Học trò chết đuối khi đi ngoại khóa: Xin đừng “đùa” với… nước!
Một học trò lớp 4 tại TPHCM tử vong vì đuối nước trong chuyến ngoại khóa của trường. Trước đây, từng xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm xảy ra với học trò.
Sau một ngày điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1, phép màu đã không đến với cậu học trò lớp 4, Trường tiểu học Âu Dương Lân, Q.8, TPHCM.
Lãnh đạo nhà trường cho hay, vào ngày 13/1, 400 học sinh của trường tham gia chương trình ngoại khóa tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương). Trong buổi vui chơi nay, một học sinh lớp 4 bị rơi xuống vùng biển nhân tạo, khu vực được cho là dành cho học sinh tiểu học.
Nhiều vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra với học trò ngay trong hoạt động của nhà trường (Ảnh minh họa)
Em được phát hiện đưa lên bờ và cấp cứu tại một bệnh viện ở Bình Dương trước khi chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM nhưng không qua khỏi.
Được biệt, chuyến ngoại khóa này có kế hoạch từ đầu năm học và liên hệ các đối tác để tổ chức gồm nhà trường, đơn vị lữ hành, khu du lịch Đại Nam.
Tình trạng trẻ em đuối nước ở Việt Nam có thể nói ở mức đáng sợ. Mỗi năm Việt Nam có hơn 3.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển.
Tai nạn đuối nước thương tâm với học trò không chỉ xảy ra bên ngoài, nơi không có người kiểm soát mà nhiều vụ việc xảy ra ngay trong hoạt động tại trường học được tổ chức, giám sát.
Tại TPHCM, từng xảy ra sự việc học trò lớp 6 ở Tân Phú chết đuối ngay trong lúc… học bơi, khi trường thực hiện hoạt động phổ cập bơi lội cho học sinh.
Hay vụ việc kinh hoàng vài năm trước, 7 học sinh THCS tại một trường ở Bình Dương chết đuối ở biển Cần Giờ khi trường tổ chức đi tham quan, dã ngoại.
Sau tai nạn đuối nước xảy ra với học sinh Trường tiểu học Âu Dương Lân, sở GD&ĐT TPHCM cũng tăng cường chỉ đạo các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Trong đó, yêu cầu các trường phải tập trung vào vấn đề an toàn khi tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Chỉ dám cho con học bơi khi đã biết… bơi
Video đang HOT
Quản lý một trường tiểu học ở TPHCM cho hay, hoạt động ngoại khóa là một phần không thể thiếu với học sinh. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khi xây dựng các chương trình ngoại khóa, trường không bao giờ dám tổ chức ở nơi… có nước, sông suối, hồ bơi.
Nhất thủy nhì hỏa, vị quản lý này cho hay, một chương trình hoạt ngoại khóa thường có số học sinh đông. Bản thân nhà trường có thật sự nắm chắc được khả năng quản lý, làm việc hết trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, giám sát, cứu hộ…
Học sinh tại TPHCM trong giờ học bơi
“Tổ chức ngoại khóa ở khu vực sông nước, để thật sự an toàn, một người liệu có thể giám sát được bao nhiêu học sinh?”, ông bày tỏ băn khoăn.
Quản lý nhiều trường cũng thừa nhận việc tổ chức dạy bơi cho học sinh như ngồi trên lửa, các trường không đủ nhân sự, chuyên môn.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT Tân Bình, TPHCM nhiều lần nhấn mạnh một mình nhà trường không thể lo nổi việc dạy bơi cho học sinh mà phải có sự hỗ trợ từ trung tâm thể dục thể thao ở các quận huyện.
Ông khuyến khích, phụ huynh nên chủ động cho con học bơi nếu có điều kiện. Vì thực tế mỗi gia đình lo được cho một đứa trẻ học bơi đã là chuyện không dễ dàng.
Chị Nguyễn Thu Hà, có con học tiểu học ở Bình Thạnh, TPHCM cho biết, trước đây, khi trường con tổ chức học bơi cho học sinh, chị đã phải xin nghỉ việc để đến hồ bơi cùng con. Đúng sau hôm đầu tiên, chị đã xin cho con nghỉ học bơi vì quá… sợ.
Một giờ học, có khi vài lớp cùng tham gia với cả trăm học sinh. Các em nhốn nháo ở hồ với chỉ vài giáo viên, không thể nào kiểm soát nổi. Nhất là ở hồ bơi, quần áo, kính bơi em nào cũng hao hao nhau, nếu một học sinh… “vắng mặt” trong khoảng khắc nào đó thì rất khó để phát hiện.
Chị Hà đăng ký cho con học bơi tại hồ, mỗi buổi học, bố mẹ thay nhau giám sát, không giao cho thầy. “Sau khi con đã biết bơi, bơi thành thạo tôi mới dám cho con tham gia vào lớp học bơi tại trường”, người mẹ cho biết.
Theo chị Hà, đối với việc bơi lội, nên cân nhắc nên đưa vào phổ cập trong nhà trường không khi mà việc tổ chức chưa hiệu quả, khó an toàn, phía nhà trường giao cho đơn vị hồ bơi.
Chị Hà bày tỏ quan điểm: “Việc dạy bơi, trách nhiệm đầu tiên phải từ phía gia đình. Vấn đề sông nước với trẻ nhỏ, chỉ nên thực hiện khi có bố mẹ giám sát”.
Trong tích tắc đã không thấy con đâu
Anh Trần Minh Thanh, phụ huynh ở TPHCM kể, một lần con anh đi bơi, cháu 12 tuổi, cũng đã biết bơi ở mức khá. Chỉ trong một tích tắc thôi, anh nhìn hồ bơi gần trăm đứa trẻ không thấy con đâu.
Việc không nhìn thấy con lúc đó có thể rất bình thường vì các bé trai đều cởi trần, mặc quần bơi, thường đeo kính xanh. Nhưng khi đó, anh đã la toáng lên gọi cứu hộ và phát hiện cháu bị chìm ở dưới đáy. May mắn là cháu được cứu kịp thời.
Từ vụ học sinh đuối nước trong KDL Đại Nam: Lo gặp nạn khi đi ngoại khóa
Trước những tai nạn liên quan đến hoạt động ngoại khóa, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trong khi trách nhiệm các bên liên quan vẫn chưa được làm rõ
Liên quan vụ việc 1 học sinh (HS)lớp 4 Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP HCM) rớt xuống vùng biển nhân tạo ở khu du lịch (KDL) Đại Nam (tỉnh Bình Dương) rồi tử vong hôm 14-1, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 15-1, ông Dương Vân Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 8, cho biết lãnh đạo nhà trường đã báo cáo cho phòng. Trường cũng túc trực liên tục với gia đình HS gặp nạn để xử lý.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Dương Vân Dân, kế hoạch sinh hoạt ngoại khóa đã được Trường Tiểu học Âu Dương Lân thực hiện đầu năm học và liên hệ các đối tác để tổ chức. Trong đợt ngoại khóa lần này có các đơn vị phối hợp tổ chức như công ty du lịch lữ hành và Công ty Đại Nam.
"Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường bằng văn bản, hằng năm có nhắc lại về việc bảo đảm an toàn cho HS khi sinh hoạt ngoại khóa, đặc biệt là những nơi có nước. Để xảy ra sự việc thương tâm này, tôi rất đau lòng" - ông Dương Vân Dân bày tỏ.
Ông Dương Vân Dân cho rằng mỗi chuyến sinh hoạt ngoại khóa ngoài sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm còn có thêm lực lượng hỗ trợ, giám sát và cả phụ huynh (PH) HS. "Dù là sự cố đáng tiếc nhưng cũng là trách nhiệm của người lớn. Trước mắt chúng tôi lo hậu sự và chung tay phụ gia đình rồi sẽ có phương án xử lý sau. Từ thời điểm xảy ra sự cố đến nay, luôn có một đại diện ban giám hiệu và giáo viên đồng hành cùng gia đình để hỗ trợ, chia sẻ" - ông Dương Vân Dân nói.
Theo cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Dương Lân, hiện chưa thể quy trách nhiệm cho ai vì đang chờ cơ quan chức năng kết luận. Đợt ngoại khóa này nằm trong kế hoạch hằng năm của trường. PHHS tự nguyện đăng ký cho con tham gia và đóng phí 280.000 đồng/em. Sau sự cố đau lòng này, trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Về việc có tiếp tục tổ chức ngoại khóa cho HS trong thời gian tới hay không, ông Dương Vân Dân nhìn nhận đối với Trường Tiểu học Âu Dương Lân, để tiếp tục tổ chức trong thời gian tới là rất khó. Tuy nhiên, không vì một trường hợp hy hữu mà chỉ đạo tất cả các trường phải ngưng tổ chức ngoại khóa cho HS.
Tiết học ngoại khóa nhằm mục đích chính là phát triển cho HS nên vẫn phải thực hiện nhưng cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các trường khi tổ chức cho HS đi ngoại khóa cần phải chú ý an toàn hơn nữa, hạn chế đến những nơi ao, hồ, sông, suối...
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết hướng xử lý vụ việc tiếp theo đang được ban lãnh đạo sở cân nhắc. Trước hết, Sở GD-ĐT sẽ ban hành văn bản tăng cường chỉ đạo hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Khu Du lịch Đại Nam với nơi vui chơi dành cho trẻ em (ảnh minh họa) Ảnh: KDL ĐẠI NAM
Phụ huynh lo lắng
Cũng trong ngày 14-1, tại KDL Đảo Ngọc Xanh ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, có một nhóm người chơi tàu lượn siêu tốc. Trong quá trình vận hành, toa tàu lượn siêu tốc bị trượt khỏi đường ray khiến nhiều người rơi xuống đất, trong đó có 2 HS bị thương, 1 HS tử vong.
Tất cả các em đều sinh năm 2004, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, gặp nạn khi đi dã ngoại do trường tổ chức. Hiện công an huyện phối hợp với lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ tai nạn. UBND huyện Thanh Thủy cũng đã chỉ đạo Công ty CP Ao Vua (chủ đầu tư) tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh.
Trước những tai nạn liên tiếp liên quan đến hoạt động ngoại khóa, nhiều PHHS đã bày tỏ lo ngại. Anh Đào Lê - có 2 con học tiểu học ở quận Phú Nhuận, TP HCM - cho biết đã thành "thông lệ", cứ trong buổi họp với phụ huynh đầu năm học mới, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các lớp tiểu học đều đưa ra chương trình ngoại khóa trong năm. Theo đó, có trường lập kế hoạch 3 buổi ngoại khóa, có trường 2 hay 1 với cam kết từ GVCN là việc học ngoại khóa hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc.
Thế nhưng, thực tế cứ vào các ngày nhà trường tổ chức cho HS đi học ngoại khóa thì PH lại nhận được thông báo từ GVCN: "Nếu anh (chị) không cho con tham gia buổi học ngoại khóa thì đến rước bé về lúc 10 giờ, vì nhà trường không tổ chức ăn trưa cũng như dạy vào buổi chiều cho các bé". Điều này đồng nghĩa với việc sinh hoạt của không ít PH không cho con đi ngoại khóa bị đảo lộn do phải sắp xếp thời gian, công việc đưa đón, phục vụ trẻ ăn ngủ khi ở nhà.
Vì vậy, dù có khá nhiều PH không muốn con em tham gia ngoại khóa (đa phần là ở các công viên nước như Đầm Sen, Suối Tiên, KDL Đại Nam...) do sợ nguy hiểm, thất lạc nhưng vì không thể sắp xếp được công việc nên phải đăng ký cho con đi mà lòng lo lắng, bất an. "Dẫu biết việc học ngoại khóa nhằm giúp trẻ năng động hơn, đoàn kết hơn, sáng tạo hơn nhưng để cùng lúc đưa hàng trăm bé đi cùng thì đòi hỏi phải có lực lượng người lớn hùng hậu đi kèm, còn cứ 1 người quản 40-50 trẻ xem ra khó tránh khỏi những điều bất trắc" - anh Đào Lê góp ý.
Chị Thu Thủy - có con học lớp 7 tại quận Gò Vấp, TP HCM - cho rằng dù PH được quyền lựa chọn cho con tham gia sinh hoạt ngoại khóa hay không thì phần lớn đều bị "ép tự nguyện". HS sợ khi không đăng ký đi ngoại khóa sẽ bị đánh giá hạnh kiểm hoặc điểm hoạt động thấp; còn PH đồng ý cho con tham gia, nếu xảy ra sự cố thì không biết ai sẽ chịu trách nhiệm.
"Tôi rất ủng hộ việc tổ chức ngoại khóa để trẻ có cơ hội tiếp xúc thực tế, học được nhiều kỹ năng. Vấn đề là nhà trường có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ không hay được vạ thì má đã sưng?" - chị Thủy băn khoăn.
Đại diện KDL Đại Nam nói gì?
Ngày 15-1, trả lời Báo Người Lao Động, đại diện KDL Đại Nam cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc. Hiện KDL đang làm việc với các cơ quan liên quan và gia đình để hỗ trợ, lo ma chay cho HS gặp nạn.
Về nguyên nhân dẫn đến tai nạn cũng như trách nhiệm của KDL Đại Nam, vị đại diện này cho biết đang chờ kết quả từ cơ quan điều tra.
Theo ghi nhận, trong ngày 15-1, rất đông HS vẫn đến KDL này vui chơi, giải trí.
T.Đồng
Vụ tàu siêu tốc văng, 3 học sinh thương vong: "Lỗi ở nhà trường" Luật sư, chuyên gia giáo dục chung quan điểm, vụ tàu siêu tốc trật khỏi đường ray khiến 3 học sinh thương vong có trách nhiệm của nhà trường cũng như người đứng đầu. Không thể "mất bò mới lo làm chuồng" Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại khu...