Hàng trăm trường học ở Nghệ An chưa được học chương trình Tiếng Anh 10 năm
So với các môn học khác, Tiếng Anh là bộ môn được quan tâm và đầu tư khá nhiều. Nhưng, trên thực tế, chất lượng môn Tiếng Anh so với các môn học khác vẫn còn thấp.
Sáng 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông tỉnh Nghệ An.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà
Chất lượng dạy Tiếng Anh chưa đáp ứng nhu cầu
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau gần 10 năm thực hiện Kế hoạch “Dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 – 2020″ hiện toàn tỉnh đã có 394 trường/558 trường có học sinh tiểu học tổ chức dạy ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ 10 năm từ lớp 3, chiếm tỷ lệ 70,6%.
Ở bậc THCS có 329/405 trường và ở bậc THPT có 4 trường triển khai chương trình 10 năm. Số còn lại, đều đang học chương trình ngoại ngữ 7 năm.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù việc dạy và học Tiếng Anh trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực nhưng so với nhiều địa phương khác kết quả đạt được vẫn còn thấp. Như ở bậc tiểu học, hiện các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung Bộ tỷ lệ học sinh học chương trình Tiếng Anh 10 năm đã đạt trên 90% nhưng ở Nghệ An chỉ mới hơn 70%. Toàn tỉnh đang có 7 địa phương chưa dạy Tiếng Anh cho học sinh lớp 1,2. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Tiếng Anh là môn học có kết quả thi thấp nhất với điểm trung bình mới đạt 3,75 điểm/em.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 – Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà
Như tại huyện Kỳ Sơn, hiện ở bậc tiểu học chỉ mới có 8/33 trường tiểu học dạy Tiếng Anh và chủ yếu là ở điểm trường chính, bậc THCS mới có 5/19 trường dạy chương trình 10 năm. Toàn huyện đang thiếu gần 60 giáo viên Tiếng Anh.
Video đang HOT
Ở các địa phương thuận lợi, việc dạy Tiếng Anh cũng đang có những bất cập.
Như tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, hiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Trường đã thí điểm liên kết dạy Tiếng Anh với các trung tâm nhưng theo lãnh đạo nhà trường: Sau một năm liên kết với một trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TP.Vinh để dạy ngoại ngữ cho học sinh nhà trường, gần 100% học sinh tham gia đã viết đơn xin không học với các lý do như: Chương trình dễ, không phù hợp với đối tượng. Việc thay đổi chương trình học chưa hiệu quả. Ngoài ra mức thu 80.000 đồng/buổi/học sinh (khoảng 2 triệu đồng/buổi học) không thích hợp với mọi đối tượng, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà.
Cần sớm tháo gỡ những bất cập
Với những bất cập trên, tại hội nghị nhiều vấn đề cũng đã được đưa ra, đó là công tác phát triển đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai. Trong đó, riêng bậc THPT mới có 31% giáo viên đạt chuẩn. Nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa đầu tư cho thực hiện kế hoạch chưa đáp ứng theo tiến độ thực hiện Kế hoạch, mới đạt gần 55%.
Nhận thức về tầm quan trọng của môn ngoại ngữ ở một số bộ phận cán bộ quản lý ở các đơn vị giáo dục và phụ huynh học sinh chưa cao. Một số bộ phận giáo viên ngoại ngữ và học sinh còn thiếu ý thức trau dồi chuyên môn, học tập nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định: Để thúc đẩy giáo dục toàn diện thì cần phải đẩy mạnh việc dạy stem, Tin học và ngoại ngữ ở các nhà trường.
Riêng tại Nghệ An, trước bối cảnh chất lượng dạy và học ngoại ngữ đang còn thấp đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cố gắng. Muốn vậy, nhiệm vụ trước mắt là cần phải có mô hình dạy ngoại ngữ mới. Trong đó, thầy cô phải là những người đứng đầu để xây dựng môi trường học ngoại ngữ tốt, tạo ra môi trường giao tiếp từ trong nhà trường đến gia đình và toàn xã hội.
Một giờ học ngoại ngữ của học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà.
Hiện, ngành giáo dục Nghệ An cũng đang đẩy mạnh việc mở rộng, liên kết với các tổ chức để đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ tăng cường trong các nhà trường theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả thì cần phải lựa chọn chương trình phù hợp, có kế hoạch tổ chức quản lý phù hợp và phải có cam kết về đầu ra.
Từ nay đến năm 2025, Nghệ An cũng sẽ tiếp tục triển khai mở rộng chương trình ngoại ngữ 10 năm ở các trường tiểu học, THCS và THPT, đảm bảo 100% học sinh đã học chương trình mới ở lớp dưới đủ năng lực được tiếp tục học ở lớp trên.
Mỹ Hà
Theo baonghean
Tạo động lực để học sinh học tiếng Anh
Chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông còn nhiều bất cập, minh chứng rõ nhất là kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, tiếng Anh là một trong hai môn "đội sổ" với gần 70% thí sinh có điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,2 điểm và có trên 700 bài thi bị điểm liệt.
Trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3-12.
Ảnh minh họa
Phát động phong trào học tiếng Anh
Bộ GDĐT vừa phát động phong trào học tiếng Anh trong các nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Ông Trần Trọng Hưng - Phó trưởng Ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia - cho biết: Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch số 957/KH-BGDĐT ngày 18/9/2019 về việc tổ chức phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các địa phương, cơ sở giáo dục sẽ chủ động thực hiện ba mục tiêu chính.
Thứ nhất là xây dựng phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các nhà trường; tạo lập môi trường để cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên phát huy hiệu quả năng lực dạy và học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng. Thứ hai là khuyến khích cán bộ, nhà giáo cùng học tập, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ với học sinh, sinh viên. Thứ ba là khuyến khích giáo viên, học sinh, giảng viên, sinh viên tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ, phục vụ học tập, nhu cầu trao đổi thông tin và công việc.
Ông Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT - cho biết: Mỗi năm, Bộ đều phân tích kết quả thi THPT quốc gia, trong đó có môn tiếng Anh. Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh từ năm 2017 đến 2019, điểm trung bình của thí sinh cả nước đều dưới 5, phần nhiều chỉ 3 đến 3,4. Điều này đã đặt ra yêu cầu về việc phải nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học môn tiếng Anh trong các trường phổ thông.
Hướng tới khả năng giao tiếp tốt tiếng Anh
Bộ GDĐT công bố: Mục tiêu cơ bản của chương trình GDPT môn tiếng Anh là giúp học sinh (HS) hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). HS phổ thông cần đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể là: HS kết thúc cấp tiểu học đạt bậc 1, HS kết thúc cấp THCS đạt bậc 2, HS kết thúc cấp THPT đạt bậc 3.
Nội dung dạy học môn tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm: Hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể) mang tính gợi ý; các năng lực giao tiếp phù hợp với chuẩn năng lực cần đạt; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.
Nội dung dạy học cả về năng lực giao tiếp lẫn kiến thức ngôn ngữ cụ thể: Ở bậc tiểu học cần đảm bảo giúp HS có khả năng "hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể; có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/ bạn bè; có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ". Ở bậc THCS cần đảm bảo giúp HS có khả năng "hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm...); có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày; có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu". Ở bậc THPT cần bảo đảm giúp HS có khả năng "hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí; có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng; có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm; có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình".
Thiết kế môn Tiếng Anh trong chương trình GDPT mới quy định: Ở cấp tiểu học, HS học 4 tiết/ tuần; tổng số tiết học cho 3 khối lớp là 420 tiết. Cấp THCS, HS học 3 tiết/ tuần; tổng số tiết học cho 4 khối lớp là 420 tiết. Cấp THPT, HS học 3 tiết/ tuần; tổng số tiết học cho 3 khối lớp là 315 tiết. Tổng số tiết học của toàn bộ chương trình là 1.155 tiết.
Chuẩn hóa giáo viên
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định ngành đã nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ, song kết quả chưa như mong muốn, phải từng bước hoàn hiện quy trình chuẩn hóa, giáo viên cần tăng cường giao lưu với giáo viên nước ngoài, nâng cao kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.
TS Trần Hương Quỳnh - khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho biết: Hiện chương trình tiếng Anh phổ thông mới đang đi rất đúng hướng, đặc biệt, khi triển khai cần hỗ trợ từ nhiều bên như: giảng viên, chuyên gia, cùng đi sâu vào sự phát triển bộ môn này ở cấp tiểu học.
Quan trọng hơn cả là tạo được động lực cho HS và người học. Khi mỗi HS nhận thấy ngoại ngữ là cần thiết cho việc đi thi, đi làm, giao tiếp hay để biết thêm ngôn ngữ, việc học sẽ dễ dàng hơn và có chất lượng.
Minh Quang
Theo daidoanket
Quán quân Olympia 2019: Chặng đường phía sau vinh quang Vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 đem lại vinh quang, tự hào cho bản thân Trần Thế Trung và gia đình, thầy cô, bạn bè. Nhưng ngôi vị quán quân cũng đặt Thế Trung trước không ít xáo trộn, với nhiều câu hỏi, hoài nghi thậm chí áp đặt về việc du học từ khắp các diễn đàn....