Hội nghị ACT+1 lần thứ 38: Thúc đẩy hạnh phúc học đường và sự bền vững trong giáo dục
Hơn 900 đại biểu từ 9 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự hội nghị thường niên Hội đồng giáo chức ASEAN Hàn Quốc (ACT 1) lần thứ 38, diễn ra từ ngày 6-8/9 tại Khách sạn Berkeley Pratunam ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Đoàn Việt Nam do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt, dẫn đầu dự hội nghị.
Lễ rước cờ Việt Nam trong số các đoàn tham dự hội nghị ACT 1 lần thứ 38. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Amonwan Werathummo, Tổng thư ký Hội đồng giáo chức Thái Lan, cho biết với chủ đề “Thúc đẩy hạnh phúc học đường và sự bền vững trong giáo dục”, hội nghị năm nay đề ra 3 mục tiêu quan trọng là hợp tác trong việc thúc đẩy tri thức và hiểu biết lẫn nhau liên quan đến triết lý và hoạt động của ASEAN cũng như tinh thần và văn hóa của người dân ASEAN; Thúc đẩy và hợp tác trong các nước ASEAN tham gia các dự án và chương trình cùng có lợi liên quan đến nhà giáo, khoa học giáo dục và văn hóa; Hỗ trợ các thành viên phát triển các hoạt động giáo dục tập trung vào việc thúc đẩy mục tiêu và lý tưởng của ASEAN.
Các trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN tại Thái Lan
Tiến sĩ Amowan nhấn mạnh chủ đề này cũng rất gần gũi với chính sách “Học tập hạnh phúc” của Bộ Giáo dục Thái Lan, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự hài lòng giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng như thúc đẩy sự bền vững lâu dài.
Video đang HOT
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bangkok về chủ đề của hội nghị năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân cho biết: “Giáo dục bền vững bắt nguồn từ học tập tích cực, thoải mái và hạnh phúc của học sinh là một chủ đề cần thiết đối với nền giáo dục của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”. Ông Ân nhấn mạnh một môi trường học tập mà ở đó cả người dạy và người học đều hạnh phúc sẽ mang lại hạnh phúc cho xã hội và đây là đích hướng tới của một nền giáo dục hiện đại.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan
Trong phiên thảo luận, các đoàn đã trình bày nhiều tham luận có giá trị xung quanh chủ đề hội nghị, cụ thể như tham luận “Phương pháp tiếp cận đổi mới trong dạy và học thông qua tích hợp công nghệ số” của Brunei, “Giáo dục bền vững: Quản trị bình đẳng và kiến thức sinh thái” của Indonesia, “Sử dụng kỹ thuật số để đảm bảo hạnh phúc và bền vững trong giáo dục” của Malaysia, “Hợp tác công tư để tăng sự an toàn trong trường học và duy trì tính bền vững trong xã hội” của Philippines, “Dạy ít hơn và học được nhiều hơn” của Singapore, “Phát triển chương trình khung giáo dục vì trường học hạnh phúc và giáo dục bền vững: Kinh nghiệm và chính sách của quốc gia” của Thái Lan, “Bình đẳng trong giáo dục” của Hàn Quốc và “Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo hướng tới trường học hạnh phúc và tính bền vững trong giáo dục” của Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Huy Tiến/TTXVN tại Thái Lan
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Việt Nam từ lâu đã có mô hình trường học an toàn, thân thiện, nhưng chúng ta chưa có cách tiếp cận sâu rộng và bản chất của trường học hạnh phúc.
Qua hội thảo này với sự chia sẻ kinh nghiệm của các nước, Việt Nam hy vọng sẽ lĩnh hội những nhận thức mới hơn, có chiều sâu hơn về phương pháp làm thế nào để giáo viên có thể có cảm xúc tích cực, hạnh phúc, làm thế nào để học sinh có được cảm giác vui vẻ, thoải mái để học tập tốt nhất.
Bên lề hội nghị cũng diễn ra các cuộc họp song song với nhiều chủ đề liên quan đến việc dạy và học, vấn đề lãnh đạo và quản lý trường học, các chính sách tác động đến việc học tập của học sinh, các định dạng giáo dục mới…
Hội nghị đã ra nghị quyết nhấn mạnh cam kết phát triển giáo dục bền vững thông qua quản lý hiệu quả, bình đẳng và hiểu biết về môi trường, nâng cao quyền và vị thế của nhà giáo thông qua phát triển, bồi dưỡng nghiệp vụ liên tục và xây dựng các mô hình giáo dục bình đẳng, bền vững, đảm bảo tất cả học sinh được trở nên hạnh phúc hơn và mạnh mẽ hơn. Hội nghị cũng nhất trí trao cờ tổ chức ACT 1 lần thứ 39 cho Philippines vào năm sau.
Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế giải quyết thách thức mới trong lĩnh vực giáo dục
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Vladivostok, ngày 4/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề "Thách thức của thế kỷ 21 đối với hệ thống giáo dục truyền thống ở các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)".
Quang cảnh Phiên thảo luận chuyên đề "Thách thức của thế kỷ 21 đối với hệ thống giáo dục truyền thống ở các nền kinh tế APEC". Ảnh: Quang Vinh/PvTTXVN tại Liên bang Nga
Phiên thảo luận nhằm kết nối những nỗ lực hợp tác, qua đó định hình chính sách giáo dục có tính đáp ứng, toàn diện và hướng tới tương lai hơn trong thế kỷ 21.
Tham dự sự kiện có đại diện các trường đại học hàng đầu của các quốc gia trong khu vực như Nga, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có bài phát biểu tại phiên thảo luận.
Tình hình thế giới biến động mạnh mẽ trong những năm gần đây, bao gồm dịch bệnh COVID-19, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã thay đổi thói quen học tập, đào tạo. Nền kinh tế chịu các tác động của tình hình thế giới cũng làm thay đổi đáng kể nhu cầu đối với thị trường lao động, buộc ngành giáo dục phải nhanh chóng điều chỉnh để trang bị cho học sinh, sinh viên của mình những kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu thực tế.
Tại sự kiện, các đại biểu tham dự đều khẳng định phiên thảo luận "Thách thức của thế kỷ 21 đối với hệ thống giáo dục truyền thống ở các nền kinh tế APEC" là thực sự cần thiết trong tình hình hiện tại, mang đến cơ hội tìm kiếm triển vọng cho chính sách giáo dục ở các nền kinh tế APEC, qua đó góp phần tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế khu vực thời gian tới. Các đại biểu cũng nhấn mạnh nhu cầu đối với việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục một cách nhanh chóng và linh hoạt để đáp ứng những thách thức hiện tại.
PGS.TS. Bùi Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận. Ảnh: Quang Vinh/Pv TTXVN tại Liên bang Nga
Trong bài tham luận được trình bày tại phiên thảo luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm cải cách phương pháp giáo dục của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, được các đại biểu tham dự đánh giá cao. Theo ông Nam, trong bối cảnh thực hiện chiến lược mở cửa trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đang mở rộng các loại hình hợp tác quốc tế, không còn bó hẹp trong việc trao đổi giảng viên, sinh viên như trước đây. Về phần mình, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đang tìm kiếm các hướng hợp tác mới, điển hình như công nhận tín chỉ lẫn nhau, giúp người học vừa có thể tham gia môi trường đào tạo tiên tiến ở nước ngoài, vừa đảm bảo lộ trình kết thúc chương trình đào tạo ở trong nước, trong khi gánh nặng tài chính không quá lớn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN sau phiên thảo luận, ông Evgeniy Vlasov, Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế của Đại học Liên bang Viễn Đông cho biết nhiệm vụ của phiên thảo luận này là kết nối với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, bởi vì đây là khu vực tham gia tích cực vào hợp tác kinh tế của khu vực APEC.
Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực có thể hỗ trợ để phát triển kinh tế tích cực, nâng cao mức sống cho người dân sống ở khu vực này.
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 9 với chủ đề "Viễn Đông 2030. Kết nối sức mạnh tạo tiềm năng mới" diễn ra từ ngày 3 - 6/9 tại thành phố Vladivostok, LB Nga. Diễn đàn năm nay thu hút trên 6.000 đại biểu đến từ 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sinh viên Việt Nam tại Nga tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện Các hoạt động này không chỉ mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng mà còn thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết, và sự đóng góp của thế hệ trẻ Việt Nam tại nước ngoài. Sinh viên Đại học Kinh tế Nga mang tên G.V. Plekhanov với Chiến dịch Mùa hè xanh-2024 tại xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh...