‘Hãy chờ xem’ Trung Quốc trả đũa cho Huawei
Huawei đang hướng tới mục tiêu sản xuất tất cả linh kiện, thiết bị nội địa. Chính phủ Trung Quốc theo đuổi chính sách độc lập về công nghệ vào năm 2025.
Căng thẳng giữa Mỹ và tập đoàn thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc (TQ) Huawei vẫn chưa hạ nhiệt dù Mỹ ngày 20-5 đã có bước đi giảm nhẹ tình hình.
Bước nới lỏng của Mỹ
Ngày 20-5, Bộ Thương mại Mỹ quyết định nới lỏng tạm thời một số hạn chế mà Mỹ đã áp lên Huawei tuần rồi. Theo đó, Mỹ cho phép Huawei mua các sản phẩm từ Mỹ để duy trì hệ thống mạng hoạt động hiện tại và tiếp tục cung cấp, cập nhật phần mềm cho điện thoại di động hiện có của Huawei. Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua các linh kiện và thiết bị phục vụ cho sản xuất sản phẩm mới mà không có giấy phép, mà khả năng được cấp phép cũng không cao.
Mỹ cho rằng các thay đổi ở chuỗi cung cấp của Huawei có thể sẽ gây những hậu quả ngoài ý muốn trước mắt và về lâu dài đến khách hàng của Huawei. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, quyết định này nhằm giảm thiểu hậu quả lên khách hàng của Huawei khắp thế giới, giúp các công ty viễn thông phụ thuộc vào thiết bị của Huawei có thời gian sắp xếp nhằm chấm dứt sự phụ thuộc này.
Nói với hãng tin Reuters, luật sư Kevin Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, cho rằng quyết định của Mỹ không phải là sự thỏa hiệp mà thuộc về quản lý khi mục tiêu của nó nhằm ngăn các hệ thống Internet, máy tính, điện thoại di động khỏi sụp đổ.
Sự đối đầu giữa Mỹ và Huawei đã tích tụ dần dần từ nhiều năm nay. Tình báo Mỹ cáo buộc Huawei được quân đội ủng hộ và thiết bị Huawei là công cụ mà nhà chức trách TQ sử dụng để do thám các nước đối thủ. Chẳng những hạn chế hoạt động của Huawei trong nước, Mỹ trong thời gian qua đã liên tục gây áp lực để các nước đồng minh tẩy chay công nghệ Huawei.
Tuần trước, Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen thương mại, cấm công ty này mua sản phẩm từ các đối tác Mỹ khi chưa được chính phủ Mỹ cho phép. Sau bước đi này, hàng loạt công ty công nghệ Mỹ (Google, Intel, Qualcomm, Xilinx, Broadcom) ngưng hợp tác nhiều hạng mục với Huawei. Ông Trump còn ký sắc lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của các công ty có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. Sắc lệnh không nói rõ nhắm đến doanh nghiệp nào nhưng giới quan sát cho rằng động thái này mở đường cho việc cấm sản phẩm Huawei ở Mỹ.
Chủ tịch luân phiên Huawei Guo Ping (giữa) và dàn lãnh đạo Huawei trong một cuộc họp báo tại trụ sở tập đoàn ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AP
Video đang HOT
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi nói Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của Huawei. Ảnh: GETTY IMAGES
Huawei tự tin đối đầu
Trả lời phỏng vấn đài CCTV ngày 21-5, tỉ phú Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, tuyên bố Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của Huawei. Ông Nhậm khẳng định hoạt động 5G của Huawei “tuyệt đối sẽ không bị ảnh hưởng”. Theo ông Nhậm, về công nghệ 5G thì không bên nào có thể theo kịp Huawei trong 2-3 năm. Ông Nhậm cho biết Huawei đang bàn bạc với “công ty trách nhiệm cao” Google về “lập một kế hoạch đối phó” với các hạn chế của Mỹ. Về việc Mỹ “cấp phép tạm thời” nới lỏng hạn chế cho Huawei, ông Nhậm nói quyết định này “không có nhiều ảnh hưởng” và Huawei đã sẵn sàng đối đầu lệnh cấm của Mỹ.
Dù thực tế khoảng một nửa vi mạch xử lý (chip) sử dụng trong các thiết bị của Huawei được Mỹ cung cấp nhưng ông Nhậm vẫn khẳng định: “Chúng tôi không thể bị cô lập khỏi thế giới”. Và lý do để ông Nhậm tự tin là vì “chúng tôi cũng có thể sản xuất các con chip tương tự như những con chip của Mỹ”. Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị nối mạng lớn nhất toàn cầu và đang hướng tới mục tiêu sản xuất tất cả linh kiện, thiết bị nội địa.
Khi được hỏi liệu Huawei có thể chịu đựng thời gian khó khăn này bao lâu, ông Nhậm tự tin: “Bạn nên hỏi ông Trump câu này, chứ không phải hỏi tôi”.
90 ngày là thời gian của “giấy phép tạm thời” Mỹ gia hạn cho Huawei (đến hết ngày 19-8). Mỹ nói khi giấy phép hết hiệu lực, Mỹ sẽ cân nhắc có nên gia hạn hay không.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Hãy chờ xem!
Truyền thông TQ ngày 21-5 tỏ thái độ hết sức giận dữ về sự việc. Nhân Dân Nhật Báo,cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ,cảnh báo những động thái sai lầm liên tục của Mỹ có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng. Trong cuộc họp báo ngày 20-5, Bộ Ngoại giao TQ đã cảnh cáo “hãy chờ xem” các biện pháp trả đũa mà chính phủ và các công ty TQ có thể thực hiện để đáp trả Mỹ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 20-5, Đại sứ TQ tại Liên minh châu Âu (EU) Dương Minh cho rằng quyết định của Mỹ “có động cơ chính trị” và “lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu”, cáo buộc “chính phủ Mỹ đang cố gắng kéo Huawei xuống thông qua các phương tiện hành chính”.
Ông Dương cảnh cáo rằng TQ sẽ trả đũa “thái độ sai lầm” của Mỹ, rằng “chính phủ TQ sẽ không ngồi yên để mặc cho những quyền lợi hợp pháp của các công ty nước mình bị hủy hoại”. Ông cũng đề nghị Mỹ “không đi xa hơn nữa con đường sai lầm này nhằm tránh gây thêm xáo trộn trong quan hệ Trung-Mỹ”.
Hãng tin CNN dẫn ý kiến phân tích rằng lệnh cấm của Mỹ có thể gây phản ứng dây chuyền không tốt đối với Mỹ khi một số lượng lớn công nghệ của Huawei là mua từ các công ty Mỹ, đặc biệt từ các hãng sản xuất chip cho điện thoại thông minh, máy tính, mạng Internet và các thiết bị điện tử khác.
Danh sách công ty Mỹ cung cấp chip cho Huawei chịu ảnh hưởng nặng nhất có Micron Technologies, Qualcomm, Qorvo, Skyworks Solutions. Các công ty này đều đưa Huawei vào danh sách khách hàng chính của mình trong các báo cáo hằng năm. Ngoài ra còn có các công ty Mỹ khác như Xilinx, Broadcom và Texas Instruments. Các công ty công nghệ Mỹ có thể sẽ phải sa thải thêm người khi hơn 52.000 việc làm công nghệ ở Mỹ liên quan chặt đến xuất khẩu TQ, theo số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp công nghệ máy tính.
Trong khi đó, trên trang Weibo – phiên bản Twitter của TQ, người dân TQ đang kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Apple (Mỹ). Các tài khoản tiếng Trung trên chính Twitter cũng phản ứng theo cách tương tự.
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen
Chính quyền Tổng thống Trump giáng "đòn" vào gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei bằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc ngày 15/5.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/5 cho biết họ đã bổ sung Huawei Technologies Co Ltd và 70 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
(Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết Tổng thống Donald Trump ủng hộ quyết định ngăn các thực thể nước ngoài sử dụng công nghệ của Mỹ theo cách có khả năng làm suy yếu an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Trump trước đó đã ký một sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty được coi là có nguy cơ rủi ro với an ninh quốc gia.
Mặc dù lệnh không nêu tên cụ thể của bất kỳ quốc gia hay công ty nào, các quan chức Mỹ từng gán cho Huawei như một mối đe dọa trên mạng và tích cực vận động các đồng minh không sử dụng thiết bị mạng Huawei trong các mạng 5G thế hệ tiếp theo.
Mặc dù đàm phán Mỹ-Trung kết thúc tuần trước mà không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng, hai bên cũng đã liên tiếp đưa ra các biện pháp trả đũa lẫn nhau, Mỹ vẫn hy vọng các cuộc đàm phán sớm được nối lại.
Phát biểu trong phiên điều trần của tiểu ban Thẩm định Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã mô tả hai ngày hội đàm cấp cao với các quan chức Trung Quốc tại Washington vào tuần trước là có tính xây dựng.
"Tôi mong có thể đến Bắc Kinh vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần để tiếp tục những cuộc thảo luận đó. Vẫn có rất nhiều việc phải làm" - ông nói. Ông không tiết lộ khi nào chuyến đi Trung Quốc có thể diễn ra.
Chính quyền Tổng thống Trump không còn dành cho Trung Quốc nhiều lời hoa mỹ sau một vòng thuế trả đữa nữa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Hôm thứ Ba (14/5), ông Trump phủ nhận các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã sụp đổ và lạc quan về cơ hội của một thỏa thuận, nói rằng ông có mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà ông dự định gặp tại hội nghị G20 ở Nhật Bản vào tháng tới.
Ông Trump cũng kêu gọi Trung Quốc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Hàng hóa nông nghiệp của Mỹ đã nằm trong danh sách áp thuế quan trả đũa. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã hỗ trợ 8,52 tỷ USD trực tiếp cho nông dân như một phần của chương trình viện trợ năm 2018, được thiết kế để bù lỗ từ thuế quan do Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, người phát ngôn của cơ quan này cho biết hôm thứ Tư.
Chính quyền ông Trump cam kết viện trợ tới 12 tỷ USD để giúp bù đắp tổn thất do thuế quan của Trung Quốc.
(Nguồn: Reuters)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Mỹ chờ bắt cả người sáng lập Huawei? Kể từ khi giám đốc tài chính của Huawei, bà Meng Wanzhou, bị bắt ở Canada hồi tháng 12-2018, cả tập đoàn viễn thông Trung Quốc lẫn chính phủ Bắc Kinh đều không có nhiều lựa chọn đáp trả hoặc trả đũa. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei chỉ có thể phủ nhận các cáo buộc từ...