Hạt dưa mất hút, hạt bí, dẻ cười “soán ngôi” thị trường Tết
So với các năm trước, năm nay hạt bí vẫn là lựa chọn của nhiều gia đình vì giá cả phù hợp và đây được coi là hàng Việt Nam “xịn”…
Hạt bí, hạt dẻ cười lên ngôi
So với các năm trước, năm nay hạt bí vẫn là lựa chọn của nhiều gia đình vì giá cả phù hợp và đây được coi là hàng Việt Nam “xịn”. Hiện hạt bí tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội có giá 170 nghìn đồng/kg loại nhỏ, loại nhỡ 180 nghìn đồng/kg, loại to nhất 200 nghìn đồng/kg (tăng từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg so với năm ngoái).
Tuy nhiên, đến thời đểm này sức mua các loại hạt “ nhấm nháp” ngày Tết tại chợ Đồng Xuân đã giảm. Nhân viên tại hàng H.T (chợ Đồng Xuân) chia sẻ: từ đầu tháng Chạp, cửa hàng đã xuất buôn cho các thương lái nên cuối năm chủ yếu là bán lẻ cho khách mua vài cân. Tuy nhiên năm nay khách cũng không nhiều vì giá cả có đắt hơn các năm.
So với các loại hạt, hạt bí sấy được nhiều khách hàng lựa chọn hơn.
Trong khi đó, hướng dương là loại hạt bình dân cũng không hút khách như trước. Thời điểm trước Tết, hạt hướng dương sấy chỉ có giá 45 nghìn đồng/kg nhưng đến những ngày cận Tết, loại hạt này đã tăng thêm 15 nghìn đồng/kg. Hạt hướng dương trắng tẩm gia vị có giá 60 nghìn đồng/kg, hướng dương sống có giá 55 nghìn đồng/kg.
Ngoài hạt hướng dương, thị trường các loại hạt năm nay gần như không có thêm hạt nào mới. Chủ yếu vẫn là các loại hạt sen sấy, hạt điều sấy, hạt bí, hạt dẻ cười, hạt hướng dương, hạt dẻ rừng. Một số loại hạt cao cấp như hạt dẻ cười, hạt điều, hạt sen sấy có giá từ 270 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng tùy từng loại. So với thời điểm trước Tết tăng khoảng 30 nghìn đồng/kg.
Video đang HOT
Chị Hiền – phố Hàng Than, Hà Nội đang băn khoăn tìm mua ít hạt về cắn Tết cho rôm rả nhưng đi cả chợ chị vẫn không biết nên mua loại hạt nào. “Năm nay cái gì cũng đắt, không mua thì không được. Nhà mình có trẻ con nên chắc chỉ mua loại nào mà trẻ dễ ăn như hạt sen, hạt điều. Còn mấy loại hạt phải bóc vỏ thì chỉ mua nửa kg cho có”, chị Hiền nói.
Hạt dẻ cười trong siêu thị BigC thu hút nhiều khách xem
nhưng có giá cao hơn chợ dân sinh vài chục nghìn đồng/kg.
Trong siêu thị BigC, hạt dẻ cười thu hút khá nhiều khách hàng. Tuy nhiên, loại hạt dẻ này có giá 349 nghìn đồng/kg, đắt hơn ngoài chợ khoảng 50 nghìn đồng/kg nên nhiều người tiêu dùng cũng đắn đo “nên mua trong siêu thị cho đảm bảo hay mua ngoài chợ cho rẻ”.
Năm nay, hạt dẻ rừng lại ế ẩm hơn những năm trước. Nếu so với thời điểm sát Tết như năm ngoái, mỗi ngày chị Linh (chợ Đồng Xa, Hà Nội) bán được khoảng 1 tạ/ngày thì đến năm nay giá không tăng cao nhưng cũng chỉ bán được vài chục kg/ngày. Giá hạt dẻ loại to nhất là 60 nghìn đồng/kg, loại nhỡ 55 nghìn đồng, loại nhỏ nhất có giá 35 nghìn đồng/kg. Khách không mặn mà với hạt dẻ rừng vì “tính ra vẫn đắt, khó ăn và không sang nếu bày ra thiết khách, chưa kể là hạt mốc, hạt lép”.
Hạt dưa mất hút
Từ Tết 2010, hạt dưa đã được đưa vào danh sách “hàng cấm” nên đến Tết năm nay thị trường các loại hạt ở Hà Nội vắng hẳn loại hạt có màu đỏ may mắn này. Theo khảo sát của phóng viên, các cửa hàng trong chợ Đồng Xuân đều không có hạt dưa đỏ bán.
Những hàng quán bánh kẹo, đồ mứt ở Hà Nội không còn bóng dáng của hạt dưa đỏ.
Tương tự, tại Phố Hàng Giầy nơi bán nhiều loại kẹo bánh bình dân, cũng không thấy sự xuất hiện của hạt dưa. Khách mua hàng buôn từ phố này thường đưa về ngoại thành bán nên loại kẹo cân, hạt hướng dương khá đắt hàng hơn trong chợ Đồng Xuân.
Ngoài các loại hạt dưa, người tiêu dùng có thể lựa chọn mua các loại ô mai, hoa quả dầm về ăn Tết. Hiện tại những loại ô mai của Hồng Lam đều tăng từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg. Ô mai hàng bình dân bán trong chợ Đồng Xuân cũng tăng từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tết và nỗi lo... tai nạn tại gia đình
Trong những ngày này, hầu hết các gia đình đều chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón tết. Khối lượng công việc nhiều nên không ít người do bất cẩn để xảy ra những tai nạn đáng tiếc...
Những quả bóng bay đẹp đẽ cũng có thể là nguyên nhân gây tai nạn trong dịp tết
Bóng bay cũng có thể gây bỏng
Cách đây ít ngày, khi đi dạo cùng người thân bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, chị N.T.N đang đứng xem chùm bóng đủ sắc màu ven hồ thì bất ngờ bóng nổ và bùng cháy, khiến mặt, cổ và tay chị bị bỏng. Nguyên nhân là do được bơm bằng khí hidro để có thể bay lên, nên khi có áp lực, lại gặp nguồn nhiệt (tàn thuốc, bật lửa...) là có thể nổ và gây cháy, đặc biệt những quả bóng to do được bơm lượng khí nhiều. Do đó, việc các gia đình thường mua những quả bóng quá lớn để trang trí trong nhà vào dịp tết và để gần các nguồn nhiệt như nến, bóng đèn sẽ làm tăng nguy cơ nổ gây tai nạn.
Bên cạnh đó, một số người còn gặp nạn vì những lý do rất... vu vơ. Chị Nguyễn Hồng Thắm ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân kể lại: "Tết năm trước nhà tôi phải đón tết trong bệnh viện. Trước tết một tuần, chồng tôi trong khi trèo thang lau đèn chùm không may bị trượt chân, ngã gãy xương bả vai. Mẹ chồng tôi lo lắng chạy vội ra xem con trai ngã thế nào đá phải chậu nước lau nhà nên trẹo cả chân. Tưởng cái hạn cuối năm chỉ dừng ở đây, ai dè, hai ngày sau con gái tôi khi đang lau cửa kính thì kính bị vỡ, chọc vào tay phải khâu gần chục mũi. Thế là hết tết. Rút kinh nghiệm năm nay gia đình tôi không tự dọn nhà nữa mà thuê một đơn vị chuyên nghiệp làm. Tuy tốn kém nhưng vừa nhanh lại vừa an toàn"...
Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng là đối tượng dễ bị tai nạn trong những ngày giáp tết. Anh Nguyễn Xuân Trung ở phường Đức Giang, quận Long Biên thở dài: "Để chuẩn bị đón tết, cuối tuần trước tôi đã mua đèn nhấp nháy về trang trí quanh phòng khách. Khi cắm điện xong, tôi vào phòng ngủ dọn dẹp được một lát thì thấy cô con gái 6 tuổi của tôi chạy vào mếu máo: "Bố ơi em nghịch đèn bị cháy tay rồi". Tôi chạy ra thì thấy cậu con trai 3 tuổi đang ôm tay khóc ngằn ngặt. Nguyên nhân là do một đoạn dây điện ở đèn trang trí bị hở nên gây rò điện, khi cháu chạm tay vào thì bị bỏng.
Cẩn trọng kẻo mất tết
Theo bác sỹ Trần Thu Hà - Bệnh viện Bạch Mai, trong dịp tết, những loại hạt dẻ, hạt dưa, bí... hoặc đồ chơi có kích cỡ nhỏ...có thể gây tai nạn cho trẻ nhỏ. Khi nuốt phải những hạt này, các em có thể bị tắc đường thở, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, để phòng ngừa tai nạn, phụ huynh phải hết sức cẩn trọng khi cho trẻ ăn các loại trái cây, bánh kẹo, đặc biệt là thạch rau câu. Bên cạnh đó cần chú ý để các đồ vật có nhiệt độ cao như phích nước, nồi đựng thức ăn nóng... cách xa tầm tay của trẻ. Trên thực tế, một số trẻ đã bị bỏng do chạm vào các dụng cụ đựng vàng mã bằng nhôm, inox hay ngã vào nơi đốt vàng mã hoặc đá vào chậu nước sôi...
Tết cũng là dịp trẻ em nhận được nhiều quà, trong đó có những đồ chơi có nguy cơ gây tai nạn cao như súng đồ chơi, phi tiêu... Do vậy, các bậc cha mẹ cần tránh mua đồ chơi có cấu tạo, hình dáng sắc nhọn. Ngoài ra, bóng đèn nhấp nháy, vật trang trí bằng thuỷ tinh... cũng là những vật có thể ảnh hưởng không tốt đến mắt trẻ nên cần hạn chế sử dụng. Bên cạnh đó, khói nhang, nến cũng là nguồn độc chất gây hại cho đường hô hấp, đặc biệt với người già, trẻ em. Do vậy, không nên đốt quá nhiều nhang, nến trong nhà và phải thường xuyên mở cửa sổ cho khói thoát ra ngoài làm loãng nồng độ, giảm thiểu tác hại đến đường hô hấp, tránh bị ngạt thở...
Cũng theo bác sỹ Thu Hà, người xưa có câu: "No ba ngày Tết", nên trong dịp này, gia đình nào cũng chuẩn bị rất nhiều món ăn mới lạ, hấp dẫn. Trong khi đó, cơ thể mỗi người khác nhau, người thì ăn được món này, người thì dị ứng với món kia. Vì thế, mỗi người cần phải lựa chọn những món ăn phù hợp với cơ thể mình, không ăn những thứ lạ với cơ địa, tránh ăn thức ăn nguội, thức ăn bị ôi thiu. Đặc biệt đối với bia rượu, mỗi người hãy tự kiềm chế bản thân, không nên ham vui mà uống quá đà dẫn tới bị ngộ độc, bị tai nạn giao thông trong dịp tết...
Theo PNO
Tiến Thịnh Nhớ hương ô mai thơm nồng. Ngày ấy, được nhâm nhi từng viên ô mai Tiến Thịnh, tôi vẫn thầm nghĩ: sao người ta có thể sáng tạo ra món quà thơm ngon từ những trái cây chua chua, chát chát như vậy nhỉ ? Vị mằn mặn, chua ngọt, mùi thơm dìu dịu của ô mai đã từng đi vào giấc ngủ của cô bé con ngày đó....