Hàng hóa tại chợ và siêu thị ê hề không lo thiếu, chỉ sợ không có người mua
Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, hàng hóa, thực phẩm, củ quả dồi dào, phong phú, giá cả ổn định nhưng sức mua giảm đi nhiều.
Tại chợ Trần Quốc Hoàn, Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) buổi sáng, từ hàng rau xanh tới hàng cá, lợn, thịt bò, trứng… hàng hóa vẫn đầy ắp, bày kín khắp gian hàng.
Chị Phương (Ba Vì, Hà Nội) kinh doanh rau củ tại chợ tạm Trần Quốc Hoàn cho biết, nhà chị có hơn 5 sào trồng rau các loại. Sáng nào chị cũng cắt rau đem về chợ này bán, ngoài ra còn nhập cho các bếp ăn, cửa hàng.
Nguồn cung hàng hóa tại các chợ rất dồi dào
“Tôi trồng đủ các loại rau củ như bắp cải, su hào, cà rốt, củ cải, hành lá, cải cúc… Sắp tới các loại rau ăn lá như rau dền, rau mồng tơi, rau muống cũng cho thu hoạch. Cứ hết lứa rau này thì lại rồng lứa rau mới”, chị Phương nói.
Đợt này, thời tiết thuận lợi nên rau xanh phát triển tốt, sản lượng cao, bà con lại trồng nhiều nên nguồn rau rất dồi dào.
Hiện giá cả mặt hàng rau củ đã giảm hơn so với cách đây 1 tuần. Cụ thể su hào còn 4.000 đồng/củ, bắp cải 15.000 đồng/kg; cà rốt, củ cải, bí xanh đồng giá 15.000 đồng/kg; rau lang, rau dền, rau mồng tơi 3.000 đồng/mớ, rau cải cúc 4.000 đồng/mớ, cà chua 25.000 đồng/kg.
Lo ngại dịch bệnh nên sức mua tại chợ giảm
“Giờ người dân hạn chế ra chợ nên buôn bán cũng chậm hơn, tôi hầu như là chỉ bán được cho khách quen. Chỉ có ngày 7/3 vừa rồi là cháy hàng vì mọi người mua nhiều nhưng ngay ngày hôm sau thì rau xanh ê hề không ai mua. Rau không bao giờ sợ thiếu chỉ sợ không có người đi chợ mua thôi”, chị Phương nói.
Còn chị Bình, kinh doanh thủy hải sản tại chợ Nghĩa Tân cũng cho hay, các mặt hàng cá nước ngọt hiện rất dồi dào, giá đã giảm hơn so với trước. Chẳng hạn cá tầm có đợt khan hiếm, giá từ 170.000 vọt lên 220.00- 250.000 đồng/kg, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch virus corona, hàng Trung Quốc không nhập về được, còn cá tầm trong nước thì cung không đủ cầu nên giá tăng. Tuy nhiên, hiện nay, cá tầm đã về mức bình thường 180.000-190.000 đồng/kg, cá trắm cắt khúc giá 110.000 đồng/kg, cá lăng 90.000 đồng/kg, cá quả 70.000 đồng/kg, cá diêu hồng 50.000 đồng/kg.
Chị Bình cho biết, nguồn hàng ổn định, người dân không còn tâm lý tích trữ nên không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Thậm chí, thời điểm này người bán phải ngồi ngóng khách tới mua.
Video đang HOT
“Chúng tôi bán lẻ là phụ, còn bán buôn cho các nhà hàng là chính nhưng đợt này hàng quán nghỉ nhiều nên giờ chỉ chờ khách lẻ tới mua”, chị Bình nói.
Còn chị Mai kinh doanh gia cầm tại chợ cho hay, gà ta ngon chị nhập từ Hòa Bình, nguồn cung không thiếu nên khách hàng cứ yên tâm. So với một tuần trước, giá gà đã giảm 10.000 đồng/kg. Cụ thể gà mái từ 120.000 đồng/kg giảm xuống còn 110.000 đồng/kg; gà trống từ 130.000 giảm còn 120.000 đồng/kg.
Tại các quầy hàng thịt lợn, thịt bò cũng tương tự. Hàng hóa ê hề, giá giảm nhưng lại vắng khách mua. Đơn cử thịt ba chỉ hiện chỉ còn 160.000 đồng/kg, thịt mông 140.000 đồng/kg, sườn còn 180.000 dồng/kg.
“Đợt vừa rồi mọi người mua nhiều thịt lợn, chắc đến nay vẫn chưa ăn hết nên thịt lợn ế lắm”, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho hay.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa dồi dào cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác điều hành, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nên không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, việc đổ xô đi mua hàng tích trữ đã giảm mạnh.
Với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top đầu thế giới như gạo, một số nông thủy sản. Bên cạnh đó, chúng ta đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ như đường, sữa, dầu ăn… nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản, năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tại các hệ thống siêu thị đều tăng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định. Đồng thời đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến để phục vụ nhu cầu của người dân khi phòng dịch.
Còn tại các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa về các chợ tương đối dồi dào, tuy nhiên do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh. Trước tình hình sụt giảm, một số tiểu thương cũng đã chuyển sang hình thức bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách.
Theo số liệu từ các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu của cả nước trong năm 2020 về lương thực, ước đạt 26 triệu tấn gạo, trong khi nhu cầu 19-20 triệu tấn, nên dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.
Về mặt hàng thịt gia súc gia cầm, ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm.
Còn mặt hàng rau quả với diện tích rau sản xuất 960 nghìn ha (tương đương năm 2019), sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2019); tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Theo info net
Hàng hóa đầy kệ, nhu cầu mua sắm người dân Hà Nội ổn định trở lại
Khảo sát nhanh ở một số siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội sáng ngày 8/3, nhu cầu mua sắm của người dân đã ổn định trở lại. Các mặt hàng được xếp đầy kệ, lượng người mua sắm không nhiều.
Sau khi TP Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tối ngày 6/3, một bộ phận người dân đã hoang mang, lo sợ. Trong đêm hôm đó, nhiều người đổ tới các hệ thống siêu thị mini còn mở cửa để tranh thủ mua sắm, tích trữ những nhu yếu phẩm cần thiết. Hiện tượng này tiếp tục diễn ra trong buổi sáng ngày 7/3 khiến nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa rơi vào tình trạng quá tải.
Nhằm ổn định tâm lý cho người dân thủ đô, ngay sáng 7/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã kịp thời lên tiếng trấn an dư luận, tạo niềm tin cho nhân dân.
Người dân mua sắm thoải mái tại siêu thị
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 sáng 7/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: "Sự lo lắng cần thể hiện bằng hành động thực tế, bằng cách tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, có trách nhiệm thông báo tình hình sức khỏe cho chính quyền các cấp, không nên hoang mang, lo lắng quá mức. Thành phố cam kết đủ năng lực, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân. Người dân không cần đi mua tích trữ. Nếu mua sắm ở siêu thị mà không thực hiện tốt các biện pháp an toàn lại dễ lây nhiễm".
Sau những phát biểu và chỉ đạo của người đứng đầu hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, tâm lý người dân đã được ổn định trở lại. Theo đó, ngay trong buổi chiều ngày 7/3, hàng hóa đã được cung cấp đầy đủ đến hệ thống các siêu thị lớn, nhỏ tại thủ đô. Tại các cửa hàng tạp hóa, sức mua của người dân cũng ổn định trở lại.
Các mặt hàng thiết yếu được siêu thị bày rất nhiều trên các kệ hàng
Chị Nguyệt (chủ một siêu thị mini tại khu vực Văn Quán, Hà Đông) cho biết sức mua trong buổi sáng 7/3 của người dân tại khu vực tăng đột biến. Tuy nhiên, chị cũng như các nhân viên của cửa hàng cũng liên tục kêu gọi người dân bình tĩnh mua sắm bởi siêu thị cam kết không tăng giá cả hàng hóa và lượng hàng trong kho đủ đáp ứng nhu cầu của mọi người.
Chị chia sẻ, ngay trong buổi chiều 7/3, sức mua của người dân tại khu vực đã trở lại bình thường. Và đến sáng 8/3, chỉ còn lác đác một vài người ghé siêu thị để mua sắm các loại nhu yếu phẩm thiết yếu.
Chị Vân (ở khu đô thị Đại Thanh) chia sẻ trong buổi sáng 7/3, tình hình mua sắm ở khu vực chị sinh sống diễn ra nhộn nhịp. Ở các chợ, cửa hàng tạp hóa và siêu thị luôn trong tình trạng đông đúc, người dân chen chúc mua sắm và chờ thanh toán. Tuy nhiên, ngay trong buổi chiều số lượng người dân đổ đi mua sắm đồ tích trữ đã giảm hẳn và mọi thứ trở lại bình thường.
Chị Hương (sống tại một khu chung cư ở khu vực Linh Đàm) cũng cho biết khu vực chị sống có hiện tượng một số người tranh thủ mua đồ tích trữ trong buổi sáng 7/3. Nhưng đến buổi chiều mọi thứ đã gần trở lại với nếp sinh hoạt hàng ngày. Đến sáng 8/3, giá cả các loại hàng hóa thiết yếu như rau, thịt, cá,... vẫn giữ ổn định như những ngày thường gần đây.
Ông bố này cho biết cùng con mua sắm một vài món đồ thiết yếu phục vụ gia đình
Anh Trung (một cư dân ở chung cư trên đường Lương Thế Vinh) chia sẻ sau một buổi sáng 7/3 người dân tấp nập đổ đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong tòa nhà và khu vực mua hàng tích trữ, ngay trong buổi chiều mọi thứ cũng đã trở lại bình thường. Hàng hóa được các siêu thị cung cấp đầy kệ, sức mua của người dân cũng không nhiều. Trong sáng 8/3, tại chợ dân sinh chỗ anh ở rau, thịt, cá vẫn còn rất nhiều, trong khi lượng người đi chợ rất ít.
Anh Đức, một cai thầu, đang có công trình tại khu vực Hà Đông cho biết trong sáng 7/3, anh bất ngờ với giá cả các mặt hàng như thịt, cá, trứng tăng vọt tại các chợ dân sinh khu vực anh ở. Thịt lợn có thời điểm được các tiểu thương tăng lên tới 250.000đ/kg, thậm chí không có nhiều để mua.
Tuy nhiên, đến sáng 8/3, giá cả các mặt hàng này đã trở lại bình thường. Thịt ba chỉ được anh mua chỉ còn 140.000đ/kg, trứng vịt giá 25.000đ/chục, rau mùng tơi 7.000đ/bó, cải bắp 15.000đ/kg,... Anh cho biết hôm nay đi chợ các mặt hàng tươi sống vẫn còn rất nhiều, trong khi lượng người đi mua sắm chỉ bằng nửa so với sáng 7/3.
Tại một siêu thị lớn ở Chúc Sơn buổi sáng ngày 8/3, hàng hóa được các nhân viên xếp đầy trên các kệ, trong khi lượng người dân mua sắm tại đây không nhiều.
Một nhân viên bán hàng cho biết không khí mua sắm sáng ngày 7/3 thậm chí còn tấp nập hơn dịp Tết nguyên đán vừa qua. Các quầy thanh toán phải hoạt động liên tục để tránh để người dân chờ đợi. Sức mua của người dân từ buổi chiều 7/3 đã giảm nhiệt và đến sáng 8/3 thì số lượng khách đã trở lại bình thường.
Chị Lan (một khách hàng mua sắm tại siêu thị) chia sẻ khi biết Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, ban đầu chị cùng các thành viên trong gia đình cũng có những lo lắng. Tuy nhiên, sau khi những thông tin về việc Hà Nội sẽ đảm bảo thực phẩm và nhu yếu phẩm cho toàn bộ người dân được đăng tải, chị cũng như các thành viên trong gia đình đã không còn tâm lý hoang mang.
Người dân không còn phải xếp hàng chờ thanh toán
Trong buổi đi siêu thị sáng 8/3 chị cũng chỉ mua vài món đồ thiết yếu về phục vụ gia đình và ít hoa quả để thắp hương rằm. Trong khi đó, bố con anh Hưng ghé siêu thị cũng chỉ mua vài món đồ chơi và ít bánh kẹo.
Anh cho biết mọi sinh hoạt trong gia đình mình không có sự thay đổi khi TP Hà Nội công bố những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Anh cũng tin rằng lãnh đạo TP Hà Nội và ngành Y tế sẽ làm tốt công tác kiểm soát dịch bởi trước đó chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc điều trị thành công cho 16 ca nhiễm bệnh.
Theo Dân Việt
Hà Nội: Siêu thị đầy ắp hàng hoá, người dân tha hồ lựa chọn Theo ghi nhận tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, hiện không còn cảnh "cháy" hàng nhu yếu phẩm. Các mặt hàng như thịt lợn, rau... được xếp đầy ắp trên kệ, người dân tha hồ lựa chọn. Hà Nội: Nhiều siêu thị lớn đầy ắp hàng hoá, người dân thoả sức mua sắm Sau khi Hà Nội công...