Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp: Lan tỏa tinh thần sáng tạo
100% trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và đào tạo đã có những hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Đó là kết quả lớn nhất sau 3 năm triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025″. Tuy nhiên, để thúc đẩy, làm lan tỏa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, tạo môi trường hiện thực hóa các ý tưởng, cần có sự chung sức hỗ trợ từ nhiều phía.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với dự án khởi nghiệp Brick One – Hệ sinh thái giáo dục STEM được trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020. Ảnh: Hoài Nguyễn
Gắn học tập với thực hành
Nhằm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025″, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, tạo nền tảng về kiến thức, kỹ năng, giúp học sinh, sinh viên có ý thức gắn việc học tập với thực hành. Từ việc thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại 3 trường đại học vào năm 2018, đến nay, nhiều đơn vị đã có môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; coi trọng hơn việc kết nối với doanh nghiệp…
Một trong những hoạt động có tác động khích lệ, làm lan tỏa tinh thần sáng tạo, hình thành các ý tưởng khởi nghiệp ở các nhà trường là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Hơn 600 dự án khởi nghiệp đã tham dự cuộc thi cấp toàn quốc năm 2020, tăng 3 lần so với năm 2018. Trong số đó, thu hút sự quan tâm đặc biệt phải kể đến dự án khởi nghiệp Brick One – Hệ sinh thái giáo dục STEM của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ dự án này, hiện nhóm đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển công nghệ giáo dục toàn cầu BKTech với quy mô 43 nhân sự (phần lớn là sinh viên).
Anh Dương Thế Long – thành viên của nhóm, đồng thời là Giám đốc kỹ thuật công ty chia sẻ: “Xuất phát từ mong muốn giúp học sinh phổ thông có tư duy tìm tòi, sáng tạo và giảm căng thẳng trong học tập, chúng tôi đã thiết kế một bộ sản phẩm dưới dạng lắp ghép kèm theo sách hướng dẫn.
Quá trình thực hiện dự án, không chỉ được các thầy, cô trong trường tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn, thời gian, kinh phí, nhóm còn được nhà trường kết nối gặp gỡ, tiếp xúc với một số doanh nghiệp để biết được quy trình khởi nghiệp, tìm kiếm nhà đầu tư…”.
Đáng chú ý, sau cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, không ít dự án đã được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, như: Dự án sản xuất thực phẩm chức năng Nano Rutin của học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình); dự án MutilGlass: Thiết bị giao tiếp thông minh hỗ trợ người khuyết tật vận động, tài xế lái xe đường dài của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân…
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Văn Linh, các mục tiêu của đề án đến năm 2020 cơ bản hoàn thành. Cụ thể, 50% các trường đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp; 70% các trường đã tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn về kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.
Hiện đã có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Theo đó, các học viện, trường đại học chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên…
Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo động lực lớn cho sinh viên, đồng thời nâng hiệu quả đào tạo của trường. Song, để thúc đẩy tinh thần sáng tạo của sinh viên, phải tạo cho sinh viên có tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, từ đó có tư duy đổi mới, tạo ra được những dự án khởi nghiệp khả thi…
Các sinh viên trải nghiệm Dự án thiết kế máy sát khuẩn tay tự động – một sản phẩm tham dự cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hoài
Kết nối nhà trường – doanh nghiệp
Ngoài việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, việc kết nối chặt chẽ và thường xuyên hơn giữa nhà trường với doanh nghiệp là giải pháp đang được ngành Giáo dục triển khai nhằm thực hiện tốt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025″.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Hà Xuân Nhâm, cùng với tăng cường dạy học theo các chủ đề liên môn, thực hành, thí nghiệm, học sinh còn được hỗ trợ về thời gian, về chuyên môn và một phần kinh phí để hiện thực hóa các ý tưởng.
Còn theo Tiến sĩ Đinh Quang Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp (Trường Đại học Công nghệ giao thông – vận tải), cùng với việc kết nối với các doanh nghiệp, giúp sinh viên thêm cơ hội trải nghiệm, hoàn thiện kỹ năng, thời gian qua trung tâm còn triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho sinh viên về khởi nghiệp.
Khẳng định sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân thông tin, hiệp hội tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường; đồng hành cùng ngành Giáo dục hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Hiệp hội cũng sẽ kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp khai thác và đầu tư cho những dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, để thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, Bộ tiếp tục tạo môi trường, hỗ trợ nguồn vốn, thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Đồng thời sẽ chỉ đạo các nhà trường đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các không gian khởi nghiệp…
Sinh viên ứng dụng AI để hỗ trợ và kết nối người già
Nhóm sinh viên Đại học Mở Hà Nội thiết lập ứng dụng chuyên biệt cho người già, giúp họ gọi cho con cháu chỉ bằng một thao tác, được nhắc lịch uống thuốc hàng ngày.
Đó chỉ là một trong những tính năng được nhóm sinh viên Đại học Mở Hà Nội đưa vào ứng dụng (app) Caso - Connect And Support Olders. Dự án app này đã giúp nhóm vượt qua hơn 600 nhóm khác, giành giải nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-STARTUP 2020) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ban giám khảo khẳng định đây là dự án nhân văn và cũng là dự án hiếm hoi hướng tới người cao tuổi.
Nhóm sinh viên Đại học Mở Hà Nội (5 sinh viên mặc đồng phục hàng đầu) nhận giải nhì SV-STARTUP 2020 với 40 triệu đồng tiền mặt cùng bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: HOU.
Nhóm tạo ứng dụng Caso gồm năm thành viên: Nguyễn Ngọc Ánh, Trần Thị Thanh Thuỷ, Nguyễn Thị Thìn (sinh viên năm ba khoa Kinh tế) và Đào Văn Tuyến, Nguyễn Văn Bảo (sinh viên năm bốn khoa Công nghệ thông tin).
Trưởng nhóm Ngọc Ánh cho biết bắt đầu có ý tưởng này từ khoảng tháng 7, khi Đại học Mở Hà Nội phát động cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp trường. Sau khi quyết định phối hợp với hai người anh ở khoa Công nghệ thông tin, nhóm đã nảy ra ý tưởng sáng chế một app.
Tình cờ trong một buổi gặp mặt sau nhiều lần bàn qua tính lại rất nhiều ý tưởng khác qua các cuộc họp online, một thành viên của nhóm có kể câu chuyện ông bà ở nhà rất khó khăn khi sử dụng điện thoại. Họ không thể gọi video hay lưu danh bạ con cháu. Một thành viên khác có bà bị bệnh Parkinson, tay run, không thể thao tác nhiều trên điện thoại. Cả nhóm mới nghĩ làm thế nào để tạo ra app ứng dụng AI làm đơn giản, tối ưu hoá các thao tác trên điện thoại, giúp người cao tuổi dễ dàng sử dụng.
Chốt ý tưởng, các thành viên trong nhóm bắt đầu từ công việc khảo sát để tìm hiểu nhu cầu, những hoạt động người già thường làm trên điện thoại. Nhóm nhanh chóng nhận được câu trả lời từ hơn 1.500 người cao tuổi. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: "Ông bà gặp khó khăn gì khi sử dụng điện thoại", "Ông bà thường kết nối với con cháu bằng cách nào", "Tính năng nào ông bà muốn có trên điện thoại"?
"Chỉ có năm người, lại phải khảo sát trong thời gian ngắn nên ban đầu chúng em có chút lúng túng. May mắn câu lạc bộ khởi nghiệp, học thuật và các bạn sinh viên trong khoa đã hỗ trợ đến gặp trực tiếp ông bà mình để hỏi giúp chúng em", Ánh nói. Dù độ chính xác chỉ ở mức tương đối, câu trả lời của hơn 1.500 người giúp nhóm định hướng được app của mình nên có những phần gì.
Nguyễn Ngọc Ánh, trưởng nhóm, giới thiệu các tính năng của app Caso. Video: Dương Tâm.
Hiện, app Caso mới chỉ dừng lại ở bản demo nhưng đã đưa đến nhiều người cao tuổi trải nghiệm. App có bốn phần: kết nối, hỗ trợ, giải trí và mua sắm, được thiết kế theo hướng xây dựng hệ sinh thái gia đình mà ở đó, ông bà và con cháu cùng sử dụng, tương tác với nhau.
Ở phần kết nối, nhóm sinh viên Đại học Mở Hà Nội thiết kế phần trò chuyện có tích hợp tính năng nhận diện giọng nói. Ông bà chỉ cần nói là có thể kết nối với con cháu. Những người cao tuổi cùng sử dụng app cũng có thể kết nối và trò chuyện với nhau.
Điểm đặc biệt ở phần này là nhóm lập ra trợ lý ảo thông qua việc sử dụng AI, giúp xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Ông bà chỉ cần nói là trợ lý ảo Caso này sẽ tự động thực hiện. Ví dụ, khi mở app ra, màn hình hiện giao diện chính, ông bà chỉ cần gọi "Caso, gọi cho cháu A" là app sẽ tự động gọi cho thành viên đó chứ không cần thao tác.
Đào Văn Tuyến, thành viên phụ trách mảng công nghệ của nhóm, cho hay phần xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng AI này là khó khăn nhất bởi giọng nói người già, đặc biệt giọng vùng miền là thách thức. Hiện, nhóm đã thực hiện được nhưng vẫn cần thời gian nghiên cứu để hoàn thiện hơn.
Phần thứ hai trong app là tính năng hỗ trợ. Một trong những điều người cao tuổi quan tâm nhất là vấn đề sức khoẻ. Vì vậy, nhóm đã tích hợp vào app tính năng hỗ trợ ông bà đặt lịch khám ở các bệnh viện, theo dõi hồ sơ bệnh án điện tử trên app.
"Theo thông tư của Bộ Y tế, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở khám chữa bệnh bắt đầu triển khai bệnh án điện tử và đến hết năm 2030, tất cả cơ sở phải hoàn thành việc này. Khi tích hợp bệnh án điện tử trên app, ông bà, con cháu có thể cùng nhau theo dõi một cách dễ dàng", Tuyến nói.
Ngoài ra, AI còn hỗ trợ nhắc nhở ông bà lịch uống thuốc theo các đơn được kê từ hồ sơ bệnh án. Con cháu cũng có thể tự đặt lời nhắc nhở hay lời chúc bằng giọng nói trực tiếp của mình.
Một tính năng nữa ở phần hỗ trợ là giúp đỡ người cao tuổi trong tình trạng khẩn cấp. Thực tế, trong một số trường hợp, ông bà gọi cho con cháu nhưng gọi nhiều người không được, gây tốn thời gian, dẫn đến một số nguy hiểm. App Caso hỗ trợ gọi một lần được tất cả thành viên trong gia đình hoặc gọi đến trung tâm y tế, cấp cứu gần nhất.
Giao diện chính của app Caso. Ảnh: Dương Tâm.
Ngoài hai phần chính là kết nối và hỗ trợ, app còn có mục giải trí với các trò chơi tốt cho não bộ như cờ tướng, đố vui, hình thức tương tác online được, giúp những người già có thể vừa chơi, vừa nói chuyện với nhau. Các ông bà cũng có thể đọc báo, nghe nhạc ở mục này. Ở mục mua sắm, ông bà cùng con cháu có thể tham khảo các thực phẩm chức năng, dụng cụ tập luyện phù hợp với độ tuổi.
Tuyến tự nhận hiện hai mục giải trí và mua sắm chưa được tối ưu hoàn toàn, ông bà vẫn phải thực hiện nhiều thao tác. Thời gian tới, nhóm mong muốn tối ưu hơn. Chẳng hạn, ông bà có thể tìm sản phẩm mong muốn ở mục mua sắm bằng giọng nói chứ không cần phải bấm tìm. Ở mục giải trí, một số trò chơi khác được bổ sung sao cho con cháu và ông bà có thể vừa chơi, vừa tương tác với nhau.
"Với việc ứng dụng AI, ngoài giúp kết nối nhanh, nó còn hỗ trợ phân tích người dùng, tìm ra thói quen, ví dụ, ông bà thích đọc loại sách nào, nghe nhạc gì, từ đó app sẽ cá nhân hoá người dùng. Nó cũng giúp chúng em có định hướng để phát triển các tính năng của app", Tuyến chia sẻ.
Bà Vũ Thị Thành (90 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã trải nghiệm phiên bản demo của app Caso. Bà tỏ ra yêu thích ap này bởi dễ dàng gọi cho con cháu. "Caso nhớ giọng nói và khuôn mặt của tôi. Nó nhắc tôi lịch uống thuốc hằng ngày, lịch khám bệnh và cả lịch họp hội người cao tuổi", bà Thành nói, cho rằng nếu có ứng dụng này, bà có thể gọi điện cho con cháu nhiều hơn và không lo quên các sự kiện cần thiết.
Chỉ với hơn ba tháng phát triển app Caso với không ít khó khăn cả về việc liên kết, thống nhất ý tưởng giữa các thành viên đến những khó khăn về mặt chuyên môn, Tuyến và các thành viên trong nhóm hài lòng về những gì đã làm được. Em cho biết sắp tới, ngoài áp dụng kiến thức được học ở trường, các thành viên sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm ở ngoài, tham vấn các thầy cô trong trường, đồng nghiệp làm cùng công ty, nghiên cứu thêm để ra được sản phẩm hoàn chỉnh.
Điều khó khăn nhất với nhóm lúc này là nhân lực và tài chính. Tuy nhiên, ngay ở vòng chung kết cuộc thi SV-STARTUP 2020, một thành viên ban giám khảo đã hứa gặp gỡ, thảo luận để hỗ trợ nhóm để phát triển dự án.
Đã tham khảo thị trường, nhóm sinh viên Đại học Mở Hà Nội chưa thấy app sử dụng AI nào chuyên biệt cho người già. "Nước ngoài có một số app nhưng ngôn ngữ là tiếng Anh, còn ở Việt Nam chỉ có app phóng to chữ hoặc đặt lịch khám cho mọi người chứ chưa có app chuyên biệt tích hợp nhiều tính năng cho người già. Vì vậy, nhóm kỳ vọng có thể phát triển, hướng tới kinh doanh tạo tác động xã hội, để nhiều người già có thể tiếp cận dễ dàng", trưởng nhóm Anh nói, chia sẻ cảm xúc tự hào khi trở thành nhóm sinh viên tiên phong làm app hướng tới người cao tuổi.
Nữ sinh xứ Nghệ ẵm giải khởi nghiệp nhờ dự án thảo mộc bảo vệ rau, hoa màu Dự án "Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe" của cô trò xứ Nghệ đã xuất sắc giành giải bình chọn nhiều nhất và giải nhì tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Nhóm tác giả dự án "Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe" tại cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc. Cuộc thi...