Hứa “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, vào lớp online là cha mẹ “tăng xông”
Chị Hà dằn vặt, khổ sở sau khi cho con hai bạt tai vì cháu táy máy xóa mất ứng dụng học tập, bị thoát ra khỏi lớp học online.
Ngồi học, có trẻ xé tập xếp… 50 chiếc thuyền
“Có ai vừa kèm con học là hét, là đánh, là cho con “ăn tát” như mình không? Tội nghiệp cho con tôi quá đi thôi!”, chị Hồ Minh Hà, nhà ở TP Thủ Đức, TPHCM mệt mỏi kể về hành trình kèm hai con học online trong những tuần qua.
Từ ngày hai con, đứa lớp 1, đứa lớp 5 chính thức vào học online, chị Hà thấy mình biến thành một người khác. Lần nào, trước khi vào lớp để hỗ trợ con, chị cũng hít một hơi thật sâu hứa với con: “Hôm nay mẹ sẽ “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”.
Nhiều phụ huynh “tăng xông” khi kèm con nhỏ học online.
Vậy nhưng, vào được vài phút là quyết tâm của chị đổ sông đổ biển. Con chị, lúc cô giáo đang giảng bài thì lôi giấy ra vẽ; lúc học chữ lại đòi làm bài tập Toán; có khi cầm điện thoại leo lên bàn, lăn ra sàn hay thao tác ra – vào lớp liên tục…
Chị ngồi cạnh không ngừng nhắc nhở, la mắng, trợn mắt, nhéo, thậm chí khi thiếu kiềm chế còn đánh con.
“Mới hôm qua, tôi đã không giữ được bình tĩnh cho cháu hai bạt tai khi lần thứ hai cháu xóa ứng dụng đang học. Tôi loay hoay cả buổi mới cài lại được, mất luôn buổi học”, người mẹ day dứt nhắc lại.
Mới bé lớp 1 chị đã hết hơi, lại thêm lâu lâu ngó vào lớp cô con gái lớn, người mẹ lại lên cơn “tăng xông”. Ngoài học trên lớp, còn kèm làm bài tập hàng tối, chị quát con không ngớt.
Liên quan đến việc học của cậu con trai lớp 3, vợ chồng nhà anh Nguyễn Ngọc Dung, ở Phú Nhuận, TPHCM cũng không ngừng “gây gổ” với nhau, với con.
Video đang HOT
Trước đây, con chị ngoan, có ý thức, nhưng giờ cháu uể oải, lười học, chống đối, tính khí lại khó chịu.
Có hôm, trong giờ học, con xé tập xếp… 50 cái thuyền, vứt trắng cả phòng; hay cô giáo gọi 5 – 7 lượt cháu vẫn kệ không trả lời.
Chồng chị nóng tính, thấy vậy liền vào xách tai con ra khỏi lớp quát tháo, chê bai ầm ĩ, xưng “mày – tao” rồi có lúc đánh phạt cháu.
Chị vào can, thế là vợ chồng cãi nhau, con thì khóc. Dù bận nhiều việc trong nhà nhưng cuối cùng, chị đành giành luôn phần việc kèm con học. Sợ bố cháu nổi khùng khi con làm sai, nên lúc con học chị phải ngồi kè kè bên cạnh nhắc nhở.
“Ngồi kèm con học mình cũng trở dễ nổi nóng, quạu. Mẹ thì mệt, con thì chán nản, thường xuyên gắt gỏng, sứt mẻ tình cảm với ba và ấm ức luôn với mẹ.”, chị Ngọc Dung thở dài.
Trẻ gặp nhiều khó khăn khi học ở nhà
Sau một tuần TPHCM triển khai học online ở bậc tiểu học và trước đó là bậc THCS, THPT, nhiều phụ huynh chia sẻ tình trạng căng thẳng, mệt mỏi khi kèm con học. Giờ học một số có lúc là “trận chiến” giữa bố mẹ và con cái.
Trong nhiều lớp học online, cùng với tiếng bài giảng không thiếu những âm thanh “cây nhà lá vườn” từ phụ huynh bắt con phải thế này thế kia, quát mắng, chì chiết hay đánh phạt trẻ.
Sự thông cảm và kiên nhẫn của bố mẹ cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ học online hiệu quả.
Việc học online tại nhà, nhất là với trẻ nhỏ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của bố mẹ. Phụ huynh có thể gặp khó khăn như thiếu thời gian, kiến thức, kỹ năng, thiếu sự sẵn sàng và cả sự kiên nhẫn. Hơn nữa, việc bố mẹ kèm con trẻ học chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Nhiều người không thể nào kiềm chế nổi trước bất cứ sai sót, hành vi, phản ứng nào của con trong sinh hoạt, nhất là trong việc học.
TS. BS Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Sức khỏe Tâm lý y học, ĐH Y Dược TPHCM cho biết, việc “đóng cửa” vì dịch Covid-19 tác động vô cùng nguy hiểm với trẻ.
Mắt nhắm mắt mở
“Cha mẹ nuôi con có lúc phải mắt nhắm, mắt mở. Cần quan sát, đồng hành cùng con nhưng cũng đừng chăm chăm vào hành vi của con. Những hành vi nào ở mức vừa phải, trong mức an toàn thì có thể lơ đi để hành vi đó ít có cơ hội tái diễn”
TS.BS Phạm Phương Thảo
Ở tuổi này các em có xu hướng tương tác với bạn bè, thầy cô; là lứa tuổi vận động nhưng giờ chỉ có ba mẹ, chỉ ở trong nhà dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn chán, thiếu ý tưởng.
Thiếu khung cảnh trường học, việc học tại nhà của trẻ có thể diễn ra trong bối cảnh mẹ nấu cơm, ba xem tivi, em khóc… rất khó để tập trung.
Chưa kể, nhiều tác động từ dịch bệnh, từ 6 tuổi các em hiểu về cái chết, lo âu về sự mất mát. Ở nhà bố mẹ con cái lại đụng mặt nhau suốt. Bố mẹ mệt mỏi lại có xu hướng trút lên con, đứa trẻ trở thành nạn nhân của bạo hành.
“Với nhiều trẻ việc học online dễ dàng nhưng với nhiều trẻ rất khó khăn”, bác sĩ Phạm Phương Thảo lưu ý.
TS Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, bố mẹ cần hiểu hành vi của trẻ lúc này không phải bản chất của con mà điều đó cho thấy trẻ đang gặp khó khăn. Trước hết, bố mẹ cần phải thông cảm cho con.
Lúc này, vai trò của giáo viên rất quan trọng khi họ tương tác nhiều với phụ huynh qua dạy học online. Phía nhà trường, giáo viên cần có kế hoạch giúp cha mẹ hiểu về những khó khăn của trẻ, đồng hành cùng trẻ. Có thể phối hợp với các chuyên gia giúp đỡ trẻ, hướng dẫn và đề nghị bố mẹ tương tác lành mạnh với con.
Lớp học online nơi tạm cư
Sau khi tổ chức cho người dân tại khu trọ lụp xụp, nhà ven kênh rạch, hẻm nhỏ đến nơi tạm cư để hạn chế lây nhiễm, đảm bảo phòng chống dịch, quận Bình Thạnh (TP HCM) còn bố trí một lớp học online cho con em các cư dân này tại chung cư 1050 (phường 12).
Lớp học online cho con em người dân tạm cư ở tầng trệt khu A chung cư 1050.
Sáng thứ Hai, tại tầng trệt, khu A chung cư 1050, 15 học sinh đang tập trung lắng nghe lời thầy cô giảng từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, máy tính bảng... Mỗi học sinh một ghế đá làm bàn học, bên cạnh là phụ huynh hoặc bộ đội, tình nguyện viên theo dõi, hướng dẫn. Đó là con em của 130 hộ dân đang được quận Bình Thạnh bố trí tạm cư cho công tác tách người không nhiễm ra khỏi nơi có nguy cơ lây nhiễm cao từ 26/8.
Đại úy Phạm Công Sỹ, Công an quận Bình Thạnh, cho biết: "Đa số người được chuyển đến đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Do ở tạm một thời gian nên các hộ không thể tự bắt wifi. Nếu sử dụng 3G/4G thì chỉ học được 1 - 2 tiếng đồng hồ là hết dung lượng mạnh. Nhận thấy điều đó, khi sắp bắt đầu năm học mới, chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo quận bố trí tầng trệt và bắt wifi cho con em người dân đến học online".
Trước khi khai giảng năm học mới, bộ đội, tình nguyện viên đã mượn phòng sử dụng chung của chung cư để làm phòng học online, lau dọn phòng, khiêng ghế đá xung quanh chung cư xếp thành hàng. Mỗi ghế cách nhau 2m đảm bảo giãn cách.
Hiện có khoảng 30 học sinh các cấp học online và một số người tạm cư làm việc online tập trung để học, làm việc. Phụ huynh nếu bận thì có bộ đội, tình nguyện viên hướng dẫn cách vào học, sách vở, trông coi các em. Sau khi học xong, các em được đưa về tận phòng.
Đại úy Sỹ nói: "Đã đưa người dân đến nơi ở mới để phòng chống dịch thì phải làm sao cho họ có cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn. Ngoài việc phát quà, trao các gói hỗ trợ; để đảm bảo bữa ăn đầy đủ, có dưỡng chất, chúng tôi còn đi xin rau, củ cho phát các hộ khó khăn".
Theo quan sát, dưới sự nhiệt tình hướng dẫn của người lớn, các em học sinh rất tập trung nghe giảng. Mỗi em tự ý thức giữ im lặng, trật tự cho những người xung quanh.
Chị Trần Ngọc Kim Thoa, có hai con học lớp 3 và lớp 8, nói: "Tôi ở trọ trong hẻm trên đường Nơ Trang Long, được quận chuyển tới ở đây từ 26/8. Ở đây rất tốt, gia đình tôi được bố trí 1 căn hộ. Gạo, nước mắm, đồ khô được hỗ trợ rất nhiều".
Đầu năm học mới, chị Thoa rất trăn trở với việc học của hai con. "Ở tạm nên bắt wifi là điều không thể. Dùng 3G/4G thì tốn kém. Hôm nhà trường có yêu cầu đăng ký học online, tôi định xin cho con tạm nghỉ, chứ không đủ điều kiện học. Rồi bất ngờ nhận được thông báo là quận tổ chức phòng học có wifi để các con học online. Tôi vui quá, nếu không con phải nghỉ học", chị Thoa nói.
Một phụ huynh khác có 2 con đang học online, chia sẻ: "Tập trung ở đây, các cháu học nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn".
Giáo viên "nổi điên" trong lớp học online: Sự "mất mát quyền lực" Một giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp, đòi "bóp cổ anh chết"; cô giáo dạy Văn mạt sát học trò là đồ "quái thai"... Những hành xử, lời lẽ khủng khiếp nhất của người thầy xảy ra trong lớp online. Giáo viên mất kiểm soát Ngay những ngày đầu năm học mới, chỉ trong vòng một tuần lễ, dư luận choáng...