Học ngành gì để ra trường có việc tốt, lương cao?
Chỉ còn ít ngày nữa các thí sinh trên cả nước sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học. Vấn đề về chọn ngành, chọn nghề, cơ hội việc làm sau khi ra trường đang được nhiều em quan tâm.
Học ngành nào để có cơ hội việc làm tốt, nhận mức lương hấp dẫn trong khoảng 4-5 năm tới là câu hỏi được nhiều thí sinh đưa ra tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2021 đang diễn ra hôm nay (11/4) tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, một số ngành nghề thời điểm hiện tại rất “hot” nhưng chưa chắc trong tương lai đã có nhu cầu nhân lực cao. Quan sát nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây, GS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, một số ngành đã và đang tiếp tục có xu hướng phát triển bền vững như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử…
Các chuyên gia tư vấn, giải đáp thắc mắc trực tiếp về công tác tuyển sinh đại học cho thí sinh.
Song GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cũng nhấn mạnh rằng, một xã hội muốn phát triển bền vững luôn cần tất cả các ngành. Khi một ngành nào đó phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của những ngành liên quan khác.
Dự báo thêm về nhu cầu nhân lực, thầy Thảo cho rằng các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai như giao thông vận tải, cơ khí, ô tô, điều khiển tự động hóa, ngôn ngữ, y học. Điểm chung của các ngành này hầu hết đều thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược…
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội lại lưu ý thí sinh cần phân biệt “ngành hot” và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường.
“Một số ngành thí sinh chưa nắm rõ thông tin, ít đăng ký và được cho là không “hot” nhưng sinh viên học đến năm thứ 3, thứ 4 đã được các doanh nghiệp săn lùng như luyện kim, kỹ thuật vật liệu… Điểm chuẩn vào các ngành này cũng thấp hơn nhiều so với những ngành khác.
Năm 2020, điểm chuẩn tại ĐH Bách khoa Hà Nội khoảng 23 điểm, nhưng nhu cầu thị trường rất lớn. Hay ngành kỹ thuật môi trường ít em lựa chọn, tuy nhiên, khoảng 5 năm nữa chắc chắn ngành này sẽ rất nóng, hoặc ngành về năng lượng tái tạo… Các em đừng chỉ nhìn vào tự động hóa, CNTT… những ngành quan trọng nhất cần cho sự phát triển là cơ khí, hóa học…”, thầy Điền nhấn mạnh.
Video đang HOT
Thí sinh tìm hiểu trực tiếp về các ngành, nghề đào tạo tại các gian tư vấn của các trường.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, mục tiêu của Việt Nam giai đoạn 2030-2045 sẽ trở thành nước phát triển. Để hiện thực hóa điều này, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, cảng biển… chuyển đổi số, do đó các ngành về kỹ thuật sẽ có nhu cầu rất lớn. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ đưa sản xuất từ tự động sang thông minh, quá trình đó cũng sẽ đòi hỏi có nền tảng kỹ thuật. Do đó cơ hội việc làm những ngày này trong tương lai còn rất rộng mở.
Một thí sinh đặt câu hỏi, có nguyện vọng thi vào ngành công nghệ sinh học, nhưng lo ngại về cơ hội việc làm sau khi ra trường. TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị, công tác học sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi học bất cứ ngành nào, nếu sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng, chuyên môn, ngoại ngữ sẽ không bao giờ lo thất nghiệp.
Nếu sinh viên thất nghiệp, cần hỏi ngược lại quá trình rèn luyện ra sao, khả năng ngoại ngữ đến đâu, có đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đặt ra hay không. Với ngành công nghệ sinh học, thầy Bình cho rằng, cơ hội việc làm là rất lớn: “Trong đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia về công nghệ sinh học tham gia vào việc phân loại, xét nghiệm Covid-19, hay sau khi học xong, các em có thể làm về công nghệ thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, làm trong các nhà máy chế biến hoặc các phòng xét nghiệm tại các bệnh viện”.
Các chuyên gia cho rằng, khi chọn ngành, chọn nghề, trước hết thí sinh cần căn cứ trên năng lực, sở trường của bản thân, đối chiếu với mức điểm chuẩn các năm để đưa ra quyết định phù hợp nhất./.
Đang dịch Covid-19, học du lịch, dịch vụ có việc làm không?
Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn thì học du lịch, dịch vụ có tìm được việc làm không, đổi mới trong tuyển sinh và cách đào tạo của các trường ra sao để thích ứng hoàn cảnh... là băn khoăn của nhiều học sinh, phụ huynh.
Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn tại Báo Thanh Niên ngày 9.3 - ĐÀO NGỌC THẠCH
Các chuyên gia đã giải đáp cặn kẽ những vấn đề liên quan khối ngành du lịch, dịch vụ tại chương trình Tư vấn tuyển sinh trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai" do Báo Thanh Niên tổ chức vào tối 9.3, diễn ra đồng thời trên các kênh của Báo Thanh Niên: thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên .
Về lâu dài cơ hội việc làm vẫn rộng
Tiến sĩ (TS) Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhấn mạnh hôm nay các em chọn ngành, thì 3 - 4 năm sau mới tốt nghiệp, lập nghiệp, khi đó cơ hội việc làm rộng mở hơn rất nhiều. Ví dụ tại Đà Nẵng, điều hành nhiều resort 5 sao là người nước ngoài, trường ĐH phải đặt ra câu hỏi là đào tạo ra sao để đạt chuẩn mực hội nhập trong tương lai. Theo lịch sử thì cứ sau khủng hoảng, kinh tế vực dậy rất nhanh. Do đó, các em đừng vì sự khủng hoảng bây giờ mà từ bỏ ước mơ, đam mê của mình. Bên cạnh đó, ngành du lịch, dịch vụ có thể tự tạo việc làm, như các sinh viên ra trường tự mở công ty du lịch hay mở nhà hàng.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho hay các em học sinh yên tâm, tình hình bình thường mới đang trở lại ở cả Việt Nam và thế giới, nhất là khi vắc xin đã có, du lịch nội địa ở Việt Nam cũng đang được kích hoạt lại.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khuyên các em học sinh và phụ huynh đừng vì khó khăn hiện tại mà ảnh hưởng tới tầm nhìn về cơ hội nghề nghiệp của ngành du lịch trong tương lai. Năm 2021 các em sinh viên tốt nghiệp có thể khó khăn khi xin việc, nhưng khi Covid-19 đi qua, cơ hội việc làm rất rộng mở. Trên dữ liệu thống kê của nhà trường, 95% sinh viên ra trường 6 tháng là có việc làm.
Còn thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, chia sẻ thẳng thắn đại dịch Covid-19 khiến người học ra trường tìm việc khó khăn. Theo số liệu của nhà trường, sinh viên tốt nghiệp khóa vừa rồi có việc làm đúng lĩnh vực mình học thấp hơn các khóa trước. Nhưng ở trong trường, các thầy cô trang bị kỹ năng sở trường nhất cho sinh viên, còn các em cần mở rộng, học hỏi thêm các ngành khác, "đa năng hóa" mình để chinh phục các công ty.
"Cũng năm qua, có nhiều bạn trẻ thành công khi tạo ra những nền tảng online, cho phép du khách ngồi một chỗ vẫn ngắm cảnh nơi khác như đang đi du lịch thực tế" thạc sĩ Thái nêu dẫn chứng.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho biết trong năm qua có sự dịch chuyển nhân sự trong các ngành do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mọi hoạt động theo hướng trực tuyến, số hóa nhiều hơn. Song về lâu dài nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chắc chắn cao.
Đào tạo thích ứng như thế nào trong dịch Covid-19?
Thạc sĩ Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa Khách sạn - nhà hàng Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn, cho hay để đào tạo một người thiên về dịch vụ thì việc giao tiếp rất quan trọng. Trường tăng cường liên kết với các giáo viên nước ngoài để nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh, đào tạo theo hướng đa ngôn ngữ như tiếng Hàn, Nhật, Thái, Tây Ban Nha...
Về vấn đề thực tập, trường có tới 70% chương trình học là thực hành, sinh viên sẽ có 3 đợt thực tập ở các khách sạn 3 - 5 sao. Nhà trường cũng khuyến khích sinh viên tự tạo công việc cho mình, khởi nghiệp từ ngành học.
Thạc sĩ Lê Âu Ngân Anh, giảng viên ngành quản trị sự kiện Khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ chương trình đào tạo của trường luôn tạo điều kiện để sinh viên thực tập, thực hành nhiều nhất có thể. Hiện nay có 10 doanh nghiệp cam kết tuyển dụng sinh viên của trường sau khi ra trường. Song song đó, trường có mô hình chuẩn quốc tế với bộ môn đặc thù của mình.
Trong khi đó, thạc sĩ Dung cho biết tại HUTECH sinh viên được ưu tiên cho thực hành, từ năm nhất các em được tham gia các "City tour" để hiểu được những kỹ năng cơ bản. Năm thứ 2 các em tham gia học kỳ doanh nghiệp. Các em cũng được thiết lập các kế hoạch, dự án về du lịch cho riêng mình, nhà trường ưu tiên các chủ đề về phát triển du lịch trong Covid-19, khuyến khích các em tham gia cuộc thi khởi nghiệp.
Cùng bàn luận về vấn đề này, TS Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thừa nhận năm 2020 vừa qua cũng có lúc khó khăn khi tìm khách sạn, nhà hàng để sinh viên thực tập trong dịch Covid-19. Song chính nó cũng đã thôi thúc nhà trường đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên thích ứng, hội nhập tốt hơn. Các học phần đổi mới, khởi nghiệp đang là chương trình học bắt buộc cho sinh viên.
Ngành du lịch số là gì ?
TS Nguyễn Mạnh Hoàng cho hay năm nay trường có thêm một ngành mới là ngành du lịch số - đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. Du lịch số là sự xuyên ngành giữa công nghệ thông tin và du lịch. Đối với ngành mới này, sinh viên theo học nhận 2 bằng cử nhân công nghệ thông tin và cử nhân du lịch. Đây sẽ là một lợi thế của các bạn khi tốt nghiệp ra trường.
Ý kiến
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Hôm nay các em chọn ngành, thì 3 - 4 năm sau mới tốt nghiệp, lập nghiệp, khi đó cơ hội việc làm rộng mở hơn rất nhiều.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa Khách sạn - nhà hàng Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn: Để đào tạo một người thiên về dịch vụ thì việc giao tiếp rất quan trọng.
Thạc sĩ Lê Âu Ngân Anh, giảng viên ngành quản trị sự kiện Khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen: Yếu tố ngoại ngữ là sức bật cạnh tranh giữa sinh viên với nhau khi bước ra khỏi trường, đi làm tại doanh nghiệp.
Nên học ngành nào giai đoạn này? Nhiều băn khoăn về lựa chọn ngành nghề của học sinh các trường THPT trên địa bàn Gò Công (Tiền Giang) đã được giải đáp cặn kẽ trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sáng qua (10.4). Học sinh đặt nhiều câu hỏi về ngành nghề, cơ hội việc làm tương lai...