Hệ trung cấp liên tiếp nhận hung tin
Hiệu trưởng các trường trung cấp dự báo 2016 là năm khó khăn trong tuyển sinh, bởi theo dự thảo quy chế tuyển sinh, ngưỡng đầu vào hệ CĐ chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Trong dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015, Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường CĐ là tốt nghiệp THPT thay vì quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo một mức điểm nhất định như những năm trước.
Hết mong “lọt sàng xuống nia”
Thông tin này thực sự là cú sốc đối với các trường trung cấp vì cổng trường CĐ đã mở quá rộng, sẽ không học sinh (HS) nào muốn học trung cấp nữa.
Ông Hàn Mặc Khách, Chủ tịch HĐQT Trường trung cấp Mai Linh (TP HCM), cho biết, năm 2015, trường chỉ tuyển được hơn 100 HS, trong đó chủ yếu là HS tốt nghiệp THCS.
Năm 2016, trường chỉ mong tuyển được nhiều HS tốt nghiệp THCS chứ không phải HS tốt nghiệp THPT, bởi đối tượng này ít khi chọn học trung cấp khi mà các em đủ điều kiện học CĐ.
Ông Khách cho rằng, xét về tâm lý, ai cũng muốn học ĐH, CĐ; ngay cả những HS học trung cấp trước đây cũng muốn nâng cao trình độ bằng cách liên thông lên ĐH, CĐ. Vì vậy, sẽ không có nhiều HS tốt nghiệp THPT lại chọn học trung cấp, ngoại trừ HS nghèo muốn học trung cấp để đi làm sớm nhưng số này không nhiều.
Học sinh ngành điều dưỡng Trường trung cấp Ánh Sáng trong giờ thực hành. Ảnh: Người Lao Động.
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng (TP HCM), cho biết, những năm qua, mỗi năm trường tuyển được khoảng 1.000 HS, trong đó số HS có bằng tốt nghiệp THPT chiếm từ 90%-95%.
“Đó là kết quả tuyển sinh khi tuyển sinh của các trường CĐ còn bị ràng buộc bởi điểm sàn, còn nay (năm 2016), học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào CĐ thì không biết kết quả tuyển sinh có đạt như những năm trước hay không. Các trường trung cấp không còn hy vọng lọt sàng xuống nia”, ông Sáng lo.
Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường CĐ là tốt nghiệp THPT sẽ không làm phương hại đến các trường trung cấp, khi việc phân luồng HS sau THCS được thực hiện tốt. Tuy nhiên, công tác phân luồng hiện nay không hiệu quả khi có rất ít HS tốt nghiệp THCS đi theo hướng học nghề.
Video đang HOT
Số liệu tại Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, năm 2015, TP có trên 75.000 HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ khoảng 1.000 HS theo hướng học trung cấp, học nghề.
Bít đầu ra nhóm ngành sức khỏe
Trong lúc các trường trung cấp chưa hết lo lắng cho tuyển sinh lại tiếp tục đón thêm một “hung tin” là Bộ Y tế vừa cho biết sau 5 năm nữa (từ năm 2021), các bệnh viện, các cơ sở y tế trong toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… hệ trung cấp.
Từ thời điểm kể trên, các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ CĐ; Từ 2025, sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018, sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học…
Bộ Y tế cho rằng, trên thế giới, đặc biệt là trong các nước ASEAN, cán bộ y khoa thuộc các vị trí kể trên đã đạt trình độ học vấn từ hệ CĐ trở lên. Tại Thái Lan, hầu như các điều dưỡng đều đã đạt trình độ thấp nhất là ĐH. Vì vậy, quyết định này được coi là một trong những bước đi nhằm nâng cao trình độ nhân sự y khoa, hội nhập và phát triển chất lượng nhân lực y tế của Việt Nam so với các nước khác.
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng cho rằng, lý do Bộ Y tế đưa ra không thuyết phục bởi thực tế hiện nay, Nhật hay Đức vẫn sang Việt Nam tuyển lao động tốt nghiệp trung cấp ngành sức khỏe, nhất là điều dưỡng. Thời gian đào tạo bậc CĐ ở nước ngoài và trung cấp ở Việt Nam cơ bản như nhau: 2 năm đối với người đã tốt nghiệp THPT, 3 năm đối với người tốt nghiệp THCS. Thế nên, cái khác ở đây chỉ là tên gọi của khung trình độ quốc gia, vì chỉ Việt Nam mới đào tạo trung cấp. Hơn nữa, trong một cơ sở y tế không phải vị trí nào cũng cần trình độ CĐ trở lên.
Sau quy định trên của Bộ Y tế, số phận các trường trung cấp chuyên đào tạo nhóm ngành sức khỏe sẽ ra sao? Bà Trần Lệ Hằng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Y Dược Vạn Hạnh (TP HCM), nói ngắn gọn rằng sở, bộ sinh ra trường thì phải có trách nhiệm với trường.
Nhiều trường sẽ phải giải thể
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, với những quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng bậc CĐ của Bộ GD&ĐT cùng quy định ngưng tuyển sinh, tuyển dụng nhóm ngành sức khỏe bậc trung cấp, các trường trung cấp sắp tới đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Không loại trừ có hàng loạt trường phải giải thể vì không tuyển sinh được hoặc đồng loạt nâng cấp lên CĐ.
Theo Huy Lân/Người Lao Động
Khi học sinh chế ngự bệnh 'run'
"Khi vào phòng thi, em run lắm. Làm sao để khỏi hồi hộp, bớt run, làm bài tốt trong kỳ thi THPT quốc gia 2016?", nhiều học sinh lo lắng đặt câu hỏi.
"Trước khi thi các em cần có một ngày thư giãn. Khi vào phòng thi hãy tự tin, luôn suy nghĩ mình sẽ làm được bài. Lúc ấy, các em sẽ bớt run hơn". Đó là một trong những chia sẻ của TS tâm lý Võ Thị Tường Vy, giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP HCM.
Thí sinh lo lắng, mệt mỏi trước giờ làm bài thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Chế ngự "bệnh run"
TS Tường Vy cho rằng, không ít bạn trẻ hồi hộp, lo lắng, thậm chí run khi bước vào phòng thi của kỳ thi quan trọng. Thậm chí, nhiều người lớn đi thi cũng sẽ hồi hộp như vậy.
Chuyên gia tư vấn này nói thêm, hầu hết tâm lý lo sợ, hồi hộp do học sinh tự áp đặt lên mình những suy nghĩ tiêu cực, lo làm bài không tốt, đề ra không đúng phần mình ôn tập, sợ trượt... Chính những suy nghĩ ấy tạo thành áp lực, căng thẳng cho sĩ tử.
"Chúng ta hãy chủ động dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực, thất bại và tự tin nghĩ đến những điều tốt đẹp, tích cực khi bước vào phòng thi", nữ tiến sĩ khuyên.
Theo bà Vy, trước kỳ thi, thí sinh nên thư giãn 1-2 ngày, tránh trường hợp ôn tập căng thẳng, quá tải. Cứ nghĩ đề thi năm nay dễ hơn những năm trước, xung quanh mình còn rất nhiều bạn bè cùng chung hoàn cảnh nên không có gì phải sợ. Trước khi vào phòng thi, thí sinh hãy hít thở sâu, thoải mái trò chuyện với bạn bè xung quanh.
"Vào phòng thi, các em cứ xem giám thị như thầy cô ở trường, đừng tự nghĩ ra những tiêu cực, lo sợ về bất cứ điều gì. Hãy suy nghĩ đến những ngày tháng tuyệt vời khi trở thành sinh viên, về những điểm tựa tinh thần như bố mẹ, người thân, thậm chí người yêu để quyết tâm làm bài tốt", TS Vy nói.
Kết thúc phần chia sẻ, TS Tường Vy không quên nhắc các bạn trẻ nên chủ động xây dựng phương pháp ôn thi thật tốt ngay từ bây giờ, xin chia sẻ kinh nghiệm từ anh chị đi trước, thầy cô, bạn bè của mình; Chủ động nắm bắt đầy đủ bài học, kiến thức cơ bản, kỹ năng giải toán, tham khảo đề thi những năm trước để dần làm quen khi bước vào phòng thi. Những cố gắng của các bạn hôm nay sẽ là thành công trong tương lai.
TS tâm lý Võ Thị Tường Vy tư vấn cho học sinh tại TP HCM. Ảnh: Hoàng Bình.
Sức khỏe là yếu tố tiên quyết
Đi thi xa, áp lực từ gia đình, xã hội, đặc biệt trải qua giai đoạn ôn tập cường độ cao, rất nhiều học sinh rơi vào tình trạng suy nhược, stress nặng.
Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP HCM, những ngày thi quan trọng, sĩ tử phải đảm bảo đủ sức khỏe, ăn uống đầy đủ, khi ấy tinh thần mới thoải mái.
Bà Hạnh nói thêm, những ngày ôn tập và thi, các bạn nên ăn những thực phẩm tự nhiên, đa dạng để bổ sung vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường chất đề kháng. Những thức ăn tốt cho cơ thể ngày thi như bí đỏ, trứng, chuối, rau má, mồng tơi, rau lang... Đây là món ăn đơn giản, dễ làm, giúp nhanh chóng cân bằng được sự căng thẳng, suy nhược, tránh các bệnh về đường tiêu hóa.
Về thắc mắc của học sinh có nên uống thuốc bổ não, bác sĩ Hạnh tư vấn: Tôi khuyên các em không nên uống thuốc mà nhiều người cho rằng có tác dụng bổ não. Không có loại thuốc nào bổ não cả. Nếu có chắc là người sáng chế ra đạt giải Nobel rồi. Tốt nhất là chuộng những thức ăn tự nhiên, nhiều vitamin.
"Điều quan trọng nữa là các em cần đảm bảo đầy đủ ba bữa chính trong ngày, đặc biệt không bỏ bữa sáng. Bụng đói dễ bị hạ đường huyết, không thể tập trung học bài. Các em học đúng phương pháp, có thời gian ăn và ngủ hợp lý", bác sĩ Hạnh chia sẻ thêm.
Nữ tiến sĩ cũng cho biết, nhiều trường hợp học sinh đi thi, lo lắng quá không chịu ăn sáng hoặc ăn không được, vào phòng thi căng thẳng, tụt huyết áp, ngất xỉu. Vì thế, thí sinh nên đảm bảo đầy đủ các bữa ăn, không nên ăn uống ở những hàng quán lề đường, mất vệ sinh, dễ gặp những bệnh tiêu hóa.
Bà Hạnh cũng không quên nhắc nhở phụ huynh không tạo áp lực, mà hãy thường xuyên động viên, chia sẻ, tạo tâm lý thoải mái cho con em mình. Thi và học là chuyện suốt đời, nên kết quả một kỳ thi dù thế nào cũng đừng quá lo lắng, sợ hãi.
Làm quen với môi trường thi
Nhiều sinh viên, sau khi đã vượt qua "cửa ải" kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, khuyên những người đi sau hãy làm quen môi trường phòng, trường thi để khỏi bỡ ngỡ, tạo tâm lý thân quen.
Bạn Hải Huy, sinh viên năm nhất ĐH Kinh tế TP HCM, nhắn nhủ: Nếu nhà ở xa, các bạn nên đến thành phố sớm hơn vài ngày, làm quen nhịp sống, không khí môi trường.
Khi đến làm thủ tục trước ngày thi, thí sinh tranh thủ đi dạo quanh trường, tìm nhà vệ sinh, căng-tin, ngồi ghế đá ngắm ngôi trường ấy. Có cơ hội làm quen một vài người bạn mới, các em hãy trò chuyện vui vẻ, tạo sự thoải mái nhất trước khi thi.
"Nếu làm bài một môn chưa tốt, học sinh tự động viên còn những môn còn lại để cố gắng, không nên mất tinh thần", Hải Huy chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Zing
Hàng loạt trường không có học sinh chọn thi Lịch sử Tỷ lệ học sinh chọn môn Lịch sử 0% là số liệu thống kê ban đầu của nhiều trường THPT tại Hà Nội. Điều đáng nói, con số này không còn xa lạ những năm gần đây. Năm 2016, để xét công nhận tốt nghiệp, học sinh phải đăng ký thi tối thiểu bốn môn, trong đó có ba môn bắt buộc (Toán,...