Hé lộ thế lực đằng sau sức ép của Trump với Ukraine
Cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ nhằm vào Tổng thống Donald Trump đang là vụ việc được quan tâm nhiều nhất trên chính trường Mỹ.
Đảng Dân chủ cáo buộc ông Donald Trump sử dụng khoản viện trợ quân sự 400 triệu USD để gây sức ép yêu cầu Tổng thống Ukraine Volydymyr Zelensky.
Nhưng những thông tin vừa được báo chí Mỹ đồng loạt tiết lộ cho thấy, bên cạnh Tổng thống Donald Trump, các đồng minh của ông trong ngành công nghiệp năng lượng Mỹ cũng tham gia tích cực vào việc gây sức ép với Ukraine.
Người thực hiện sứ mệnh
Trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ với sự dẫn đầu của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tích cực thúc đẩy quá trình điều tra luận tội với Tổng thống Donald Trump, đã xuất hiện những thông tin đồn đoán rằng Bộ trưởng Bộ Năng lượng Rick Perry sẽ từ chức vào tháng 11 tới.
Tổng thống Donald Trump đang bị điều tra về việc gây sức ép với Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Getty
Người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ Shaylyn Haynes cũng úp mở rằng “một ngày nào đó những thông tin trên truyền thông sẽ trở thành sự thật”. Ông Rick Perry là quan chức cấp cao hiếm hoi trong chính quyền của ông Donald Trump chưa phải điều tra với các cuộc điều tra về đạo đức.
Nhưng lần này, có quá nhiều chi tiết củng cố cho đồn đoán rằng ông có vai trò trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc gây sức ép với Tổng thống Ukraine Zelensky, và nhiều khả năng ông không thể tránh khỏi việc bị kéo vào cuộc điều tra luận tội mà Hạ viện Mỹ khởi xướng.
Dư luận có lý do để đặt nghi vấn về vai trò của ông Rick Perry trong mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump với phía Ukraine. Hồi tháng 5 vừa qua, ông Perry đã cùng một phái đoàn của Mỹ đại diện cho chính phủ tới dự lễ nhậm chức Tổng thống của ông Zelensky.
Mọi chuyện chẳng có gì đáng nói nếu đó là một nghi lễ ngoại giao thông thường. Vấn đề ở chỗ, nhân chuyến đi này, ông đã có một cuộc gặp riêng với Tổng thống Ukraine Zelensky, trong đó ông có đề cập đến việc thay thế thành viên Hội đồng Giám sát của Naftogaz – công ty khí đốt lớn nhất và có vai trò chủ chốt trong ngành năng lượng Ukraine.
Thông tin của những người có mặt trong cuộc gặp này cho thấy, ông Perry có đề xuất việc thay thế đại diện của Mỹ là Amos Hochstein – một nhà ngoại giao từng phục vụ trong chính quyền Barack Obama – bằng một nhân vật có uy tín của đảng Cộng hòa.
Video đang HOT
Tại cuộc gặp thứ hai trong chuyến đi với các quan chức Ukraine, ông Rick Perry còn đề xuất một danh sách các thành viên của Hội đồng Giám sát Naftogaz, trong đó đáng chú nhất là Robert Bleyzer, một người Mỹ gốc Ukraine.
Dư luận đều hiểu rằng Hội đồng Giám sát Naftogaz có vai trò rất quan trọng và phải được Nội các Ukraine lựa chọn dựa trên ý kiến tham khảo với các tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ tiền tệ Quốc tế, Mỹ và Liên minh châu Âu. Việc đề xuất thay thế các thành viên của Hội đồng này được ông Perry lý giải là không vì lợi ích của bất kỳ cá nhân nào, mà là vì mục tiêu hiện đại hóa ngành năng lượng Ukraine, tạo ra một môi trường khuyến khích các công ty phương Tây kinh doanh tại quốc gia này.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry được cho là “kiến trúc sư” trong chính sách của Mỹ với Ukraine. Ảnh: The Politico
Một chi tiết đáng chú ý khác liên quan đến mục tiêu thúc đẩy hiện đại hóa ngành năng lượng Ukraine mà ông Rick Perry đề cập, đó là ông đã tham dự cuộc gặp song phương với Tổng thống Zelensky và Tổng thống Trump tại New York vào ngày 25/9, trong đó ông đã chuyển tới Tổng thống Ukraine thông điệp “phải thực hiện các nỗ lực chống tham nhũng” – ám chỉ đến việc điều tra Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai là Hunter Biden.
Việc điều tra có thể xuất phát từ giai đoạn 5 năm Hunter Biden phục vụ trong hội đồng quản trị của một công ty năng lượng ở Ukraine, cùng thời gian ông Joe Biden là người phụ trách các vấn đề Ukraine của chính quyền Barack Obama.
Hàng loạt thông tin về hoạt động của ông Rick Perry trong các cuộc gặp với Tổng thống Zelensky đã thúc đẩy lập luận rằng, ông chính là người thực hiện sứ mệnh chuyển tải các thông điệp của chính quyền Donald Trump đối với lĩnh vực năng lượng của Ukraine, trong đó yêu cầu điều tra Phó Tổng thống Joe Biden chỉ là một mảnh ghép nhỏ.
“Át chủ bài” Naftogaz
Việc Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry quan tâm tới thúc đẩy hiện đại hóa ngành năng lượng Ukraine – theo cách nói của ông – là có thể hiểu được, bởi ông chính là “kiến trúc sư trưởng” của chính sách năng lượng mới của Mỹ, trong đó xóa bỏ các quy định nội địa về sản xuất năng lượng để thúc đẩy xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ cho các đồng minh và đối tác thương mại.
Ông cũng là người xúc tiến thỏa thuận ký kết giữa Mỹ với Ba Lan và Ukraine nhằm tăng cường cung cấp khí đốt cho Ukraine qua Ba Lan, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga.
Cơ hội kéo Ukraine ra khỏi “vòng tay” của Nga về mặt năng lượng càng rõ nét hơn khi thỏa thuận giữa Nga và Ukraine về quá cảnh khí đốt sang châu Âu sẽ kết thúc vào cuối năm 2019 và hai nước vẫn chưa thể đi đến quyết định gia hạn thỏa thuận.
Thỏa thuận mới với Ba Lan và Mỹ, bắt đầu từ năm 2021, qua đó Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine 6 tỷ m3 khí hóa lỏng so với mức hiện tại là 1,5 tỷ m3. Để thực hiện chiến lược năng lượng mang tầm quốc gia này, Naftogaz chắc chắn là một “át chủ bài” không thể bỏ qua.
Naftogaz – mục tiêu săn đuổi của các doanh nghiệp năng lượng Mỹ. Ảnh: Euro Activ
Nhưng giới phân tích cho rằng, ông Rick Perry không phải là cá nhân duy nhất nỗ lực để tác động tới Naftogaz mà còn có một nhóm doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực năng lượng cũng tham gia vào quá trình này.
Báo chí Mỹ hôm qua đã đồng loạt đăng tải thông tin về việc các công ty năng lượng – được xem là đồng minh của ông Donald Trump – từ hồi mùa xuân năm ngoái đã từng thúc ép các quan chức Ukraine điều tra ông Joe Biden với tư cách là đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tuy nhiên, những nhân vật này đã gặp khó khăn khi cựu Tổng thống Ukraine đã không thể vượt qua đối thủ Volodymyr Zelensky. Giới phân tích lý giải rằng việc thúc đẩy thiết lập “chân rết” trong Naftogaz là nhằm điều hướng các hợp đồng xuất khẩu khí đốt giá trị tới các công ty này.
Cho đến nay, đảng Dân chủ vẫn đang thúc đẩy cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Donald Trump. Chưa biết cuộc điều tra này có thể công bố những bằng chứng xác thực và có sức nặng về mối quan hệ giữa ông Rick Perry và nhóm công ty Mỹ đang cố gắng thiết lập ảnh hưởng với ngành năng lượng Ukraine hay không?
Tuy nhiên, những diễn biến này đang dần phác họa một bức tranh ẩn sau những cuộc đấu công khai trên chính trường Mỹ, nơi những doanh nghiệp trong ngành năng lượng Mỹ đang theo đuổi những lợi ích kinh tế vượt xa lợi ích chính trị của cá nhân Tổng thống Donald Trump.
Diệp Khanh
Theo baonghean
Nội dung điện đàm Nga-Mỹ : Tâm điểm mới trong cuộc chiến chính trị ở Mỹ
Đảng Dân chủ tiếp tục gia tăng sức ép với tuyên bố quyết tâm tiếp cận nội dung các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và phía Nga.
Sau tiết lộ nội dung cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ-Ukraine gây sóng gió trên chính trường Mỹ gần đây, Đảng Dân chủ tiếp tục gia tăng sức ép với tuyên bố quyết tâm tiếp cận nội dung các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo thế giới khác, đặc biệt là với Tổng thống Nga Vladimir Putin do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Nga đã ngay lập tức có phản ứng trước những diễn biến trên chính trường Mỹ.
Chính trị gia Zelensky và Trump. Ảnh: CNN.
Điện Kremlin của Nga hôm 30/9 cho biết, Mỹ cần nhận được sự chấp thuận của nước này để công bố chi tiết các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, theo quy tắc, các tài liệu liên quan đến những cuộc nói chuyện ở cấp nguyên thủ quốc gia như vậy sẽ được đóng dấu mật hoặc là 'tuyệt mật'. Vì vậy, việc tiết lộ các thông tin này phải tuân thủ các nguyên tắc ngoại giao thông thường.
"Với việc thông báo chi tiết bản điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ thì một số đoạn có thể được công bố, nhưng với sự nhất trí của cả hai bên. Đây là một hoạt động theo thông lệ ngoại giao thông thường. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận điều này nếu Mỹ đưa ra các tín hiệu rõ ràng".
Bộ Ngoại giao Nga trước đó cũng khẳng định, việc Mỹ công bố nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine đã làm thay đổi hình thức quan hệ giữa các quốc gia, bộc lộ những rủi ro trong các cuộc trao đổi với phía Mỹ. Nga cũng cảnh báo những hậu quả tiêu cực xuất phát từ quyết định này của Mỹ.
Tổng thống Nga và Mỹ đã tổ chức ít nhất 11 cuộc điện đàm kể từ khi ông Trump lên nhậm chức và hai bên cũng đã có một vài lần gặp gỡ cá nhân, chỉ có sự tham gia của 1 người phiên dịch. Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiện của Tổng thống Trump với ông Putin, cùng với tuyên bố bác bỏ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 đã khiến các cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo này trở thành tâm điểm mới của Đảng Dân chủ. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff tuyên bố, Quốc hội quyết tâm tiếp cận các cuộc điện đàm của ông Trăm với Tổng thống Nga cũng như nhà lãnh đạo thế giới khác, với lo ngại rằng nhà lãnh đạo phe Cộng hòa có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
"Tất nhiên tôi hi vọng có thể sớm biết nội dung các cuộc điện đàm và mục đích ở đây là bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ, xem xét liệu trong các cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là với Tổng thống Nga Putin, ông Donald Trump có làm hủy hoại an ninh quốc gia theo cách nghĩ sẽ làm lợi cho cá nhân ông trong chiến dịch tranh cử hay không. Nếu có bất cứ hành động nhằm che giấu các cuộc điện đàm này chúng tôi sẽ quyết tâm tìm ra".
Hiện chưa rõ làm thế nào Nga có thể ngăn chặn việc tiết lộ thông tin nội dung các cuộc điện đàm nếu Quốc hội Mỹ yêu cầu, mặc dù Nhà Trắng có thể tuyên bố những tài liệu này được bảo vệ theo đặc quyền hành pháp.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi trong tuần qua thông báo khởi động cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Trump, khi cáo buộc ông phản bội lại lời tuyên thệ nhậm chức và an ninh quốc gia, với việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ một quốc gia khác trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Theo thông tin tiết lộ từ cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky vào tháng 7 vừa qua, ông Trump đã đề nghị Tổng thống Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden- một ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Tổng thống Trump hôm 30/9 tiếp tục có chỉ trích nhằm vào những nghị sĩ đang tiến hành cuộc điều tra luận tội chống lại ông, gọi đây là "một sự ô nhục".Trong khi đó, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết, ông sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở một phiên tòa nếu các Hạ nghị sĩ quyết định luận tội Tổng thống Trump.
Cuộc thăm dò mới nhất cũng cho thấy tỉ lệ người dân Mỹ ủng hộ luận tội Tổng thống đang gia tăng trong tuần qua. Khảo sát của Reuters/Ipsos hôm 30/9 cho thấy, 45% người được hỏi tin rằng ông Trump nên bị luận tội liên quan đến vấn đề Ukraine, tăng 8 điểm so với cuộc thăm dò tương tự vào tuần trước. Trong khi đó, 41% số người được hỏi cho rằng Tổng thống không nên bị luận tội và 15% không có câu trả lời./.
Theo Phạm Hà/VOV1 (tổng hợp)
Trump nói về "vụ lừa đảo lớn nhất" trong lịch sử chính trường Mỹ Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng thông điệp video trên trang Twitter cá nhân, trong bối cảnh đảng Dân chủ lại có nỗ lực kế tiếp thúc đẩy thủ tục luận tội bất tín nhiệm ông ta. Nhà lãnh đạo Mỹ gọi những gì đang diễn ra là "vụ lừa đảo lớn nhất" trong lịch sử chính trị Mỹ. Tổng thống Mỹ Trump....