Học nghề đâu chỉ để làm thợ
Trong hai ngày 23 và 24-11, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được tổ chức.
Sinh viên học nghề tại Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo đại diện Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, ngày hội mang theo thông điệp: khi đã nắm vững nghề, học sinh, sinh viên trường nghề hoàn toàn có khả năng khởi nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Minh Huyền – vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp) – cho biết hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực về khả năng khởi nghiệp của các bạn trẻ theo học nghề.
Vượt qua định kiến
* Lần đầu tiên được tổ chức, ngày hội năm nay có những điểm nhấn đặc biệt gì, thưa bà?
- Cả nước hiện có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm trên 2 triệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp góp phần phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, giải quyết việc làm, ổn định kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn mới, khởi nghiệp rất cần thiết để tạo việc làm ổn định, bền vững và có những bước đột phá cho nền kinh tế.
Chính vì thế, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được tổ chức, diễn ra trong hai ngày 23 và 24-11 tại Trung tâm văn hóa Hòa Bình (Q.10, TP.HCM).
Ngày hội có 5 hoạt động chính như triển lãm các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp trên cả nước, chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 ( Startup Kite) với 37 đội thi từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí, công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hóa.
Video đang HOT
Hội thảo “Kết nối nguồn lực hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp thời kỳ 4.0″ diễn ra sáng 24-11 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên cùng nhiều lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp. Nhiều báo cáo, tham luận về nhu cầu nhân lực, định hướng đào tạo sẽ được các diễn giả chia sẻ.
* Vẫn còn nhiều định kiến về sinh viên giáo dục nghề nghiệp, cho rằng họ chỉ chọn trường nghề khi không đậu đại học. Như thế, sinh viên trường nghề khởi nghiệp có phải là điều quá sức không?
- Nhiều người vẫn nghĩ khởi nghiệp chỉ dành cho những sinh viên đại học hoặc những bậc cao hơn, nhưng thực tế sinh viên giáo dục nghề nghiệp có rất nhiều thuận lợi để khởi nghiệp. Điều quan trọng nhất, các bạn đang nắm chắc một cái nghề trong tay, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc làm kinh tế.
Chẳng hạn, các bạn học nghề nấu ăn, nghề du lịch rất dễ khởi nghiệp, từ những mô hình sáng tạo nhỏ như xe bán hàng, một thương hiệu món ăn mới… Các bạn học cơ khí hoàn toàn có thể tạo các sản phẩm hiện đại mới như những máy in 3D, với giá thành rẻ hơn thị trường hiện nay.
Chúng tôi nhận thấy sinh viên giáo dục nghề nghiệp rất quan tâm đến khởi nghiệp. Điển hình với cuộc thi Startup Kite đã thu hút gần 1.400 ý tưởng sau 5 tháng phát động, dù lần đầu tổ chức và phát động trong thời gian chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19. 37 dự án tiềm năng từ 28 trường cao đẳng cả nước đã bước vào vòng chung kết, được ban giám khảo là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đánh giá cao.
Từ ngày hội này, Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng các doanh nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước sẽ đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp. Qua đó, nhiều sinh viên sẽ thành công từ phong trào, tạo động lực cho các bạn trẻ khác.
Bà Trần Minh Huyền
Nhiều mô hình hiệu quả
* Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đã và đang có những hỗ trợ gì cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên?
- Chúng tôi nhận thấy không ít cơ sở đào tạo nghề chủ động đổi mới, tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trường cao đẳng Công nghiệp Huế thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo không gian cho giáo viên, học sinh, sinh viên sáng tạo, khởi nghiệp. Một số sản phẩm sáng tạo do nhà trường sản xuất bán tại thị trường Huế.
Hay Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh phối hợp với các doanh nghiệp để được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản, trên cơ sở đó hình thành các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp. Môi trường này giúp các giáo viên và học sinh, sinh viên cọ xát với những công nghệ mới, cũng như có thêm các kiến thức hữu ích, mạnh dạn biến ý tưởng thành hiện thực. Mỗi năm, nhà trường đều tuyên truyền để học sinh, sinh viên có tiềm năng tham gia và phát huy sở trường của mình.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành những chương trình hành động chi tiết, gửi đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có biện pháp như tuyên truyền, tổ chức hỗ trợ tài liệu, xây dựng không gian khởi nghiệp, hỗ trợ vốn cho học sinh, sinh viên. Sự hưởng ứng sâu rộng tạo hiệu ứng lan tỏa sâu trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Minh chứng là nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã ký kết hợp tác với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học nghề khởi nghiệp.
Nhiều hoạt động
Các hoạt động trong ngày hội được diễn ra gần như liên tục trong hai ngày 23 và 24-11 tại Trung tâm văn hóa Hòa Bình (Q.10, TP.HCM), với nhiều hoạt động như trưng bày, triển lãm gian hàng của các trường cao đẳng, trung cấp; các học sinh, sinh viên có dự án khởi nghiệp. Chung kết cuộc thi Startup Kite sẽ được diễn ra trong hai ngày với 37 dự án tiềm năng của sinh viên các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Đáng chú ý, buổi lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 sẽ diễn ra tối 23-11. Vào sáng 24-11, hội thảo kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều lãnh đạo từ các sở, ban, ngành, các trường đại học và nhiều doanh nghiệp hàng đầu. Chiều cùng ngày là buổi lễ trao giải cuộc thi Startup Kite và bế mạc ngày hội.
Những người thầy "truyền lửa" cho sinh viên nghề
Trong Khoa Điện (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Hội), những thầy giáo trẻ Trương Văn Chuyên, Vũ Thanh Tuyến được coi là những người "truyền lửa", đào tạo các thế hệ sinh viên thành công trong nghề nghiệp.
Thầy giáo Trương Văn Chuyên hướng dẫn sinh viên thực hành nghề tự động hóa.
Đam mê và nhiệt huyết
Hơn 8 năm giảng dạy, nhiều thế hệ sinh viên do thầy Trương Văn Chuyên đào tạo trưởng thành và vững bước trên con đường nghề nghiệp, nhiều sinh viên đạt thành tích cao trong các Kỳ thi Kỹ năng nghề; ra trường đã phát triển độc lập, mở doanh nghiệp riêng hoặc làm việc tại các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Denso, Hawee...
Điểm khác biệt của giáo viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là ngoài việc giảng dạy kiến thức chuyên môn còn phải truyền đạt kỹ năng thực hành. Vì vậy, thầy Trương Văn Chuyên đã dành rất nhiều thời gian đến các doanh nghiệp, quan sát, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật kỹ năng mới trong sản xuất để đưa vào giáo trình. Đặc biệt, trong công tác huấn luyện thí sinh nghề rô bốt di động, thầy Chuyên đã truyền đạt cho sinh viên tư duy mới trong lập trình tự động hóa, phát huy khả năng sáng tạo của từng sinh viên.
Đối với lĩnh vực này, khó khăn là nhiều công nghệ mới chưa có tại Việt Nam, nguồn tài liệu rất khó tìm. Thầy Chuyên phải mày mò với những công cụ tìm kiếm chuyên sâu, tận dụng mối liên hệ với các hãng thiết bị ở nước ngoài để xin hoặc đặt hàng tài liệu kỹ thuật; sau đó nghiên cứu, bóc tách những kiến thức cốt lõi, biên soạn lại cho phù hợp.Thầy Chuyên chia sẻ: Bên cạnh việc cập nhật, đào tạo những kỹ năng mới, việc truyền đạt cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp, nuôi dưỡng hoài bão trên con đường nghề nghiệp rất quan trọng. Tôi luôn cố gắng khơi gợi niềm đam mê của các em bằng cách tạo sự hấp dẫn từ chính những bài học chuyên môn, áp dụng những công nghệ mới và tư duy sáng tạo.
Thầy Vũ Thanh Tuyến (giữa) hướng dẫn sinh viên thực hành nghề Lắp đặt Điện.
Cập nhật kiến thức suốt đời
Thầy Vũ Thanh Tuyến đã tham gia giảng dạy 10 năm tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. "Trong vai trò giáo viên, việc khơi nguồn năng lượng tiềm ẩn trong mỗi sinh viên để các em tích cực tham gia học tập và các hoạt động liên quan, đặc biệt là nghiên cứu khoa học là rất quan trọng.
Người giáo viên phải cho các em thấy được mục tiêu trong học tập, lợi ích về kiến thức nền tảng để phát triển vững chắc nghề nghiệp; giúp các em hiểu học nghề không chỉ để biết cách làm việc mà còn đòi hỏi cao hơn về sự tư duy và sáng tạo.
Không phải là lao động chân tay, sinh viên trường nghề còn phải biết lập trình, kết hợp kiến thức thái độ làm việc chuyên nghiệp và kỹ năng tay nghề. Đơn cử như trong nghề lắp đặt điện, hệ thống điện thông minh rất phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế nên đặt ra yêu cầu sinh viên phải lắp đặt thành thạo các thiết bị điện thông minh. Vì vậy, việc cập nhật những công nghệ mới, kỹ năng mới theo tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp", thầy Tuyến chia sẻ.
Qua các kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và Thế giới, thầy Tuyến đã cập nhật các tiêu chuẩn cụ thể của nghề, để từ đó áp dụng vào chương trình đào tạo, giảng dạy kỹ năng mới cho sinh viên. Bên cạnh đó, thầy Tuyến đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, dịch các tiêu chuẩn mới của các hãng thiết bị điện, hướng sinh viên chủ động tìm kiếm tài liệu. Đây là giải pháp giúp sinh viên chủ động cập nhật kiến thức mới ngay từ lúc đang học, một kỹ năng quan trọng theo suốt hành trình nghề nghiệp sau này.
Khi được hỏi về cơ duyên nào đến với nghề, thầy Tuyến chia sẻ, nghề giáo viên giáo dục nghề nghiệp rất cần sự tâm huyết bởi các thầy, cô luôn phải tiếp cận với xưởng thực hành, doanh nghiệp sản xuất, dành nhiều thời gian cập nhật kiến thức nghề cả về lý thuyết và thực hành, cập nhật thiết bị mới, cách lắp đặt, ứng dụng, hoạt động của thiết bị... Đây là những khó khăn rất đặc thù của giáo viên giáo dục nghề nghiệp.
Gặp cô giáo dạy nghề cho hàng ngàn nhân viên quản lý khách sạn, nhà hàng Tới nay, cô Nguyễn Thị Hợp đã đào tạo nhiều lứa học trò thành công. Nếu kể tên ra, rất nhiều người học trò của cô đang là quản lý cấp cao của những nhà hàng, khách sạn hạng sang, trong và ngoài nước. 15 năm làm nghề giáo và những kỷ niệm khó quên với học trò Cô giáo Nguyễn Thị Hợp...