Học được những gì từ trường chuyên?
Nhờ học trường chuyên, TS Nguyễn Ngọc Minh Phương tìm được hướng đi, không còn là “con cá đặt ở trên cây”.
Dưới đây là chia sẻ về môi trường chuyên của TS Nguyễn Ngọc Minh Phương, nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoctoral researcher) ở Harvard Medical School (B ài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả, không liên quan đến các nghiên cứu của Đại học Harvard):
Có một câu nói của ông Albert Einstein đã theo tôi đến giờ “Everybody is a genius. But if you judge a fish by its ability to climb a tree, it will live its whole life believing that it is stupid” ( Mọi người đều là một thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng trèo lên cây, nó sẽ sống cả đời với niềm tin rằng nó ngu ngốc).
Mấy bữa nay tôi vô tình đọc những chia sẻ về học bạ toàn điểm 10 của các em dự thi vào hệ THCS trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Phương pháp giáo dục ở Việt Nam còn cần sự góp sức để trở nên phù hợp và giúp phát huy tốt nhất năng lực của mỗi học sinh. Tôi cũng biết các anh chị có tâm đang đóng góp vào nền giáo dục nước nhà, nên câu chuyện về cách dạy và học hãy tạm để qua. Tôi chỉ xin chia sẻ những gì tôi thấy được qua những năm tháng học trường chuyên.
TS Nguyễn Ngọc Minh Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trước giờ, tôi đều học ở trường chuyên. Mong các bạn đừng nghĩ đây là một sự khoe khoang, nó chỉ là thực tế để có thể chia sẻ tiếp với các bạn.
Ở Việt Nam, ngay từ hồi tiểu học, THCS, ba mẹ đã chọn cho tôi trường chuyên ở quận. Lên THPT, tôi học trường chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), một trong ba trường chuyên nổi tiếng khu vực phía Nam. Qua Canada, tôi học Đại học McGill, từng được ví “Harvard” của Canada. Và đến Mỹ, tôi đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Harvard. Tôi rất mừng vì đã được học ở những trường này.
Video đang HOT
Tôi nghĩ học trường chuyên cũng có thể ví như mua đồ hiệu. Rất nhiều người phản đối mua đồ hiệu vì giá tiền cao chỉ vì cái mác. Nhưng cũng có nhiều người thích mua đồ hiệu vì có những đồ hiệu mắc thực sự nhờ chất lượng tốt, mua một lần dùng được lâu bền. Cái nào cũng đúng, tùy thuộc vào món đồ đó và sự nghiên cứu của người dùng.
Nói về trường học là nói về chất lượng giáo viên, nội dung bài giảng và môi trường học sinh. Nội dung bài giảng (hay phương pháp dạy học) vẫn là điều đau đầu của Việt Nam. Ở đây tôi xin nói về hai yếu tố còn lại là chất lượng giáo viên và môi trường học sinh.
Giáo viên ở các trường trong suốt ba cấp tôi học ở Việt Nam có một sự tập trung, đòi hỏi nhất định về bài giảng mà tôi nghĩ là cao hơn các trường bình thường (dù vẫn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng như áp lực thời gian, thành tích). Nếu không học ở Lê Hồng Phong, tôi sẽ không biết lân la đi học thử lớp ngoại khóa do thầy hiệu trưởng mở về di truyền học, đánh dấu sự rẽ hướng từ ngành “business” (kinh doanh) qua “science” (khoa học), giúp tôi không còn là “con cá đặt ở trên cây”.
Yếu tố quan trọng còn lại là môi trường học sinh. Nhờ xung quanh có nhiều bạn có nỗ lực, ý chí, mục tiêu mãnh liệt, tôi cũng nghiêm túc hơn, không bị xao nhãng. Thầy cô cũng bớt phải giải quyết những rắc rối bên lề việc học hơn. Nói chung cái gì nhiều yếu tố xao nhãng thì càng mất tập trung vào giá trị cuối cùng là chất lượng dạy và học.
Sau này qua học McGill và Harvard, các trường chuyên đầu tư rất nhiều về ngành tôi theo. Giáo sư giỏi rất nhiều, đầu tư trang thiết bị nhiều, học sinh được nhận vào đây phải có sự sàng lọc nên tinh hoa nhiều, tôi càng có ý chí và cố gắng nhiều.
Trước khi học Master và PhD ở trường McGill (Canada), tôi học đại học (undergraduate) ở trường Concordia, một trường không chuyên cho ngành. Tôi có thể thấy sự khác biệt của các bạn xung quanh. Trường Concordia đầu tư nhiều về các lĩnh vực khác hơn là nghiên cứu khoa học nên điều kiện được nhận khá dễ. Các bạn có phần lơ là hơn. Thầy cô dễ dãi và ít đi chuyên sâu hơn. Tôi cũng thấy được nếu không có sẵn ý chí, mục tiêu tự học cao thì sẽ trở nên lơ là hơn.
Nhưng cái được của trường Concordia là vẫn luôn đảm bảo nội dung dạy và học, đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản cần thiết cho ngành. Sinh viên vẫn phải trải qua các lớp học, được làm nghiên cứu thí nghiệm nhiều trong lab (phòng thí nghiệm, viết project, paper (báo cáo dự án, bài báo).
Hơn nữa, đầu vào của trường dễ nhưng đầu ra rất khó để đảm bảo sinh viên có được chất lượng cơ bản khi ra trường. Trong khi ở Việt Nam hơi ngược, vì đầu vào khó nhưng vào rồi thì có vẻ xao nhãng hơn và đầu ra dễ dãi hơn, sinh viên Việt Nam ra trường có thể ít được trang bị hơn.
Thật ra nhờ học ở Concordia, tôi có ít sự cạnh tranh hơn nên đạt được nhiều học bổng trong ngành của trường, hồ sơ cũng sáng lạng hơn nên tôi không hề hối tiếc. Nhưng cũng giống như mua một cái áo không phải hàng hiệu, chất lượng có thể không bằng, nên tôi phải cẩn thận, giữ gìn hơn so với cái áo chất lượng cao.
Từ những trải nghiệm cá nhân, tôi thấy vấn đề trường chuyên ở Việt Nam cũng như scandal chạy trường vào Harvard và các trường nổi tiếng bị phát hiện năm 2019. Ở đây cái áo hàng hiệu đã làm mọi người bất chấp, biến thành một thái cực khác. Điều nên thay đổi là nâng cấp làm cho mặt bằng chất lượng không có độ chênh lệch cao, để mọi người có nhiều lựa chọn, để nhiều áo hàng hiệu không thét giá mà chất lượng vẫn cao.
Nói cách khác, các trường học phải thay đổi để học sinh không bị học nhiều quá, có thời gian nhìn lại mình, trải nghiệm, để biết mình là cá hay là chim, nên tìm đến dòng sông hay cây cao.
Đã đến lúc nên tổ chức lại mô hình hoạt động của trường chuyên?
Cuộc tranh luận được xới xáo gần đây xoay quanh quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành về đề xuất nên đóng cửa trường Amsterdam.
Cứ đến mùa tuyển sinh hàng năm, câu chuyện đầu vào trường chuyên (gồm cả cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông) với những cuốn học bạ "đẹp" đến khó tin và những lựa chọn khắt khe thậm chí khắc nghiệt. Những ngày gần đây, yêu cầu học bạ phải đạt hầu hết điểm 10 mới đủ điều kiện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam năm học 2020-2021 đã gây ra cuộc tranh luận trên mạng xã hội, trên báo chí giữa các chuyên gia, giáo viên trường chuyên, cựu học sinh trường chuyên về việc có nên tồn tại mô hình trường chuyên hay không.
Trường chuyên hay trường năng khiếu ra đời hơn 40 năm nay, được coi là một thiết chế giáo dục công lập đặc biệt ở Việt Nam - nơi tuyển chọn và đào tạo những cá nhân suất sắc nhất của một lứa học sinh. Không thể phủ nhận mô hình ấy nhiều thập kỷ quả đã đào tạo ra những lứa học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, làm rạng danh nền giáo dục nước nhà. Với nhiều học sinh, việc được học trường chuyên cũng là niềm tự hào khó đong đếm cho bản thân và gia đình. Trường chuyên cũng làm nên danh tiếng, thương hiệu của nhiều địa phương nên việc đầu tư cho cơ sở vật chất, giáo viên của các trường chuyên cũng được ưu tiên đặc biệt so với các trường công lập khác. Thế nhưng, tới giờ, vấn đề "giữ" hay "bỏ" mô hình trường chuyên đã được các chuyên gia đặt ra nhiều lần.
Cuộc tranh luận được xới xáo gần đây xoay quanh quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành - một cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam khoá 1992-1995 về đề xuất nên đóng cửa trường Amsterdam (Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam) hoặc tư nhân hóa và nên làm như vậy với mọi trường chuyên.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành đưa ra đề xuất này dựa trên 4 lập luận, là mô hình trường chuyên tồn tại nhiều bất cập như: là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu, sử dụng ngân sách nhà nước từ thuế của nhiều bố mẹ khác để đầu tư cho học sinh trong trường là không công bằng. Việc chạy đua để vào trường chuyên khiến nảy sinh các tiêu cực như phụ huynh chạy chọt để con em có bảng điểm đẹp, có giải thưởng, làm gia tăng dạy thêm, học thêm... Mục đích của trường chuyên lớp chọn như Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam đã hết vai trò lịch sử của nó.
Các ý kiến tranh luận tập trung vào 3 quan điểm chính, một là xóa bỏ mô hình trường chuyên, hai là vẫn phải giữ hệ thống trường chuyên và ba là phải cải tổ lại hệ thống trường chuyên cho phù hợp với điều kiện dạy và học hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trước một mô hình giáo dục có tính lịch sử thì không nên quyết định ngay việc "giữ" hay "bỏ", nhưng nhất định phải đổi mới hệ thống trường chuyên: "Nhiệm vụ ban đầu là thông qua trường chuyên để bồi dưỡng người tài. Nhưng mà thực chất phát triển rất rộng lớn. Rất nhiều nơi, tỉnh nào cũng có vài trường, vậy mục tiêu ấy đã đúng chưa. Nhưng quan trọng là phương thức đào tạo ở trường chuyên hiện nay vẫn là nuôi gà nòi để đi thi, chưa phải tập trung bồi dưỡng người tài. Vấn đề đặt ra là làm gì cho đúng mục tiêu, không phải nói là bỏ, hoặc bán các trường đi để xã hội hóa".
Không đồng ý với giải pháp tư nhân hóa trường chuyên, nhưng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới cho rằng, hệ thống trường chuyên, lớp chọn cần được đánh giá và cải tiến cho phù hợp. Không nên nhìn vào những tiêu cực nảy sinh tại một số trường chuyên mà đề xuất xóa bỏ, hoặc tư nhân hóa.
"Nếu biến trường chuyên thành một trường tư cũng phải tính xem phương án nào tốt hơn. Trong khi đó đây là một trường công mình đã đầu tư rồi, tiếp tục đầu tư để tạo điều kiện có những trường tốt sẽ càng ngày càng có nhiều trường tốt như vậy. Nhưng còn về các hệ thống trường chuyên lớp chọn thì tôi cho đã đến lúc phải tính toán lại, không nhất thiết phải tổ chức các trường chuyên lớp chọn nữa", GS Thuyết nói.
Với nhiều chuyên gia giáo dục, mô hình trường chuyên vẫn rất cần thiết để đào tạo những học sinh có năng lực vượt trội ở các môn văn hóa. Các trường chuyên được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, giáo trình, giáo viên có năng lực... từ đó tạo được môi trường học tập để học sinh phát huy hết khả năng của mình.
Bà Ngô Thị Tính, nguyên giáo viên dạy Văn, Trường THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam nêu ý kiến: "Theo tôi nên duy trì trường chuyên. Vì trường chuyên thực ra cả tỉnh mới có 1 trường, một trường ấy bao gồm toàn bộ những em học sinh học rất tốt của các trường xã, trường huyện. Thực tế tôi thấy là được đến trường chuyên học đối với các em là một vinh dự, các em cố gắng rất lớn mà tôi thấy đa số là những học sinh nghèo, khó khăn. Bỏ trường chuyên thì tôi thấy không khích lệ động viên được những em có khả năng học".
Đây cũng là quan điểm của anh Nguyễn Thành Nam, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội: "Đối với những học sinh có khả năng, năng lực vượt trội thì nên có những môi trường để các em có điều kiện để phát huy, phát triển được khả năng tốt của mình. Việc mà đào tạo ra những gà nòi thì không phải không có, cái này có ở tất cả các trường, không chỉ ở trường chuyên, nhưng cái đấy cũng chỉ mang tính chất một giai đoạn ngắn, còn toàn bộ giáo trình đào tạo để cho các em phát triển một cách toàn diện là vẫn tuân thủ".
Suy cho cùng, bản thân mô hình trường chuyên không có lỗi. Lỗi nằm ở chỗ phụ huynh thay vì lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với con em mình, lại chạy đua thành tích tạo sức ép lên những đứa trẻ và cả hệ thống giáo dục. Ở tầm vĩ mô, đã đến lúc trường chuyên cũng cần có những thay đổi để lựa chọn được những lứa học sinh có tố chất thực sự đặc biệt để đào tạo nhân lực tinh hoa chứ không nên đón đầu những cuộc đua "đại trà"./.
'Kẻ đốt đền' trường Ams: Trường chuyên đang tồn tại không mục đích Là cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, những ngày qua, TS Nguyễn Đức Thành bị coi là "kẻ đốt đền" với đề xuất bán trường Ams gây xôn xao dư luận, "châm ngòi" cho cuộc tranh luận về mô hình trường chuyên hiện nay. Trước hết, tôi không phê phán chất lượng của trường Ams. Tôi vốn là cựu học...