Học trực tuyến: Quá sức học sinh lớp 1!
Đồng hành cùng con lớp 1 học trực tuyến suốt 1 tháng nay, tôi hiểu hơn sự vất vả của các cô giáo và thương các con nhiều hơn khi những bài học đầu tiên có vẻ như quá sức.
Và quan trọng hơn, tôi phát hiện ra có những bài tập lớp 1 dường như đang được biên soạn cho phụ huynh chứ không phải cho học sinh lớp 1 học trực tuyến.
Phụ huynh có học thay con?
Về lý thuyết, giáo viên mầm non không được phép dạy chữ cho các con mà chỉ giúp các con nhận biết bảng chữ cái, các số từ 0 đến 10, nhưng ngay trong tháng đầu tiên của năm học lớp 1, các con đã phải làm những bài tập mà kể cả khi đã biết đọc chút ít các con cũng khó mà tự làm được. Xin được dẫn chứng ra đây Bài 3. Nhiều hơn, ít hơn, bằng nhau của Vở Bài tập toán lớp 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong bài 3, tiết 1 có 2 bài tập với yêu cầu tương tự nhau.
Bài tập số 2 cho một hình vẽ có 4 con chuồn chuồn, 3 con bướm và 5 bông hoa với yêu cầu “Khoanh vào chữ đặt trước câu đúng.
A. Số chuồn chuồn bằng số hoa.
B. Số hoa nhiều hơn số bướm.
C. Số bướm nhiều hơn số chuồn chuồn”.
Với vốn từ tiếng Việt học được chỉ trong một tháng, con khó có thể tự đọc hết yêu cầu của bài tập. Vì vậy, để con có thể hoàn thành bài tập, tôi chỉ còn cách hướng dẫn con đếm và chỉ cho con khoanh vào đáp án A hay B, C. Nhưng làm như thế liệu có phải tôi đã học thay con?
Học sinh lớp 1 ở TP.HCM học trực tuyến – NGUYỄN LOAN
Bài tập liệu đã vừa sức với con – một học sinh (HS) lớp 1? Nếu con không được học chữ trước khi vào lớp 1, liệu con có đủ sức theo kịp chương trình? Với một lớp học có tới 40 – 50 HS, liệu một cô giáo có thể hoàn thành tất cả các yêu cầu của một tiết dạy cho dù dạy trực tiếp chứ không phải dạy trực tuyến như hiện tại?
Không phải phụ huynh nào cũng có thời gian, kiến thức kèm con học. Nếu không có phụ huynh sát sao cùng con, hướng dẫn con thì liệu con có tự mình hoàn thành được các yêu cầu của chương trình không? Trong khi đối với HS lớp 1 phương pháp dạy, kỹ năng sư phạm của giáo viên là vô cùng quan trọng.
Gánh nặng tiền sách
Video đang HOT
Bên cạnh đó, chi phí sách vở cũng là một gánh nặng không kém. Chỉ tính riêng môn tiếng Việt, HS đã phải mua 5 cuốn gồm: sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Vở bài tập Tiếng Việt 1, Vở Tập viết 1, Vở Luyện viết 1 của cùng một bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, vở Luyện viết cho bé chuẩn bị vào lớp 1 (cuốn này cô giáo khuyến khích chứ không bắt buộc).
Trong 5 cuốn nói trên thì có 4 cuốn là tập 1, vẫn còn 4 cuốn tập 2. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, kết thúc năm học lớp 1, chỉ tính riêng môn tiếng Việt, HS sẽ phải học hết 2 cuốn sách giáo khoa và làm hết 7 cuốn bài tập. Chính vì vậy, tiền sách giáo khoa không nhiều nhưng tiền vở bài tập lại không ít.
Ý kiến
Giáo viên cũng “than trời”
Giáo viên cũng “than trời” kêu khó chứ đừng nói gì đến phụ huynh. Là trường công, sĩ số mỗi lớp lên tới 56 – 57 HS, và vẫn đang phải tiếp tục tuyển sinh theo chỉ đạo của UBND quận và phòng GD-ĐT vì nhiều trường hợp gia đình HS vừa đi cách ly về, hay trước đó không nhận được thông tin tuyển sinh do tình hình giãn cách. Đau đầu lắm, giáo viên của tôi cũng than vì lớp quá đông, mỗi lần vào lớp đều như “cái chợ” cô không thể nào quản hết được HS khi sĩ số quá đông. Chưa kể, các cô phải sửa bài tập, hướng dẫn chi tiết cho từng em nên rất vất vả.
Hồ Thị Ngọc Hoa – (Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du, Q.12, TP.HCM)
Vai trò của phụ huynh cực kỳ quan trọng
“Cô ơi, em sợ con khó tập trung, lớp 1 sao học trực tuyến…” là những lo ngại của hầu hết phụ huynh đầu năm học. Lúc đó, mình vẫn nói với phụ huynh phải tự tin và cùng hỗ trợ với cô, vai trò của phụ huynh rất quan trọng.
Qua 4 tuần thực học, những ngày đầu phụ huynh túc trực hỗ trợ, còn bây giờ phụ huynh đã dần dần “thả” con ra, các con chủ yếu tự thao tác, tự học. Có vài bé vẫn chưa tự tin, khi giáo viên gọi bài thì cha mẹ nhắc phụ bài nên giáo viên vẫn phải tế nhị nhắc khéo HS tự trả lời, nếu sai thì mình sửa. Sau giờ dạy, giáo viên phải hướng dẫn kỹ, chi tiết từng bước. Còn với những dạng bài tập toán nếu đề bài quá dài, trẻ chưa tự đọc hiểu được thì thường giáo viên có hướng dẫn từng dạng bài để HS hiểu. Mỗi ngày ba mẹ chỉ cần dành khoảng 30 phút hỗ trợ là các con hoàn toàn có thể theo kịp chương trình.
Nguyễn Mai Lan Anh – ( giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7, TP.HCM)
Nguyễn Loan (ghi)
Phụ huynh vốn đã gặp quá nhiều khó khăn vì dịch bệnh kéo dài, thu nhập giảm sút, thêm gánh nặng sách vở cũng là quá sức. Tính cả tiền mua thiết bị để học trực tuyến (laptop hoặc điện thoại), thuê bao internet, sách vở, dụng cụ học tập, quần áo đồng phục và các khoản đóng góp đầu năm thì số tiền đầu tư cho một đứa trẻ lớp 1 trường công có lẽ đã là quá sức với nhiều phụ huynh.
Dở khóc dở cười dạy online tiểu học
Dạy học trực tuyến với những đứa trẻ 6-7 tuổi không thể nào có 'kịch bản' đủ cho mọi tình huống đôi khi dở khóc dở cười.
Cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà, giáo viên lớp 1/1 Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM, tập thể dục buổi sáng cùng học sinh - Ảnh: SONG NGÂN
"Từ đầu năm học đến nay, tôi chỉ thấy phụ huynh than học sinh lớp 1, lớp 2 học trực tuyến khổ quá. Nhưng giáo viên chúng tôi cũng vất vả không kém khi phải dạy từ xa cho trẻ 6, 7 tuổi" - một giáo viên lớp 1 ở nội thành TP.HCM kể.
Khi học sinh buồn ngủ
Một phụ huynh có con học lớp 2 Trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: "Thỉnh thoảng trong giờ học lại thấy cô cho học sinh ngừng học để... hát khởi động. Một phần để giảm stress cho trò nhưng cũng có khi chỉ để giúp cô gọi một bạn đang ngủ quên dậy học tiếp".
Cô H., giáo viên lớp 1 của trường, cho biết nếu chỉ nhắc nhở hay mắng thì học sinh sẽ không thể tỉnh ngủ hoặc bị căng thẳng dẫn tới sợ học. Cô và cha mẹ đã phải trao đổi để chọn khung giờ học phù hợp với nếp sinh hoạt của trẻ ở nhà. Nhưng cũng có nhiều trẻ sợ học quá sinh ra buồn ngủ.
Khi học sinh ngủ, cách của cô là cho cả lớp ngừng lại để hát, đánh thức bạn dậy.
Cô Lê Thị Thanh - một giáo viên ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) - kể có em đang học thì xin đi thay quần. Có em một tiết học đi vệ sinh mấy lần. Có em thì bỗng dưng òa khóc không hiểu tại sao. Đó mới chỉ là những sự vụ ngoài nội dung học tập. Còn liên quan tới bài học thì khá vất vả.
Cô Thu Hằng - giáo viên chủ nhiệm lớp 2 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) - chia sẻ: "Do lớp 1, lớp 2 cần uốn nắn nhiều nên muốn hiệu quả buộc phải chia ca học ở những tiết cần rèn như giờ học ghép âm vần, viết chính tả.
Một ngày dạy nhiều ca đã rất mệt, còn phải soạn bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, trao đổi với cha mẹ học sinh. Cô phải hướng dẫn các bố, mẹ cách kèm con, giải đáp những vướng mắc cha mẹ nêu ra.
Đôi khi phải kiên nhẫn chịu đựng sự bức xúc, giận dữ của nhiều phụ huynh vì họ cũng bất lực không thể kèm được con học online".
Còn cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà - giáo viên lớp 1/1 Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM - cho biết: "Ông xã tôi cứ thắc mắc sao ôm máy suốt từ sáng đến tối. Lớp tôi có nhiều học sinh thuộc diện hoàn cảnh như ba mẹ là lực lượng tuyến đầu chống dịch nên gửi con về quê cho ông bà.
Ba hoặc mẹ là F0 phải cách ly, ba hoặc mẹ đi làm diện "3 tại chỗ" nên không ở nhà cùng con. Mà học trực tuyến không phải em nào cũng nắm được bài như mong muốn. Thế nên tôi sẽ bù đắp cho các em bằng cách buổi tối sau khi ăn cơm xong thì các em mở máy học riêng với cô.
Tôi phụ đạo cho từng em để bảo đảm các em không bị hẫng".
Tạo hứng thú cho học sinh
"À, cô đã thấy bạn Thiên Ân, bạn Ngọc Bích, bạn Khả Yến..." - cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà thường bắt đầu buổi dạy của mình như thế khi thấy các học sinh lần lượt online.
"Sáng nào tôi cũng cho các em tập thể dục đầu giờ. Sau đó là tiết mục chơi "hái sao" nhưng thật ra là kiểm tra bài cũ. Trong tiết học tôi thường xuyên cho các em chơi trò chơi, rồi đưa âm nhạc vào... để tạo hứng thú cho học sinh.
Nhiều bữa thấy học sinh ngồi ngáp ngắn ngáp dài, tôi cho các em múa dân vũ cùng với cô chứ không đợi phải hết tiết mới giải lao" - cô Hà chia sẻ.
Ngoài ra, cô Ngọc Hà còn kể thêm: "Lớp tôi có 36 học sinh lớp 1. Ngay từ đầu năm học, tôi đã chia lớp thành ba nhóm để cô trò làm quen với nhau. Những buổi làm quen này, tôi đề nghị phụ huynh ngồi cùng con để hỗ trợ con tương tác với cô giáo.
Sau khi cho học sinh tự giới thiệu về mình tôi hướng dẫn các em phương pháp học trực tuyến, cách bật/tắt micro, bấm vào biểu tượng giơ tay khi muốn phát biểu, làm quen với những hiệu lệnh của cô giáo. Ngay cả việc gọi học sinh phát biểu cũng vậy.
Thường học sinh lớp 1 rất thích được gọi tên để phát biểu, cô không gọi thì con sẽ buồn. Nhưng học sinh hơi chậm sẽ rất ít khi giơ tay. Tôi phải cân bằng cả hai chứ nếu chỉ gọi những học sinh nhanh nhẹn thì các em còn lại càng mất tự tin".
Cô M.Q., một giáo viên ở quận Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ bí quyết "thu phục" học sinh của mình: "Trước giờ dạy, tôi phải dành thời gian để trò chuyện với học sinh để hiểu về tính cách, những ưu nhược điểm của mỗi em. Như thế mới tìm được cách hỗ trợ, giúp đỡ riêng cho mỗi học sinh.
Đặc biệt trẻ rất thích được khen ngợi kịp thời nên cô thường phải để ý đến từng tiến bộ nhỏ và khích lệ ngay hoặc khen thưởng. Tôi cũng soạn giáo án lồng ghép bài học với trò chơi cùng những hình ảnh bắt mắt thu hút.
Việc dạy phải linh hoạt, không cố ép. Hôm nay dạy chưa hết bài thì thu xếp dạy vào buổi sau. Nhưng cần tính toán khéo léo để không bị quá chậm. Điều lo lắng nhất khi dạy học sinh lớp 1 là viết chữ.
Có trẻ đã làm quen với cách ngồi học, cầm bút nhưng có trẻ chưa biết gì. Việc uốn nắn, hướng dẫn online rất vất vả".
Theo giáo viên dạy lớp 1 ở Hà Nội, mỗi người sẽ phải loay hoay rồi tìm cho mình một cách rèn chữ cho học sinh trong tình huống hiện tại. Ví dụ cô M.Q. chọn cách vất vả hơn cho mình là chia nhỏ lớp vào các tiết dạy viết chính tả.
Cô sẽ phải dạy nhiều ca/ngày nhưng bù lại cô còn thời gian quan tâm đến từng học sinh. Các cô tìm ứng dụng dạy chữ trên mạng, mua thêm webcam để thu hình ảnh gần vào chữ cô viết mẫu hoặc dùng bảng vẽ điện tử...
Để phụ huynh đồng lòng
Theo một số giáo viên ở TP.HCM, cái khó nhất trong thời điểm đầu năm học chính là tâm lý phụ huynh. "Dịch bệnh căng thẳng như thế này, tại sao không cho các bé ngưng học 1 năm hả cô? Con nít học trực tuyến thì sao mà học được?" - cô M.H., giáo viên ở quận Bình Tân, cho hay cô đã nhận được rất nhiều câu hỏi như thế.
"Tâm lý phụ huynh không muốn cho con em học thì việc đầu tiên tôi phải thuyết phục phụ huynh đồng lòng với ngành giáo dục trước đã. Sau đó mới có thể nhờ họ hỗ trợ con em trong quá trình học tập" - giáo viên này nói thêm.
Dạy và học trực tuyến tại Hải Dương đang diễn ra như thế nào? Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cấp học tại tỉnh Hải Dương (trừ bậc mầm non) đang thực hiện dạy và học trực tuyến. Dù đây là phương án phù hợp trong tình giai đoạn hiện nay nhưng vấn đề được phụ huynh và học sinh quan tâm là làm thế nào bảo đảm được chất lượng dạy và học, nhất...