Hạnh phúc bình dị và cao quý
“Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”.
Tôi đã bị thuyết phục sâu sắc bởi câu nói này từ thực tế nhiều năm theo dõi giáo dục, và gần đây nhất là từ những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ trong chương trình “Thay lời tri ân” năm 2020.
Ảnh minh họa
Là chương trình đặc biệt về nhà giáo, “Thay lời tri ân” năm nào cũng có câu chuyện đầy cảm xúc về nghề dạy học. Chọn chủ đề “Hạnh phúc”, chương trình năm nay cho thấy một điều rất rõ ràng, con đường đến với hạnh phúc của người thầy không phải là những điều quá lớn lao, “đao to búa lớn”. Hạnh phúc đến với họ từ việc làm vô cùng gần gũi, bình dị nhưng lại chạm đến trái tim bởi xuất phát từ sự quan tâm và tình yêu thương chân thành.
Nhiều hình ảnh đẹp và xúc động mà ai cũng phải lắng lại, cho cảm nhận thật rõ niềm hạnh phúc giản dị mà cao cả của người thầy: Cái ôm thật chặt của cậu học trò đặc biệt với thầy Hoàng Đức Mạnh, giáo viên Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội); nụ cười của thầy Hoàng Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) khi bám bè chuối vượt lũ để lấy thực phẩm về cho học trò, đồng nghiệp; cái khoát tay dứt khoát của thầy giáo người dân tộc với gương mặt sạm nắng gió cho biết sẵn sàng đóng góp thêm tiền để nấu bữa trưa miễn phí cho học trò; ánh mắt rạng ngời của người thầy ngồi xe lăn khi được quay trở lại trường sau một năm chiến đấu với bệnh tật…
Hạnh phúc của nhà giáo, đôi khi giản dị vô cùng.
Video đang HOT
Đó là không phải nhìn cảnh học trò vì đói mà ngất lịm giữa giờ; được nhìn thấy đủ những gương mặt học trò, không em nào nghỉ học; có bữa cơm đầy đủ hơn cho học sinh nội trú khi cả trường đang bị cô lập bởi nước lũ; là sự thay đổi từng ngày của học trò, mỗi ngày tốt hơn lên, rồi dần trưởng thành, trở thành người có ích; hay được tiếp tục đứng trên bục giảng, hết lòng với nghề dù cơ thể không còn lành lặn… Niềm hạnh phúc đó thực sự lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực, giúp người thầy biến lực cản thành động lực, vượt qua mọi khó khăn khi thực hiện đổi mới.
Toàn ngành Giáo dục vừa trải qua một năm học vô cùng đặc biệt bởi những biến động, xáo trộn lớn do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai gây ra. Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, trong mưa lũ khủng khiếp ở miền Trung, luôn in dấu chân không mỏi của các thầy cô giáo, bằng trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực tuyệt vời đã không chỉ góp phần bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên của mình, mà còn hoàn thành chủ trương của toàn ngành: “Tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Xúc động vô cùng khi trong thời gian giãn cách xã hội, có cô giáo dù đang mang thai, rồi con nhỏ, nhưng vẫn đều đều dậy lúc 5 giờ sáng để đến từng nhà học sinh giao bài, hướng dẫn trò học rồi thu bài về chấm. Thương trò vùng khó chưa có điều kiện học trực tuyến, thầy cô không quản đường núi, đường đèo xa xôi, trắc trở đến tận nhà học sinh hướng dẫn, giao bài tập.
Nhiều thầy cô dù kinh tế gia đình không khá giả, nhưng vẫn lặng lẽ tự sắm thiết bị để dạy học trực tuyến, rồi kiên trì đến từng nhà cài đặt, hướng dẫn trò học trực tuyến… Biến thách thức thành cơ hội phát triển, thầy cô đã kiên trì, tự học, tự trau dồi mỗi ngày để có những giờ học qua Internet, trên truyền hình hiệu quả.
Không chỉ làm nhiệm vụ dạy học, đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học cũng lao vào tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, góp công cùng cả nước chống dịch mà không cần phải được kêu gọi, hô hào…
Dù rất vất vả, khó khăn, nhưng những việc làm đó đều được thầy cô thực hiện bằng tất cả tấm lòng và với niềm hạnh phúc: Hạnh phúc vì được làm việc có ích, hạnh phúc vì được góp sức cùng toàn ngành vượt qua khó khăn, hạnh phúc bởi mình đã thay đổi tốt hơn, và đặc biệt hạnh phúc vì mang lại niềm hạnh phúc cho học trò thân yêu…
Xin một lần nữa nhắc lại câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Khi hạnh phúc, thầy cô sẽ làm việc hiệu quả và cống hiến trọn vẹn nhất. Tin rằng, với tình yêu nghề, cháy hết mình với nghề, mỗi thầy cô sẽ hạnh phúc với con đường mình đã chọn. Để mỗi ngọn lửa hạnh phúc giản dị sẽ bền bỉ thắp sáng tâm hồn các thế hệ học trò mãi mãi về sau.
Thắp lửa nghề bằng lòng tâm huyết và sự say mê sáng tạo
21 năm trong nghề, thầy Hoàng Đức Mạnh luôn tận tâm, không ngừng đổi mới trong dạy học, nắm vững tâm lý học trò, truyền ngọn lửa đam mê học tập môn Lịch sử đến các thế hệ HS.
Thầy Hoàng Đức Mạnh truyền niềm đam mê học đến học trò.
13 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, HS cá biệt của các lớp do thầy Hoàng Đức Mạnh- Tổ phó Tổ KHXH, GV Lịch sử Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chủ nhiệm đều tiến bộ trong rèn luyện và học tập. Đặc biệt, thầy Mạnh đã có sáng kiến thành lập và duy trì Câu lạc bộ "Goodbye game".
Thầy Mạnh cho biết, năm 2014, tôi thành lập CLB "Goodbye game" để tập hợp những HS mải chơi và nghiện game online tham gia, đến nay CLB vẫn tiếp tục được duy trì. Qua hoạt động này, nhiều HS đã thoát được nghiện game, có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện, nhiều em đã đỗ vào các trường đại học.
Không chỉ là một GV chủ nhiệm nhiệt tình, tâm huyết, có phương pháp chủ nhiệm hay, trong nhiều năm qua, thầy Hoàng Đức Mạnh còn tham gia ôn luyện bồi dưỡng đội tuyển HSG Lịch sử của trường, của huyện và đã bồi dưỡng được 121 HS giỏi cấp tỉnh, thành phố trong đó có nhiều giải Nhất.
Thầy Hoàng Đức Mạnh hạnh phúc bên học trò.
Chia sẻ về công tác bồi dưỡng HSG, thầy Mạnh bộc bạch, "vì môn Lịch sử không phải là môn chính, nên khi bồi dưỡng đội tuyển HSG, khó khăn tôi gặp phải chính là sự cản trở từ gia đình HS, cách nhìn nhận của xã hội. Nhưng cũng có thuận lợi là HS yêu quý tôi, vì tôi đã truyền được ngọn lửa đam mê môn học đến cho các em.
Do đó, các em đã nhiệt tình tham gia. Khi bồi dưỡng cho các em, tôi cũng không đặt nặng thành tích, mà luôn động viên HS cố gắng để nếu được vào đội tuyển cấp thành phố các em sẽ được giao lưu với nhiều thầy cô, bạn bè, được cọ sát mở rộng tầm hiểu biết của mình.
Với tôi, thành công của HS chính là động lực lớn nhất để tôi vượt qua tất cả khó khăn gắn bó với nghề. Tôi cũng mong muốn làm sao có thể thu hẹp khoảng cách trình độ giữa thành thị và nông thôn".
Liên tục sáng tạo, không bằng lòng với hiện tại, tích cực tham gia các phong trào thi đua của ngành, nhiều năm liền, thầy Hoàng Đức Mạnh đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; đạt danh hiệu GVDG cấp thành phố; có nhiều SKKN đạt giải A cấp huyện, 4 SKKN xếp loại B, C cấp thành phố; đạt giải Ba cấp thành phố thiết kế bài giảng E - learning lần thứ 4, có sản phẩm lọt vào chung khảo cấp quốc gia.
Năm 2015, thầy giáo Hoàng Đức Mạnh được tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ; 2 lần được công nhận người tốt việc tốt cấp huyện. Năm 2018, được UBND thành phố tặng danh hiệu người tốt, việc tốt; Sở GD&ĐT Hà Nội và Công đoàn ngành giáo dục trao tặng giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm 2019. Năm 2020, thầy được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.
Thầy Hoàng Đức Mạnh chia sẻ: Những danh hiệu và giải thưởng này chính là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn ngày càng hoàn thiện bản thân vững tin cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người", cho nghề dạy học cao quý mà tôi đã lựa chọn.
Không giấu được niềm tự hào khi nói về thầy Hoàng Đức Mạnh, thầy Nguyễn Văn Ban - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: Thầy Mạnh là một GV có năng lực chuyên môn tốt. Trong quá trình công tác tại trường chúng tôi, thầy đã có nhiều đóng góp cho nhà trường.
Thầy chính là một tấm gương sáng về sự tâm huyết và sáng tạo để các GV trẻ trong trường noi theo. Không ngừng nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, sự đam mê sáng tạo và lòng yêu nghề của thầy đã lan tỏa tới tất cả GV trong trường để tập thể GV cùng nhau nỗ lực thi đua đưa trường THCS Lê Thanh ngày càng phát triển xứng đáng với niềm tin của các cấp lãnh đạo, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.
Tân sinh viên 2020: Làm gì để thích nghi trong thế giới đầy biến động? Những câu chuyện truyền cảm hứng được chia sẻ đến các tân sinh viên trong sự kiện Chào tân sinh viên 2020, giúp các bạn vững vàng trong hoàn cảnh nhiều biến động. Mrs. Jen Vuhuong giao lưu với các tân sinh viên. Năm 2020, những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, bên cạnh đó là tình hình thiên tai nghiêm trọng càn...