Hé lộ về 2 người nước ngoài giúp bà Trương Mỹ Lan rút ruột Ngân hàng SCB
Trong số những người nắm giữ vị trí quan trọng tại SCB giúp bà Trương Mỹ Lan rút tiền của ngân hàng có 2 người nước ngoài.
Cả hai người này hiện đã “cao chạy xa bay” và đang bị truy nã.
Bà Trương Mỹ Lan được biết đến là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Rất nhiều công ty con, công ty liên kết được bà giao cho người nhà, người thân tín điều hành và quản lý.
Cuối năm 2011, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần tại các NH này. Ngày 1/1/2012, 3 ngân hàng hợp nhất với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Bà Lan sở hữu, chi phối tới 91,563% vốn điều lệ, được đứng tên bởi 27 pháp nhân, cá nhân.
Với việc sở hữu/nắm quyền chi phối số cổ phần của SCB như trên, bà Lan đã đưa người thân tín của mình ngồi vào các vị trí chủ chốt tại SCB như: HĐQT, Ban Tổng giám đốc… để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của SCB; sử dụng ngân hàng này để chủ yếu phục vụ cho mục đích cá nhân của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.
Kết quả điều tra cho thấy, tính đến ngày 17/10/2022, có 1.284 khoản vay/875 khách hàng (440 cá nhân, 435 tổ chức) là các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan- Vạn Thịnh Phát còn dư nợ hơn 677.286 tỷ đồng, nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi.
Để rút được số tiền trên, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm đối tượng tại NH SCB lập hồ sơ khống hợp thức như một khoản vay để rút tiền tại SCB.
Lập khống hồ sơ vay vốn, rút các khoản tiền ra khỏi Ngân hàng SCB
CQĐT xác định, trong số những người đã tích cực giúp sức cho bà Lan rút tiền khỏi SCB có 2 người đàn ông ngoại quốc là Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang.
Ông Lee George Lam làm việc tại NH TMCP Sài Gòn từ 6/2012- 19/1/2015, trải qua các vị trí, chức vụ khác nhau như: Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT SCB.
Theo tài liệu điều tra, tháng 12/2012- 11/2014, ông Lee với vai trò Phó Chủ tịch thứ nhất, Thành viên HĐQT SCB đã ký 8 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 66 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 68 khoản vay tại NH SCB.
Các khoản vay này dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 28.002 tỷ đồng nợ gốc, trong đó nợ lãi là hơn 25.813 tỷ đồng. Tổng số nợ được xác định là hơn 53.816 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay mà ông Lee ký các thủ tục hợp thức là hơn 34.083 tỷ đồng
Video đang HOT
Kết quả giám định chữ ký đứng tên Lee George Lam trên các tài liệu phê duyệt cấp tín dụng các khoản vay trên của Phân Viện Khoa học hình sự tại TP HCM, Bộ Công an khẳng định- do ông Lee George Lam ký.
CQĐT cho rằng, với kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định ông Lee là người có chức vụ, quyền hạn, đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền của SCB.
Hành vi này được thực hiện thông qua việc tham gia ký, phê duyệt những khoản vay của các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Và việc ký, phê duyệt các khoản vay không phải là hoạt động cho vay thông thường theo quy định của pháp luật.
Thực chất, các hồ sơ vay vốn được lập khống, nhằm hợp thức thủ tục để rút các khoản tiền ra khỏi Ngân hàng SCB, phục vụ cho mục đích cá nhân của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Kết luận điều tra chỉ ra rằng, hành vi của ông Lee George Lam đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”, gây thiệt hại hơn 19.733 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan, ông Lee đã xuất cảnh ra nước ngoài, không xác định được người này đang ở đâu. CQĐT đã ra quyết định truy nã đối với ông Lee George Lam.
Một người đàn ông ngoại quốc khác được nhắc đến trong kết luận điều tra là ông Henry Sun Ka Ziang. Ông này làm việc tại NH SCB từ 4/2015 đến trước ngày khởi tố vụ án (17/10/2022) và đã đảm nhiệm các vị trí như: Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT SCB.
Tài liệu điều tra thể hiện, từ 7/2015- 8/2022, ông Henry với vai trò Thành viên HĐQT SCB đã ký 487 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 365 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 602 khoản vay tại NH SCB, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 430.105 đồng nợ gốc và hơn 147.523 tỷ đồng nợ lãi/phí.
Tổng số nợ được xác định là hơn 577.629 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay trên là hơn 115.539 tỷ đồng.
Kết quả giám định chữ ký đứng tên Henry Sun Ka Ziang trên các tài liệu phê duyệt cấp tín dụng các khoản vay trên của Phân Viện Khoa học hình sự tại TP HCM, Bộ Công an khẳng định là do ông Henry Sun Ka Ziang ký.
Như vậy, kết quả điều tra cho thấy, ông Henry đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền của SCB.
Theo CQĐT, việc ông Henry tham gia ký, phê duyệt các khoản vay của các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như trên không phải là hoạt động cho vay thông thường theo quy định của pháp luật. Thực chất, các hồ sơ vay vốn được lập khống để hợp thức thủ tục nhằm rút các khoản tiền ra khỏi NH SCB, phục vụ cho mục đích cá nhân của bà Trương Mỹ Lan.
Hành vi của ông Henry Sun Ka Ziang đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, liên đới gây thiệt hại cho SCB hơn 462.089 tỷ đồng. Hiện ông Henry Sun Ka Ziang cũng đã “cao chạy xa bay”, xuất cảnh ra nước ngoài và CQĐT không xác định được người này ở đâu nên đã phát lệnh truy nã.
CQĐT quyết định tách vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” liên quan đến hành vi của bị can Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang.
CQĐT cũng quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, điều tra bị can đối với 2 người này.
Bà Trương Mỹ Lan 'một tay che trời' tại SCB
Cơ quan điều tra cáo buộc, từ 12 năm trước, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã vạch ra kế hoạch dùng tiền để thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị can khác, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị liên quan.
12 năm trước, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã vạch ra kế hoạch dùng tiền để thâu tóm SCB. Ảnh T.N
Quyền lực tuyệt đối tại SCB
Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu "hệ sinh thái" gồm hơn 1.000 doanh nghiệp là các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước.
Để có nguồn vốn duy trì hoạt động cho "đế chế" của mình, bà Trương Mỹ Lan tiến hành thu mua cổ phần, thao túng một số ngân hàng tư nhân, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Năm 2011, bà Lan muốn sáp nhập 3 ngân hàng thành một. Nhưng để làm được việc này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hiểu rằng mình phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần để có thể thông qua bằng bỏ phiếu, các cổ đông khác không thể chống đối.
Kế hoạch thâu tóm được vạch ra. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng hình thức thu mua rồi nhờ người đứng tên, tính đến tháng 12.2011, bà Trương Mỹ Lan lần lượt nắm giữ hơn 81,4%, 98,7% và 80,4% cổ phần của 3 ngân hàng nêu trên.
Tháng 11.2012, thương vụ sáp nhập thành công như dự kiến, SCB được thành lập. Lúc này, bà Lan đã sở hữu hơn 85,6% cổ phần của SCB. Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa dừng lại mà tiếp tục mua gom thêm cổ phần.
Tính đến đầu năm 2018, tỷ lệ bà Lan sở hữu cổ phần tại SCB lên tới hơn 91,5%. Số cổ phần còn lại thuộc sở hữu khoảng 4.000 cổ đông nhỏ lẻ.
Vẫn theo kết luận điều tra, biết rõ quy định pháp luật chỉ cho một cá nhân sở hữu không quá 5% cổ phần của một ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan đã nhờ 26 cá nhân, pháp nhân đứng tên giúp; bản thân mình chỉ trực tiếp đứng tên gần 5%, cho đúng quy định.
Với việc sở hữu gần như tuyệt đối về cổ phần, bà Lan đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân mà mình tin tưởng, đều là người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, để bố trí vào các vị trí chủ chốt tại SCB; trả lương cho họ từ 200 - 500 triệu đồng/tháng.
Trong số này, ông Bùi Anh Dũng được Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đánh giá là hiền lành, "không quậy phá" và được lòng người; do đó, sắp xếp qua nhiều vị trí lãnh đạo, đến tháng 12.2020 thì lên chức Chủ tịch HĐQT SCB.
Mặc dù không có tên trong ban lãnh đạo SCB, nhưng trên thực tế, bà Trương Mỹ Lan có quyền lực chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này, kể cả về nhân sự hay hoạt động tín dụng.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức; sau đó cho các công ty thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát vay, phục vụ mục đích cá nhân của mình.
Chỉ tính riêng hành vi tham ô, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỉ đồng. Ảnh T.N
Vay hơn 1 triệu tỉ đồng, dùng vào việc gì?
Để "rút ruột" SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới nhờ hoặc thuê người đứng tên để thành lập các công ty "ma". Những công ty này thực tế không có hoạt động kinh doanh gì, được "khai sinh" chỉ với mục đích duy nhất là lập khống hồ sơ nhằm hợp thức hóa các khoản giải ngân từ SCB.
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, giúp sức cho bà Lan không chỉ là dàn "vệ tinh" tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB mà còn là các đối tượng thuộc nhóm công ty thẩm định giá, thông qua việc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo của các công ty.
Hậu quả, từ tháng 1.2012 - 10.2022, SCB đã cho các công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay hơn 1 triệu tỉ đồng, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi lên tới hơn 677.000 tỉ đồng.
Trong đó, từ tháng 2.2018 - tháng 10.2022, bằng việc lập khống 916 hồ sơ vay vốn, bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng của SCB, bị đề nghị truy tố về hành vi tham ô tài sản.
Từ tháng 1.2012 - 12.2017, với thủ đoạn tương tự, bà Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 64.000 tỉ đồng. Nhưng vì thời điểm này bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân, nên bà Lan chỉ bị đề nghị truy tố về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Khai tại cơ quan điều tra, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết tiền vay từ SCB được sử dụng để trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè, người thân; trả chi phí hoạt động của SCB (các khoản chi không thể hạch toán); trả tiền mua lại dự án; trả tiền công cho các cá nhân đứng tên hộ công ty...
Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định, hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm có dự mưu từ trước; được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có "kịch bản"; thao túng, lũng đoạn, bất chấp quy định pháp luật.
"Đây là tổ chức phạm tội có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt; hậu quả gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế", kết luận điều tra nêu.
Vì sao bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố tội tham ô? Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, không nằm trong ban lãnh đạo SCB, ngân hàng này cũng không phải là ngân hàng nhà nước, vì sao lại bị đề nghị truy tố tội tham ô? Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch...