Hành trình chinh phục IELTS từ 0 đến 8.0
Ngọc Liên từng bỏ cuộc khi học IELTS để du học năm lớp 12 nhưng sau đó, cô tự luyện, lần lượt chinh phục mốc 6.5 rồi 8.0.
Nguyễn Thị Ngọc Liên, 26 tuổi, hiện dạy IELTS tại Hà Nội và ôn luyện phần viết luận cho đội tuyển của trường THCS Từ Sơn, Bắc Ninh, theo lời mời của cô giáo cũ là hiệu trưởng của trường. Đội tuyển lớp 9 năm ngoái do Liên phụ trách có 4 giải nhì, 2 giải ba và 2 khuyến khích, đứng đầu tỉnh Bắc Ninh. Đội lớp 8 năm nay giành một giải nhất, một giải nhì, một giải ba và 5 khuyến khích.
Liên vốn là dân tự nhiên, học chuyên Toán từ cấp 2 và cấp 3 (chuyên A0 tổng hợp – THPT chuyên KHTN, Đại học quốc gia Hà Nội), sau đó thi đại học khối A (toán, lý, hóa). Trong lần thi IELTS hồi tháng 7/2020, Liên đạt 8.0, trong đó hai kỹ năng Listening và Reading đều 8.5.
Từ góc nhìn của một người xuất phát là dân tự nhiên, Liên mong muốn chia sẻ hành trình từ 0 tới 8.5 Listening IELTS qua hai giai đoạn, 0-6.5 và 6.5-8.5. Cô giáo 9X mong muốn giúp những bạn không có nền tảng tiếng Anh hình dung ra quá trình đạt 6.5 Listening và các bạn có trình độ tiếng Anh tương đối tốt nhưng không phải dân học ngôn ngữ có thể giành 8.5-9.0 Listening.
Liên từng từ bỏ IELTS lần một hồi lớp 12, khi bắt đầu có ý định học để du học, chỉ vì Listening khó. Hồi ấy, cô đăng ký khóa ôn thi tại một trung tâm ở Hà Nội. Mỗi lần file nghe được bật lên, thấy các bạn trong lớp làm nhoay nhoáy, Liên hoang mang. Cô thường không chọn đúng câu nào và cũng không hiểu gì.
Lần thứ 2 quay lại học IELTS là khoảng năm 2017, khi Liên đang năm cuối khoa Kinh tế Đối ngoại, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Thời điểm đó, cô cần bằng IELTS để xin việc.
Ngọc Liên từng là trợ giảng tiếng Anh tại trung tâm, hiện dạy IELTS tại Hà Nội và phụ trách ôn đội tuyển cho trường THCS Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.
Liên bắt đầu làm bài tập nghe trong sách “Grammar for IELTS – Cambridge”. Trong cuốn này, cuối mỗi bài có phần bài tập nghe hoặc đọc mô phỏng đề thi IELTS, nhưng ở cấp độ dễ hơn. Liên không chỉ làm một lần rồi so đáp án mà bật đi bật lại và kết hợp transcipt (bản ghi bằng chữ của bài nghe) để nghe, hiểu từng từ của audio.
Sau đó, tranh thủ những lúc trên xe buýt về quê, trên xe khách đi du lịch, nấu cơm, tắm, Liên đều bật đi bật lại, nghe rất nhiều lần những file đó. Cô còn thường nhại lại theo những audio đã nghe hiểu kỹ càng ở trên.
Video đang HOT
Bên cạnh việc học trong sách, Liên cũng cố gắng tìm một bộ phim Mỹ để tranh thủ lúc giải trí cũng có thể học nghe. Cô chọn phim “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” vì đây là bộ phim yêu thích khi còn bé, nhưng đã quên nội dung. Tới season 4, phim không có phụ đề nên Liên phải tua đi tua lại mới hiểu. Việc này giúp ích rất nhiều cho khả năng nghe hiểu của cô.
Theo Liên, nên nghe đi nghe lại nhiều lần file nghe mà mình đã hiểu rất rõ, nếu đọc theo kịp tốc độ chứng tỏ bạn đã hiểu.
“Bạn nên chọn được một phim bộ hoặc chương trình bằng tiếng Anh yêu thích. Vì hồi đấy thích phim quá nên tôi rất chăm học, thụ động mà hiệu quả”, Liên nói.
Kết quả lần thi đầu tiên, Liên đạt 6.5 Listening và vào làm tại một tập đoàn lớn. Một năm sau, năm 2018, cô thi thêm hai lần nữa, với mục tiêu 8.0, nhưng vẫn ở mức 6.5-7.0. Cô nhìn lại vấn đề của mình, đó là nền tảng tiếng Anh không tốt, không học bài bản từ nhỏ và thấy con đường đạt 8.0 IELTS không dễ như mọi người nói. Liên xác định cần làm gì rồi tập trung ôn thi lại lên 8.0 trong vòng 7 tháng, quyết tâm tối đa hóa điểm nghe.
Áp dụng phương pháp chép chính tả , cô chỉ chép một file nghe dài 3-5 phút mỗi lần. Việc chép chính tả khá tẻ nhạt nhưng Liên cố gắng duy trì vì thấy hiệu quả.
“Thứ nhất, nó làm tôi nhận ra mình nghe kém thật. Thứ 2, tôi phát âm sai nhiều nên không nghe ra những cụm từ rất quen thuộc. Thứ 3, cách này giúp tôi tăng khả năng nghe âm cuối và nối âm rất nhiều”, Liên giải thích.
Bên cạnh việc nghe và chép chính tả, với mục đích nghe để giải trí và nâng cao hiểu biết , Liên tìm video liên quan tới mối quan tâm của mình về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững trên YouTube. Gần như khoảng 3 tuần, tối nào trước khi đi ngủ, Liên cũng xem video 3-4 tiếng.
Liên đưa ra hai lưu ý khi áp dụng phương pháp nghe để giải trí và kết hợp học tập, đó là nghe nội dung gì bạn hứng thú, chỉ cần Anh – Anh hoặc Anh – Mỹ là được.
“Hứng thú bạn sẽ nghe nhiều, nghe nhiều mới tăng khả năng nghe lên được”, Liên giải thích.
Sau thời gian này, Liên nhận thấy khả năng Listening tăng lên rõ rệt, không chỉ thể hiện qua điểm IELTS mà việc nghe-xem các clip tiếng Anh hàng ngày dễ dàng và thú vị hơn rất nhiều.
Nếu nghe không hiểu, bạn hãy dừng lại, bật phụ đề và tra từ, để chế độ tốc độ 0.75, … cố gắng để hiểu cả video đó. Nếu không hiểu, lần sau bạn sẽ không có hứng thú nghe tiếp.
Liên tâm sự, một số bạn có suy nghĩ chưa đúng về IELTS. Với những người có nền tảng tiếng Anh, việc đạt 8.0 có thể không khó nhưng với các bạn bắt đầu từ số 0 như cô, đó quả là hành trình “đau đớn”.
Bài thi IELTS gồm 4 kỹ năng, giống như 4 môn tự nhiên toán, lý, hóa, sinh nên học vất vả và tốn thời gian, cần dồn nhiều sự tập trung đặc biệt trong quá trình ôn tập.
“Nhiều người nghĩ học Listening theo mẹo hoặc gợi ý nhưng tôi nghĩ đúng hơn là cần có kỹ năng, chiến thuật làm bài hợp lý. Tuy nhiên, dù có chiến thuật gì chăng nữa thì khả năng nghe hiểu sẽ quyết định tới 70% và tăng dần khi mục tiêu cao dần”, Liên cho hay.
Ba bước luyện Listening
Sau nhiều lần thi IELTS và đạt 8.5-9.0 Listening, anh Liêu Quốc Sơn khuyên cần nghiên cứu kỹ transcript (kịch bản) để cải thiện phát âm và từ vựng yếu.
Anh Quốc Sơn (29 tuổi, ở TP HCM) hầu như chưa gặp khó khăn nào với kỹ năng Listening. Lần đầu tiên làm đề Listening năm 2014, anh Sơn đã được 7.0 và từ đó điểm kỹ năng này luôn 8.5-9.0. Lần thi IELTS gần nhất hồi tháng 6/2020, anh đạt 8.0, với 8.5 Listening và 9.0 Reading.
Không gặp khó khăn với Listening nhưng kỹ năng này lại trở thành môn khó dạy nhất với một giáo viên tiếng Anh như anh. Có ba lý do khiến người học IELTS không nghe được: Phát âm sai (do nói không đúng nên không nhận ra âm), từ vựng/ngữ pháp yếu và tốc độ nói (không quen nối âm).
Sau gần chục lần thi IELTS, anh Sơn nhận thấy logic ra đề Listening giống Reading, với các bẫy y hệt. Các bạn tầm band (thang điểm) 5.0-6.0 nghe chữ được chữ mất nên hay sa vào bẫy, tầm 4.0 trở xuống gần như không nghe được gì.
Anh Sơn với kết quả thi IELTS 8.0 hồi tháng 6/2020. Ảnh: NVCC .
Theo anh, để luyện kỹ năng nghe, người học có thể tham khảo ba bước sau:
Bước 1 : Khâu chuẩn bị luôn quan trọng nhất. Nếu mới làm đề, bạn cần lấy kịch bản bài nghe ra xem, sau đó bôi đậm và tra tất cả từ vựng lẫn phát âm. Việc này sẽ giúp bạn khắc phục lỗi phát âm sai và từ vựng yếu.
"Từ mới thì dù có nghe 10 lần cũng không hiểu nên chỉ có cách lấy transcript ra xem để học, làm dày vốn từ của mình", anh Sơn khuyên.
Với anh, transcript là người bạn tốt nhất khi luyện nghe, cũng như xem phim phải có phụ đề. Bạn nên chọn tài liệu đúng trình độ. File nghe không có transcript thì không cần làm. Bật file nghe, vừa nghe vừa nhìn transcript, chỗ nào nghe không được thì tua. Bạn có thể nghe nhiều lần, đến khi nào hiểu 100%.
Bước 2 : Với các bạn đang làm đề, hãy cố hết sức, không quan trọng kết quả.
Bước 3 : So sánh đáp án, xem lại các chỗ sai, các bẫy (nếu có). Đọc lại transcript lần nữa để luyện phát âm và tăng khả năng Speaking.
"Nghe lại bài Listening đến khi không nhìn transcript vẫn hiểu 100% chứng tỏ bạn đã tiến bộ, có thêm từ mới, bắt kịp tốc độ bài nghe, từ mới đã được nạp và các phát âm mới đã hiểu", anh Sơn khẳng định.
Với những bạn band 7.0-8.0, muốn nâng điểm, anh Sơn nói có thể bỏ bước 1, dù vẫn khuyến khích làm. Làm chừng 10 test với cách này, người học sẽ thấy thay đổi rõ rệt. "Một số bạn sẽ thắc mắc cách này làm tăng điểm hơn trình độ. Đúng vậy, nhưng nhớ trừ lại 1.0-1.5 sẽ ra điểm thật và đặt chỉ tiêu cao hơn cho các test sau", anh Sơn giải thích.
Theo thầy giáo trẻ, cách hướng dẫn kỹ năng Listening cho học sinh "có vẻ ngược đời" nhưng đã chứng minh hiệu quả khi nhiều học trò đạt 8.0-9.0, thậm chí 9.0 cả Listening và Reading.
Đang dịch Covid-19 thì học kinh tế có việc làm không? Đang có dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế, thì khi học các ngành kinh tế có xin được việc làm không là băn khoăn của nhiều em học sinh. Đặng Thị Như Nguyệt, sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đang có công việc tốt, thu nhập cao, dù chưa tốt nghiệp ĐH - NVCC...