Học trực tuyến vùng khó: Lên đồi, xuống sông… tìm sóng
Nhà nằm ở vùng “lõm” sóng điện thoại, trong khi nhà trường thực hiện dạy trực tuyến để tránh dịch, nhiều HS, SV ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát phải đem sách vở, điện thoại ra đường… hứng sóng học bài.
Em Tặng Thị Diện – sinh viên Trường ĐH Hồng Đức dựng lều trên đồi học trực tuyến.
Giờ học… bập bõm
Em Tặng Thị Diện hiện là sinh viên lớp K23A, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức, nhà ở bản Pù Quăn, xã Pù Nhi, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).
Do địa hình nơi gia đình em Diện ở, sóng điện thoại rất yếu, vì thế để thuận lợi cho việc học trực tuyến, bố em phải dựng chiếc lều ở trên một đồi đất cao. Mỗi sáng, Diện mang sách vở, giấy bút và chiếc điện thoại của mình lên chòi để tiếp sóng và học bài. Tuy nhiên, ở khu vực này tiếp sóng cũng chập chờn, nên việc tiếp cận bài vở cũng không được thuận lợi.
“Những hôm trời mưa, hay mất điện lưới, em phải nghỉ học. Em chỉ mong sao đợt dịch bệnh này được khống chế, để chúng em xuống trường học trực tiếp. Hàng ngày, các thầy, cô giáo lên lớp đều động viên chúng em cố gắng khắc phục khó khăn, chịu khó học tập vì tình hình dịch bệnh đang khá phức tạp.
Thực ra, việc học trực tuyến, nếu có điều kiện về thiết bị, máy móc và tiếp sóng tốt cũng không đáng ngại lắm. Tuy nhiên, do khu vực gia đình em sinh sống, sóng điện thoại rất yếu, nên đành phải lên đồi đi… tìm sóng”, Diện chia sẻ.
Còn em Ngân Thị Khanh, học sinh lớp 12C, Trường THPT Mường Lát lại phải “đi tìm sóng” điện thoại ở… dưới sông Mã, để có thể học bài trực tuyến.
Nhà Khanh ở khu tái định cư mới – bản Co Cài, xã Trung Lý (Mường Lát) sát với triền sông Mã. Thế nhưng, khu vực nhà Khanh lại khó tiếp được sóng điện thoại, nên em phải xuống bè nuôi cá lồng của gia đình để ở và học bài.
Video đang HOT
“Từ hôm 6/9 đến nay, em học trực tuyến bằng điện thoại. Lớp em có hơn 40 bạn và một số bạn học ghép nữa, nên rất khó khăn để vào lớp, nghe giảng suốt cả buổi. Chúng em chỉ mong sao hết dịch để được lên trường học trực tiếp với thầy cô. Hai hôm nay, trời mưa rất to, nước sông đang dâng (đây là vùng lòng hồ thủy điện Trung Sơn – PV), nên khi xuống bè ngồi học, em cũng rất lo lắng”, Khanh tâm sự.
Giáo viên Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) dạy trực tuyến trên lớp học. Ảnh: Thế Lượng
Thử thách sự kiên nhẫn
Thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết: Địa bàn thị trấn Mường Lát đang trong vùng giãn cách xã hội, nên nhà trường phải tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên nhà trường không thể bố trí cho học sinh học theo lớp được, mà chỉ tổ chức 3 lớp (mỗi khối 1 lớp).
“Trước mắt nhà trường tổ chức như vậy để giáo viên, học sinh làm quen với phương pháp dạy và học online. Sau khi giáo viên, học sinh thành thục phương pháp dạy và học rồi, nhà trường sẽ triển khai đại trà, đồng thời nâng cấp hệ thống hạ tầng”, thầy Văn cho hay.
Cũng theo thầy Văn, để thực hiện chương trình dạy và học trực tuyến, nhà trường hợp đồng với VNPT huyện Mường Lát một gói cước trong vòng 3 tháng. Mỗi phòng Room chứa được 300 học sinh vào truy cập mạng.
“Những ngày đầu thực hiện phương pháp dạy, học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh đang còn lúng túng. Nhưng đến thời điểm này, mọi việc đã suôn sẻ hơn và đang đi vào nền nếp.
Về kinh phí đường truyền, gói cước cũng không phải quá đắt, nên trước mắt nhà trường ký hợp đồng 3 tháng với VNPT, để thử nghiệm. Sau khi hết giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh trở nên ổn định, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh quay lại trường học”, thầy Văn chia sẻ.
Em Ngân Thị Khanh, học sinh lớp 12C, Trường THPT Mường Lát học trực tuyến trên bè cá lồng ở sông Mã.
Liên quan đến vấn đề học sinh có đủ điều kiện, thiết bị, máy móc để học trực tuyến hay không? Thầy Văn cho biết, theo khảo sát của nhà trường, hiện có khoảng 70% học sinh có máy tính, hoặc điện thoại.
“Trong số 30% học sinh còn lại không tham gia vào lớp học trực tuyến đa phần đều gặp khó khăn, như: Không có thiết bị để học trực tuyến, hoặc do gia đình các em ở bản vùng sâu, xa không có sóng điện thoại. Do đó, nhà trường đang lên kế hoạch, sau khi hết giãn cách xã hội, học sinh trở lại trường, các thầy cô tăng cường dạy bù chương trình cho các em. Nhà trường cũng hy vọng, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, để đón học sinh quay lại trường học.
Cũng theo thầy Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, trong thời gian này, các thầy cô đang triển khai ôn tập, củng cố lại kiến thức cho các em. Mục tiêu trước mắt là, làm sao để giữa giáo viên và học sinh tương tác lẫn nhau thành thạo việc học trực tuyến. Sau khi giáo viên, học sinh đã thành thạo việc dạy và học trực tuyến, nhà trường mới triển khai dạy vào chương trình chính khóa.
“Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch cho tình huống nếu phải học trực tuyến lâu dài. Chúng tôi sẽ lập danh sách những học sinh không thể học trực tuyến và báo cáo lên cấp trên, để di chuyển các em về ở khu ký túc xá của trường. Bởi, nhà trường có khu ký túc xá chứa được hơn 60 học sinh.
Như vậy, số học sinh này sẽ cùng ăn, ngủ tại trường, để giáo viên có thể dạy trực tiếp cho các em được. Còn những em có điều kiện tiếp cận được phương pháp học trực tuyến, thì vẫn phải ở tại nhà để học. Nhà trường cũng đã xác định, nếu dịch bệnh kéo dài, khó khăn đến đâu, sẽ cố gắng khắc phục đến đó với tinh thần học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, thầy Văn nói.
Cô Hà Thị Hương, giáo viên dạy Ngữ văn khối 12, Trường THPT Mường Lát cho biết: Những ngày đầu học trực tuyến nhiều học sinh lúng túng. Khi bước qua tuần thứ 2, tình trạng có cải thiện hơn, nhưng số lượng học sinh tham gia vào lớp học chỉ đạt khoảng 50 – 60%. “Nhìn chung, những em tham gia được lớp học đều chăm chú nghe cô giáo giảng bài và chịu khó làm bài tập. Tuy nhiên, do phương pháp dạy trực tuyến không hiệu quả bằng dạy trực tiếp, giáo viên không quán xuyến hết được cả lớp, nên có học sinh không hào hứng học”, cô Hương cho hay.
Học trực tuyến ở Trà Vinh gặp nhiều khó khăn vì học sinh thiếu thiết bị
Với hình thức học trực tuyến "tránh dịch", hàng hàng học sinh tại Trà Vinh gặp khó vì không đủ khả năng mua sắm thiết bị.
Trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ, đầu năm học này tỉnh Trà Vinh quyết định cho toàn bộ học sinh từ cấp Tiểu học đến THPT chuyển sang học trực tuyến.
Giáo viên "vào lớp" giảng bài từ xa
Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy cô giáo nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung, năm học mới này, hơn 177.000 học sinh trên toàn tỉnh Trà Vinh từ Tiểu học đến THPT đều chuyển sang học trực tuyến. Trong đó học sinh Tiểu học học qua chương trình truyền hình, THCS và THPT học trực tuyến qua thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh. Tuy nhiên hình thức học này phụ thuộc nhiều vào công nghệ, đường truyền Internet, sóng 3G.
Để không tạo áp lực cho những trường tại địa phương có nhiều học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, sóng 3G yếu... Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các trường trên địa bàn phải linh hoạt, chậm và chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương; thường xuyên giám sát kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.
Hiện trong số hơn 4.200 học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến ở Trà Vinh, ngành giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, phân loại và có những phương án vận động, hỗ trợ cho đúng đối tượng.
"Rà soát lại cụ thể bằng địa chỉ chính xác rồi chúng tôi sẽ phân ra. Nếu trường hợp có thiết bị mà chưa sẵn sàng, chúng tôi tiếp tục vận động trách nhiệm của phụ huynh, cũng như nhiệm vụ của học sinh, để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn còn dịch. Riêng trường hợp chưa có thiết bị hoàn toàn, do phụ huynh chưa có khả năng mua sắm, trước mắt chúng tôi giao nhiệm vụ, giao bài cụ thể, định kỳ xuống nắm lại mức độ hoàn thành của các em, rồi có phản hồi 2 chiều. Những đối tượng này các em tự học ở nhà nhưng có hướng dẫn đặc biệt của giáo viên", ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết.
Học sinh cùng học với nhau từ thiết bị Laptop
Theo hình thức học mới này, tỉnh Trà Vinh có tới 24% học sinh không đủ điều kiện tham gia vì thiếu thiết bị học trực tuyến. Do vậy tỉnh cần hỗ trợ ít nhất 4.000 thiết bị mới đảm bảo việc học cho tất cả học sinh trên địa bàn.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, trước mắt tỉnh chỉ còn có thể chỉ đạo vận động xã hội hóa, vì các doanh nghiệp của Trà Vinh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hầu hết đang gặp khó khăn vì tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài. Còn các doanh nghiệp ngoài tỉnh đóng trên địa bàn đã tham gia nhiều vào Quỹ An sinh xã hội và Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, học sinh vẫn còn thiếu thiết bị học trực tuyến, tỉnh sẽ tính đến phương án khác.
"Những học sinh chưa có máy tính, điện thoại để học trực tuyến thì tỉnh cũng tính đến phương án vận động tương thân, tương ái, như những máy tính mà một số người không còn sử dụng có thể tặng những em có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến. Thứ hai vừa qua Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình "Sóng và Máy tính cho em", tôi mong rằng Trung ương sẽ phân bổ cho Trà Vinh một số", ông Hẳn cho hay.
Để vừa chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo chương trình học cho học sinh trên địa bàn, bên cạnh sự chủ động đưa ra nhiều phương án của ngành giáo dục và chính quyền, mong rằng các đơn vị, các nhân có điều kiện cùng chung tay, hỗ trợ Trà Vinh tháo gỡ khó khăn này.
Tỉnh Trà Vinh hiện cũng đang triển khai thực hiện chương trình "Sóng và Máy tính cho em", theo đó Sở GD-ĐT Trà Vinh kêu gọi toàn bộ cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành ủng hộ kinh phí tối thiểu 01 ngày lương; vận động các nhà hảo tâm và doanh nghiệp đóng góp giúp các em học tập. Tuy nhiên vào thời điểm khó khăn như hiện nay, ở Trà Vinh rất ít doanh nghiệp tham gia đóng góp cho chương trình này./.
1.000 học sinh nghèo Đà Nẵng được tặng thiết bị học trực tuyến Ngày 24.9, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết vừa tiếp nhận thiết bị hỗ trợ giúp học sinh nghèo có thể học trực tuyến. Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng (trái) nhận bảng tượng trưng trao tặng 1.000 thiết bị học trực tuyến - NGỌC HÀ Cụ thể, Sở GD-ĐT Đà Nẵng phối hợp với Phân hiệu...