Hiệu trưởng trong vụ sán lợn ở Bắc Ninh: “Tôi đã từ chức nên không trả lời nữa!” Đỉnh cao của sự vô trách nhiệm?
Những ngày qua, cả tỉnh Bắc Ninh chấn động, cuộc sống bị đảo lộn vì nỗi ám ảnh mang tên “ sán lợn”. Nhiều học sinh phải nghỉ học, phụ huynh nghỉ làm đưa con đi xét nghiệm, cán bộ y tế làm việc quá tải, cán bộ giáo dục bị đình chỉ công tác…Thế còn Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Khương, người đượ xem là một trong những nhân vật chính, chịu trách nhiệm đang ở đâu?
“Tôi đã từ chức nên không trả lời phỏng vấn nữa”
Cách đây hơn chục ngày, bà Cao Thị Hòe đã khóc nấc khi làm việc với cơ quan công an về vụ việc. Ngày 6/3, một ngày sau khi phụ huynh trường Thanh Khương “phanh phui” ra vụ thịt gà bóp nát vụn trên tay. Trả lời phóng viên, bà Hòe đã khóc nấc lên trong điện thoại và nói: “Tôi đang làm việc với cơ quan Công an, tôi sẽ trả lời sau”. Tiếng khóc của vị Hiệu trưởng có vai trò quyết định chất lượng bữa ăn của 568 cháu học sinh mầm non có lẽ đã ít nhiều lấy được sự cảm thông của dư luận. Có người có thể mủi lòng nghĩ rằng bà đang hối hận…
Đến sáng ngày 18/3 khi phóng viên gọi điện để hỏi về trách nhiệm của bà trong việc lựa chọn công ty Hương Thành là đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường, bà Hòe trả lời một câu ráo hoảnh: “Tôi đã từ chức nên không trả lời phỏng vấn nữa”. Có thể xem là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm hay không?
Trước đó, một cô hiệu phó chuyên môn của trường đã cho rằng việc nhập nguyên vật liệu cho bếp ăn nhà trường không phải trách nhiệm của cô, cô không trả lời về điều này được. Việc này là của hiệu trưởng, người giữ trách nhiệm và quyền lực cao nhất trong nhà trường. Giờ đây, chính cô hiệu trưởng cũng cho rằng mình không có trách nhiệm trả lời về vụ việc này vì đã từ chức, thì người ta biết tìm câu trả lời ở đâu???
Giữa tháng 2/2019, sau khi một số phụ huynh đăng ảnh, video phản ánh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương, Ban giám hiệu trường này đã trả lời phụ huynh vòng vo, không thỏa đáng. Công ty Hương Thành – đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 trường học trên địa bàn huyện Thuận Thành (trong đó có trường mầm non Thanh Khương), vẫn khẳng định thịt lợn “không có bất thường gì”. Thậm chí ngay cả khi phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhà trường vẫn tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm. Tiếp đó, trưa 5/3 (là ngày mà chỉ có 115 trên tổng số 568 trẻ tới lớp), phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, bóp nát vụn trên tay. Lúc này bà Cao Thị Hòe cũng có mặt. Nhưng thay vì nhận lỗi và khẩn trương xác minh vụ việc, bà Hòe giải thích đây là thịt gà công nghiệp nên không dai và sẽ bở.
Thật khó thể chấp nhận nổi lời giải thích “cố đấm ăn xôi” trên của bà Hòe. Là một người phụ nữ của gia đình, bà Hòe hẳn phải biết, nếu thịt gà tươi sống thì khi luộc lên không thể bóp nát vụn như đậu phụ thế được.
Video đang HOT
Và phải đến khi cơ quan công an vào cuộc, bà này mới nhận trách nhiệm về vụ việc và hứa sẽ hợp tác với cơ quan chức năng làm rõ, nếu có sai phạm sẽ cùng với công ty cung cấp thực phẩm chịu trách nhiệm. Nếu đã dám nhận trách nhiệm, thì có gì mà không dám trả lời thẳng thắn báo chí, công khai cho dư luận được biết?
Khi báo chí ngày ngày đăng tải thông tin sán lợn là gì, ấu trùng sán lợn có khả năng sinh trưởng khủng khiếp bằng cách “nhả đốt” như thế nào, và một khi sán lợn xâm nhập vào tim hay lên não thì những đứa trẻ sẽ phải chịu di chứng khủng khiếp ra sao… Chẳng lẽ một cô hiệu trưởng mà không đọc được, ý thức được những điều này? Trong khi 568 đứa trẻ mầm non ngơ ngác như thiên thần ngày ngày há chiếc miệng xinh xắn của chúng ra để nhân viên của cô hiệu trưởng đưa những thịt gà thối, lợn nổi hạch vào miệng thì cô đang ở đâu? Cô có ăn đồ ăn đó không hay có suất ăn phục vụ riêng?
Còn gì đau lòng hơn khi 209 đứa trẻ nhiễm thứ ấu trùng ghê sợ ấy là những đứa con mà cha mẹ cưng nựng như báu vật trong nhà? Chúng vẫn được người lớn dạy phải ăn chín uống sôi, dạy chúng rửa tay trước khi ăn nhưng không được dạy để phát hiện ra sự giả dối của người lớn.
Thêm một điều đáng căm phẫn, cô Hiệu trưởng vốn là hàng xóm láng giềng của các em học sinh.
“Vốn là làng xóm láng giềng với nhau lại hại các cháu nhỏ là điều càng không thể chấp nhận. Các cháu nhỏ chúng đâu biết gì, cho gì chúng ăn nấy, dân chúng tôi cũng tin tưởng nhà trường bao nhiêu năm nên không kiểm tra thực phẩm. Ngờ đâu mọi chuyện lại như vậy”, bà Trịnh Thị Chấp, người dân làng Dâu bức xúc. Đó cũng là tâm trạng của hầu hết người dân xã Thanh Khương lúc này. Họ càng bức xúc hơn, bởi theo họ, Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Khương cùng với nhiều đầu bếp nấu cho các cháu tại trường vốn đều là người xóm Tự, xã Thanh Khương. Tại sao họ có thể tàn nhẫn để các cháu nhỏ ăn những đồ ôi thối như vậy?
Chẳng lẽ vì đồng tiền, vì cái lợi của mình, người ta có thể bất chấp, có thể đem sức khỏe, an toàn của hàng trăm đứa nhỏ ra đùa giỡn. Để rồi khi sự việc xảy r a chỉ cần nói: “Tôi không còn trách nhiệm nữa!” là xong?
Theo webtretho
Giáo viên trường Thanh Khương khóc nức nở khi nhiễm sán lợn
Khi nhận kết quả, cô giáo trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khóc nức nở vì lo lắng. Bác sĩ liên tục tư vấn, trấn an tinh thần và hẹn tái khám.
Liên quan vụ hàng nghìn cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được phụ huynh đưa đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (Hà Nội) xét nghiệm sán lợn, theo ghi nhận của Zing.vn tại bệnh viện, ngoài các cháu, còn có giáo viên trường Mầm non Thanh Khương.
Mẹ và con cùng nhận kết quả dương tính với sán lợn
Đến nay, theo thống kê kết quả xét nghiệm từ hai viện, ít nhất một giáo viên của trường dương tính với sán lợn. Con của giáo viên này cũng có kết quả tương tự.
Người trực tiếp tư vấn kết quả cho nữ giáo viên dương tính với sán lợn, chia sẻ khi nhận được kết quả, cô giáo đã khóc nức nở vì lo lắng. Bác sĩ phải trấn an tinh thần phụ nữ này và hẹn tái khám. "Bệnh này không quá nguy hiểm đâu, chị bình tĩnh", bác sĩ nói.
Theo giáo viên tại trường Mầm non Thanh Khương, hàng ngày, họ ăn chung nguồn thực phẩm với học sinh, nhưng khác cách chế biến.
Nữ giáo viên có kết quả dương tính với sán lợn nghe tư vấn của bác sĩ. Ảnh: HQ.
Kết quả cập nhật đến 21h ngày 17/3 cho thấy gần 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được khám sán lợn ở hai bệnh viện của Hà Nội. Trong đó, 209 bé có xét nghiệm dương tính.
Từ 18/3, Sở Y tế Bắc Ninh bắt đầu hỗ trợ lấy máu xét nghiệm tại địa phương, hàng trăm phụ huynh vẫn ùn ùn đưa con lên Hà Nội để xét nghiệm bất chấp trời mưa rét.
Đưa bác sĩ về Bắc Ninh xét nghiệm sán lợn cho học sinh
Sáng 18/3, trong cuộc họp với Bộ trưởng Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều động ngay các bác sĩ, lực lượng chuyên môn cùng với thiết bị về Bắc Ninh để xét nghiệm sán lợn cho học sinh các trường học ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Thủ tướng cũng giao Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế chỉ đạo các trường học trong cả nước phải thực hiện ngay những giải pháp về cung cấp thực phẩm và thức ăn cho các trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Chiều 18/3, cuộc họp giữa các cơ quan ban ngành, địa phương về vụ việc hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn diễn ra tại Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Trích lời của Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho hay đây không phải ngộ độc thực phẩm như "cháy nhà chết người ngay lập tức". Các cháu đi khám vẫn khỏe mạnh bình thường. Đây cũng không phải dịch bệnh cấp tính. Sán lá gan mật chữa được trong từ một đến 15 ngày.
"Vì thế, chúng ta yên tâm, không hoang mang, không dao động, không có gì bất thường", ông Chiến nói.
"Người dân Bắc Ninh không cần đi khám bệnh. Mức nhiễm bệnh dương tính ở Thuận Thành nằm trong khoảng bình quân chung của người dân Việt Nam. Tại sao chúng ta lại cứ ào ạt đi xét nghiệm, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng học tập, không cần thiết. Chúng ta nên chờ cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân", ông Chiến một lần nữa khẳng định.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, cho hay hôm nay là ngày đầu tiên xã tổ chức lấy máu xét nghiệm cho các cháu, tình hình rất phức tạp.
"Liên quan kết quả âm tính, dương tính, thực tế, các cháu không phải ăn chỉ ở trường, mà bữa sáng, bữa tối ở nhà, bữa trưa ở trường... Phụ huynh yêu cầu nhà trường làm rõ thực phẩm có đảm bảo hay không? Người nấu nướng có đủ chứng chỉ hay không?", người này cho hay.
Cuối tháng 2, nhiều phụ huynh "vây" trường Mầm non Thanh Khương, yêu cầu hiệu trưởng trả lời cụ thể về việc món thịt lợn trong bữa ăn của trẻ nghi có sán.
Trưa 5/3, trường Mầm non Thanh Khương tiếp tục bị phụ huynh tố dùng thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm cùng nhiều loại chân gà dùng để nấu cháo cho các cháu đã bốc mùi hôi thối.
Cùng ngày 5/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vào cuộc xác minh. Công an tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ.
Ngày 6/3, bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương "nghiêm túc nhận trách nhiệm", sau đó bị đình chỉ công tác. Phía công ty Hương Thành phủ nhận thịt lợn nhiễm sán.
Theo zing
Ăn phải thịt chứa giun sán, ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào? Theo chuyên gia, ăn phải thực phẩm chứa giun sán, khi giun sán vào cơ thể tác động một cách âm ỉ kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, thể chất, tinh thần và trí tuệ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Thời gian gần đây, một clip ghi hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch...