Học sinh không biết đọc cũng được lên lớp
Nhiều học sinh viết chữ chưa thạo, không làm được phép toán đơn giản nhưng hàng năm vẫn được lên lớp. Thực trạng này đang tồn tại ở ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng.
Một trong những trường hợp này là em Lâm Sơn Vũ, khóm 5, phường 8, thành phố Sóc Trăng. Chị Tô Thị Quỳnh Giao, phụ huynh em Vũ cho biết trước đây, Vũ là học sinh Trường tiểu học Lý Đạo Thành, phường 8, TP Sóc Trăng. Năm học 2016 – 2017, em được tuyển vào lớp 6, Trường THCS Lê Vĩnh Hòa.
Tuy nhiên, khi vào học chính thức được vài ngày, gia đình nhận được thông báo từ nhà trường, em học rất yếu. Không đọc và viết chữ thành thạo, em không thể theo học lớp 6.
“Thầy chủ nhiệm nói con của em yếu quá rồi, cho xuống học lại lớp 1. Lúc đó, em không biết gì luôn. Em chỉ biết nước mắt rơi xuống”, chị Giao nói.
Học lớp 3, nhưng nhiều học sinh ở Trường tiểu học Lê Hồng Phong (phường 3, TP Sóc Trăng) lại không đọc được chữ. Ảnh: VOV.
Thực tế, khi được yêu cầu viết tên mẹ mình, Vũ cũng không viết được, mặc dù đã được đánh vần cho từng chữ.
Chị Giao cho biết thời gian Vũ học lớp 4 và 5 Trường tiểu học Lý Đạo Thành, gia đình phát hiện em học rất yếu nên yêu cầu nhà trường cho ở lại lớp học thêm một năm. Tuy nhiên, trường Lý Đạo Thành không chấp thuận, vì cho rằng Vũ đã đủ số điểm để lên lớp; đồng thời hứa sẽ tăng cường dạy phụ đạo cho em.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận về trường hợp của em Lâm Sơn Vũ. Cô Hạnh cho biết nhà trường khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử một giáo viên kèm riêng cho em, bắt đầu từ chương trình lớp một. Tuy nhiên, Vũ vào học được vài ngày rồi nghỉ học. Nhà trường đang liên hệ để vận động em tiếp tục đến trường.
Theo cô Hạnh, hàng năm, để xét lên lớp, nhà trường tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp lại không biết đọc như trường hợp của em Vũ, lỗi một phần do nhà trường, quá tin tưởng giáo viên.
Không riêng trường tiểu học Lý Đạo Thành, Trường tiểu học Lê Hồng Phong, thuộc phường 3, TP Sóc Trăng cũng có đến 8 em đã vào lớp 3 nhưng chưa biết đọc, biết viết. Điều đáng nói, đây lại là một trong những điểm trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục.
Cô Khương Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong cho biết, số em này là học sinh lưu ban của lớp 3 năm học vừa rồi. Sau khi nhà trường kiểm tra, phát hiện các em chưa thể đọc và viết chữ, trường quyết định cho các em ở lại một năm để bồi dưỡng.
Cô Khương Thị Thoa thừa nhận sự thiếu sót trong quản lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Giải pháp khắc phục được nhà trường đưa ra là tăng cường thời gian phụ đạo, bồi dưỡng để các em có thể theo kịp các bạn trong lớp.
Bà Dương Thị Ngọc Diễm, Trưởng phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng cho biết do đặc thù địa phương có đông con em đồng bào dân tộc, khả năng tiếp thu của các em còn hạn chế. Một phần nữa do năng lực của giáo viên còn hạn chế. Phòng Giáo dục thành phố này đã chỉ đạo các trường có biện pháp khắc phục, kèm cặp cho các em; đồng thời, củng cố nguồn lực giáo viên.
Bà Dương Thị Ngọc Diễm nói: “Hiện nay, Phòng đã chỉ đạo Ban giám hiệu nhà trường phải xác định, đánh giá theo Thông tư 30, đích thực và chuẩn thực sự, không chạy theo thành tích. Vừa qua, phía ngành cũng có nghe chia sẻ từ một vài giáo viên cho rằng, một bộ phận nhỏ giáo viên của trường này, dường như phần đánh giá cũng chưa sát sao, dẫn đến tình trạng học sinh đọc chưa được rành mà vẫn cho lên lớp. Chúng tôi đã có làm việc với hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đề nghị kiểm tra, rà soát lại kỹ để báo cáo phòng”.
Thực trạng học sinh không biết chữ nhưng vẫn được “đẩy” lên lớp làm dư luận lo ngại về chất lượng giáo dục ở tỉnh này. Phải chăng, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng chỉ lo bề nổi, chạy theo thành tích, chỉ tiêu mà xem nhẹ chất lượng giảng dạy?
Theo Thạch Hồng/VOV
Sóc Trăng: Cho dù đất phèn mặn vẫn cho thu nhập gần 2 tỷ đồng
Chọn trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát được xem là khởi đầu cho sự thành công mới của nông dân ở Sóc Trăng.
Khởi nghiệp ở vùng đất trũng, nhiễm phèn mặn, rất khó khăn nhưng bằng sự tâm huyết, nỗ lực, sức sáng tạo, áp dụng vào điều kiện thổ nhưỡng, ông Lê Văn Vui ngụ ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi, giúp ông thu về hơn tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lê Văn Vui đang chăm sóc giống mãng cầu gai ghép gốc bình bát
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi ấy ông Lê Văn Vui lập gia đình, với mảnh đất 7.000 m2 ông trồng mía và lúa. Do đất trũng thường xuyên bị ngập úng lại bị nhiễm phèn mặn nên hiệu quả khá thấp. Khi dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau được hình thành những năm sau đó, có nước ngọt, ông Vui liền bắt tay vào trồng thêm nấm rơm cùng chăn nuôi heo để tăng thêm thu nhập.
Qua hơn 10 năm canh tác, ông Vui dần phát hiện, cây mía đã không còn phù hợp, ông quyết định chuyển sang trồng cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát với số lượng 500 gốc. Ông Vui cho biết, giống cây trồng này chịu được ngập nước và phèn mặn. Đây cũng là cây trồng có tiềm năng phát triển kinh tế ổn định.
Chọn trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát được xem là khởi đầu cho sự thành công mới của ông Vui trong tìm tòi, phát hiện và nhân rộng cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai , thổ nhưỡng vùng trũng, nhiễm phèn mặn của Mỹ Quới.
Sau thời gian chăm sóc, mãng cầu gai bắt đầu cho kết quả. Theo ông Vui tính toán, từ năm 2006 - 2010, gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng/năm từ mãng cầu gai. Không bỏ qua cơ hội phát triển tiềm năng loại cây trồng này, ông đã nhân rộng lên 1,3ha với hơn 1000 gốc mãng cầu gai ghép gốc bình bát. Riêng năm 2015, mãng cầu gai được chính bàn tay ông ghép cho sản lượng 27 tấn, thu hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, với cách làm cho trái rải vụ nên thị trường đầu ra luôn ổn định, đảm bảo lợi nhuận cao.
Bên cạnh cây mãng cầu gai, 3 giống cây con còn lại là lúa, nấm rơm và chăn nuôi heo cũng mang về thu nhập đáng kể cho gia đình ông Lê Văn Vui hàng trăm triệu đồng.
Với kinh nghiệm cùng tư duy thăm dò thị trường để hướng tới sản xuất hiệu quả, ông Vui đã chuyển từ sản xuất giống lúa thường sang lúa cao sản, đặc sản, đáp ứng yêu cầu thị trường nên bán có giá và thu về lợi nhuận cao. Năm ngoái gia đình ông thu lãi đạt gần 300 triệu đồng từ trồng lúa cao sản. Ngoài ra ông còn xuất ra 14 tấn heo hơi và 1 tấn nấm rơm; tổng lợi nhuận của 2 cây con này cũng đạt khoảng 140 triệu đồng.
Hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đạt hiệu quả kinh tế cao với cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát của ông Vui đã được nhân rộng.
Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, cho biết, sự nỗ lực của ông Vui đã góp công lớn đưa vùng đất phèn mặn chỉ canh tác lúa và mía ngày nào, giờ đã phủ đầy cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, vừa cho lợi nhuận cao.
Với thành tích đạt được, ông Vui được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Đặc biệt, năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3 vì đã có thành tích xuất sắc áp dụng mô hình kỹ thuật cao trong sản xuất, đem lại hiệu quả. Mới đây nhất ông được Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016".
Theo_VOV
Những điểm đến hấp dẫn của miền Tây mùa nước nổi Hồ nước trời búng Bình Thiên, rừng tràm Trà Sư, cánh đồng Tà Pạ... là những điểm đến thú vị của miền Tây mùa nước nổi. Vàm Nao (An Giang) là một cù lao thuộc huyện Phú Tân và đầu cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới (An Giang). Vào mùa nước nổi, nơi này có hiện tượng san nước độc đáo từ...