Học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề vẫn vướng mắc chuyện học văn hoá THPT
Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT tại các trường nghề. Tuy nhiên, dự thảo này vẫn chưa giải quyết được vướng mắc lâu nay về việc học văn hóa của học sinh học nghề.
Học sinh một trường nghề đang học văn hoá tại Trung tâm GDTX – V.Đ
Trường nghề vẫn chỉ dạy 4 môn văn hoá
Theo dự thảo thông tư, mục đích giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT là nhằm giúp học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Đối với mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải học ít nhất 4 môn học gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn; mỗi môn 270 tiết) và ít nhất 2 môn lựa chọn (trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi môn 180 tiết), theo dự thảo. Học sinh được phép bảo lưu khối lượng kiến thức văn hoá này.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 4 môn này, học sinh vẫn không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì các em vẫn phải học thêm chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, bao gồm 7 môn học.
Video đang HOT
Vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh
Nhận định về dự thảo này, tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Về cơ bản, dự thảo thông tư không có gì mới so với thông tư trước đây, ở chỗ trường nghề vẫn chỉ được dạy các môn văn hoá cơ bản, phù hợp với ngành học, còn nếu muốn thi tốt nghiệp THPT thì các em vẫn phải đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên để học”.
“Lâu nay, các trường đấu tranh là để được phép dạy 7 môn văn hoá cho học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề để giúp các em thuận lợi hơn. Khi học xong, trường nghề sẽ được đăng ký với Sở GD-ĐT cho các em thi tốt nghiệp THPT mà không cần thông qua đơn vị trung gian là Trung tâm GDTX”, tiến sĩ Vân lưu ý.
Tiến sĩ L.P, hiệu trưởng một trưởng CĐ tại TP.HCM, còn chỉ ra một số bất cập là số tiết học các môn văn hóa trong dự thảo thông tư không đồng bộ, cụ thể là ít hơn so với khối lượng học cùng môn đó tại Trung tâm GDTX, do đó học sinh sẽ không thể bảo lưu kết quả mà phải học lại từ đầu nếu muốn thi tốt nghiệp THPT.
Còn tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nova, cũng cho rằng dự thảo chỉ có một chút thay đổi so với thông tư trước đó của Bộ GD-ĐT. Đó là số lượng môn học văn hóa cho tất cả ngành nghề là như nhau – 4 môn, trong khi trước đây có ngành nghề là 5-6 môn, theo tiến sĩ Thành.
“Qua dự thảo thông tư, chúng ta có thể thấy dù Bộ LĐ-TB-XH và các trường nghề kiến nghị với Bộ GD-ĐT về việc cho phép trường nghề được dạy 7 môn văn hoá để giúp học sinh có thể dự thi tốt nghiệp THPT, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn không cho phép. Đây là một điều đáng tiếc khi học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề vẫn chưa thực sự được tạo điều kiện thuận lợi”, tiến sĩ Thành cho hay.
Công bố kết luận về dạy và cấp bằng văn hóa trong trường nghề
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tiếp tục tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Thông tin từ Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), cho biết Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc cấp bằng tốt nghiệp THCS cho các học sinh Học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Được biết, kết luận này được đưa ra sau cuộc họp ngày 6-4 vừa qua tại trụ sở Chính phủ, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch, Bộ Tư pháp, đại diện Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Cuộc họp diễn ra xuất phát từ sự việc hàng trăm phụ huynh, học sinh của Học viện Múa Việt Nam vừa qua đã có đơn thư gửi đến báo chí. Họ cho rằng con em của họ sau một thời gian dài theo học trung cấp tại Học viện này nhưng khi ra trường không được cấp bất kỳ bằng nào, từ bằng tốt nghiệp THCS, THPT và cả bằng trung cấp.
Sau khi nghe báo cáo về vụ việc và lấy ý kiến từ các đại biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những năm qua, công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS đã có những thay đổi tích cực. Số học sinh tham gia học nghề tăng. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn những vướng mắc, bất cập.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH và các cơ quan khác phối hợp để giải quyết một số vướng mắc, bất cập hiện nay trong công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Các biện pháp giải quyết phải trên tinh thần đảm bảo lợi ích người học; tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc trong thời gian tới để các cơ sở giáo dục và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục.
Với những vướng mắc do các quy định của pháp luật chưa đồng bộ, cần tập trung giải quyết ngay theo thẩm quyền theo hướng vận dụng tối đa các quy định để giải quyết trước mắt, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bỏ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp.
Học sinh Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng trong một giờ học. Ảnh: PA
Riêng đối với vấn đề xảy ra tại Học viện Múa Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Do đặc thù của ngành múa và một số ngành nghệ thuật, các học sinh theo học hệ trung cấp, cao đẳng được tuyển vào rất sớm (từ đầu cấp THCS), đã hoàn thành chương tình học văn hóa thì được cấp bằng tốt nghiệp THCS. Trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, nếu không có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của luật Giáo dục năm 2019.
Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo thực hiện cấp bằng THCS cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam đã hoàn thành chương trình giáo dục cấp THCS; cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục cấp THTP tại thời điểm mà các em hoàn thành chương trình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH hướng dẫn xử lý thế nào về việc các cơ sở tuy được tổ chức dạy học nhưng lại không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Về lâu dài, hai Bộ này cần có quy định, hướng dẫn để các cấp chính quyền căn cứ tình hình cụ thể trên địa bàn thực hiện giao thêm chức năng giáo dục thường xuyên hoặc thực hiện sắp xếp cơ sở giáo dục thường xuyên hiện có nhằm phát huy tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo. Đồng thời nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để các cơ sở được tổ chức dạy chương trình văn hóa THPT thì đều có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
Về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo kiến nghị của Bộ LĐTB&XH và Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng đồng ý và giao Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT được tiếp tục thực hiện.
Dạy văn hóa trong trường nghề: Vận động theo hướng tích hợp Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Uỷ ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, cần xem lại việc dạy văn hóa trong trường nghề, trường năng khiếu phải gắn liền với việc học chuyên môn của các em, đó mới là hướng đi bền vững. Đó cũng là xu hướng thế giới hiện nay. Dạy và học theo hướng...