho trong vòng 3 hoặc 6 tháng. Điều đó đã làm gián đoạn toàn bộ hệ thống”, Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu nói tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích Huawei lần thứ 18.
Năm ngoái, chính quyền Washington đã mạnh tay đưa Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, hạn chế các thực thể này tiếp cận công nghệ của Mỹ với lý do gây rủi ro an ninh quốc gia. “Rõ ràng là lệnh trừng phạt không chính đáng của Mỹ đối với Huawei và các công ty Trung Quốc khác đang tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung toàn ngành, điều này thậm chí có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới”, ông Xu nhấn mạnh.
Phát biểu của ông Xu diễn ra vài giờ trước khi Nhà Trắng có kế hoạch tổ chức hội nghị để giải quyết tình trạng thiếu chip, trong đó tập trung đến tác động của nó đối với ngành công nghiệp ô tô. Hàng chục giám đốc điều hành từ các hãng công nghệ và nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ, châu Á và châu Âu tham dự sự kiện này, bao gồm General Motors, Ford, Google, Intel, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co ( TSMC), Samsung Electronics và NXP. Giới chức Mỹ trước đó thừa nhận tình trạng thiếu chip khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.
Video đang HOT
Ông Xu cho biết hạn chế thương mại của Mỹ đối với Huawei không chỉ làm suy yếu công ty mà còn làm hỏng mối quan hệ tin cậy trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Hiện tại, ngày càng nhiều quốc gia đẩy mạnh sản xuất chip trong nước thay vì dựa vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Điều này đòi hỏi cần phải có ít nhất 1.000 tỉ USD đầu tư trả trước, kéo theo là giá chất bán dẫn sẽ bị đẩy lên từ 35% đến 65%, cuối cùng dẫn đến việc người dùng cuối phải mua thiết bị điện tử với giá cao hơn.
Cũng trong hội nghị hôm 12.4, ông Xu nói ông không ảo tưởng về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với Huawei. Hãng viễn thông Trung Quốc đang lên kế hoạch chiến lược với giả định vẫn nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Ông Xu cũng thừa nhận hiện tại không có nhà sản xuất chip nào trên thế giới có thể giúp Huawei đưa các thiết kế chip vào sản xuất vì các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Hàng tồn kho của Huawei cho phân khúc doanh nghiệp của công ty hiện đã đủ, nhưng sẽ “không duy trì trong một thời gian dài”. Tuy nhiên, Huawei sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chip “miễn là chúng tôi có đủ khả năng chi trả”. Công ty cũng tập trung vào kỹ thuật phần mềm trong 5 năm tới, với hy vọng thúc đẩy khả năng phục hồi và làm cho các sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn.
Người Trung Quốc bức xúc vì giá smartphone nội địa đắt hơn iPhone
Người dùng smartphone Trung Quốc đang tranh luận căng thẳng về việc giá smartphone nội địa ngày càng đắt do khủng hoảng chip và chiến lược cao cấp hóa của các hãng.
"Giá smartphone nội địa cao hơn iPhone" là chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Chủ đề đang thu hút 210 triệu lượt đọc và gần 10 nghìn lượt bình luận.
Sự việc bắt đầu khi Huawei bán mẫu Mate X2 5G với giá 17.999 nhân dân tệ (hơn 63 triệu đồng). Trước đó, Mate 30 RS Porsche Design đã có giá 12.999 nhân dân tệ (45,7 triệu đồng), Huawei P40 Pro là 8.888 nhân dân tệ (31,2 triệu đồng). Trong khi đó, bản dung lượng 512 GB cao nhất của iPhone 12 Pro Max có giá 11.299 nhân dân tệ (gần 40 triệu đồng) - thấp hơn sản phẩm cao cấp của Huawei.
Không chỉ smartphone của Huawei, một số model mới ra mắt trong năm nay của Xiaomi cũng tăng giá đột ngột. Ví dụ, mẫu Xiaomi Mi 11 Pro được giới thiệu giữa tháng 3 có giá 3.999 nhân dân tệ (14 triệu đồng), đắt hơn bản tiền nhiệm 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng).
Người Trung Quốc cho rằng smartphone nội địa mà giá trên 10 nghìn nhân dân tệ là quá đắt so với iPhone.
Với người dùng Trung Quốc, iPhone được xem là thước đo cho sự xa xỉ. Smartphone nào đắt hơn di động của Apple đều được xem là bất thường. Trong nhiều năm liền, người dùng ở thị trường tỷ dân này đã quen với khái niệm hàng trong nước "giá rẻ chất lượng cao". Giờ đây, khi smartphone nội địa ngày một đắt lên, nhiều người đã phản đối.
"Các vị đang bán hàng nội địa với giá xách tay. Không thể chấp nhận mức giá hàng chục nghìn nhân dân tệ như vậy. Hãy học theo Apple mọi thứ, trừ việc bán máy đắt. Nếu đắt như thế, chúng tôi không thể tiếp tục ủng hộ hàng trong nước", người dùng có tài khoản Dongnambei bình luận.
Trước đó, người Trung Quốc nhiều lần tranh cãi về việc nên mua iPhone 12 hay Huawei Mate 40 khi hai smartphone này ra mắt cùng thời điểm. Sau đó cộng đồng người dùng iPhone nước này lại chia rẽ vì iPhone 12. Mặc dù nhiều người lên tiếng phản đối, di động của Apple vẫn đạt kỷ lục về doanh số bán hàng tại đây.
Hai lý do chính khiến giá điện thoại Trung Quốc ngày càng đắt là cuộc khủng hoảng về chip và chiến lược tiến lên phân khúc cao cấp của các nhà sản xuất nội địa.
Không ít lần lãnh đạo Huawei thông báo rằng hãng đang gặp khó khăn vì nguồn chip bị chặn. Thiếu hụt chip do cấm vận của Mỹ không chỉ khiến hãng không thể cung ứng đủ smartphone cho thị trường, mà còn khiến nhiều model cháy hàng. Trên thị trường chợ đen, nhiều model cao cấp của hãng bị đội giá gấp nhiều lần, khiến người dùng than thở: "Giờ có tiền cũng không mua được smartphone của Huawei".
Lý do thứ hai khiến smartphone Trung Quốc tăng giá là việc Xiaomi, Oppo sau nhiều năm bán điện thoại giá rẻ đã muốn tiến lên phân khúc cao cấp. Năm ngoái, Xiaomi bán Mi 10 - model cao cấp nhất của hãng - với giá từ 2.999 nhân dân tệ (10,5 triệu đồng), năm nay, Mi 11 có giá từ 3.999 nhân dân tệ (14 triệu đồng).
Tương tự, Oppo cũng có kế hoạch tiến lên phân khúc cao cấp từ năm 2018 khi trình làng Find X với giá khởi điểm 4.999 nhân dân tệ (17,5 triệu đồng). Phiên bản Oppo Find X Lamborghini khi đó có giá 9.999 nhân dân tệ (35 triệu đồng), tương đương iPhone XS 256 GB cùng thời điểm.
Đứng ở góc độ nhà sản xuất, việc bán smartphone cao cấp giá cao là lựa chọn bắt buộc. Với Huawei, nguồn chip của họ bị thiếu trầm trọng, các đối tác cung ứng đều tăng giá khiến giá bán một chiếc smartphone cũng bị đẩy lên theo. Xiaomi, Oppo, dù còn non trẻ, cũng không thể mãi gắn mình với thương hiệu "smartphone giá rẻ".
Những người phản đối cho rằng nếu các hãng tiếp tục định giá sản phẩm quá cao, sớm muộn gì người dùng Trung Quốc cũng sẽ mặc định rằng iPhone là giá rẻ. Từ đó, Huawei, Xiaomi, Oppo sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh ngay tại sân nhà.
Apple hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu Khả năng tự thiết kế và chủ động nguồn cung khiến Apple 'miễn nhiễm' với cuộc khủng hoảng chip, tạo lợi thế về giá với các đối thủ cạnh tranh. "Nguồn cung chip bán dẫn bị thắt chặt đang ảnh hưởng đến tất cả hãng di động, ngoại trừ Apple", nhà phân tích MS Hwang của Samsung nói với Bloomberg . Theo giới...