Học giỏi toán nhưng đọc khó, kém văn có thể là dấu hiệu một bệnh tâm thần
Học giỏi toán nhưng lại rất kém văn, khó khăn khi dùng từ, nam bệnh nhân 14 tuổi phải vào viện điều trị.
Các bác sĩ chẩn đoán đây là một bệnh lý tâm thần có tên rối loạn học tập.
Ngày 20/11, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo “Rối loạn học tập ở trẻ em”. Đây là các rối loạn thường gặp ở lứa tuổi học đường nhưng ít được quan tâm.
Trường hợp điển hình là nam sinh 14 tuổi, trú tại Hà Nội vào khám vì rối loạn hành vi. Theo gia đình, bệnh nhân lúc nhỏ phát triển bình thường nhưng nói khó so với các bạn cùng trang lứa. 4 tuổi, bệnh nhân chỉ nói được những câu ngắn, khó mô tả bức tranh hay kể một câu chuyện liền mạch, không thuộc lời bài hát, bài thơ đơn giản.
Khi học tiểu học, bệnh nhân tiếp thu được bài, có thể ghi nhớ các kiến thức và áp dụng các công thức, học giỏi toán. Lớp 1-2, bệnh nhân gặp khó khăn trong môn tiếng Việt, khó hiểu nội dung câu chữ, chép sai từ trong sách in ra vở viết, nói chuyện không rành mạch, đôi khi phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
Lên cấp 2, bệnh nhân tiếp tục học kém môn văn, khó hiểu đề bài, vấp khi dùng từ, diễn đạt. Khi lên lớp 9, bị bạn bè trêu chọc nên bệnh nhân dễ mất tập trung, vò tóc, căng thẳng, học tập giảm sút, giật tóc bạn bè.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, nam sinh được chẩn đoán rối loạn hành vi thanh thiếu niên và học tập. Bác sĩ cho sử dụng thuốc, sau 10 ngày các triệu chứng giảm. Tuy nhiên, khi ra viện bệnh nhân cần được các chuyên gia tâm lý, giáo dục hỗ trợ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến – Phòng Tâm thần Nhi – Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, rối loạn học tập được xếp vào các rối loạn phát triển bao gồm ba nhóm chính:
- Rối loạn đọc: Đặc trưng là khó khăn khi đọc, nhận diện, đánh vần, hiểu được đoạn văn. Tỷ lệ này chiếm 80% các trường hợp rối loạn học tập. Biểu hiện có thể xuất hiện độc lập hoặc đi kèm với các rối loạn khác như tăng động giảm chú ý, cảm xúc hành vi.
Video đang HOT
- Rối loạn viết: Biểu hiện là khó khăn khi viết chính tả.
- Rối loạn tính toán: Khó khăn trong nhận biết con số, tính toán. Biểu hiện khác nhau ở các lứa tuổi, hay đi kèm rối loạn đọc, tăng động giảm chú ý.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ về chứng rối loạn học tập. Ảnh: Lê Phương
Các rối loạn này có thể do yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, các vấn đề liên quan tới gene. Bệnh nhân có thể gặp 1 trong 3 rối loạn trên.
Ở rối loạn học tập, trẻ thường chỉ khó khăn 1 kỹ năng như đọc, viết, tính toán còn trí thông minh vẫn bình thường. Nhiều đứa trẻ học rất giỏi toán nhưng việc đọc lại rất kém. Bác sĩ Yến nhấn mạnh đây không phải khuyết tật về trí tuệ hay tự kỷ.
Dấu hiệu rối loạn học tập như:
1. Đọc từ không chính xác hoặc chậm và tốn nhiều công sức, đọc to từng từ đơn.
2. Khó hiểu ý nghĩa của những gì đã đọc. Trẻ có thể đọc chính xác văn bản nhưng không hiểu trình tự.
3. Kém chính tả, có thể thêm, bớt các nguyên âm hoặc phụ âm.
4. Khó khăn khi diễn đạt như mắc nhiều lỗi ngữ pháp.
5. Khó khăn trong việc nắm vững ý nghĩa số, các dữ kiện về số hoặc phép tính.
6. Khó khăn với các lập luận toán học.
Khi những biểu hiện trên kéo dài 6 tháng, cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra để đánh giá sớm các rối loạn học tập. Can thiệp sớm mang lại hiệu quả tốt hơn, giảm ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ.
Theo bác sĩ Yến, việc can thiệp cho trẻ rối loạn học tập cần thời gian dài với nhóm hỗ trợ từ bác sĩ tâm thần, chuyên khoa tâm lý, ngôn ngữ, giáo dục. Qua đó, trẻ có thể có các mối quan hệ bạn bè bình thường, học tập tốt hơn.
Không biết con bị rối loạn cảm xúc, cha mẹ vẫn phạt, la mắng
Khi trẻ có dấu hiệu rối loạn cảm xúc hay hành vi, nhiều gia đình tìm cách phạt hoặc la mắng, bêu riếu chuyện của các em với người khác.
Hậu quả là trẻ càng bị rối loạn hành vi với mức độ nặng hơn.
Đây là thông tin trong nghiên cứu về Ứng xử của người thân đối với trẻ vị thành niên có triệu chứng rối loạn cảm xúc, hành vi, do bác sĩ Lê Thị Hoàng Liễu và đồng nghiệp thực hiện tại Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM). Nghiên cứu được chia sẻ tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Lê Văn Việt, vừa diễn ra vào cuối tháng 10.
Theo bác sĩ Liễu, rối loạn cảm xúc, hành vi là sự bất thường trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi của trẻ, khó khăn trong việc tuân theo các nguyên tắc hay luật lệ. Các em có biểu hiện như sống cô lập, dễ mệt mỏi, tuyệt vọng, khó tập trung, chán bản thân, mất ngủ, mặc cảm, hành động như có xung lực thúc đẩy...
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 1/2022 đến tháng 7/2023 trên 136 trẻ cùng với 136 người thân, giám hộ. Các em là học sinh từ 12-16 tuổi, được gia đình phát hiện có dấu hiệu hành vi bất thường và đưa đến Phòng tham vấn tâm lý - dinh dưỡng, Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Kết quả ghi nhận, khi mới phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường, hơn 82% người thân chưa biết ứng xử thế nào. Sau đó, khoảng một nửa người thân sẽ quan tâm, trò chuyện. Khi qua 6 tháng mà trẻ vẫn còn biểu hiện hành vi, sự kiên trì của người thân giảm dần.
Nhiều trẻ trong tuổi vị thành niên cảm thấy cô độc, tuyệt vọng, rối loạn hành vi. Ảnh: GL.
Khoảng 78% người thân sử dụng hình phạt, thậm chí bạo lực, khiến trẻ có dấu hiệu rối loạn cảm xúc diễn tiến thành rối loạn hành vi ngày càng nặng. Các hình phạt bao gồm: cắt giảm tiền quà bánh, phạt quỳ gối, úp mặt vào tường, viết cam kết, la mắng, bêu riếu hoặc kể chuyện của trẻ cho người khác, bỏ mặc trẻ...
Riêng nhóm trẻ được gia đình gần gũi, chăm sóc và đồng cảm lại có biến chuyển khác. Trẻ giảm dần biểu hiện và điều chỉnh dần hành vi.
Khảo sát này cũng ghi nhận tuổi của người thân càng cao, sự gần gũi với trẻ càng thấp. Trẻ cảm thấy cô lập, thu mình, không muốn chơi với bạn. Khi ở nhà, trẻ ăn uống một mình, không tiếp xúc trò chuyện hay hoạt động cùng gia đình.
Bác sĩ Liễu khuyến nghị gia đình cần quan tâm đến trẻ vị thành niên để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời khi các em có biểu hiện rối loạn cảm xúc, hành vi. Cha mẹ và gia đình cần điều chỉnh hành vi ứng xử của mình và kiên trì trong giai đoạn can thiệp cho trẻ.
Bác sĩ nhấn mạnh theo UNICEF, năm 2021, cứ 7 thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi lại có một người được chẩn đoán sống chung với chứng rối loạn tâm thần, những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới tự tử.
'Chui' vào nhóm kín trầm cảm, bác sĩ phát hoảng khi Gen Z bày cách chữa rợn người Lập nick ảo 'tàu ngầm' thâm nhập nhóm kín về trầm cảm, bác sĩ tâm thần phát hoảng khi thấy teen chia sẻ kinh nghiệm 'chữa lành nỗi đau' bằng cách rạch tay, tự làm đau, thậm chí... cách tự tử êm ái. Tìm vui ở thế giới ảo... 'Em đang rất bi đát, bây giờ em chỉ muốn kết liễu cuộc đời',...