Học online vất vả, sao thí sinh Hà Nội còn phải thi 4 môn vào lớp 10?
Nhiều phụ huynh thắc mắc về lý do Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định cho thí sinh thi vào lớp 10 năm nay làm 4 môn thi, thay vì 3 môn như năm trước.
UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022. Theo đó, học sinh sẽ thi 4 bài, trong đó có 3 bài thi bắt buộc và 1 bài thi tự chọn. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố môn thi thứ 4 vào tháng 3/2021.
Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh và học sinh. Đa số phụ huynh cho rằng việc bất ngờ yêu cầu thí sinh dự thi vào lớp 10 làm 4 bài thi thay vì 3 môn thi như năm ngoái sẽ gây những khó khăn nhất định cho thí sinh trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Hương Lan (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Năm ngoái cũng ảnh hưởng dịch bệnh, học sinh học online nên chỉ thi 3 môn vào lớp 10. Hà cớ gì năm nay cũng ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh cũng học online và giảm tải chương trình lại yêu cầu các con thi 4 môn?
Lâu nay, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đã bỏ việc thi môn thứ 4 vào lớp 10. Vậy lí do gì mà năm nay Hà Nội lại tăng thêm gánh nặng cho học sinh bằng việc thi 4 môn vào lớp 10?”.
Cùng quan điểm, chị Thúy Hằng (quận Cầu Giấy) cho rằng, việc học online dù là nỗ lực lớn của cả học sinh và giáo viên nhưng vẫn có những hạn chế nhất định.
“Chúng ta hãy thẳng thắn thừa nhận việc học trực tuyến hiện nay chưa mang lại chất lượng như kỳ vọng và đương nhiên không thể bằng các con học trực tiếp.
Online đường truyền lúc có lúc không, các con ngồi ôm cái máy tính trong phòng một mình để học thì sự tương tác giảm đáng kể. Chưa kể sự tự giác của học sinh vẫn chưa cao, nhiều học sinh vừa học bài vừa xem phim, vừa học bài vừa ăn sáng….
Tôi không biết giảm tải ở đâu, chỉ thấy càng ngày học sinh càng học vất vả và phức tạp hơn các thế hệ trước. Thương bọn trẻ suốt ngày gồng mình lên học và học. Chỉ mong cuộc sống lẫn học tập của bọn nhỏ càng nhẹ nhàng, càng gắn đời thường càng tốt.
Hãy giảm tải thực sự cho các con bằng cách cho các con thi 3 môn thôi, năm ngoái các con học online, năm nay cũng online là thiệt thòi lớn rồi, đừng thêm áp lực cho các con nữa”, chị Hằng trăn trở.
Video đang HOT
Trưa 22/2, trao đổi với Infonet, cô Văn Quỳnh Giao – Phó Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thừa nhận học online có những hạn chế.
“Những môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa ngoài hạn chế thời gian như vào lớp online, điểm danh học sinh cũng đã mất 5-7 phút trong khi giờ học chỉ có 45 phút.
Nếu học trực tiếp các con được kiểm tra miệng, được tương tác trực tiếp hay làm việc theo nhóm thì học online có những khó khăn vì thời gian eo hẹp.
Đó là chưa kể những môn tôi kể bên trên yêu cầu những bài thực hành đôi khi là làm thí nghiệm, làm các phản ứng hóa học mà làm qua lớp học online thì rất khó có hiệu quả như mong muốn.
Với những khó khăn nhất định tôi đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội cân nhắc, xem xét việc cho các con thi 3 môn vào lớp 10 như năm ngoái thay vì 4 môn. Điều này vô tình tạo nên những lo lắng và áp lực riêng cho học sinh Hà Nội”, cô Giao nói.
Dự kiến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội sẽ tổ chức vào ngày 29 và 30-5-2021. Học sinh sẽ thực hiện 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ 4 được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố bài thi thứ tư vào tháng 3-2021.
Môn ngữ văn và toán thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi là 120 phút/bài. Các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút/bài.
Đề thi ra trong nội dung chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu trong chương trình lớp 9.
Cách tính điểm xét tuyển: (Điểm bài thi môn toán điểm bài thi môn ngữ văn) x 2 (Điểm bài thi môn ngoại ngữ điểm bài thi môn thứ tư) điểm ưu tiên.
Làm thế nào để giáo viên không bất lực khi dạy học online
Học online khiến giáo viên giảm cảm hứng khi dạy. Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng dạy học là cảm hứng và nhiệt huyết của giáo viên.
Dịp Tết vừa rồi, tôi khảo sát nhanh một số học sinh, phụ huynh và giáo viên về việc học online vừa qua, khá nhiều câu trả lời khá tiêu cực, thậm chí dùng từ ngữ nặng nề.
"Học online ấy à, chị thấy cháu bật máy điểm danh rồi tắt camera, mic, thích làm gì thì làm, cô không kiểm soát nổi".
"Lớp cháu 55 bạn, nhiều bạn cứ nói ào ào cháu không nghe thấy cô nói gì. Cháu chán không buồn học nữa".
Việc học trực tuyến thường xuyên gián đoạn khiến hiệu quả học không tốt. Ảnh: Straitstimes.
Những bất cập khi dạy và học online
Lý do trẻ phải nhìn máy tính quá nhiều, học không hiệu quả, thậm chí chơi game, chat, xem video trong giờ học.
Đại dịch vì Covid-19 làm cho việc dạy học trực tuyến trở nên bắt buộc tại tất cả các trường học, không dừng lại ở mức độ tự chọn như trước. Tại các trường phổ biến là hai cách dạy và học online.
Giáo viên soạn nội dung bài giảng vào file trình chiếu (powerpoint), khi dạy chia sẻ với học sinh. Khi giáo viên nói, học sinh nhìn vào file trình chiếu, tự ghi chép và làm bài tập.
Giáo viên quay clip giảng một bài học, sau đó học sinh sẽ xem và tự ghi chép, làm bài tập.
Thực tế quan sát và là một giáo viên tham gia dạy online nhiều lớp khác nhau, tôi thấy hai phương thức trên có một số nhược điểm.
Thứ nhất, giáo viên không có sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên với học sinh.
Với những học sinh khá, giỏi, các con có thể tự đọc sách, tự xem clip bài giảng và làm được bài tập. Những học sinh trung bình, yếu thường sẽ không hỏi lại thầy cô nếu chưa hiểu. Do đó điều quan trọng thầy cô cần quan sát nét mặt, ánh mắt của học sinh để biết bạn nào hiểu bài hay chưa, từ đó giảng lại để các con hiểu. Nếu không các con sẽ ngày càng không hiểu và chán học.
Thứ hai, giáo viên không kiểm soát được học sinh có ghi chép bài hay đang làm gì khác.
Việc ghi chép có vai trò rất quan trọng, giúp ghi nhớ và hiểu rõ hơn bài học. Đặc biệt những môn cần nhiều tư duy, kỹ năng tính toán như các môn Tự nhiên cần làm được bài toán cụ thể mới có thể coi là hiểu bài.
Nếu giáo viên không quan sát được học sinh sẽ không thể biết các con đang làm gì, khá nhiều bạn dễ mất tập trung có thể làm gì tùy thích như xem clip, chát, đọc báo... thậm chí ngủ gật.
Thứ ba, học online khiến giáo viên giảm cảm hứng khi dạy. Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng dạy học là cảm hứng và nhiệt huyết của giáo viên. Khi giảng bài, nhìn vào ánh mắt học sinh, thầy cô sẽ biết được chỗ nào học sinh đã hiểu, chỗ nào chưa để gia giảm phù hợp. Không điều gì làm giáo viên hào hứng bằng việc tất cả học sinh hiểu bài và sôi nổi tham gia vào bài học.
Khi dạy online mà không giao tiếp với học sinh không khác gì việc cầm tờ giấy nhìn vào tường vừa giảng bài, vừa tưởng tượng đang đứng trước lớp 40-50 học sinh, sẽ không còn cảm xúc giảng dạy.
Giải pháp đề xuất
Qua hơn một năm dạy học online nhiều lớp với trình độ khác nhau, tôi tìm ra giải pháp khá đơn giản khắc phục được những nhược điểm nêu trên.
Giáo viên dùng tấm bảng trắng cỡ vừa (60 x 80 cm), đặt ở một đầu bàn dài khoảng 1,2 m, đầu còn lại đặt laptop (có sẵn camera, mic). Giáo viên ngồi ghế dùng bút dạ giảng bài, viết bảng, camera chiếu thẳng vào bảng và giáo viên. Học sinh có thể nghe giảng, nhìn bảng viết bài như bình thường.
Việc này có ưu điểm chính như giáo viên quan sát, tương tác được với học sinh như trên lớp. Trong quá trình dạy có thể bất chợt gọi học sinh phát biểu để xem đã hiểu bài chưa, học sinh nào chưa chú ý có thể yêu cầu cho xem vở để xem mức độ ghi chép ra sao.
Một số lưu ý cụ thể để việc dạy và học thực hiện tốt như học sinh nhất thiết phải dùng thiết bị có camera, có mic, nhà bạn nào không có thì báo bố mẹ sửa chữa hoặc dùng thiết bị khác, nếu không hiệu quả rất thấp.
Phản xạ tự nhiên của học sinh sẽ là tắt camera. Lý do thì nhiều nhưng nếu làm thế thì đảm bảo khi dạy, giáo viên nhìn toàn màn hình đen xì, không khác gì mình nói cho chính mình.
Thầy cô cần tắt các lựa chọn cho phép học sinh chia sẻ màn hình, viết vẽ. Điều này sẽ giúp các con tập trung hơn khi học, các bạn nghịch ngợm cũng sẽ không quấy phá lớp được.
Thỉnh thoảng giáo viên yêu cầu học sinh giơ vở trước camera để kiểm tra việc ghi chép. Điều này cũng giúp các con có ý thức ghi bài đủ hơn.
Giáo viên cần đặt nội quy rõ ràng, nghiêm cho học sinh như vào muộn quá 5 phút, không bật cam, không đưa vở để giáo viên kiểm tra, gọi không trả lời... mà không có lý do chính đáng thì cho ra ngoài.
Giáo viên cần có kênh liên lạc (nhóm chat) để thông báo luôn với bố mẹ ngay sau buổi học về những học sinh đó để bố mẹ điều chỉnh kịp thời.
Những lớp học quá đông sẽ khó hiệu quả. Thực tế các lớp học trường công thường có khoảng 40-50 học sinh với lực học, ý thức học khác nhau. Việc dạy học trên lớp vốn đã khó nay dạy trực tuyến càng khó hơn. Vậy nên nếu có thể thì chia nhỏ thành các ca khác nhau.
Xét cho cùng, dạy trực tiếp vẫn là số một, không chỉ là kiến thức mà còn là vui chơi, trò chuyện, chia sẻ với bạn bè, thầy cô. Mục tiêu cuối cùng là hình thành một con người trưởng thành toàn diện về kiến thức và nhân cách.
Dịch bệnh bắt buộc chúng ta phải tìm cách thích ứng, sẽ vất vả hơn nhiều cho giáo viên và học sinh, nhưng đành phải cố gắng làm những điều tốt nhất trong khả năng có thể. Đó cũng là dịp tốt để học sinh quen với việc tự học, một kỹ năng quan trọng đi suốt cuộc đời mỗi người.
Chuyên gia 'mách' cách học online hiệu quả khi ở nhà Trong khi ngành giáo dục chưa có quy định chuẩn về hình thức học online, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, một số chuyên gia tham vấn về phương pháp giảng dạy cho giáo viên, cũng như tư vấn để phụ huynh giúp con học online có hiệu quả khi vẫn chưa được đến trường vì dịch COVID-19. Sau một tuần...