Học sinh cuối cấp vừa ôn thi vừa lo Covid-19
Covid-19 bùng phát giữa thời điểm ôn thi cấp tốc khiến nhiều học sinh lớp 9 và 12 lo lắng không đạt được phong độ như kỳ vọng.
Buổi học chiều 7/5, thầy giáo yêu cầu cả lớp cập nhật ứng dụng học online, Nguyễn Đức Bình, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú ( Phú Thọ ), thốt lên: “Lại nữa”. Dù vẫn được đến trường với yêu cầu đeo khẩu trang ngay cả trong lớp học, Bình lo vài hôm nữa phải học online bởi Phú Thọ đã xuất hiện ca Covid-19.
Trước đó, trường THPT Trần Phú còn thông báo lùi lịch thi thử tốt nghiệp THPT từ đầu tuần sang cuối tuần sau. “Với tình hình này, em không biết kỳ thi có diễn ra được không. Dù chỉ là thi thử, nó là bước chuẩn bị quan trọng cả về kiến thức và tinh thần cho em”, Bình nói.
Chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp do đã định hướng học hệ cao đẳng ngành Công nghệ thông tin, Bình vẫn sốt ruột vì lực học trung bình, không tập trung học hành trong hai năm trước mà lại gặp Covid-19 giữa giai đoạn ôn thi nước rút. Với em, mục tiêu tốt nghiệp không hề dễ dàng.
Đã thi xong học kỳ, hiện Bình dồn sức cho các môn thi tốt nghiệp. Ngoài hai buổi tối học thêm ở nhà thầy cô, các buổi sáng và chiều trong tuần, em tập trung ôn luyện 6 môn thi tại trường. Lịch học này sẽ duy trì cả trong tháng hè, đến gần thời điểm kỳ thi diễn ra (ngày 7-8/7). Phải dừng đến trường giai đoạn này là sự thiệt thòi bởi theo nam sinh, học trực tuyến không thể đạt hiệu quả như trực tiếp, đặc biệt với những học sinh lực học như em.
“Ở trường, gặp bài khó, em có thể hỏi trực tiếp và được giải đáp ngay. Nhưng với học online, nhiều bạn nhắn thầy cô nên đôi khi phần hỏi của mình không được trả lời nhanh, dẫn đến xao nhãng”, Bình nói. Giờ em chỉ mong kéo dài được việc đến trường ngày nào tốt ngày đó.
Học sinh lớp 12 tại TP HCM tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM hồi cuối tháng 3/2021. Ảnh: Diệu Uy.
Tại TP HCM , tùy vào điều kiện, diễn biến dịch, các trường THPT có thể cho học sinh lớp 12 đến trường ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, khả năng phải học online rất cao khiến nhiều học sinh cuối cấp lo lắng.
Đặt mục tiêu đậu Đại học Kinh tế TP HCM, Trần Quốc Bảo, ngụ quận Phú Nhuận, miệt mài ôn tập, giải đề để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi quan trọng sắp tới. Hai năm học liên tiếp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Bảo có phần tiếc nuối, đặc biệt là ở thời điểm này. “Lẽ ra học sinh sẽ có hơn một tháng ôn tập tập trung tại trường thì nay có khả năng học online. Cũng rất tiếc bởi đây là giai đoạn vàng, nếu được học trực tiếp với thầy thì hiệu quả rất lớn”, Bảo cho hay.
Với học lực giỏi ba năm, nhất là tiếng Anh và Vật lý, Đinh Thiên Ân, học sinh 12 trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp) dự định xét điểm tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) vào khoa Kỹ thuật Cơ điện tử, Đại học Bách Khoa TP HCM.
Video đang HOT
Từ đầu năm, Ân đã xây dựng kế hoạch ôn tập theo từng mảng kiến thức. Sau khi nắm được kiến thức cơ bản, nam sinh tập trung ôn luyện, giải đề để quen áp lực thời gian và không khí trong phòng thi. “Kỳ thi sắp tới em đặt cược toàn bộ cơ hội. Hiện tại, em đã học xong chương trình ở trường và đang bước vào giai đoạn cấp tốc luyện đề để đạt được phong độ tốt nhất hôm thi”, Ân nói.
Ân nhận xét việc ôn tập đang đi đúng theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, Covid-19 ập đến khiến em bị ảnh hưởng. Không phải chỉ lần này, cả những lần phải ngừng đến trường và học online trước đó cũng khiến việc ôn thi của em ít nhiều bị xáo trộn. Đây là điều đáng tiếc khi kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT dàn đều cả lớp 11 và 12.
Với Ân, gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè mang tới hiệu quả tốt hơn rất nhiều khi có thể nêu thắc mắc và trao đổi ý kiến một cách trực quan hơn. Việc học online phụ thuộc vào đường truyền, mạng Internet và đòi hỏi ý thức tự học cao.
Không quá lo về mặt kiến thức bởi chỉ cần đỗ tốt nghiệp để du học Mỹ theo học bổng nhận được hồi tháng 3, Ngọc Anh, học sinh lớp 12 một trường chuyên ở Hà Nội , lại lo lắng kỳ thi tốt nghiệp THPT bị lùi lịch, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội ghi nhận nhiều ca Covid-19 nhất cả nước với 72 ca (tính từ 29/4).
“Em sẽ bay sang Mỹ và nhập học vào nửa cuối tháng 8. Vì vậy, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT bị lùi, có thể em sẽ bị ảnh hưởng. Em lại không có kế hoạch gap year”, Ngọc Anh nói. Nữ sinh cũng lo lắng về sức khỏe, phải xét nghiệp Covid-19 trước khi lên đường sang Mỹ.
Không chỉ học sinh lớp 12, những em lớp 9 chuẩn bị thi vào 10 cũng nóng ruột vì phải học online. Võ Lương Vinh, trường THCS Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) bức bối khi việc ôn tập ở trường và trung tâm đều phải dừng.
“Học online rất nhiều vấn đề mà lớn nhất là em không thể tập trung được như học trên lớp nên hiệu quả kém hơn hẳn”, Vinh nói với kinh nghiệm lần thứ ba phải học online trong hai năm qua. Hiện, em chỉ tập trung học bốn môn Toán, Văn, Anh, Lịch sử để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 ngày 10-11/6.
Đặt nguyện vọng 1 vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều, ngôi trường mà nhiều học sinh quận Long Biên muốn vào nên Vinh lường trước được tính cạnh tranh cao. Điều này khiến em thêm phần áp lực. Nam sinh “ngán” nhất môn Lịch sử bởi môn thi này được thông báo muộn, điểm thi học kỳ vừa rồi lại không cao.
Cho rằng quá thiệt thòi so với lứa học sinh lớp 9 năm ngoái – những bạn chỉ phải học online một đợt và được thi ba môn vào lớp 10, Vinh cầu mong kỳ thi diễn ra đúng thời gian quy định, đề thi không đánh đố.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước nghỉ gần 3 tháng do Covid-19. Năm học 2020-2021, học sinh ở 36 tỉnh thành phải học online khoảng 2-3 tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do dịch bùng phát ở 13 tỉnh thành, tâm điểm là Hải Dương. Học sinh cuối cấp năm nay là lứa phải học online nhiều nhất từ trước tới giờ.
Học thế nào để đạt kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10?
Gần đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại các địa phương, nhưng hàng chục ngàn thí sinh đang phải tạm dừng đến trường để phòng chống dịch. Không ít học sinh lo lắng, loay hoay tìm những cách ôn thi hiệu quả trong mùa dịch.
Theo khung chương trình năm học của Bộ GD-ĐT, chỉ còn gần 1 tháng nữa, học sinh trên cả nước sẽ phải hoàn thành nội dung năm học 2020-2021. Đây cũng là thời điểm các địa phương chuẩn bị tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng chục địa phương trên cả nước đã buộc phải cho học sinh dừng đến trường, chuyển sang học online. Lo lắng là tâm trạng của nhiều học sinh cuối cấp THCS chuẩn bị thi vào lớp 10.
Phân bổ thời gian hợp lý
Chia sẻ về phương pháp ôn tập cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, cô Nguyễn Thanh Thủy, giáo viên trường THCS Ngô Gia Tự, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, hiện tại, thời gian ôn tập không còn nhiều, trước tiên, mỗi học sinh cần tự lên kế hoạch ôn tập riêng cho mình theo quỹ thời gian của bản thân. Kế hoạch càng cụ thể càng tốt. Có thể chia các nội dung ôn tập của các bộ môn theo từng tuần, thậm chí theo từng ngày.
"Các em cũng cần quyết tâm thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ với môn Văn cần học thuộc các văn bản thơ, tóm tắt các văn bản truyện, nắm được hoàn cảnh sáng tác, thể loại các văn bản.... Thời gian biểu phải hợp lí để tránh việc học bị chồng chéo. Cũng cần phân bổ thời gian học, chơi, giải trí phù hợp để giữ gìn sức khỏe, ổn định tâm lý.
Các em cũng cần tuân thủ nguyên tắc không học tủ, học vẹt, học đối phó. Khối lượng kiến thức các em học, ôn được không chỉ là hành trang để bước vào các kỳ vượt vũ môn mà còn phục vụ cho quá trình học tập và cuộc sống sau này", cô Thủy nói.
Cô Nguyễn Thanh Thủy (bên phải) lưu ý thí sinh không nên học tủ, học vẹt khi ôn thi vào lớp 10. (Ảnh: Giáo dục thời đại)
Cô Nguyễn Thanh Thủy cũng lưu ý, nếu trước ngày thi còn băn khoăn, lo lắng về kỳ thi, các em có thể trao đổi, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ để vững vàng tâm lý và kiến thức, tự tin chinh phục các bài thi, đạt được kết quả như nguyện vọng.
Không học tủ, học thêm tràn lan
Cô Nguyễn Thanh Thủy cho biết, trước các kỳ thi, học sinh thường hỏi kinh nghiệm của các anh chị khóa trước, nhiều em có suy nghĩ năm trước đã thi bài nào rồi, năm nay không thi nữa, đề thi học sinh giỏi đã thi rồi thì loại trừ bài đó trong kì thi vào lớp 10 hoặc đoán đề để học tủ dựa vào các vấn đề chính trị, văn hóa lớn trong năm...
Nhận thức này dẫn đến việc học tủ, ôn tủ vào một số bài, một số dạng và không bao quát được toàn bộ chương trình.
"Việc này rất nguy hiểm, khi việc học không thực chất, mang tính đối phó sẽ không thể hi vọng có được kết quả cao trong kì thi. Hơn nữa, việc học tủ sẽ không thể đem đến sự tự tin khi đi thi, dẫn tới tâm lí hoang mang, mất bình tĩnh khi bước vào dự thi, thậm chí có thể dẫn tới việc vi phạm qui chế thi nếu đề không "trúng tủ"", cô Thủy lưu ý.
Để tránh tâm lí chủ quan, học đối phó, học tủ trong học sinh, cô Thủy cho rằng, mỗi giáo viên vẫn cần giúp học sinh nhận thức đúng đắn về vấn đề này, thấy được tác hại nghiêm trọng của việc học tủ để học sinh tự tránh không mắc phải.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tránh việc ôn tập chỉ chú trọng vào dạy một số bài được cho là trọng tâm mà cần có sự khái quát tổng thể nội dung chương trình, ôn luyện cho học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản, tránh dạy để học sinh chỉ học thuộc theo kiểu học vẹt... Thầy cô cần hướng dẫn học sinh các kĩ năng, các phương pháp làm bài ở các dạng để học sinh có thể linh hoạt vận dụng trong việc giải quyết các bài tập.
Gần ngày thi, không ít thí sinh đang miệt mài ôn luyện tại các lò luyện thi từ trực tiếp đến trực tuyến. Cô Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, việc học thêm ngoài học chương trình chính khóa ở trường không phải là yếu tố quyết định học sinh sẽ thi đỗ hay không. Điều quan trọng nhất là sự tự giác, khả năng học tập và đặc biệt trong thời gian dịch bệnh hiện nay, khả năng tự học của học sinh mới mang tính quyết định. Bởi phạm vi kiến thức không nằm ngoài chương trình học, nội dung kiến thức cơ bản theo đúng chuẩn kiến thức và chuẩn kĩ năng đã đề ra. Đề thi không đánh đố, không nâng cao mà đảm bảo phân loại học sinh. Vì thế, các bậc cha mẹ học sinh cần lưu ý các con nắm vững các kiến thức cơ bản, làm các dạng bài tập để rèn luyện kĩ năng. Và đăng kí nguyện vọng dự thi phù hợp với khả năng học tập của con, điều kiện của gia đình.
"Bản thân tôi thường trao đổi, trò chuyện để giúp học sinh nhận thức đúng khó khăn của các em khi vừa nghỉ ở nhà để phòng chống dịch, vừa ôn thi, coi đây không phải là khó khăn riêng của ai mà là của tất cả các bạn học sinh khối 9 năm nay, giúp các em ổn định tâm lý, quyết tâm khắc phục khó khăn.
Đồng thời, tôi xác định với các em đây cũng là cơ hội để rèn luyện có được các kĩ năng, năng lực, phẩm chất như tự học, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác... từ đó hình thành động lực trong việc học tập.
Các em cũng phải nhận thấy rằng, để đạt kết quả cho kì thi vào lớp 10 sắp tới, việc ôn thi không thể là việc làm đối phó, qua loa. Học sinh và phụ huynh học sinh phải biết rõ thực chất khả năng mới có thể đăng kí nguyện vọng phù hợp", cô Thủy nhấn mạnh.
Phụ huynh là chỗ dựa lớn nhất để con vượt qua kỳ thi
Giáo viên trường THCS Ngô Gia Tự cũng cho rằng, trong mỗi kỳ thi, phụ huynh học sinh luôn giữ vai trò quan trọng và không thể thay thế. Phụ huynh học sinh góp phần đảm bảo cho học sinh có được sự an toàn và sức khỏe khi ôn thi trong mùa dịch. Các bậc cha mẹ cũng là người giúp học sinh có đầy đủ các phương tiện, đồ dùng, thiết bị để thuận lợi khi tham gia học trực tuyến.
Trước mùa thi, cô Thủy cho rằng các bậc phụ huynh nên đảm bảo cho các con một không gian học tập yên tĩnh và đảm bảo thời gian theo thời khóa biểu của nhà trường, hỗ trợ việc học ôn cho các con bằng nhiều hình thức như kiểm tra truy bài, giảng bài, hướng dẫn phương pháp học tập...
Thời điểm này, phụ huynh học sinh còn phải đặc biệt quan tâm quản lí việc học của các con qua việc phối kết hợp với nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để từ đó kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho con em mình. Nhất là với những học sinh còn thiếu ý thức tự giác khi học và ôn tập kiến thức cho kỳ thi. Có thể nói, phụ huynh học sinh là động lực, là chỗ dựa tinh thần lớn nhất để học sinh thấy được trách nhiệm của mình mà cố gắng học tập và vững tâm bước vào kỳ thi./.
Thi lớp 10 trường chuyên tại Hà Nội: Không nên tạo thêm áp lực cho học sinh Học sinh (HS) ôn thi vào lớp 10 chuyên tại Hà Nội đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi chính thức được tổ chức vào giữa tháng 6. Ôn luyện, định hướng thi chuyên thế nào để đạt được hiệu quả là những câu hỏi cả HS và phụ huynh đều băn khoăn. Quá tải vì học nhiều...