Hơn 82.000 thí sinh thi đánh giá năng lực tranh suất vào đại học
Riêng tại TP.HCM có đến khoảng 42.000 thí sinh với 32 địa điểm thi đánh giá năng lực đợt 1.
Ngày mai, (27-3), khoảng 82.400 thí sinh (TS) sẽ bắt đầu bước vào kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Đây là năm thứ năm kỳ thi được tổ chức và cũng là năm có số TS dự thi nhiều nhất để tranh suất vào ĐH-CĐ.
Khoảng 6.000 cán bộ làm công tác thi
Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi ĐGNL đợt 1 sẽ diễn ra cùng lúc tại 17 địa phương, với 36 cụm thi, 80 địa điểm thi.
Khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên có 19 điểm thi, miền Trung có 18 điểm thi và miền Tây có 11 điểm thi. Trong đó, nhiều nhất là TP.HCM với 32 điểm thi và khoảng 42.000 TS.
Đây là năm đầu tiên kể từ năm 2018 có số TS dự thi ngay đợt 1 cao nhất với khoảng 82.400 TS và mở rộng điểm thi ở nhiều địa phương để thuận tiện đi lại cho TS.
Nói về công tác chuẩn bị, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM đã huy động khoảng 6.000 cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi. Công tác tập huấn cho cán bộ, phối hợp với các đơn vị làm điểm thi, cơ quan chức năng ở các địa phương cũng được triển khai chu đáo như về bảo vệ, y tế, điện lực, an ninh…
Về công tác phòng dịch, Tiến sĩ Chính cho biết đã triển khai tập huấn và chuẩn bị các tình huống y tế, bố trí người đo thân nhiệt, hướng dẫn khi TS đến điểm thi.
ĐH Quốc gia TP.HCM khuyến cáo TS trong vòng 48 tiếng trước giờ thi cần khai báo y tế trên ứng dụng PC-COVID và thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch tại điểm thi.
Các cán bộ đang kiểm tra lại hồ sơ dự thi của thí sinh, chuẩn bị thùng giấy nháp trước ngày thi đánh giá năng lực đợt 1 tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: BÍCH NGỌC
Theo quy định của Hội đồng thi ĐGNL, những trường hợp sẽ không được dự thi như TS thuộc các trường hợp nhiễm bệnh (F0), trường hợp bệnh nghi ngờ và đang trong thời gian cách ly/chữa bệnh theo yêu cầu của cơ quan y tế; đang bị sốt, ho, khó thở, đau họng, mất vị giác/khứu giác hoặc các triệu chứng khác liên quan đến COVID-19.
Video đang HOT
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng lưu ý trong buổi thi, TS chủ động báo với hội đồng thi nếu có những biểu hiện sốt, ho, khó thở.
Những TS có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng khác liên quan đến COVID-19 trong thời gian thi sẽ không tiếp tục làm bài, được cán bộ y tế đưa đến khu vực riêng để theo dõi và ra về sau khi hết giờ làm bài. Trong trường hợp cần thiết, cán bộ y tế phối hợp với cơ quan y tế địa phương xử lý theo hướng dẫn của ngành y tế.
Những TS không thể tham dự kỳ thi ĐGNL đợt 1 vì những lý do nêu trên sẽ được tạo điều kiện để tham dự kỳ thi ĐGNL đợt 2 mà không phải đóng lệ phí dự thi và cũng không phải chứng minh lý do không dự thi trước đó.
Cẩn trọng tránh bị đình chỉ, trừ điểm thi
Theo quy định của Hội đồng tổ chức kỳ thi ĐGNL năm 2022 của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS phải có mặt tại phòng thi trước 7 giờ 30 để làm thủ tục dự thi.
Khi đi thi, TS cần mang theo đầy đủ các giấy tờ tùy thân theo quy định ghi trong giấy báo dự thi, gồm một trong các loại giấy tờ sau: CMND, CCCD, hộ chiếu
Nếu TS bị mất giấy tờ tùy thân, cần làm giấy xác nhận nhân thân theo mẫu quy định, có dán ảnh và đóng dấu giáp lai, có chữ ký và dấu xác nhận của trưởng công an phường/xã cũng là giấy tờ tùy thân hợp lệ để tham gia kỳ thi.
Trường hợp vẫn không có các giấy tờ này và không mang theo giấy báo dự thi, TS phải có mặt tại phòng hội đồng thi trước giờ tập trung tối thiểu 30 phút để làm các thủ tục cần thiết.
Hội đồng thi cũng nhấn mạnh TS không được mang vào khu vực thi và phòng thi: Giấy nháp, giấy thi, giấy than, bút xóa, các tài liệu, bút tàng hình, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia rượu, phương tiện kỹ thuật thu phát truyền tin, thiết bị chứa đựng thông tin, các vật dụng khác có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài và quá trình chấm thi.
Khi vào phòng thi, nếu TS còn mang theo tài liệu, vật dụng trái phép, dù chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
TS sẽ bị khiển trách nếu nhìn bài hoặc trao đổi bài với TS khác. Tăng nặng hơn, TS sẽ bị cảnh cáo trong các trường hợp như tiếp tục vi phạm việc nhìn bài hoặc trao đổi bài với TS khác dẫn đến khiển trách; trao đổi bài hoặc giấy nháp với TS khác; chép bài của TS khác hoặc để TS khác chép bài của mình.
Đặc biệt, hội đồng thi cũng quy định ngoài mang vật dụng trái phép vào phòng thi, TS sẽ bị đình chỉ thi nếu vi phạm các quy định như đã bị cảnh cáo một lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm quy định ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ bên ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa TS khác.
Hội đồng thi cũng lưu ý: TS bị đình chỉ thi phải nộp đủ bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định. TS bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết giờ làm bài thi.
Đồng thời, TS bị đình chỉ thi sẽ bị điểm 0, không được sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ
sau khi có điểm thi
Kết quả thi đợt 1 được công bố vào ngày 5-4. Điểm mới đáng chú ý năm nay là TS được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Đồng thời, TS có thể đăng ký bổ sung nguyện vọng xét tuyển và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển sau khi kết quả thi đợt 1 được công bố.
Ở đợt 2, thời gian đăng ký là từ ngày 6 đến 25-4. ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến tổ chức thi vào ngày 22-5, tức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng một tháng.
Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào đúng một tuần sau khi thi, tức ngày 29-5.
Tuyển sinh đại học năm 2022: Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021 và điều này nhận được sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Tạo thuận lợi nhất cho học sinh trong bối cảnh học tập gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là chủ trương của ngành Giáo dục, giúp các thí sinh bớt áp lực, đồng thời bảo đảm chất lượng tuyển sinh đầu vào cho các cơ sở đào tạo.
Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm
Nhiều điều chỉnh có lợi
Năm 2021, cả nước có 1.021.117 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng giáo dục mầm non. Kết quả, có gần 531.000 thí sinh trúng tuyển, đạt gần 93% so với chỉ tiêu. Đây cũng là năm có kết quả tuyển sinh cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tuyển sinh còn gặp khó khăn, như thời gian tuyển sinh kéo dài; một số trường phải điều chỉnh phương án, chỉ tiêu tuyển sinh, chưa dự báo chính xác số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học, dẫn đến tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu; khâu lọc ảo chưa đạt hiệu quả như mong muốn...
Để giải quyết những bất cập trong công tác tuyển sinh năm nay, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật. Điểm mới quan trọng nhất mà thí sinh cần lưu ý, thay vì đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng giáo dục mầm non cùng với việc đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông như mọi năm, mùa thi này, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tất cả nguyện vọng của thí sinh đều được lọc ảo chung trên hệ thống. Với cách thức đó, các cơ sở đào tạo hạn chế được tối đa số lượng thí sinh ảo, tạo thuận lợi để học sinh lựa chọn ngành mình yêu thích và sẽ trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên, trong bối cảnh dạy - học còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, chủ trương chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm nay có nhiều ý nghĩa với học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành và được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác tuyển sinh. Điều này không chỉ giảm vất vả cho nhà trường, học sinh trong việc in, chứng thực kết quả học tập, mà còn bảo đảm tính chính xác, khách quan và minh bạch.
Em Nguyễn Thu Trang, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Kế hoạch ôn luyện vào đại học năm nay của em không bị xáo trộn, bởi công tác tuyển sinh vẫn ổn định. Điều này giúp em yên tâm, tự tin khắc phục khó khăn do dịch bệnh để học tập tốt".
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bảo đảm tuyển sinh công bằng, chất lượng
Bên cạnh mục tiêu khắc phục những hạn chế của công tác tuyển sinh năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các cơ sở đào tạo phát huy quyền tự chủ, bảo đảm tuyển sinh công bằng, chất lượng.
Nếu như năm 2021 có khoảng 20 phương thức xét tuyển được các trường sử dụng, trong đó phương thức xét tuyển chính vẫn là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì năm nay, các trường vẫn có chung định hướng đa dạng phương thức, song giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), năm nay, trường dự kiến giảm tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn khoảng 10-15%, tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trương này đã được thông báo từ tháng 1-2022, giúp thí sinh chủ động, có thời gian chuẩn bị...
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội cơ bản duy trì ổn định các phương thức tuyển sinh như năm trước, trong đó có việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do đơn vị tổ chức. Từ nay đến tháng 7-2022, đơn vị dự kiến tổ chức khoảng 11 đợt thi đánh giá năng lực ở nhiều địa phương, vì vậy, thí sinh có nhiều cơ hội thử sức. Các em có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, trường.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung hoàn thiện để ban hành quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trong tháng 5-2022. Việc xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo cũng đang được khẩn trương triển khai.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, các trường cần bảo đảm công bằng cho thí sinh tham gia xét tuyển ở các phương thức khác nhau. "Với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần có lộ trình, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Việc lựa chọn, đưa thêm phương thức hoặc tổ hợp tuyển sinh mới cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây lúng túng cho các em", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022: Thí sinh cần lượng sức chọn trường Mùa tuyển sinh năm 2022, các trường đa dạng phương thức tuyển sinh sẽ giúp thí sinh có nhiều cơ hội, lựa chọn hơn vào đại học. Tuy nhiên, trong bối cảnh các trường tự chủ tuyển sinh, nhiều phương thức mới và các kì thi riêng cũng khiến không ít thí sinh, phụ huynh bối rối. Sinh viên Khoa Quốc tế -...